Nhà văn trẻ Vũ Thị Huyền Trang
Xung quanh khu công nghiệp lớn nhất thành phố có đến hàng trăm xóm công nhân. Len lỏi trong ngõ ngách nhỏ, những phận người sống lặng lẽ giữa cuộc mưu sinh. Họ đôi khi chìm đi trong phố, lẫn đâu đó trong thứ ồn ào hào nhoáng ở ngoài kia. Buổi sáng họ tuồn ra khỏi những phòng trọ lụp xụp để ùa vào nhà máy. Buổi chiều họ lại từ nhà máy tản ra mấy chợ lớn nhỏ để mua sắm trước khi trở về nhà. Xóm kề xóm, phòng liền phòng, những âm thanh thường nhật vang lên chộn rộn trong giờ cơm chiều. Khi lũ trẻ được đón từ trường về. Khi những ông bố dắt con đi dạo hoặc bận bịu mang tô vít, đinh, kìm sửa lại đống đồ chơi bằng gỗ vứt lăn lóc xó nhà. Khi người vợ, người mẹ thoăn thoắt nhặt rau, băm thịt và đổ dầu vào chảo để thức ăn dậy mùi thơm. Tiếng bát đũa va vào nhau lách cách, dao thớt gọi niềm vui của một bữa cơm chiều tươm tất. Thương trở về phòng muộn hơn mọi khi, treo túi thức ăn lên trên tường rồi đổ ập người xuống giường nước mắt cứ thế trào ra. Cứ cuối tuần là Thương không sao chống trả nổi cảm giác nhớ con đến mềm nhũn cả người. Con chưa đầy tám tháng tuổi Thương đã phải gửi ở quê cho bà nội trông để xuống khu công nghiệp xin việc làm. Ai cũng trách con còn bé vậy sao đành lòng bỏ đi làm xa. Ở huyện nhà cũng có công ty may tuy lương không cao lại vất vả nhưng ít ra ngày nào cũng được ôm con. Khổ nỗi nếu không xuống đây làm thì có khi vợ mất chồng, con mất bố.
Chồng Thương tệ lắm, có vợ con rồi mà vẫn không chỉn chu vun vén gia đình. Khương vẫn nghiện game và gái gú như xưa, thỉnh thoảng còn ra quán nước chè ngồi tính lô đề rôm rả. Những quán nước chè mọc lên khắp nơi, đầu ngõ nào chẳng có. Vài thanh kẹo lạc, mấy chai nước giải khát, một bọc chè, một thùng đá chỉ là cái cớ cho những gã mê lô đề tụ tập sau giờ tan ca. Có gã đón con từ trường không kịp về nhà dẫn luôn còn vào quán. Hình ảnh những đứa trẻ ngồi ngơ ngác ở quán nước chè trở nên quen thuộc. Vài người mẹ tay xách nách mang ghé qua đón con. Nước đậu rỏ tong tỏng lẫn với mùi dưa chua, cá tép. Xóm của Thương mọi người đa phần làm ca kíp. Nếu không tăng ca thì một ngày họ làm tám đến mười tiếng ở nhà máy. Thời gian còn lại dành để nghỉ ngơi. Người ta nói “nhàn cư vi bất thiện” quả chẳng sai. Rảnh rỗi vẫn thường sinh nông nổi. Bởi những gã đàn ông không chịu ngồi yên một chỗ. Họ không thích những thú vui tao nhã như đọc sách, xem phim. Khi đàn bà ngồi tụm lại thêu thùa hoặc dạy nhau làm nữ công gia chánh thì cánh đàn ông kéo nhau vào bàn nhậu, sới chọi gà, sòng bạc. Cạm bẫy giăng đầy xung quanh khu công nghiệp. Để những con mồi chỉ cần sơ sểnh cũng có thể nằm co quắp trong bẫy, càng giãy giụa thì càng bị thít chặt. Tờ rơi cho vay nặng lãi không cần thế chấp được dán khắp nơi, dễ dàng đập vào mắt người ngay từ cái vươn vai buổi sáng. Thương tự hỏi làm cách nào để giành giật và giữ chồng mình khỏi vô vàn thứ cạm bẫy đáng sợ ngoài kia?
Từ lúc nghỉ đẻ Thương không nhận được đồng tiền nào từ chồng. Vài lần về thăm nhà Khương còn lén lấy tiền người ta cho con để đi tàu xe. Hỏi tiền làm để đâu hết thì Khương lầm lì không nói. Càu nhàu trách móc thì Khương lừ mắt. Thử vặn vẹo thêm vài câu nữa mà xem thể nào cũng ăn vài cái tát, tính Khương cục và phũ lắm. Thương không dám than thở với nhà chồng. Bởi trước kia Khương không chơi bời đổ đốn vậy. Giờ có thế nào người ta cũng đổ tại vợ chồng không khéo léo bảo ban nhau. Nên lúc bàn chuyện gửi con ở nhà để theo chồng đi làm đã không ít lời ra tiếng vào. Mẹ chồng nói bóng gió việc “sướng mẹ thì khổ con”. Nhà chồng cứ nghĩ chỉ vì Thương muốn gần gũi chồng mà bỏ bê con cái. Đâu biết mỗi chiều đi làm về Thương như kẻ mất hồn khi nhìn bọn trẻ con trong xóm trọ chơi đùa. Thấy con người ta ngã mà lòng mình đau. Nửa đêm nghe tiếng trẻ con quấy khóc mà lòng chột dạ. Ôm con người ta vào lòng mà tim Thương nhói lên từng chặp. Lúc mới xuống Thương hay đóng kín phòng khóc mỗi khi sữa về. Vắt sữa bỏ đi mà mường tượng ra cảnh ở nhà thằng nhỏ đang quấy khóc vì thèm sữa mẹ. Thương vài lần nói với chồng về nỗi nhớ con. Khương bảo:
- Nhớ sao không ở nhà ôm lấy nhau. Theo đuôi xuống đây làm quái gì.
- Ở nhà thì lấy gì mà ăn. Anh có nuôi nổi mẹ con em không hay làm được bao nhiêu chỉ nuôi mấy chủ đề.
Khương không thích đôi co. Lầm lì bỏ đi vài ngày đến khi rỗng túi sẽ mò về. Thương bắt đầu học cách nhịn chồng. Cố gắng níu kéo Khương bằng cơm ngon canh ngọt. Bằng sự vuốt ve dịu dàng rất đàn bà. Bằng những ngày cuối tuần lôi Khương về quê ôm ấp con thơ. Thương phải học cách cố quên đi cảm giác Khương từng vùi đầu vào ngực những người đàn bà khác. Biết đâu cũng đã hứa hẹn đủ điều, thề thốt trăm năm. Đôi lúc Thương tự hỏi có phải đời sống công nhân quá nhàm chán hay không mà người ta thường thích mua vui hơn là xây dựng những điều bền vững. Chiều đến, khi đã tắm gội thơm tho. Những người đàn bà xa chồng hững hờ ngồi hong tóc, áo hai dây trễ nải. Có thể chồng họ cũng như Khương, vì chẳng thể chịu đựng mãi một ông chồng vô tâm nên họ bắt đầu đi tìm niềm vui chớp nhoáng. Thương nhìn họ tự nhiên nảy nở cái ý nghĩ ai trong số những người đàn bà này từng ngủ với chồng mình? Nhìn vết rạn khắp bụng, đùi sau lần sinh nở đầu tiên Thương thấy xót xa. Chị hàng xóm vừa mới về nghỉ đẻ chưa đầy ba hôm thì Thương đã bắt gặp chồng chị ôm eo người đàn bà khác. Khương cũng vậy thôi, ngang nhiên góp gạo thổi cơm chung với một người phụ nữ hơn mình mấy tuổi. Sau gần một năm nghỉ đẻ, lúc xuống phòng trọ Thương đã dọn dẹp vứt bỏ vài món đồ lót lạ, bình hoa khô ai cắm và đống tin nhắn yêu thương đầy ắp máy Khương. Làm ầm lên hay nhắm mắt cho qua? Lựa chọn nào cũng dở.
* * *
Nửa đêm, xóm trọ bị đánh thức bởi tiếng chửi bới đập phá ầm ĩ của một nhóm người xăm trổ, đầu trọc lóc. Thương bật dậy ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Khương bảo “nằm xuống ngủ tiếp đi, dân xiết nợ đấy mà”. Cảnh đòi nợ diễn ra ở nơi này thường xuyên nhưng chưa lần nào làm náo loạn xóm trọ lúc nửa đêm như thế. Thương nằm giật mình thon thót theo từng tiếng đấm, đá. Tiếng khóc ngằn ngặt của con thơ và tiếng van xin của người vợ trẻ. Một lúc thì đám người bỏ đi chỉ còn lại tiếng khóc vừa tức tưởi vừa gắng gượng kìm nén. Thương nằm đó mường tượng ra người đàn bà khốn khổ đang đi nhặt nhạnh, dọn dẹp lại đống vật dụng bị đập phá lung tung. Mắt ngó ông chồng bị đánh sưng vù mặt mũi, máu ri rỉ vài nơi trên cơ thể. Hẳn người vợ sẽ thấy đời bĩ cực, nhục nhã và tức giận nhưng hơn hẳn vẫn là cảm giác đau đớn xót thương nhau. Nước mắt Thương lặng lẽ rơi. Nằm yên bên nhau hồi lâu Thương bất chợt bảo chồng “anh có nợ nần gì ai thì nói với em. Để người ta đánh đập cho thì khổ”. Khương khẽ thở dài xiết tay ôm vợ.
Sáng hôm sau xóm trọ lại bình yên trở lại. Tiếng bà mẹ vật lộn với cơn ngái ngủ của con nhỏ. Tiếng thúc con ăn cho nhanh để kịp giờ gửi trẻ đi làm. Tiếng rang cơm quèn quẹt cạo nồi. Tiếng chọc ghẹo nhau của đôi vợ chồng son. Cả xóm chung nhau một cái nhà vệ sinh nên sáng nào từng ấy con người cũng chạm mặt nhau với bao nhiêu câu chuyện. Những buổi sáng làm lòng Thương dịu đi những nhớ nhung, đau đớn, giận hờn. Nhất là vào những hôm Khương ngủ dậy lụi cụi cắm cơm. Cơm nóng canh ấm lòng người cũng ấm. Không cần nói với nhau câu nào chỉ những âm thanh rời rạc trong phòng cũng đủ thấy mình không cô đơn. Đã có lúc Thương nói với chồng rằng nghèo mấy cũng được chỉ cần vợ chồng con cái có nhau là đủ. Câu nói ấy như trái chín rụng trong lòng mà không biết Khương có thấy thương. Nói là nói vậy thôi chứ nghèo tội lắm. Lương tháng vài triệu khéo léo co kéo mấy cũng có chỗ hở chỗ lạnh. Tiền nhà trọ, điện nước, tiền sinh hoạt phí mỗi ngày cũng chiếm gần một suất lương. Nếu vợ chồng chỉn chu làm ăn thì may ra còn tiết kiệm được vài triệu gửi về nhà nuôi con nhỏ. Đấy là chưa kể lúc bố mẹ hai bên đau ốm, việc hiếu hỉ xa gần. Nhiều khi chỉ một trận ốm sơ sơ của con cũng đi tong một phần lương. Trọ ở thành phố thứ gì cũng phải xòe tiền mua. Tiền rau còn đắt hơn tiền thịt.
Dạo này Thương thường làm tăng ca. Tuy có vất vả nhưng lương cao, chi tiêu được thoải mái hơn một chút. Mà đi làm suốt cũng hay, chẳng có thời gian để nghĩ ngợi vẩn vơ. Nỗi nhớ con vì thế cũng dịu đi đôi chút. Thương nói với chồng chừng nào tích cóp được ít vốn hai vợ chồng sẽ về quê mở quán bán hàng. Ở đâu cũng kiếm được miếng cơm chỉ cần chăm chỉ lao động hết sức mình là được. Về quê chăm sóc con cái phụng dưỡng bố mẹ già. Đất đai ở quê rộng lắm, cuộc sống sẽ dễ thở hơn chen chúc chốn này. Khương không nói gì nhưng hình như trong con người anh đã thay đổi ít nhiều. Sau giờ làm Khương không còn thích ngồi tụ tập quán nước chè. Mệt thì ngủ, không thì đi chợ nấu cơm đợi Thương về. Khương nói đợt tới công ty có nhiều đơn đặt hàng nên công nhân được làm thêm giờ tăng thu nhập. Thương đi làm về muộn thấy có ấm nước nóng chờ mình sẵn mà vui. Ngó dáng Khương cắm cúi sửa lại cái ghế, đóng mấy cái đinh treo tường, lạch cạch với đống đồ điện hỏng mà thương. Lúc dựa vào vai Khương trên chuyến xe cao tốc về thăm con Thương chìm vào giấc ngủ trong những ý nghĩ bình yên.
Đường về không xa xôi…
V.T.H.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét