Nhà văn trẻ Vũ Thị Huyền Trang
Chuyến xe số 18 chạy xuyên qua thành phố thường đỗ trước cửa chung cư vào lúc bốn giờ chiều. Có khi chỉ để đón hai mẹ con người đàn bà ấy. Đều đặn mỗi ngày chị bế đứa con gái nhỏ lên xe chọn một chỗ ngồi còn trống và lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa kính. Anh xế giữ vẻ bình thản khi liếc nhìn chị qua gương chiếu hậu. Đoạn đường phía trước như êm hơn, từng chiếc ổ gà cũng muốn né bánh xe để hành khách khỏi chòng chành ý nghĩ. Xe len lỏi giữa dòng người lúc tan tầm. Ai cũng vội vàng trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhoài. Những người đàn bà hẳn sẽ ghé vào chợ tìm mua mớ rau rạch, con cá ngon rồi cuống cuồng tìm về căn bếp nhỏ. Có người tạt qua trường đón con cẩn trọng chở sau lưng mình báu vật, e dè khiếp sợ trước những hung thần đường phố ẩn hiện khắp nơi. Đàn bà như những cánh chim, khi bóng tối chìm xuống chỉ mong được nằm trong tổ ấm. Anh xế cứ tự hỏi người đàn bà này dắt con đi đâu vào lúc thiên hạ sum vầy? Xe qua nốt cây cầu này là rời khỏi nội thành. Anh xế thả lỏng người khi thấy phổi mình đang được gió lọc dần thứ bụi bặm khói xe đặc kín.
Cây cầu ngăn đôi hai thế giới ồn ã và yên bình, trong lành và bụi bặm. Anh xế lần nào trôi qua cây cầu cũng cảm thấy mình vừa nhoài người vượt qua được nút thắt để hồi sinh trong một thế giới khác. Con người kể cũng lạ, chỗ thưa vắng thì không ở lại cứ phải dồn vào nơi chật chội để chen lấn lẫn nhau. Xe trôi trên đường thênh thang. Gió từ cánh đồng phía xa thổi vào mùi hương lúa chín. Vài hành khách kêu tắt điều hòa để mở cửa kính xe. Không khí trong lành thế này mà không tranh thủ hít thở thì phí quá. Dường như chỉ đợi có thế nhiều người tìm một tư thế ngồi thoải mái ngủ một giấc. Anh xế vừa lái xe vừa loay hoay với đống đĩa nhạc để tìm một giai điệu ưng ý. Nhưng anh chợt nghĩ làm quái gì có bản nhạc nào hay bằng những âm thanh ngoài kia vọng vào qua cửa kính. Tiếng chim hót líu lo, tiếng máy gặt đập rào rào, tiếng í ới gọi nhau trên đồng, tiếng vó ngựa thong dong chạy cồm cộp trên đường. Người đàn bà ngồi vuốt mái tóc đen dài của cô con con gái nhỏ. Con bé ngủ ngon lành, bàn tay nhỏ nắm chặt váy mẹ. Anh xế ước gì có thể vén giúp chị những sợi tóc lòa xòa trước mặt. Cũng chẳng sao, nhìn chị càng thêm đẹp. Người phụ nữ này đẹp một cách u buồn. Tựa tiếng chim giăng mắc trong sương sớm.
Xe trôi qua cánh đồng sẽ chui tọt vào giữa hai hàng cây cổ thụ. Những tán cây xà cừ tỏa bóng mát ôm lấy từng chuyến xe qua. Nắng lấp lánh lọt qua tán cây, lấp lánh đậu trên cửa kính xe, trên mi mắt em bé, trên tóc của người đàn bà u buồn. Anh xế yêu những khoảnh khắc bất chợt ấy. Yêu đến mức thấy tim mình xao xuyến rộn ràng mỗi khi tạm biệt một hành khách nào đó vừa mới xuống xe. Anh thường nhìn qua kính chiếu hậu thương những dáng người nhỏ nhoi lủi thủi cất bước một mình. Như lúc thả mẹ con người đàn bà dưới gốc cây xà cừ số 38. Anh cứ tự hỏi họ sẽ đi đâu khi phía bên này đường là nghĩa trang đìu hiu và bên kia là sân ga thưa vắng. Quang cảnh ở khúc này buồn quá. Buồn đến mức đã mấy lần anh xế không định dừng lại, cứ thế mà đi. Để đưa mẹ con người đàn bà ấy đến một nơi khác tươi vui hơn. Suốt một năm nay, trong cái nhá nhem của buổi chiều tàn mẹ con họ đã đi đâu về đâu khi rời tán cây 38? Lần nào anh cũng nghĩ nhất định hôm sau sẽ hỏi. Nhưng lại chưa khi nào anh đủ can đảm để chuyện trò. Dù cánh lái xe vốn khua môi múa mép. Hơn mười năm trong nghề gặp đủ loại người nghe vô vàn chuyện. Hài hước có, bi thương có, cả những chuyện ma mãnh cũng đâu có thiếu. Mỗi một anh tài là một kho truyện lộn xộn, bụi bặm nhưng đầy thú vị.
* * *
Chuyến xe số 18 gặp sự cố phải dừng lại giữa đường. Anh xế lùa hết hành khách xuống bảo gắng chờ sẽ có xe đến đón. Nhưng dường như chẳng ai lấy làm vội vã. Xe hỏng thì ngồi nghỉ, ai có hứng thì lang thang tản bộ hai bên đường. Anh xế sau một hồi lúi húi dưới gầm thì đành chào thua chiếc xe chờ người tới sửa. Đang không biết làm sao với đôi tay đầy dầu mỡ thì bé gái bước đến đưa cho anh chai nước và một chiếc khăn. Nó nhoẻn cười rồi chạy về phía mẹ. Anh lững thững đi theo những dấu giày in trên nền đất cát. Người đàn bà giấu đôi mắt u buồn vời vợi vào những cánh hoa hồng. Anh kịp để ý thấy trên ngón tay trắng muốt có vệt xước rớm máu. Gai hoa hồng hình như cũng vừa đâm anh một nhát vô hình nhoi nhói trong tim. Anh ngồi xuống bên chị đăm đắm nhìn khoảng mênh mông trước mặt. Từng đàn chim sẻ sà xuống lại bay lên chấp chới. Những chiếc cột điện tựa hồ như những gã du mục ngủ đứng giữa mùa đông, từng ý nghĩ cũng co ro vì rét. Nhiều hành khách đã chui vào những căn lều dựng tạm bợ trên đường chờ đợi từng bắp ngô nếp nướng thơm lừng. Mùi ngô lẫn trong từng cơn gió thổi cồn cào ruột gan anh. Anh thường đói sớm vì trước đó đã ngủ thay ăn. Nhà không có phụ nữ, đàn ông thường cho phép mình lười biếng. Anh có khi ngủ quên bữa, tỉnh dậy thì đã đến giờ đi làm. Đi qua cung đường này vào những ngày chớm lạnh thường đói mềm vì mùi ngô khoai nướng.
- Anh đói à? – Người phụ nữ quay sang phía anh hỏi nhỏ.
Anh cười ngượng, hai tay bo bụng.
- Đàn ông thường không giấu được gì. Ngay cả một cơn đói. Anh đừng ngại, tôi thích nghe tiếng sủi bụng của đàn ông. Chồng tôi cũng thường như thế.
Chị tiến về phía căn lều, bỏ lại anh và đứa con gái nhỏ đang vặt cỏ gà ngồi chọi một mình. Cô bé khiến anh nhớ đến tuổi thơ của mình bên lũ bạn thân. Mùi cỏ gà dìu dịu, anh hít hà rồi đưa lên miệng cắn một miếng.
- Nó có vị gì vậy chú?
- Ngọt và thơm.
- Bố cháu cũng từng nói thế. Nên giờ quanh mộ của bố toàn cỏ gà mọc lên. Mẹ không nỡ nhổ.
Cô bé cụp mắt buồn rười rượi. Anh thêm một lần nữa thấy nhói tim, hình ảnh nghĩa trang đìu hiu hiện lên trong tâm trí. Anh cũng đã mất bố từ khi còn rất nhỏ. Sự mất mát hiện hữu trong những bữa cơm chỉ có hai mẹ con, những ngày mưa không có ai trèo lên nóc nhà che đậy. Những lúc bị bạn bè bắt nạt không có bố bênh vực. Những lúc mẹ đau ốm mình anh gù lưng cõng mẹ ra đường lớn bắt xe đi khám. Những lúc vấp ngã trên đường đời đã không có bàn tay rắn chắc nào đặt lên vai anh an ủi. Bỗng nhiên anh muốn ôm cô bé vào lòng như cách một người bố ôm con. Những tổn thương, buồn tủi anh từng gặp trong đời hẳn cô bé cũng trải qua. Phải chăng những buổi chiều người ta sum vầy thì mẹ con họ đi tìm lại ký ức của mình trên chuyến xe này? Chuyến xe số 18 này liệu có phải là sự sắp đặt của duyên trời cho anh gặp họ?
Chị quay lại với những bắp ngô nướng nóng hổi trên tay. Mùi ngô thơm quá khiến cơn đói trong anh càng cồn cào hơn. Chị ngồi tẽ từng hạt ngô thả vào lòng bàn tay cô con gái nhỏ. Những hạt ngô dẻo thơm ấm nóng dìu dịu lòng người. Anh thấy trong cái rủi đúng là có cái may. Nếu xe không hỏng giữa đường thì chắc gì anh có cơ hội ngồi chuyện trò cùng mẹ con chị. Người đàn bà giấu nỗi buồn trong vẻ bình thản ấy hẳn cũng có lúc mệt mỏi như anh đã từng. Cũng có lúc thấy đời chênh vênh. Cũng có khi ước gì đêm mãi dài và mình đừng thức giấc. Anh nhìn thấy ở chị hình ảnh mẹ mình với nỗi cô đơn vò võ. Đằng sau vẻ mạnh mẽ thường thấy luôn là sự yếu đuối có khi đến cùng cực. Chỉ thèm có ai đó đủ tin tưởng để ngả người vào dựa cho đỡ mỏi. Bỗng nhiên anh thèm được che chở cho mẹ con chị. Từ khi mẹ mất chưa từng có ai gợi cho anh cảm giác thèm một bữa cơm gia đình đến vậy.
- Tôi cứ luôn tự hỏi không biết mẹ con em sẽ quay trở lại thành phố bằng cách nào khi các tuyến xe bus về ngoại thành đã hết giờ hoạt động?
- Còn một chuyến tàu lúc tám giờ tối sẽ chạy qua đây. Mẹ con em lên tàu ngủ một giấc là về đến thành phố.
- Ngày nào cũng đi như vậy em không thấy mệt sao?
- Anh ngày nào cũng đi mà đâu có mệt đúng không? Em đi vì nghĩ có người chờ mình trên cung đường này. Chồng em bị tai nạn ô tô. Tại gốc cây xà cừ số 38. Em nghĩ chắc là anh ấy muốn ở lại nơi đó nên không đưa về nghĩa trang thành phố.
- Em không thể cứ giữ mãi nỗi đau trong lòng để sống. Ai rồi cũng phải học cách quên đi.
- Đêm nào em cũng cảm nhận thấy hơi ấm của chồng. Ngửi thấy mùi tóc chồng. Nghe thấy hơi thở đều đều bên tai. Mà hay nhỉ… sao em lại đi kể với một người xa lạ câu chuyện của mình. Anh cứ coi như chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện lượm nhặt bên đường. Đừng bận tâm.
Chị đứng dậy thong thả bước về phía cô con gái. Anh nhìn về phía họ thấy những cánh chim đang sải cánh mải miết bay về tổ. Thợ sửa chữa đã đến, anh quay lại xe với mùi dầu mỡ đầy người. Nhập nhoạng tối thì xe sửa ngon lành. Lúc hành khách trên xe đã ổn định chỗ ngồi để tiếp tục chuyển bánh, anh liếc nhìn qua gương thấy mẹ con chị đã ngủ tự lúc nào. Anh tưởng như đang nghe thấy hơi thở chị đều đều phả vào cửa kính xe. Mùa này lạnh, con người thường thở ra sương khói. Lạnh nên mới cần xích lại gần nhau để vun hơi ấm.
Xe trôi…
V.T.H.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét