Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học
Chưa ai chăm chút ban công của căn hộ sang trọng mới tậu như Khẩn. Ban công rộng gần bốn mươi mét vuông của anh được đặt đủ các loại cây hoa quý hiếm liệt vào hàng yến oanh như hồng leo Bun-ga-ri, phong lữ thảo, sử quân tử, mai địa thảo rồi đủ các loài lan phong thủy mà chỉ các bậc vương giả mới tầm. Nghe đâu Khẩn thuê cả kỹ sư trả công hậu hĩnh để chăm cây. Có nói anh sùng bái cây cũng chẳng sai, bởi tôi thấy anh lúc nào cũng có vẻ lao tâm khổ tứ. Quân sĩ cấp dưới anh có thể mắng mỏ thậm tệ nhưng khi về nhà sờ đến cây là người nhũn nhặn, nói chẳng dám to, nâng niu từng vạt lá, cọng hoa.
Tôi với bố Khẩn xưa cùng công tác ở lâm trường Q., chịu chung biết bao khổ sở, món thường ăn là cơm độn khoai. Tôi rất nể tính khiêm nhu của bạn, nhà nghèo nhưng bao giờ cũng ân cần có trước có sau. Ông ấy mất khi Khẩn đang làm ăn phát đạt, lúc đó tôi vừa nghỉ hưu, trở về thành phố. Nghe ông bạn nói có hai con, một công tác tận miền Trung, còn Khẩn rong ruổi nay đây mai đó, rồi công tác ở hạt kiểm lâm một tỉnh xa lắc. Cách đây tám năm Khẩn xin ra khỏi ngành, chung vốn xây công trình thủy điện vừa với hai ông đại gia. Nghe đâu cánh của Khẩn khai thác gỗ lấn quá diện tích được cấp phép, bị nhắc nhở. Riêng chuyện mở đường lên, cây rừng đổ rạp, tiền bán gỗ cũng đủ đầu tư một phần ba công trình nhà máy. Nhờ thủ thuật khéo léo, anh ta chẳng hề hấn gì. Từ đó việc xây dựng thuận buồm xuôi gió. Công trình hoàn thành, dòng nước bị chặn đã chảy ra tiền. Kinh tế của Khẩn lên như diều.
Biết tôi là kỹ sư nông nghiệp, từng công tác với thân phụ, nên thi thoảng Khẩn đến chơi. Là người nhạy bén thị trường, ngoài làm thủy điện Khẩn còn buôn gỗ. Anh “đậu” ở thành phố, ngồi chỉ đạo cấp dưới, thi thoảng mới thị sát thực tế. Trước khi tậu căn hộ sang, Khẩn đã kịp sở hữu hai ngôi nhà mặt phố, đang cho thuê giá tính bằng “đô”. Gần đây Khẩn đến tôi, nói: “Cháu thuê người ta cây cảnh, chẳng đáng là bao nhưng được thưởng thức đủ các loại hoa, cây cảnh đẹp ở trên một cái ban công rất ưng ý. Chậu nào tàn hay mã giảm, cháu vứt, thay luôn cây xịn hơn. Ấy thế rồi cháu thấy chán. Cháu nên phải tự tay trồng và chăm sóc, bác nhể”.
Tôi ủng hộ ý tưởng tự trồng cây của Khẩn. Dù sao với một ông sếp, đó cũng là việc cần thiết giúp ông ta hiểu hơn việc để tạo ra màu xanh và vẻ đẹp nó phải thế nào. Từ hôm đó Khẩn hì hụi chăm sóc và tưới cây. Nhưng rời tay kỹ sư, cây cối trên đó cứ bợt bạt, hoa tàn rồi cây không đâm nụ nữa. Có cây xác xơ, cây chết héo. Khẩn không bỏ cuộc, tung tiền khuân trầu bà, nhất diệp lan, thường xuân hợp phong thủy thay thế và chăm bẵm. Đến lúc này tôi cảm giác Khẩn mê cây hơn mê vợ, cứ ít ngày lại gọi điện, hoặc phi xe hơi đến tận nhà tôi khoe cây. Có hôm, vợ Khẩn gọi cho tôi, nhờ khuyên anh đừng quá chú tâm vào cây với hoa, ở đời mỗi người mỗi việc, cứ nhờ người khác trồng rồi thưởng thức, có phải thiếu tiền đâu. Tôi nói: “Anh ấy thích thì chị cứ để anh ấy làm”. Vợ Khẩn thưa: “Cháu biết là vậy, nhưng mê vừa vừa thôi. Hôm rồi có con mèo nó cào vào mấy chậu cây, vậy mà anh ấy đánh cho mèo suýt chết. Gì mà vì cái chậu cây mà nổi đóa với cả một con mèo. Ác độc! Bác là kỹ sư nông nghiệp, cũng tâm sự nhiều với anh ấy, xin khuyên giúp, anh ấy chỉ nghe bác thôi”.
Nhận lời nhờ vả, một hôm tôi mời Khẩn sang, thưởng thức ấm trà quý, ngắm cây địa lan tôi mới tầm được. Ai dè chưa nói thì Khẩn đã khoe. Rằng anh đang lao vào cây như lên đồng. Đi làm về nóng bức, chưa tắm táp gì, nhưng phải chăm, tưới cây đã. Trước lúc đi ngủ tưới thêm một lượt. Rồi sáng sau tỉnh dậy, kiểu gì người chưa được tập thể dục, ăn sáng, thì cây đã phải được uống vitamin, phân bón lá. Để bổ sung kiến thức, anh cũng rất chịu mua cẩm nang chăm sóc cây về đọc.
- Nó là cái thú bác ạ. Ấy thế mà cháu thấy khó. Hơn một trăm triệu tiền đầu tư vào đó trong hai tháng, nay sống đúng hai chậu hoàng thảo và dừa cạn.
- Chơi cây đòi hỏi phải kiên trì, tính nóng thì không được - tôi nói - Anh dư tiền, nhưng cái cây nó cũng biết thử lòng người đấy! Hoa có cốt cách của hoa. Đôi khi hoa hiểu tính người, có xúc cảm đối với chủ nhân. Như có loài khi chủ ốm yếu, thì bông hoa cũng bị úa đi. Anh trồng mà không sống, tôi nghĩ do hoa đang thử thách lòng kiên trì của anh.
Khẩn nhấp ngụm trà, đăm chiêu:
- Thật thế hả bác? Cỡ như bác mới hiểu những lý lẽ như thế. Xin bác chỉ giáo thêm.
- Mỗi bông hoa dâng hiến sức sống cho đời, sở dĩ đẹp nhường ấy là nó đã có thời gian đài vượt qua quằn quại, đau thương để trở thành một tâm hồn thật sự, có linh tính. Chỉ những người chơi ở tầm nghệ thuật, mới hiểu được vài nét căn bản của tính nết một số loài.
Khách nghe như uống từng lời. Tôi biết, Khẩn chưa nạp được gì vào người cả, dù đã đọc sách kỹ thuật. Khẩn đến với hoa giống như một sự cưỡng bức, ép buộc, rằng cứ bỏ công sức ra rồi đòi hỏi hoa phải xanh, lớn lên và ra hoa. Anh không hiểu để chúng dâng hương sắc cho đời, tình người phải được tưới xuống, thẩm thấu qua bộ rễ hết sức nhạy cảm của chúng.
Khẩn vời tôi về bằng được căn ngộ sang trọng của anh, chỉ cho anh cách trồng cây. Tôi đến, vợ chồng Khẩn dọn tiệc sang trọng mời. Chúng tôi khai vị bằng vang và nhậu chính bằng rượu mạnh. Tôi xin lỗi không uống được nhiều. Trong bữa tôi để ý đến một người phụ nữ, một bên mắt đã sụp xuống, hẳn là đã hỏng, cứ loay hoay dọn dẹp rồi cắm mình trong phòng bếp. Hỏi ai. Khẩn bảo: “Bà giúp việc ạ”. Tôi biết, từ ngày bố Khẩn mất, một mình mẹ Khẩn vẫn ở quê. Tôi hỏi sao không đón bà cụ ra. Khẩn trả lời: “Cháu đã xin đón mẹ ra rồi, nhưng bà không chịu”. Xong bữa, bà giúp việc cần mẫn dọn dẹp, mắt bà nhìn tôi ám ảnh. Rồi một mảng ký ức lạc lõng từ đâu đó dội về trong thùy não. Thôi chết, đây đúng là mẹ Khẩn, người vợ của ông bạn tôi rồi. Không thể nhầm được. Bố Khẩn từng kể với tôi về bên mắt hỏng của vợ, và cách đây chừng gần hai mươi năm, tôi đã về quê và gặp mẹ Khẩn. Tôi không dám nhận, đầu xoáy vào câu hỏi vì sao Khẩn nói mẹ mình là người giúp việc?
Bày cho Khẩn cách trồng bạch hồng, bạch trà, mẫu đơn rồi tạm chia tay. Đầu tôi mãi ám ảnh ánh nhìn của người giúp việc. Lãng đi một tuần, tôi về miền ngược thăm bạn cùng công tác ở nông trường cũ. Nhiều chuyện vui, tôi được người dân kể tội có ông chủ tên Khẩn dưới xuôi cùng lúc xây dựng ba nhà máy thủy điện nhỏ, và sẽ còn tiếp tục. Máy móc của ông ấy đã gặm biết bao nhiêu rừng xanh. Tim tôi nhói đau. Về gặp Khẩn theo lời hẹn, tôi không thấy bà giúp việc nữa. Hỏi, vợ Khẩn bảo bà cụ xin nghỉ về quê. Tôi lại được thết đãi yến tiệc. Trong bữa ăn, cây vẫn là thứ được nói tới nhiều nhất. Tôi nhắc khéo chuyện làm thủy điện, chuyện hy sinh môi trường nước, phá rừng. Khẩn cười nhạt: “Làm kinh tế thì có những cái phải hy sinh bác ơi”. Khẩn không để ý đến tiếng thở dài của tôi.
Ngoài ban công, mấy chậu bạch trà, mẫu đơn, hồng bạch đang thiếu sức sống. Khẩn thắc mắc, tại sao cháu đã không tiếc công, quên ăn quên ngủ để chinh phục mấy chậu cây mà cũng không được. Tôi xoa dịu: “Anh cần phải kiên trì hơn, để rồi chúng ta kiểm tra xem sai ở khâu nào mà cây không phát triển”. Khẩn vâng. Hôm đó tôi về, xuống tầng trệt tòa nhà thì bắt gặp bà giúp việc nhà Khẩn, liền hỏi: “Tôi tưởng bà giúp việc xin nghỉ”. Bà lão buồn rầu: “Tôi không phải người giúp việc. Tôi là mẹ thằng Khẩn. Tôi xấu xí, thô mộc nên nó ngại với người ta nên bảo tôi là người giúp việc. Hôm nay nó đưa tiền để tôi xuống ăn ở dưới hàng, rồi đợi nó gọi mới được về”. Hai chân tôi bỗng mềm nhũn, tai ù đặc. “Lại có chuyện ấy? Tay Khẩn này thoái hóa đến mức này ư?”.
Hơn tháng sau tôi vẫn chưa hết choáng vì cách cư xử của Khẩn, tôi cũng không đến dù Khẩn thường gọi mời sang. Chừng hai tháng rưỡi gì đó, Khẩn tha thiết mời, tôi sang, anh ta nói vẻ giận dỗi, rằng đã học tôi mà cây cảnh và hoa ở ban-công vẫn xơ xác. Lúc này, không cầm nổi lòng nữa, tôi nói:
- Anh Khẩn ạ, chính anh đã tàn phá cả vùng thiên nhiên lớn, đốn ngã biết bao nhiêu cái cây. Giờ anh chăm sóc một cách quá đáng cho mấy cái cây ở ban công kia thì ích gì. Đó chỉ là một góc thiên nhiên nhỏ, như sự ích kỷ của anh. Anh cũng tàn phá tình mẫu tử. Tại sao nhẫn tâm gọi mẹ là người giúp việc? Dù bà ấy vóc dáng già nua, cũ kỹ thì cũng là mẹ anh.
Khẩn bỗng chốc run lên, mặt đỏ gay. Mấy giây sau, anh nổi quạu:
- Thưa ông già, tôi rất tôn trọng vì nghĩ ông là bề trên và muốn học hỏi ông. Nhưng ông đừng đụng chạm tới việc làm ăn cũng như mấy chuyện trong gia đình tôi.
- Đấy là tôi coi anh như con nên mới nhắc anh như thế. Không nghe thì thôi, tôi xin lỗi vì đã làm phiền anh.
***
Chừng hai tháng sau, tôi ra mở cổng vì có tiếng bấm chuông, là Khẩn. Tôi mời anh vào nhà. Mặt Khẩn đờ đẫn:
- Cháu xin lỗi vì hôm đó đã xúc phạm bác. Mấy chậu cây trên ban công của cháu chết cả rồi. Có lẽ do cháu không mát tay, hoặc một điều gì đó không giải thích được, chẳng hạn như cây cối không muốn ở với cháu. Tháng trước cháu nằm mơ, thấy người dân miệt rừng về đây đòi trả lại những cánh rừng. Cháu biết mình đã sai, đã lấy của rừng nhiều thứ để làm thủy điện. Nhưng có phải do mình cháu gây ra đâu.
Anh ta nhìn sâu vào mắt tôi, rồi òa khóc, sụp hẳn xuống sa-lông. Lát sau, Khẩn bình tâm lại, tôi nói:
- Khẩn ạ, anh chưa học được cách trồng cây. Chính tôi cố tình hướng dẫn anh trồng sai cách để buộc anh phải thay đổi cách nghĩ. Chúng ta không nên chăm chút quá kỹ lưỡng cho cái ban công nhà mình, với sự cưỡng ép, bỏ qua nhiều giá trị. Chúng ta cần nghĩ điều rộng hơn anh ạ.
Khẩn che mặt, rồi nói: “Cháu xin ghi nhớ. Cảm ơn bác đã giúp cháu nghĩ ra nhiều điều sâu xa. Cháu đã sai trái…”.
Tôi tin, Khẩn sẽ nghe. Và cây sám hối sẽ xanh lại trong tim Khẩn, nhắc anh biết phải làm gì.
N.V.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét