Kiên không nhớ nổi đêm nay là đêm thứ bao nhiêu anh thức đợi vợ về. Kể từ khi cưới nhau đến giờ, việc chị, chị đi, việc anh, anh làm. Thậm chí cả tuần vợ chồng chạm mặt nhau không được trọn vẹn 24 tiếng.
Mẹ Kiên hay nói bóng gió về vợ anh bằng những ngao ngán thở dài. Dù bà thương chị vô cùng, "ừ thì cũng chỉ bởi vì miếng cơm manh áo mà thành ra như vậy, chứ nó nào muốn như thế đâu". Buột miệng thì nói ra thế thôi, chứ Kiên thừa hiểu mẹ lo lắng cho anh biết nhường nào. Vì nếu không may mà để chuyện ấy lọt ra ngoài, truyền từ miệng người này qua kẻ khác thì có đáng mặt lắm hay chăng.
Công việc của Tính thật ra chẳng có gì. Sáng tỉnh dậy chị ra khỏi nhà, váy đầm thẳng thớm cùng hương nước hoa thơm ngất ngây. Đó cũng chính là mùi hương khiến anh phải lòng chị trong một lần vào thăm cô bạn đồng nghiệp bị tai nạn giao thông tưởng như không thể nào sống sót.
Rồi họ phải lòng nhau ngay từ những câu nói hỏi han xã giao thân tình. Ngày ấy, tuy còn trẻ những chị đã được giữ chức vụ quan trọng trong khoa chấn thương chỉnh hình một bệnh viện tiếng tăm ở thành phố. Dĩ nhiên, để có được sự tín nhiệm ấy, không chỉ là sự may mắn và cái duyên trong nghề, mà đó còn là cả quá trình phấn đấu, học tập không ngừng nghỉ của cô gái xuất thân từ vùng nông thôn miền Trung khó nghèo.
Lúc còn khỏe, anh cũng là trưởng phòng nhân sự một tập đoàn danh giá hàng đầu của nước ngoài đặt tại Việt Nam. Nhưng rồi trong một lần tiếp khách quá chén, trong lúc trở về nhà bất ngờ gặp mưa nên anh bị cảm đột ngột, dẫn đến liệt cả hai chân, chạy chữa thế nào cũng không khỏi.
Anh chấp nhận ở nhà sau biến cố không may giáng xuống, trông chờ vào đồng lương trợ cấp thất nghiệp ít ỏi và một khoản tiền đền bù bảo hiểm chẳng thấm thía vào đâu. Mặc chị một mình cáng đáng kiếm tiền ngoài kia. Phải chăng đó là lý do khiến cuộc sống vợ chồng anh có những xáo trộn hơn rất nhiều.
Chị vắng mặt ở nhà thường xuyên hơn. Hai đứa con được gửi cho ông bà nội kế bên chăm sóc. Sáng sớm ông đưa đứa cháu gái lớn đến trường tiểu học, trong khi bà đạp xe đưa thằng nhỏ đến trường mầm non cách nhà một đoạn đường không xa lắm. Anh bắt đầu với những cố gắng đầu tiên trong việc tìm kiếm một công ty mới phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Chứ đàn ông mà ăn không ngồi rồi, bám váy vợ thì thiên hạ họ cười cho nám mặt chứ chẳng chơi.
Mấy hôm trái gió trở trời, chân tay anh bỗng cựa quậy đau đớn. Lúc ấy, mẹ anh lại vội vội vàng vàng bế hai đứa nhỏ qua nhà, rồi gọi taxi đưa anh vô bệnh viện. Biết đó chỉ là cơn đau của số phận, anh cứ thoái thác hoài nhất định không đi. Không phải vì anh tiếc tiền, mà vì anh sợ phải gặp mẹ của mấy đứa con anh trong tình cảnh éo le và tồi tệ ấy thì chẳng hay ho chút nào.
Mẹ như cũng hiểu ra suy nghĩ của anh nên đột nhiên im lặng, nhưng nước mắt thì ướt nhèm. Bà vội lục trong hộc tủ ít cao xoa bóp mà bà nhờ người quen mua tuốt bên Hàn Quốc gửi về. Nghe đâu cao bên đó hiệu quả tức thì. Nhưng với Kiên, vết đau thể xác ấy có thể lành khi được bôi lên bởi những lớp cao nhầy nhụa, ấm nóng, nhưng vết thương trong tâm hồn mà anh đang cảm nhận được từ tổ ấm nhỏ bé này thì chẳng có thuốc nào có thể xoa bóp mà bớt đau đi.
- Chịu đau một chút để mẹ xoa bóp cho. Khổ thân, đã thế vợ con nó cứ dửng dưng chẳng thèm nhòm ngó, đoái hoài.
Vừa nói bà vừa đưa bàn tay thô kệch, trơ trọi những phần xương xẩu ghồ ghề mà xoa bóp cho anh, để anh bớt đau đớn hơn giữa những cơn gió nghịch mùa buôn buốt bất chợt ùa về bảng lảng.
Anh lặng im không nói gì cả. Trong căn nhà mà hai vợ chồng mất ăn mất ngủ cực nhọc gầy dựng giờ chỉ còn mình anh nằm đó, hoang hoác cùng nỗi đau thể xác và tâm hồn.
Nói ra thì cũng hơi kỳ. Nhưng quả thật đã khá lâu anh không còn cảm nhận được chuyện chăn gối vợ chồng là như thế nào. Có những khi vợ anh trở về, sớm hơn những ngày bình thường một chút nhưng cũng đã già nửa đêm. Chị đặt mình nằm xuống cạnh anh, nhắm mắt lại, cố lảng tránh hơi thở dập dềnh của chồng như những ngày hai người mới cưới. Cái thời mà hai người còn hạnh phúc, sắt son. Lúc ấy họ sẽ quấn vào nhau, để những tiếng thở kia hòa quyện nồng nàn theo từng nhịp đập của trái tim, để những đứa con cứ thế lần lượt xuất hiện và lớn lên trong sự đợi chờ mong mỏi của cả hai vợ chồng.
Giờ thì hết rồi. Có thể vì công việc ở ngoài xã hội mà một mình chị cáng đáng quá nặng nề, áp lực, khiến chị quá mệt mỏi mà những khao khát đàn bà trong con người chị dường như đã khô cằn. Cho nên dù anh có cố gắng vun vén thế nào, cũng không đủ để chị có thể trở lại mà gối đầu vào cánh tay rắn chắc của anh như thuở còn mặn nồng, cuồng nhiệt. Phải chăng có bức tường nào đó ngăn cản cảm xúc của chị, hay chăng chút nghi ngờ bấy lâu trong con người anh nay bỗng bắt nguồn quay lại, trở mình lắt lay? Muốn tìm một lời giải thích chính đáng từ người vợ yêu dấu của anh nhưng bất thành.
Chị về rồi lại đi. Thi thoảng mấy đứa con ngờ ngợ hỏi ba về mẹ của chúng. Lúc ấy anh sẽ tìm cách mà nói dối chúng rằng, vì đêm qua mẹ có bệnh nhân cấp cứu nên ở lại bệnh viện không về. Mặc nhiên chúng sẽ chấp nhận một cách buồn rầu, bởi chúng tin rằng vì mẹ lo cứu người nên bỏ hai đứa ở nhà hoài như vậy thôi chứ mẹ còn thương ba và thương tụi nó nhiều lắm.
Lại một đêm nữa buông thõng xuống heo hắt dưới ánh đèn đường vàng vọt. Kiên ngồi trong nhà, trên tay anh là bình sữa còn dở dang cho đứa thứ hai đang nguội lạnh dần. Từ khi đứa nhỏ được 8 tháng là chị cắt sữa đứa nhỏ liền. Nhớ những hôm chị xát vốc nghệ cay nồng đắng ngắt lên bầu ngực căng đầy mà anh nghẹn ngào, đau đáu. Thôi thì vợ chồng chung sống bao năm, không giúp nhau được thì thôi, cớ sao phải dằn vặt, trách móc nhau chỉ thêm mất hòa khí gia đình. Nhất là để mẹ anh biết được, chẳng phải sẽ khiến bà thêm muộn phiền nữa chăng.
Kiên cứ ngồi như vậy, miệng líu ríu vài đoạn nhạc ru con lúc được lúc mất. Còn ánh mắt vẫn nhìn qua song sắt trong căn phòng nhỏ, nơi có thể thấy được rõ ràng nhất đoạn đường phía trước nhà. Với hy vọng nhỏ nhoi của anh là mỗi đêm thấy hình bóng chị về. Dù có khi anh đau đớn nhận ra, lởn mờ trong những tán cây cao vút như hòng che hết ánh sáng của những ngọn đèn đường, lấp ló một vóc dáng người đàn ông cao to vạm vỡ, mở cửa xe cho chị, hoặc có khi người đàn ông ấy che ô cho chị khỏi ướt nhẹp dưới cơn mưa nghỗ nghịch đầu mùa.
***
- Em về rồi hả? Đã tắm rửa, ăn uống gì chưa? Mấy nay nhìn em gầy đi trông thấy. Ở bệnh viện nhiều việc quá hay sao?
- Em ăn rồi. Giờ em đi tắm rửa. Anh nghỉ sớm đi. Từ mai đừng đợi em về nữa. Anh nghỉ ngơi dưỡng sức để còn chóng phục hồi.
- Anh biết rồi. Em tắm đi. Anh vào phòng đợi em ngủ cùng nhé. Lâu lắm rồi…
Chị bước vào phòng với mùi hương quen thuộc ấy sau tiếng nói lấp lửng. Thứ mùi hương mà đã lâu lắm rồi mới quyện đều trong vòm mũi anh và lưu lại rất lâu sau đó. Chị buông mình nằm xuống, nghe hơi thở mình dập dìu theo nhịp đập trái tim và vòng tay anh vô cùng ấm nóng. Họ quấn chặt vào nhau như đã bỏ quên mình ở đâu đó, nay mới tìm lại được trong một đêm lành lạnh bởi cơn mưa dai dẳng liên hồi.
Tiếng khóc ré của đứa con gái lớn kéo Kiên tỉnh dậy sau những mộng mơ hão huyền. Một giấc mơ nhẹ nhàng bỗng xa rời khỏi vòng tay anh. Kiên tỉnh dậy kéo mền đắp cho con, có vẻ như sáng nay ở lớp học con bé bị bạn bắt nạt, hay không thuộc bài bị cô giáo đánh đòn khiến nó vừa mơ, vừa tỉnh. Tiếng khóc như tiếng sét giữa màn đêm u uất, lành lạnh làm anh thấy nhớ chị vô cùng. Có lẽ nào những lời hứa yêu thương rồi cũng lẻ loi và tệ bạc như ngụm gió chiều phe phẩy. Có lẽ nào những cố gắng về một hạnh phúc cho tổ ấm này không còn cách nào để cứu vớt mà cứ chìm dần bằng sự thờ ơ của số phận và trò đời mãi hay sao.
Anh vuốt lại những lọn tóc đang lòa xoà trước mặt rồi gượng gạo nhích từng bước chân trên đôi nạng gỗ vô hồn tiến về phía ban công. Mưa đã ngừng rơi. Những chiếc lá như được đánh bóng lên sau vốc mưa mát lành cùng lớp đèn đường bao phủ vàng nhạt. Lâu lắm rồi anh mới cảm nhận được một bầu trời nhiều sao đến vậy, kể từ cái đêm chị xách valie quần áo mà bước lên xe một người đàn ông khác, sau khi nhắm mắt ký vào tờ đơn ly dị mà anh để sẵn trên bàn, như một phép thử để đong đếm tình cảm vợ chồng gần chục năm qua nhưng rút cuộc giờ đây chẳng còn nghĩa lý.
Chị vội đi như cơn gió. Ngôi nhà phút chốc hoang hoải bởi mùi hương đâu đó từ chị còn vương vấn trong căn phòng nhỏ. Chị đi rồi, chỉ còn mình anh lay lắt bằng nỗi nhớ khôn nguôi day dứt trong lòng. Nhưng biết làm sao được khi bàn chân ấy không còn muốn trở về cho dù có người sẵn sàng dùng tình yêu mà thứ tha cho bao lầm lạc sau mỗi đêm chờ đợi. Giữ làm chi khi mùi hương kia đã nhạt phai không thể nào níu lại, vẹn nguyên như phút ban đầu.
Đêm nay, lại một đêm nữa Kiên ngồi thẫn thờ bên ô cửa, đánh ánh mắt chất chứa những nỗi buồn qua từng song sắt lẻ loi. Lẫn trong đó là tiếng thở của hai đứa con anh đang say nồng trong giấc ngủ, có tiếng ru lúc quên lúc nhớ đủ làm chúng thấy yên bình mà nhắm mắt cho qua. Để có những đêm, mẹ anh bắt gặp anh với bộ dạng không thể tiều tụy hơn thì lòng bà trở nên nghẹn ứ. Giấu vội giọt nước mắt bâng quơ, bà quay mặt đi để cố gắng tin mình chưa từng chứng kiến cảnh tượng đó đang ngờ ngợ xảy ra. Nhất là những hôm một trong hai đứa con anh, đang ngủ thì mắc tè, chúng tỉnh dậy bắt gặp anh ngồi thật lâu bên ô cửa trong phòng ấy. Nó định bụng sẽ hỏi anh đang đợi ai đó. Có phải là đợi mẹ không ba nhưng lại thôi. Vì nó quá quen với những lời nói dối của anh khi ấy, "Có đâu, ba đang ngồi canh cho ông Kẹ khỏi trêu ghẹo tụi con đấy chứ", mà khóe mi thì không che nổi từng giọt lệ đang chực giàn giụa, rưng rưng.
S.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét