Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang
Buổi trưa bệnh viện như độc quyền tiếng máy quạt xoay và tiếng thở của bệnh nhân vậy.
Thở nhẹ. Thở nặng. Thở dài. Thở… không nỗi gì cũng chịu chung tiếng lách cách của cái quạt trần xoay suốt ngày đêm này. Phòng có 4 giường, bà già nhất 73, trẻ nhất 40 với nhiều chứng về tim gan, phèo phổi, ruột non ruột già…Tất cả đều tập trung vào “TRẠI NỘI NỮ” này để sống chung trong không khí ngồm ngộp của cái nhà vệ sinh trong phòng, của cái dãy trại qua hai lần cửa kính mới thấy được da trời.
Cô con gái bà A. mệt mỏi ngồi gục gà gục gặc nơi đầu giường, vì trên giường đã chất đầy những mền, gối, áo khoác, gối kê chân… tấm ra giường xộc xệch theo từng đợt cựa quậy của cơ thể bà A.
Bốn người bệnh thêm bốn người nuôi. Tám con người đang nửa thức nửa ngủ thì một giọng nói oang oang làm cả phòng giật mừng cái tựt:
- Tao đã nói, cuối năm họp hành liên tục, muốn gì thì nhắn tin, sao cứ gọi hoài?
Chủ nhân giọng nói đó tràn vào phòng lúc 12 giờ 30 trưa. Mẹ tôi nằm bên phía trái cửa nhíu mày bực dọc bởi cả đêm bà không ngủ được, giờ mới thiu thiu. Cô con gái bà A. ra dấu nhỏ tiếng rồi thì thào với người mới đến:
- Chứ má trở bệnh hoài, mơi giờ bác sĩ kêu chuyển viện mấy lần, em biết làm sao?
- Thì cứ chuyển, chứ làm sao là làm sao? Hay chờ bả chết rồi mới biết làm sao?
- Anh nói…
- Mày hết tiền hả? Bởi vậy nói cái tức à! Tao đã nói vợ chồng nhịn được thì nhịn, cãi nhau làm chi cho nó ôm tiền đi hết. Tao nè, chị Hai mày năm hết tết đến mà lòi ra khúc nợ sáu trăm triệu làm tao muốn đứt con chuột luôn. Nhưng vẫn phải nhịn cho yên nhà lợi nước nè!
- Sao… sao chị Hai mắc nợ dữ vậy anh?
- Sao trăng gì? Tại cái tật làm càn, tưởng dễ ăn ai dè khó nuốt. Hùn với thằng em trai mua xe tải, tính một vốn bốn lời. Ai dè xe có nhưng hàng để chở thì không. Mướn tài xế thì gặp đồ ba trợn, giựt luôn mối của chủ xe. Mà thằng em trai bà chủ thì chưa biết lái. Sáu tháng rồi mà lấy vải thưa che mắt thánh cho tao không biết. Giờ đổ bể ra thì khóc bù non bù nước…
- Rồi giờ sao anh Hai?
- Bả tính đi chùa xin cạo đầu để tạ tội với trời đất! Tao nói, có cạo xong thì đi luôn đi, khỏi về nhà. Chứ mái tóc bà không đáng giá sáu trăm triệu đâu.
- Giờ chị Hai đâu anh?
- Cho về quê cắm câu rồi… xuống thằng Tửng, giữ nhà cho nó vài ngày để tĩnh tâm lại. Đó, vợ chồng mà không nể mặt tao vậy đó, mà cũng phải nhịn chứ đốt nhà giết người có lấy lại số tiền đó được đâu?
- Anh hết tiền rồi hả? Em biết làm sao đây? Em cũng… hic… hic…
- Nín mày, khóc cái gì mà khóc? Đây “nguyên con” mới lãnh. Chiều làm thủ tục đưa bà già đi Sài Gòn đi, tao giao xong cái nhà Đại đoàn kết chiều nay, mai mới xuống được.
Cô em định nói gì đó, anh lại quát:
- Mày mệt, tao khỏe lắm chắc? Nhưng làm con thì phải ráng thôi. Ai kêu hồi đó má sanh có hai anh em mình. Thôi mà… ráng đi em, để hai ngày cuối tuần anh bảo mẹ con thằng Tửng qua coi má cho em đi tìm ba thằng Tin, nó về bên ruột chứ không đâu mà lo.
Rồi anh hạ giọng “Nhưng nhớ ráng năn nỉ nó nghen, vợ chồng còn nhịn được là nhịn, qua đận này anh chị đem má về bển nuôi…”.
Cô em chùi nước mắt, mở xấp tiền ra đếm, ông anh quát khẽ “Khỏi đếm, năm triệu tư, đưa mày hết đó.”
Anh ào ra khỏi phòng nhanh hơn lúc tràn vào. Đầu tóc tinh tươm, áo quần gọn ghẽ nhưng vẻ mệt mỏi đang lẩn khuất trên gương mặt người đàn ông tuổi 50.
Cô em gái cất vội xấp tiền vào túi quần rồi vừa dọn tư trang vừa phân trần:
- Anh em cháu khổ lắm mấy cô ơi, nhà có hai mống, ông bà già bỏ nhau từ khi cháu còn bú mẹ bởi ổng đề đạc, bài bạc quá bà già chịu không nổi. Ẵm con ra khỏi nhà chồng khi mới 25, hai bàn tay trắng mà má cháu ở vậy nuôi con bằng đủ thứ công việc trên đời.
Anh Hai học hành giỏi giắn nên giờ làm việc ở Mặt trận tổ quốc huyện, cháu bán sạp trái cây ở chợ. Má cháu sống với vợ chồng cháu chứ không phải sống với anh chị Hai vì chị Hai cũng đi làm suốt ngày. Chồng cháu phụ vợ giao trái cây hàng ngày, con đã 10 tuổi rồi nhưng vợ chồng luôn hục hặc vì anh bảo, tại sao anh phải “nuôi” mẹ vợ khi con trai bà còn đó. Nói hoài… nói nghe riết chán luôn. Cháu nói với chồng đừng so đo, má ở với mình nhưng hàng tháng anh Hai đưa 5 triệu tiền trầu thuốc, cũng dư mà. Nhưng má cháu già nên hay khó chịu, cứ thấy mỗi chiều thằng rể đi nhậu, đi cà phê là càm ràm. Chồng cháu thì bực mình, nói nhà này của anh, anh muốn làm gì thì làm, làm “mọi” cả ngày chưa đủ sao. Chồng cháu nói vậy cũng không có gì sai, vì ngoài việc đi giao trái cây giúp vợ, anh còn lo cơm nước cho mẹ vợ, đưa đón con đi học. Mà má cháu thì… người bệnh tiểu đường khó ăn khó uống lắm, nay muốn ăn thứ này, mai đòi món khác…
Mâu thuẫn mẹ vợ- chàng rể lâu ngày cháu không nói được nữa. Cứ hết năn nỉ chồng tới năn nỉ má, thiệt muốn bể cả đầu. Anh chị Hai đòi đón má về nhà rồi mướn người giúp việc trông coi thì má không chịu đi… Cách đây mười ngày, má cháu trở bệnh nặng… chứng tiểu đường thời kỳ cuối đó mà, mắt mờ, thận suy rồi… Chồng cháu bảo “trả” má về cho anh chị Hai để còn làm ăn, nhưng cháu không thể làm như vậy… Rồi tự dưng anh ôm hết tiền bạc trong nhà đi biệt tăm. Má cháu nghe tin lên cơn mệt phải vô bịnh viện, cháu theo má luôn chứ làm sao đi tìm chồng…
Cậu chuyện dừng lại vì chị phải sang phòng bác sĩ trực để làm thủ tục chuyển viện khi kim đồng hồ đã nhích dần sang con số 1 giờ 30.
Hai cánh quạt trần bám đầy bụi năm tháng vẫn uể oải xoay trong không gian hai mươi bốn mét vuông này. Chị B. nhào tốc khỏi lớp mềm nhùng nhằng để vào nhà vệ sinh. Chứng trúng thực đã làm chị trên nôn dưới tháo từ sáng giờ đến năm- sáu lần. Ông chồng chạy theo sau cầm chai nước muối sinh lý, luôn giọng kêu, “Súc miệng đi em… súc miệng là hết mắc ói à”.
Bà C. giường cạnh to-let cũng ụa khan theo những cơn ào ạt của chị B. Bà C. bị bệnh tim, buồn quá là mệt, vui quá cũng mệt. 68 tuổi rồi nên bà bảo không cần phải mổ cho tốn trăm triệu của con cái, cứ để vầy, sống chừng nào hay chừng đó. “Mà trăm triệu đó hả, có khi dành dụm cả đời không được nữa chị D. à. Huống chi mổ xong rồi mình có sống được trăm tuổi đâu. Thôi, ráng giúp con đỡ đồng nào hay đồng đó”. Mấy ngày nay, bà nói với mẹ tôi đến mấy lần như vậy.
Bỗng một người đàn ông lấp ló cửa phòng hỏi trổng “Ở đây có bà nào tên Nguyễn Thị A, 73 tuổi không?”. “Có đó. Chú là ai?”. Mẹ tôi nằm cạnh cửa nên tiện trả lời.
- Dà… cháu là con rể bà A…. bữa giờ bận đi làm ăn xa…
Người thanh niên nói năng lấp lửng.
- Làm ăn xa hay giận vợ bỏ nhà đi? Thôi, tụi tui biết hết rồi. Về là tốt đó, chút nữa chuyển bà già vợ cậu đi Sài Gòn rồi. Vợ chồng thiệt là… nhịn được thì nhịn, bảy mươi mấy rồi, bà già còn sống được bao lâu?
Mẹ tôi coi bộ khỏe hẳn ra khi góp chuyện của người khác. Còn người đàn ông tuổi ngoài bốn mươi đó thì đứng như bị “điểm huyệt” tại cửa.
Con gái bà A. lên phòng bác sĩ vẫn chưa về.
Bà A. trở mình quơ tay tìm người thân. Anh chàng ào tới nói “Con nè má”. Bà già xoa xoa nắn nắn cánh tay gân guốc của anh rồi nghèn nghẹn “Tại má mà… vợ chồng con…”. Anh chàng rót ly nước ấn vào tay bà già vợ nhỏ giọng lời xin lỗi.
Chị vợ vừa từ phòng bác sĩ trực về, nhìn cảnh ấy mà không nói được lời nào.
Hai cánh quạt trần bụi bặm vẫn đều đều xoay.
Đ.P.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét