Đã có mấy ngàn ngày chủ nhật đến với cuộc đời mình, nhưng ngày chủ nhật, 30 tháng 07 năm 2017 vừa rồi lại là ngày làm cho tôi khó quên nhất. Khó quên, không phải vì được thưởng thức một bữa ăn ngon miệng, hay một chương trình ca múa nhạc đặc sắc, hoặc được đi một chuyến dã ngoại về một vùng quê đẹp của miệt vườn miền Tây sông nước… mà chính là Hương Quê Nhà đã tổ chức thành công ngoài mong đợi về buổi giao lưu & ra mắt Tập 1 (Tủ sách chuyên đề sáng tác, lý luận phê bình VHNT) với chủ đề “Những đóa hồng cho nhau”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2017, với cặp MC duyên dáng: Kim Phượng và nhà thơ Tô Minh Yến.
Người viết những dòng chữ này không phải “lên gân”, quan trọng hóa vấn đề mà vì đã cảm nhận được cái tình của các tác giả và bạn Văn dành cho Hương Quê Nhà không phải ngày một ngày hai mà là cả một quá trình hình thành và phát triển từ ngày thành lập đến nay. Có điều ấy nên Hương Quê Nhà mới có được “Góp nhặt hương đời” năm 2014, “Xuân & Valentine”, năm 2015, “5 năm chung một mái nhà”, năm 2016, và “Những đóa hồng cho nhau” vừa được trình làng ngày chủ nhật 30/07/2017.
Qua đó cho thấy Hương Quê Nhà đã bước được bước đầu tiên hết sức quan trọng nhằm định hình hướng đi trong thời gian tới của mình. Vấn đề hiện nay là phải giữ được sự ổn định theo định kỳ mỗi năm 2 tập. Để làm được như vậy thì ai cũng biết là phải có tiền. Dù nội dung bản thảo có hay đến cỡ nào mà không tiền thì cũng đành chịu, không thể in thành sách. Và nếu có ai đó là nhà tài trợ thì cũng không thể là mãi mãi. Xác định được như vậy, cho thấy Hương Quê Nhà chỉ là "sân chơi" của những ngươi yêu thích văn chương, và các bạn là những người thông qua con chữ để chia sẻ, giãi bày những buồn vui trong cuộc sống. Các bạn đến với Hương Quê Nhà không phải vì nhuận bút, càng không phải để khẳng định mình trên con đường văn chương. Bởi các bạn còn phải góp tiền để làm sách, kể cả những nhà văn nhà thơ đã có bề dày tác phẩm cũng như văn nghiệp của mình trên 40, 50 năm cầm bút, như nhà thơ Triệu Từ Truyền, nhà văn Mang Viên Long, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, nhà thơ Nguyễn Thái Dương, nhà thơ Ngàn Thương, nhà thơ Dung Thị Vân…
Đến với buổi giao lưu và ra mắt “Những đóa hồng cho nhau”, các bạn sẽ thấy nhà thơ Triệu Từ Truyền, được xếp là một trong 20 nhà thơ trẻ của miền Nam vào những năm 60 của thế kỷ trước, đã không còn nhanh nhẹn như ngày nào, khi bước lên bục để cầm micro trao đổi với khán phòng chuyện bếp núc của văn chương. Cũng phải thôi, anh đã 70 tuổi rồi còn gì! Anh đã từng bị chế độ Sài Gòn 2 lần bỏ tù ở Côn Đảo. Khi đất nước thống nhất, anh được phân công làm Phó chủ tịch UBND quận 4, TP. HCM. Và có năm anh ra Hà Nội để nhận công việc cấp Vụ, nhưng người thi sĩ của bài thơ đầu tiên viết về thảm sát Sơn Mỹ lại trở về với cái nghiệp anh đa mang từ thời trai trẻ. Bây giờ các bạn Văn gọi anh là nhà thơ Triệu Từ Truyền chứ ít ai còn nhớ anh là một trong những người chỉ đạo phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn - Gia Định vào những năm 70. Hương Quê Nhà không PR cho anh, nhưng chính anh mới là người giúp đỡ cho Hương Quê Nhà rất nhiều. Gần cuối buổi giao lưu, anh kêu tôi lại và hỏi, có thiếu nhiều không em? Tôi cười, an toàn anh ạ! Anh bảo, vậy là tốt rồi. Cố gắng cho vui nghen em!
Người thứ 2 tôi xin được nhắc đến là nhà văn Mang Viên Long. Đặt tên cho trang web này là anh. Bài vở của Hương Quê Nhà những ngày đầu tiên là của anh. Chưa đủ, anh lại gửi bài của bạn bè anh. Anh dặn nếu có ai hỏi sao đăng bài của họ mà không có ý kiến thì cậu cứ bảo rằng Mang Viên Long gửi sang là được. Và ít ai biết nhan đề 4 tập sách của Hương Quê Nhà là từ góp ý của anh. Với 50 năm cầm bút, anh có nhiều đồng nghiệp và bạn Văn nên nhờ anh mới có nhiều người biết đến Hương Quê Nhà, biết đến cái anh bán bún mê văn chương, tỉ mẩn hằng ngày với trang web Hương Quê Nhà. Đúng là không có anh, nhất là những ngày đầu, tôi đành phải botay.com, và sẽ không có câu nói, còn 2 tháng nữa thì Hương Quê Nhà tròn 6 tuổi…
Đến với buổi giao lưu hôm chủ nhật, 30/07/2017 vừa rồi, nhiều người bạn nói với tôi rằng, sao thấy thương anh Trịnh Bửu Hoài quá! Tôi cười và nói, ảnh yêu văn chương và thương anh em văn nghệ, chỉ vậy thôi! Từ Châu Đốc, xa vậy nhưng anh vẫn đến với Hương Quê Nhà. Chiều tối, anh lên xe, sáng đến Sài Gòn, vui cùng anh em. Chiều tối, anh lại lên xe về Châu Đốc. Mà U70 rồi đấy! Và đã từng là chủ tịch Hội VHNT tỉnh An Giang, với trên 50 đầu sách (Thơ, bút ký, truyện ngắn, biên khảo, tiểu thuyết)! Phải nói là không thương Hương Quê Nhà thì không ai làm vậy!
Cũng như với nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng ban Thư ký Tòa soạn Tập san Kiến thức & Gia đình. Anh là nhà thơ, nhà lý luận phê bình của Hội Nhà văn TP. HCM, vừa đi công tác về, xuống sân bay TSN, anh đã vội chạy đến với buổi giao lưu và ra mắt của Hương Quê Nhà. Là người phụ trách Hương Quê Nhà, tôi thực sự xúc động tình cảm ấy với trang nhà của người bạn trẻ, rất khó tính về chữ nghĩa…
Còn quá nhiều chuyện để kể với các bạn về những người đã luôn gắn bó với Hương Quê Nhà như nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, nguyên phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh Kiên Giang, nhạc sĩ Phạm Minh Thuận, hội viên Hội nhạc sĩ VN, nhà thơ Bùi Đức Ánh, nhà thơ Nguyễn Trí Tài, nhà thơ Lương Sơn, nhà thơ Nguyễn An Bình, nhà thơ Hoài Huyền Thanh, nhà thơ Dung Thị Vân, nhà thơ Ngàn Thương, nhà thơ Trường Thắng, nhà văn Nguyễn Thị Mây, cùng với cây bút trẻ Văn Nguyên Lương, họa sĩ Thái Học Sinh, và đông đảo các cây bút cộng tác với Hương Quê Nhà ở trên địa bàn TP. HCM, và một số tỉnh bạn.
Đến dự với buổi giao lưu và ra mắt “Những đóa hồng cho nhau” còn có Tiến sĩ Nguyên Cẩn, Tiến sĩ Trần Hoàng, giảng viên Trường ĐHSP TP. HCM, Tiến sĩ Hoàng Kim Oanh, giảng viên Trường ĐH Sài Gòn, Thạc sĩ Hoàng Long, giảng viên trường ĐHSP TP. HCM & ĐH Hoa Sen, 2 họa sĩ Nguyễn Năm và Nguyễn Nghiêm, nhà thơ Võ Chân Cửu, nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã, vợ chồng nhà báo Nguyễn Công Thụ, nhà báo Lương Minh. Và đặc biệt là sự có mặt của thầy Hồ Sĩ Phùng, hiệu trưởng Trường Trung học công lập Đào Duy Từ (An Nhơn, Bình Định) trước năm 1975, đến chung vui với người học trò của mình…
Vâng, còn quá nhiều chuyện để kể với các bạn, nhưng xin hẹn vào một dịp khác vậy. Bây giờ xin trở lại chuyện làm sách của Hương Quê Nhà.
Theo góp ý của một số tác giả và bạn Văn, từ tập 2 trở đi, Hương Quê Nhà sẽ tiếp tục mở rộng các chuyên mục tạo sự đa dạng, phong phú về nội dung nhằm thu hút thêm các cây bút, bài viết tốt được bạn đọc yêu thích; nhân rộng Trang Thơ Trẻ & Văn Trẻ, đây là một thế mạnh của Hương Quê Nhà.
Ở đây, điều quan trọng nhất được xác định: Tủ sách chuyên đề sáng tác, lý luận phê bình VHNT của Hương Quê Nhà là "sân chơi chung", mỗi người với tình yêu thương, góp mỗi ít công sức của mình thì "sân chơi" này sẽ mãi tồn tại với bạn đọc.
Hương Quê Nhà rất mong điều đó các bạn ạ!
Xin cảm ơn các bạn đã ghé đọc bài viết này. Nếu có điều gì chưa phải mong các bạn lượng thứ!
N.H.D
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét