Cây bút trẻ Tần Khánh
Bến xe thành phố Cao Lãnh sáng cuối tuần một ngày giữa tháng tư, nóng. Nóng như những giọt nước mắt lăn dài trên má của người mẹ tần tảo tiễn thằng con trai cưng đi học xa nhà, nóng như ngấn lệ chực trào trên khóe mắt của cô gái trẻ phải xa cha xa mẹ theo chồng đi làm ăn nơi đất khách quê người. Nắng nóng trên đầu và nôn nóng trong lòng làm đôi chân lữ khách chùng hẳn lại, nửa muốn bước đến phòng vé để kịp giờ xe chạy, nửa muốn quay lại ôm chầm lấy người đứng tiễn một cái, rồi cất sâu vào lòng để dành những lúc nhớ đem ra xem. “Về đâu em trai…? Về Sài Gòn hả chị gái…? Mua giùm con chục nem để về làm quà cho người thân đi cô. Mua tờ vé số đi chú…” Những tiếng mời chào thánh thót cao vút có, trầm đục có, giọng trẻ trung có, giọng lớn tuổi cũng có. Nhưng tất cả những tiếng vọng ấy, không xen nổi vào tiếng lòng đang thổn thức của kẻ xa quê người đứng tiễn. Đối với họ, và đối với cả tôi, trong lòng bây giờ chỉ có những lời dặn dò, những cái bắt tay, những cái ôm và cả những giọt nước mắt được giấu vụng về dưới nụ cười gượng. Anh chở tôi đến tận bậc tam cấp để vào phòng vé, tôi bước xuống, tháo nón bảo hiểm treo lại trên xe, đưa tay đỡ lấy cái balo anh vừa nhấc khỏi xe, anh nở nụ cười mộc mạc đặc trưng của người dân Tây Nam bộ, dặn câu gọn lỏn “Về tới nhắn anh biết”. Tôi gật đầu mỉm cười, anh vỗ vỗ vào vai tôi, tự tôi ngầm hiểu đó là lời dặn về cẩn thận, ráng làm việc. Anh là thế, vẫn thường lầm lầm lì lì như cục đất, ít nói mà cũng có thể gọi là kiệm lời, chẳng phải anh khó tính hay không biết cách nói chuyện, anh nói chuyện rất có duyên là đằng khác, nhưng cái bản tính hiền hậu, suốt ngày quen với ruộng đồng, ít thể hiện tình cảm qua lời nói mà bằng hành động nên chỉ có nụ cười là lúc nào cũng xuất hiện trên môi với hàm răng trắng đều như bắp. Tôi quay lưng bước vào phòng vé, anh nổ máy cho xe chạy ra cổng, tôi ngoái đầu lại bất chợt thấy anh cũng ngoái đầu nhìn vô. Tôi vẫy tay chào, anh cười đáp lại, nụ cười mờ dần dưới ánh nắng tháng tư.
Ngày ấy, vừa tốt nghiệp đại học. Những đứa bạn cùng lớp lao vào kiếm việc liền, còn tôi thì đủng đỉnh lắm, chẳng phải tôi thuộc dạng con ông cháu cha, nhà cũng chẳng giàu, kết quả tốt nghiệp chẳng phải loại xuất sắc, tôi chưa vội kiếm việc làm vì còn đang ấp ủ cái khao khát được đi hết 13 tỉnh, à không 12 tỉnh của vùng đất Tây Nam bộ (quên, tôi dân Bến Tre mà, đâu cần đi thêm Bến Tre chi nữa). Ngày có quyết định tốt nghiệp chính thức cũng là ngày mà tôi sửa soạn đồ đạc cho cuộc du ngoạn của bản thân. Hôm qua mới tưng bừng tung nón cử nhân, nở một nụ cười thật tươi cảm ơn bạn bè, anh chị em đến chúc mừng lễ tốt nghiệp thì hôm nay tôi đã một mình, một ngựa (chiếc Wave RSX cà tàng của tôi ấy), một balo và một cây guitar nhằm hướng Tây Nam bộ thẳng tiến. Mỗi vùng đất mà tôi qua, từng tỉnh thành mà tôi đặt chân đến, đều để lại những kỉ niệm khó quên.
“Nhắn ai về, vùng đất sen hồng. Làng hoa Sa Đéc, ngát hương đón chào mùa xuân. Về đây cùng ngắm sen Tháp Mười. Lai Vung muôn đời vang tiếng lò nem. Về thăm Cao Lãnh, Tam Nông. Đồng Tháp rạng ngời dâng đời hương hoa”. Cao Lãnh đón tôi với vẻ đẹp của một thành phố đang trong quá trình phát triển. Vẫn còn đó những vườn cây ăn trái xanh mượt mà, những ngôi nhà gỗ thấp thoáng giữa vườn xoài trĩu quả với khoảng sân trước nhà là cả vườn hoa đủ sắc, đủ màu, đủ loại,… xen cạnh những trung tâm thương mại, những ngôi nhà cao tầng chạm trỗ công phu, vẫn còn những con kênh lục bình nở đầy hoa tím và chạy song song phía trên là đại lộ với 6 làn xe. Cao Lãnh đưa tôi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác, vừa là thành phố nhưng cũng giống dưới quê.
Quán café Phố Cổ chiều nay hơi vắng khách, chắc do hôm nay không phải là ngày cuối tuần nên buổi chiều không có nhiều người rảnh rỗi nhâm nhi café như tôi. Thích Phố Cổ ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy quán, quán có một khu vực được xây ven con kênh, có từng đám lục bình nở đầy hoa tím trôi bồng bềnh. Có thể nhiều người sẽ không thích ngồi ở những bàn gần mé kênh lắm, vì ngồi ở đây lâu lâu bạn sẽ được tặng kèm một món quà hết sức dân dã và đặc trưng của vùng Tây Nam bộ, từng con gió nhè nhẹ thổi từ dưới kênh lên, mang theo mùi bùn non ngai ngái, cái mùi mà những đứa sinh viên xa nhà như tôi nhớ da nhớ diết và thấy thơm đến lạ mỗi khi được về nhà. Rong ruổi trên đường phố cả ngày, chiều nay tôi ghé Phố Cổ. Ghé để thưởng thức vị café đắng, ghé để được nghe những làn điệu dân ca ngọt ngào, những bản nhạc trữ tình bất hủ, và ghé để ngửi được mùi quê, mùi mà chỉ riêng vùng đất Tây Nam bộ mới có.
“Tôi quen biết anh giữa một đêm thật tình cờ. Sân ga vắng thưa người và ngoài kia vẫn mưa rơi. Tình chưa thành lời vì còn ngại tình gian dối. Rồi ta đã quen nhau và cho nhau phút hẹn hò…” . Tôi đang mải mê lướt từng ngón tay trên dây đàn theo giai điệu bài hát mà quán đang mở, thì chợt nghe bàn bên cạnh có tiếng ai đó cũng hát theo lời bài hát của quán đang phát. Giọng hát trầm, ấm, không điêu luyện trong luyến láy nhưng bắt nhịp tốt. Cái sở thích uống café đen đá không đường và chọn những quán có mở nhạc trữ tình đã ngấm sâu vào máu tôi từ lúc nào tôi cũng không nhớ rõ, hôm nay lại vô tình bắt gặp một anh chàng cũng còn khá trẻ lại có cùng sở thích thì còn gì bằng. Khi những nốt cuối anh chàng còn chưa ngân hết tôi buộc miệng khen hay làm anh giật mình một cái rất rõ. Trông anh bối rối ra mặt, tôi thấy mình cũng hơi kì cục khi tự nhiên đi khen một người lạ huơ lạ hoắc, đôi bên bị đơ mất mấy giây, các giác quan và cả thời gian như chẳng thèm động đậy một xíu nào cả. Sau cùng để đỡ ngượng và để kéo bản thân về hiện tại, tôi một lần nữa lại khen anh, lần này anh không giật mình nữa mà có vẻ hơi ngượng ngùng. Tôi bắt chuyện và mời anh qua bàn ngồi cùng nói chuyện cho vui, sau cái giây phút ngạc nhiên vì tự trên trời rơi xuống cái thằng cha lạ hoắc rồi khen mình, anh cũng tự nhiên hơn, qua ngồi cùng bàn với tôi sau cái nụ cười khoe hàm răng trắng đều như bắp. Tôi quen anh bạn lớn hơn mình hai tuổi trong cái dịp tình cờ như thế đấy.
Trần Gia Khánh, 24 tuổi, nhà ở Tháp Mười, lên Cao Lãnh học Y sĩ đa khoa tại trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp, hiền, ít nói, rất mê nhạc trữ tình và vọng cổ, hay ra quán Phố Cổ ngồi nhâm nhi café đen đá để được nghe nhạc và thả hồn theo mây trời. Sơ yếu lý lịch trích ngang của anh là thế. Anh với tôi trao đổi vài câu vu vơ rồi nhìn nước nhìn trời, lại nói với nhau vài câu rồi thả hồn theo gió ngắm mây bay. Không phải bất lịch sự đến mức mời người ta qua ngồi rồi lại không nói chuyện, chỉ là qua vài câu trao đổi, mới biết được anh cũng có sở thích giống tôi, café – nghe nhạc trữ tình – im lặng ngắm cảnh, ngắm người, thả hồn cho nó bay đi đâu thì kệ nó. Chiều Cao Lãnh không quá ồn ào như những thành phố khác trong khu vực, nhưng cũng không quá tĩnh lặng để nhuốm màu buồn vào lòng du khách. Cao Lãnh có nét riêng của nó để níu chân người. Chia tay nhau sau khi ly café của hai đứa đã cạn, anh hỏi xuống Cao Lãnh làm gì, và hứa sẽ làm hướng dẫn viên không tính công khi biết tôi xuống Cao Lãnh để đi chơi. Lưu lại số điện thoại anh vừa đưa, mỉm cười chào anh, anh vỗ vỗ lên vai tôi rồi cho xe nổ máy, tôi cũng nổ máy xe vừa chạy vừa suy nghĩ miên man, thấy quyết định đi du lịch 12 tỉnh miền Tây Nam bộ là quyết định đúng đắn, mỗi vùng đất mà tôi qua là vô vàn điều mới mẻ tôi được học hỏi, là những người dân hiền hòa, hiếu khách, thương tôi như thương con cháu trong nhà, là những người bạn mới quen, là những kỉ niệm không thể nào phai.
Hẹn tôi vào một ngày cuối tuần nắng đẹp, anh giới thiệu những địa điểm độc đáo của Cao Lãnh bằng cái cách của người kiệm lời, cũng thú vị đó chứ, bản thân mình muốn biết thêm gì thì phải trực tiếp hỏi anh, chứ anh không thao thao bất tuyệt như người khác. Về Cao Lãnh, tôi được viếng thăm lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tận hưởng cái hoang dã và ồn ào của Vườn Quốc gia Tràm Chim khi chiều buông, thấy được lịch sử hào hùng của người dân Nam Kì lục tỉnh nói chung khi đến thăm Khu căn cứ địa cách mạng Xẻo Quýt, dạo quanh hồ Khổng Tử trong công viên Văn Miếu uống nước mía, viếng chùa Hòa Long để thấy lòng thanh tịnh trong dòng đời hối hả,…
Thấm thoát cũng hai năm từ lần chia tay ấy, giờ muốn về lại Cao Lãnh cũng không còn được tự do như trước. Giờ đã đi làm, quỹ thời gian rảnh rỗi không còn đủ để tung hoành ngang dọc như xưa. Anh vẫn hay gọi rủ về Cao Lãnh chơi, lời hứa còn bỏ ngõ vì chưa có dịp. Chuyến công tác lần này đưa đẩy làm sao mà tôi lại về Cao Lãnh. Cao Lãnh bây giờ phát triển hơn trước, nhưng vẫn còn mộc mạc và bình dị như quê. Phố Cổ chiều nay lại mở nhạc trữ tình, những giai điệu da diết ấy nhắc tôi nhớ về khoảng thời gian đã qua nhưng kỉ niệm vẫn còn đọng lại mãi. Thấy tôi, anh nở nụ cười tươi tắn như ngày nào, tay siết tay nhau thật chặt thay cho lời mừng gặp mặt. Anh vẫn vậy, nước da màu bánh mật, hàm răng trắng đều, ít nói nhưng nụ cười hiền, mộc mạc luôn nở trên môi. Tôi vẫn hay ghẹo anh, bác sĩ mà đẹp trai thế này, cười duyên thế này, không cần khám bệnh nhân cũng hết bệnh. Anh cũng chỉ cười.
Cao Lãnh khiến người ta dễ đến nhưng khó để đi. Ngồi chờ xe lăn bánh, tôi nhớ về Cao Lãnh của hai năm trước và so sánh với Cao Lãnh của bây giờ. Dù Cao Lãnh đẹp hơn, hiện đại hơn, dân cư cũng đông đúc và phát triển hơn nhưng tình người Cao Lãnh vẫn thế, vẫn mộc mạc, vẫn mến khách và bình dị. Tôi mến Cao Lãnh cũng vì những điều trên, nhưng tôi thương Cao Lãnh vì ở đó, tôi có người bạn dù chưa thể so sánh với tình bạn của Bá Nha – Tử Kỳ, nhưng tình bạn ấy cho tôi nhiều kỉ niệm đẹp về Cao Lãnh, kỉ niệm những lần ở Phố Cổ suy tư theo từng điệu nhạc lời ca, kỉ niệm về những buổi tối lê la Chợ Đêm Cao Lãnh, kỉ niệm về những lần kẻ hát người đàn cạnh hồ Khổng Tử,… Đi rồi sẽ nhớ lắm Cao Lãnh à, sẽ còn thương hoài, thương mãi. Cao Lãnh ơi!!!
T.K
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét