1. Hát ru trong đời sống xưa.
Khi xưa, hát ru có một vị trí rất quan trọng trong đời sống của nhân dân cũng như sự hình thành nhân cách cho con người từ thơ ấu. Những đứa bé cứ bình dị lớn lên theo những câu hát ru à ơi của bà, của mẹ. Hát ru là hình thức ngâm nga, phổ nhạc cho những bài ca dao. Mà ca dao chính là cái hồn, cái cốt của dân tộc Việt, đã cùng đồng hành với dân tộc Việt ngay từ buổi sơ khai. Ngay từ thuở trong nôi, đứa bé đã được truyền dạy nhẹ nhàng, tình cảm về cách sống, cách làm người qua những câu hát ru mượt mà, đằm thắm, tha thiết yêu thương: “À… á… à… ời! À… á… à… ơi!...”. Và cứ thế, ngày một, ngày hai em bé quen dần và lớn lên qua câu hát. Tình đời, tình người cứ thấm dần vào huyết mạch. Hát ru – chuyển tải thông điệp trong ca dao – dạy con người biết yêu thương gắn bó, biết trọng tình nghĩa, thủy chung son sắt, biết nhận xét đúng sai…
Đó là những bài học làm người không hề mang tính chất gò bó, khuôn phép, nó góp phần hình thành nhân cách con người, nhẹ nhàng nhưng kiên cố:
Từ tình cảm đối với mẹ cha:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Đến tình cảm anh, chị em ruột thịt:
“Anh em như thể chân tay,
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”
Hay: “Chị em như chuối nhiều tàu
Lá lành đùm lá rách, chớ nói nhau nặng lời”.
Rồi cả tình cảm vợ chồng thủy chung son sắt cũng được thể hiện cả trong ca dao và đi vào hát ru:
“Một thuyền, một bến, một dây
Ngọt bùi ta hưởng, đắng cay ta chịu cùng”.
Rồi cả những lời dạy về cách đối nhân xử thế, cách quan hệ ứng xử cũng đều được thể hiện đầy đủ trong ca dao. Thế mới biết đời sống tình cảm của người xưa phong phú lắm. Ca dao được viết bằng thể lục bát – vốn đã mang cái hồn của dân tộc Việt – vốn đã dễ thuộc, dễ nhớ, khi được chuyển thể qua hát ru lại càng dễ dàng thấm vào tâm hồn người nghe. Người xưa hát ru nhiều lắm. Không chỉ hát ru em bé mà còn hát ru đời, hát ru mình. Không chỉ để dạy con em về nhân nghĩa, thiệt hơn (Dù xây chín đợt phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người) mà còn để bày tỏ tâm tư tình cảm của bản thân (Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi); cũng có khi để cười đùa cho khuây khỏa (Cưới nàng anh toan dẫn voi/ Nhưng sợ quốc cấm nên voi không bàn/ Dẫn trâu sợ họ máu hàn/ Dẫn bò sợ họ nhà nàng co gân/ Miễn là có thú bốn chân/ Dẫn con chuột béo mời dân mời làng/…); để trách móc, giận hờn (Trách người quân tử vô tình/ Có gương mà để bên mình biếng soi);… Chính bởi vậy, trong đời sống xưa, hát ru xuất hiện rất phổ biến.
2. Hát ru trong dòng chảy hiện đại.
Tôi sinh ra ở một làng quê, ngày còn nhỏ vẫn thường nghe những câu hát ru (của bà, của mẹ, của cô và của cả người hàng xóm ru con,…), lớn hơn lại thường ru em bằng những câu hát ấy. Nhưng đó là những năm chín mươi của thế kỉ 20. Thời gian dần trôi đi. Tôi lớn lên và lo cho cuộc sống mưu sinh của mình trên miền quê hương mới. Rồi sinh con. Tôi vẫn nhớ những câu hát xưa và ru con bằng những lời ru ấy: nhẹ nhàng, đằm thắm. Thằng bé có vẻ thích lắm. Nó quen dần, những lúc không ru, thằng bé không chịu ngủ. Rồi nó thuộc những câu hát đó lúc nào không hay. Đôi khi nó tự ngâm nga: “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Tuổi con, chưa đủ lớn để hiểu câu hát đó, nhưng nó sẽ thấm dần trong tâm hồn khi con lớn lên. Tôi tin vậy.
Tuy liền một dải, nhưng mỗi vùng miền trên đất nước ta lại có những phong tục khác nhau. Hát ru cũng vậy, mỗi vùng mỗi khác. Có lẽ chính vì vậy mà khi nghe tôi hát ru, những người hàng xóm thường buồn cười và họ cười. Nhất là những bạn trẻ. Tôi tự lí giải như vậy, bởi tôi quê gốc Bắc, Quy Nhơn là quê hương thứ hai.
Nhưng sự thực chắc không phải vậy. Năm ngoái, đưa con về thăm quê ngoại – một vùng quê yên ả mà từ bao lớp người trước cho đến bao người lứa tuổi chúng tôi đều lớn lên theo những câu hát ru – tôi mới vỡ lẽ trong nỗi bất ngờ, xen lẫn tiếc nuối. Chuyện là buổi trưa, khi cho con đi ngủ, như thường lệ, tôi lại hát ru con. Đang trầm bổng ngâm nga: “À... á… à… ời! À… á… à… ơi/ Chim trời ai dễ đếm lông/ Nuôi con ai lỡ…” thì cậu em nói: “Chị để lặng yên cho nó ngủ, cứ ru vớ ru vẩn!” Tôi thực sự bất ngờ với lời nhận xét đó. Câu ca có nghĩa như vậy mà bị coi là vớ vẩn sao!? Tôi thôi, không muốn nói gì, ngẩn ngơ buồn, ngẩn ngơ tiếc. Tôi bắt đầu để ý tới đời sống hát ru quê mình. Đúng là thời gian đi cứ đi, mang theo nhiều thứ của ngày hôm qua nhưng cũng có thứ nó bỏ lại làm kỉ niệm cho kí ức. Có lẽ một trong những thứ đó là ca dao, dân ca, là những câu hát ru ngọt ngào. Có chăng, thời gian chỉ mang theo một chút gì đó ít ỏi làm quà cho hiện tại. Nhưng xem ra món quà này cũng chẳng mặn mà gì đối với xã hội hiện đại. Tôi chẳng nói vu vơ. Bởi chúng ta cứ để ý mà xem, ngày nay ít ai hát ru con bằng những bài ca dao xưa nữa. Hát ru cũng là ru nhạc trẻ, mà chẳng ru, công nghệ hiện đại, có máy ru rồi. Về quê, thảng hoặc tôi mới nghe thấy có tiếng ru em ngủ. Nhưng chẳng mặn nồng, một đôi câu rồi thôi.
Trở lại quê hương thứ hai. Có khi tôi vui mừng, thích thú khi được nghe đâu đó tiếng ru “Ầu ơi, ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi…”. Nhưng dường như ở đâu cũng vậy, hát ru thưa dần. Hát ru trong dòng chảy hiện đại ngày nay bị dòng nhạc thị trường chen lấn, xua vào một góc làng quê nào đó mà run rẩy, tội nghiệp. Không phải không còn người thuộc ca dao mà không hát ru được. Nhiều người vẫn thuộc, vẫn thích nhưng lại sợ không còn hợp thời. Người ta gọi thời nay là thời @ mà. Cái gì cũng hiện đại, đến cả bài hát ru em cũng hiện đại. Chỉ cần lên mạng là tìm được tất tần tật những bài hát mình thích rồi. Tôi nói như vậy không phải nhằm kì thị sự hiện đại, hiện đại tốt chứ. Nhưng tôi muốn nói, khi hiện đại rồi, mấy ai còn đủ hứng thú ngồi hát ru con bằng những câu ca dao xưa!? Rồi những kênh truyền hình giải trí, bói cũng không ra chương trình giải trí nào có hát ru. Toàn những bài hát trẻ, thật trẻ; những vũ đạo sôi động, những trang phục có khi làm “bỏng mắt” người xem. Đấy, những cái đó lại dễ dàng đi vào tầm thưởng thức của không ít người đương đại khiến cho hát ru vốn đã bị lãng quên nay lại càng trở nên mờ nhạt. Chẳng trách, khi đứng lớp giảng dạy (tôi là giáo viên dạy văn), tôi hay vận dụng ca dao, tục ngữ vào những tình huống trên lớp để khuyên bảo, để nhắc nhở, học sinh cứ ngơ ngác. Ca dao thân thuộc với người xưa nhưng lại mới lạ với người nay thì phải. Nhiều câu ca đọc lên, các em nói chưa từng nghe. Cũng có nhiều em biết, thuộc nhưng lại không vận dụng bởi theo các em thì “nó” “sến”, không phù hợp với ngày nay – nhịp sống sôi động. Tôi chẳng còn bất ngờ nhưng thấy xao lòng bởi vốn văn hóa một thời hát ru hồn dân tộc nay lại co cụm lại, yếu ớt, bơ vơ trong dòng chảy hiện đại.
Y.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét