Nhà thơ Phạm Hầu
Kỳ 38:
P H Ạ M H Ầ U
Phạm Hầu còn có tên là Phạm Hữu Hầu, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1920 tại Gò Nổi, Trừng Giang, nay là thôn Hòa Giang, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Sinh ra trong một gia đình khoa bảng, cha là tiến sĩ Phạm Liệu, trưởng nhóm Ngũ Phụng Tề Phi, đã kinh qua các chức quan cao như Tổng đốc Nghệ An, Thượng thư bộ Binh dưới các triều vua nhà Nguyễn: Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại. Mẹ là bà Lê Thị Giảng, người Thanh Hóa.
Phạm Hầu theo học trường Quốc học Huế, rồi trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội. Ông bị bệnh động kinh nên phải ngưng học và vào điều trị ở bệnh viện Vôi tại Bắc Giang. Bệnh không thuyên giảm, người nhà đưa ông về quê nhưng khi tàu hỏa đến Đồng Hới, Quảng Bình thì ông qua đời. Đó là ngày 3 tháng 1 năm 1944, Phạm Hầu mới 24 tuổi.
Mất khi còn quá trẻ, cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Hầu là sự dang dở. Học hành, công danh, nghệ thuật… đối với ông chỉ mới bắt đầu. Tuy nhiên, về mỹ thuật, ông kịp tham gia triển lãm hội họa quốc tế và được tặng thưởng tại Tokyo, Nhật Bản. Về thơ, ông để lại khoảng 20 bài, đăng rải rác trên các báo Bạn đường, Tao đàn, Mùa gặt mới… Năm 2001, nhà xuất bản Thanh Niên đã xuất bản tập thơ của ông Vẫy ngoài vô tận do Hoàng Minh Nhân sưu tầm và tập hợp. Quan điểm về nghệ thuật của ông khá tiến bộ và có trách nhiệm với xã hội: Cái quan niệm cho Nghệ thuật là một trò chơi không thể được nữa. Nhà nghệ sĩ không phải là một đứa trẻ vô tư trong trò chơi. Nghệ sĩ không thể không đau khổ, nhưng cái đau khổ ấy không phải là một thất vọng. Bởi đấy chính là một công việc giải phẫu mà nghệ sĩ phải chịu để cho ra đời một tác phẩm…
Thơ ông trữ tình, lãng mạn, đắm say trong tình yêu nhưng không ủy mị. Đối với ông, xác thịt là cầu nối của xúc cảm để tạo thăng hoa cho tâm hồn: Tôi kề nàng môi chạy kiếm làn môi. Lời tôi lặn trên môi nàng rung động… Thơ ông tinh tế và có những liên tưởng vô cùng thú vị: Khi giọt sương âu yếm nhỏ lên người. Nàng và tôi là hai dòng lệ nối (Chiều buồn). Còn gì đẹp hơn thế nữa, dù đang hạnh phúc hay khổ đau, ông vẫn gieo những vần thơ thanh khiết.
Tuy mới vừa sang tuổi đôi mươi, Phạm Hầu là người biết sống hết mình, yêu cũng hết mình, tâm hồn ông khi đã rung thì động trên đỉnh cao nhất, nên tình cảm ông không có một giới hạn nào, làm cho thơ ông thanh thoát, nhạy cảm, đó là một dấu ấn tài hoa. Biết rằng vô ích nhưng tôi vẫn. Phung phí đời tôi mấy độ tươi (Lý tưởng). Tiếc rằng, tài năng ông đang trong thời kỳ phát tiết lại phải… bỏ cuộc. Thẫn thờ lá trúc rưng rưng lệ. Như mắt đa tình lúc tiễn đưa (Vọng lâu). Ôi buồn lắm, thương lắm… Phạm Hầu đã ra đi mãi mãi, nhưng tiếng lòng ông, thơ ông vẫn còn ở lại với mọi người. Nhiều người yêu mến thơ ông, chớ không chỉ là: Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận. Chẳng biết xa lòng có những ai? (Vọng Hải đài). Chúng ta hãy đến với Phạm Hầu, một tài năng bạc mệnh qua những vần thơ bàng bạc nỗi lòng…
TRỊNH BỬU HOÀI
C H I Ề U B U Ồ N
Tôi đã dám cầu xin hai giọt lệ
Trên mi nàng huyền bí vẻ say mê
Cho điệu buồn man mác tự đâu về
Đưa ngọn cỏ theo chiều mây lặng lẽ
Cho tôi được nghiêng kề nàng thỏ thẻ
Vì lời yêu rên siết ẩn trong tôi
Chỉ khi buồn may mới thoáng qua thôi
Mà hương lệ đó là trang sổ quý
Buồn len lỏi trên đầu cây, thi vị
Gieo lệ vàng trên ngấn nắng chiều trôi
Tôi kề nàng môi chạy kiếm làn môi
Lời tôi lặn trên môi nàng rung động
Yêu đương đến tất cả chiều mơ mộng
Buồn nhẹ nhàng trong làn khói thu không
Buồn mơn man trên đầu tóc rối bòng
Và vơ vẩn bên đôi người vô tội
Nàng và tôi, nhánh sầu chung rễ cội
Kề vai nhau khi lệ với chiều, rơi
Khi giọt sương âu yếm nhỏ lên người
Nàng và tôi là hai dòng lệ nối.
PHẠM HẦU
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét