Nhà văn Nguyễn Thị Mây
Nắng hạ đổ lấp loáng trên mặt đường. Lớp nhựa hình như đen hơn, bóng nhẫy và mềm nhũn dưới bước chân người qua lại. Cái nóng hầm hập đuổi theo chúng tôi bén gót. Mồ hôi tươm ướt áo. Tôi ngây ngất trong cơn say nắng, bước liêu xiêu, uể oải sau chân Ngọc Bội. Hai đứa lầm lũi đi, mệt nhọc, căng thẳng như bị lưu đày. Chợt nhỏ bạn reo lên “Tới rồi!”
Như bắt được vàng, tôi cũng mừng rỡ hỏi “Tới rồi hả?”. Vàng chúng tôi bắt được là ngôi nhà lá thấp lè tè ở ven đường. Mấy chùm hoa Trúc Đào hồng thắm bên cổng rào không thể xóa đi vẻ nghèo nàn của mái lá. Ngôi nhà này mang đầy mặc cảm bên những căn hộ nhiều tầng sang trọng. Trông nó tựa như một người tiều tụy quì gối trước những lực sĩ cường tráng đang đứng trên bục cao.
Ngọc Bội đứng sát bên rào. Nó mở sổ tay xem lại địa chỉ rồi nhìn lại bảng số nhà đang treo trên vách, reo lên “Đúng rồi!”
Tôi thở phào nhẹ nhõm, Ngọc Bội gọi to:
- Cô Ba ơi… Cô Ba!
Từ trong nhà, một gã nhóc “chui ra”, nheo nheo mắt nhìn chúng tôi rồi chẳng biết vì sao hắn “chui trở vào”. Liền đó, một người đàn ông đứng tuổi đi ra, cũng nheo mắt nhìn chúng tôi:
- Hai cô tìm ai?
Ngọc Bội cười ngất:
- Trời ơi, dượng ba! Dượng nhìn không ra con hả. Con là Ngọc Bội nè.
Khuôn mặt ông ngơ ngơ ngẩn ngẩn giây lâu:
- Ờ… Ngọc Bội nào?
Trong lúc tôi hết vía vì sợ lộn địa chỉ thì nhỏ bạn lại cười toe toét:
- Ba con là Hai Sang, anh ruột của cô Ba, vợ dượng đó.
Ông dượng vỗ đùi đánh bốp:
- Chúa ơi! Nhớ rồi! Nhớ rồi! Anh Hai Sang… Cháu đây sao, mau lớn quá, ai mà nhớ nổi.
Ngọc Bội cười lỏn lẻn:
- Tại con bận học, phải chờ đến nghỉ hè mới về thăm cô dượng. Nhưng mấy năm rồi cứ phải học thêm nên…
Sợ hai dượng cháu cứ mừng mừng tủi tủi mà quên nắng đổ lửa trên đầu, tôi nhắc khéo:
- Ở đây nắng nóng cũng không tha gì thành phố hén dượng!
Nhớ ra, ông vội mở cổng rào:
- Vào nhà đi hai cháu!
Không giống nơi khác, ở đây, muốn vào nhà thay vì bước lên thềm thì lại phải bước xuống tam cấp, cửa chính tựa như miệng hang há rộng chờ nuốt chửng ai đó. Vào nhà, cái nóng lập tức biến mất vì vẻ sạch sẽ, ngăn nắp bên trong. Đúng là nhà sạch thì mát. Đồ vật đơn sơ, không có gì sang trọng nhưng mỗi thứ biểu hiện tính cách của chủ nhà: Sạch và gọn! Điều đó làm cho ý nghĩ coi thường của tôi khi mới nhìn thấy bên ngoài đổi thành cảm tình với gia chủ. Nhà trước có hai chiếc ghế dựa đặt đối diện nhau, giữa là một cái bàn gỗ tạp đã cũ. Nó được phủ lên mặt một tấm ny lông cũng không còn mới. Một cái bàn viết bằng thiếc dầy sơn xanh cũng đã phai màu. Chiếc khăn trải bàn nền xanh dương kẻ ô trắng, phân biệt từng hoa văn màu vàng trên ấy. Chiếc đèn bàn xinh xắn nằm một góc, lặng yên bên một chậu xương rồng gai góc đang kiêu hãnh nâng bổng một nụ hoa trắng vừa he hé. Ô cửa sổ nhỏ mở ra ngay chỗ đó. Ngoài song, thấp thoáng những nhánh lá sơ – ri xanh ngăn ngắt lay động. Cạnh tủ quần áo là chiếc bàn con. Trên đó, một chậu cá kiểng đang an vị. Mấy chú cá bảy màu đang tung tăng bơi lội. Chúng lượn vòng quanh nhánh san hô bé tí và chiếc chong chóng xoay tít đang dẫn ô – xi và nước. Tấm mành sọc trắng và xanh ngăn đôi gian trước và nhà bếp. Dượng ba dẫn hai đứa ra nhà sau. Chỗ này bề bộn hơn nhưng vẫn mát rượi nhờ cây cối bên ngoài lọc bớt cái chói chang, giữ nắng trên những vòm cao nhánh lá. Dượng ba bảo chúng tôi đặt túi quần áo lên chiếc giường nhỏ rồi ra sau rửa mặt.
Nước mát lạnh. Tôi thích thú chườm một ít nước lên tóc rồi vuốt ngược ra sau. Mấy sợi tóc ngắn củn cỡn, uốn kiểu Hồng Kông của tôi được dịp nằm mẹp xuống nghỉ mệt . Ngọc Bội mỉm cười:
- Tính gội đầu hả nhỏ?
- Mát ghê! Bây giờ mà được nhảy vô lu ngâm thì tuyệt vời.
- Cứ tự nhiên!
Giọng gã nhóc ban nãy khiến tôi giật mình. Hắn đang đứng gần một cái chuồng chim câu xinh xắn. Tôi nhún vai:
- Hổng dám vậy đâu, chú bé!
Ngọc Bội cười ngặt nghẽo:
- Anh Dương lớn hơn tụi mình một tuổi mầy ơi. Bé với tí gì.
Thấy tôi sượng sùng, Dương cười dễ dãi:
- Không sao! Lâu lâu anh được nhỏ lại đôi chút cũng thích.
Tôi đến bên anh, nhìn vào hai chú chim vàng vàng xanh xanh đang mổ thóc:
- Chim gì đẹp quá vậy anh Dương?
- Yến Phụng đó em.
- Tên đẹp quá nhỉ! Nó hót có hay không?
- Hình như nó không biết hót mà chỉ kêu nhưng giọng âm vang, ríu rít, vui tươi lắm!
Khi chúng tôi vào nhà thì cô Ba đã về rồi. Đó là một người đàn bà nhỏ nhắn, gầy gò và không đẹp nhưng có vẻ hiền hậu. Vừa trông thấy chúng tôi, bà đã kêu lên:
- Cháu đó hả Ngọc Bội? Mau lớn đữ. Trông cháu xinh đẹp hẳn lên.
Bà nắm tay tôi:
- Còn ai đây Ngọc Bội?
- Dạ, là Hải Lý, bạn cháu. À, Hải Lý là con của đào Dư Hương đó cô Ba.
Đã có không biết bao nhiêu lần tôi đổ quạu vì cách giới thiệu của Ngọc Bội. Vậy mà nó vẫn chứng nào tật nấy. Ngọc Bội hãnh diện vì bố là nghệ sĩ chứ tôi thì ngược lại. Tôi không muốn ai biết mình là con của đào Dư Hương. Bởi vì mẹ tôi chỉ đóng những vai hài. Lúc còn bé, tôi không chú ý đến những điều này nhưng lớn lên, tôi chợt nhận ra những vai mẹ đóng chỉ là vai phụ. Đã vậy, mỗi lần mẹ xuất hiện trên sân khấu là chỉ để chọc cười. Tôi không thích như thế. Tôi muốn mẹ hát. Nỗi đau mơn man sẽ theo âm điệu len lỏi vào lòng khán giả. Nó sẽ ghi lại một ấn tượng khó phai nơi người xem.
Trong khi tôi bực bội vì lời giới thiệu thì cô Ba lại hân hoan ra mặt. Bà xiết chặt bàn tay tôi, giọng hồ hởi:
- Vậy sao! Ôi, cháu là con của đào Dư Hương hả? Quí hóa quá! Cô rất thích mẹ cháu!
Bà lăng xăng dọn bàn chuẩn bị bữa ăn. Tuy đơn sơ chỉ có mắm và rau nhưng ngon miệng lạ. Bông súng dòn xốp, dưa leo ngòn ngọt, rau dừa the the, rau răm cay cay, rau quế thơm thơm. Tất cả các vị hòa trộn vào nhau, chan một ít nước mắm kho với cá lóc và tép bạc, tạo nên một loại thức ăn độc đáo. Tôi no căng bụng mà vẫn còn muốn tiếp tục thêm chén nữa. May là Ngọc Bội nhắc khéo:
- Mắm và rau ngon quá mà anh Dương ăn ít xịt vậy?
Dương mỉm cười không nói. Ánh mắt tinh nghịch hướng về phía tôi và cậu Kha, em út. Hình như anh muốn bảo:
- Nhường cho hai kẻ háu ăn kia.
Tôi vội gác đũa. Dượng ba bảo:
- Cháu ăn thêm nữa đi cháu. Hết thì chiều cô Ba mua món khác. Nhà gần chợ, lo gì!
- Dạ, con no rồi.
Cô Ba nhớ chuyện cũ:
- Mẹ cháu thích món này lắm! Về đây lần nào cũng đòi ăn bún nước lèo.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, mẹ con có về đây nữa hả cô?
- Khi ba mẹ con mới cưới nhau, hai người thường dắt nhau về đây mỗi độ Thanh Minh. Chừng sanh con, có lẽ vì quá bận con nhỏ lại đi hát nữa nên chỉ có ba con về tảo mộ.
Chiều. Cô Ba và anh Dương đưa chúng tôi ra vườn, vòng qua một đoạn đường đất ngắn đến khu nghĩa địa hoang phế. Cô Ba chỉ vào hai cái mả đá quét vôi trắng nổi bật giữa những nằm mộ đất lùm lùm. Cũng có dăm ba cái được xây bằng xi măng nhưng xám xịt, cũ kỹ. Cô Ba giải thích:
- Đây là nơi an nghỉ của ông bà nội con. Năm nào ba con cũng về cúng. Năm nay không hiểu sao lại biệt tăm. Tội nghiệp! Bà con ở đây biết đó là mộ của cha mẹ chồng đào Dư Hương nên cũng quí lắm. Họ giữ gìn cẩn thận, không để mả sụp lở. Cỏ mọc là nhỏ bỏ liền. Tháng trước, chị Tám xóm này làm nhà còn dư chút nước vôi, chỉ sai thằng Dương, con cô ra đây quét lên hai ngôi mộ nầy.
Ngọc Bội chắc lưỡi:
- Không ngờ cô Dư Hương được mọi người yêu thích đến thế!
Tôi cứ ngỡ có dăm ba người đứng tuổi thích mẹ mình. Nào ngờ khi cùng cô Ba trở về, tôi phải ngạc nhiên trước sự ái mộ của khán giả quanh đó. Họ kéo tới chật nhà cô Ba chỉ để xem mặt… con gái đào Dư Hương. Nhiều người tốt bụng còn đem biếu tôi mấy trái ổi chín, dăm ba quả xoài, mấy trái dừa lửa… Ai cũng khen mẹ tôi “giễu” có duyên, chọc cười vỡ bụng. Họ còn cho biết trong kỳ bình bầu danh hài yêu thích do báo Sân Khấu tổ chức, họ sẽ chọn mẹ tôi là danh hài trong năm. Rôm rả nhất là khán giả con nít. Chúng làm như tôi có… ba đầu sáu tay, mắt mũi khác thường. Chúng cứ thập thò ngoài cửa, bàn tán ỏm tỏi:
- Chị ấy giống đào Dư Hương quá trời!
- Con không giống mẹ thì giống ai? Không lẽ giống… má mầy.
- Hỗn hả mậy? Coi chừng tao đập phù mỏ bây giờ.
Đứa khác thì bảo:
- Sao chỉ hiền quá trời! Lớn lên chắc hát không bằng mẹ đâu.
Ôi thôi đủ thứ chuyện về mẹ và tôi mà chúng tưởng tượng ra.
Trước đây, tôi không hài lòng về cách chọn vai diễn của mẹ. Tôi xấu hổ khi thấy mẹ xuất hiện trên sân khấu với dáng vẻ một “cô hề”. Mẹ ca rớt nhịp hoặc trẹo bản họng. Đôi khi mẹ còn mặc quần ống cao, ống thấp, vẻ râu dê, mặc đồ đàn ông, khóc như còi xe lửa rú… Nói chung, nét nhu mì, hiền hậu, thông minh của mẹ biến mất. Dưới ánh đèn màu, mẹ thành một người khác, một người tệ hại làm sao ấy. Dù tôi biết rằng đời thường và sân khấu khác xa . Sân khấu tái hiện khung cảnh, sinh hoạt tâm lý đời thường. Nhưng không hẳn người thể hiện điều đó lại mang bản chất ấy. Một nghệ sĩ thủ vai kép độc đâu phải là một người tàn nhẫn. Một cô đào lẵng đâu phải là một kẻ chẳng ra gì. Mỗi nghệ sĩ làm sống lại một cuộc đời nào đó. Hạnh phúc và khổ đau và qua đó đưa ra những bài học mà con người phải ngậm đắng, nuốt cay mới có được.
Còn mẹ tôi, sân khấu và đời thường như chỉ là một, Lúc nào mẹ cũng nhìn đời bằng ánh mắt khôi hài. Và làm gì, mẹ cũng pha trộn ít nét hài hước.
Một hôm, ba đang trồng mấy khóm hoa trước nhà thì mẹ đi tập tuồng về. Bà gọi cổng:
- Có ai ở nhà không? Cho tôi hỏi thăm.
Tưởng ai, ba vội chạy ra mở cổng. Thấy vợ, ông phì cười, đưa tay bẹo má bà. Mẹ lại hỏi:
- Anh rảnh không anh?
Ba ngạc nhiên:
- Rảnh, chi vậy em?
Mẹ đáp tỉnh queo:
- Anh ra sau rửa tay giùm em!
Lần khác, sau khi ăn trưa xong, mọi người bật ngửa ra ghế, uể oải nhìn chén dĩa bề bộn, Mẹ bỗng nháy mắt tình tứ với ba:
- Anh ơi!
- Gì? Ba có thói quen như thế. Vừa ăn xong, ba lười nhúc nhích, kể cả việc nói chuyện.
- Anh à!
Ba gắt một tràng dài, trái với lệ thường:
- Nói gì nói phứt ra đi “Anh ơi, anh à” hoài, bực cả mình.
Mẹ bảo tôi:
- Ba quạu vẫn đẹp trai như thường,
Ba khoái chí, tủm tỉm cười. Mẹ đế thêm:
- Có chồng đẹp trai khổ lắm con ơi! Chồng xấu dễ xài hơn.
Ba nhịp nhịp chân ra chiều phê tận mây xanh. Bỗng mẹ kéo ghế ngồi sát bên ba:
- Anh ơi! Anh thương em hôn?
Cả tôi và ba đều bật cười. Ba bảo:
- Thương!
- Thương để đâu?
Ý chừng mẹ muốn bảo để trên đầu đây mà.
- Mệt quá hà. Bà hỏi hoài con nó cười bây giờ.
- Em lo sợ chớ bộ! Biết anh có thương em thật hay không? Anh chứng minh đi?
- Bằng cách nào?
- Rửa chén!
Trong nhà, mẹ giễu không nói gì. Đằng nầy đi chợ, mẹ cũng giỡn. Ghé một quầy trái cây, mẹ hỏi người bán hàng:
- Cam ngọt hay chua vậy chị?
- Dạ, ngọt lắm!
- Ngọt thì ăn không ngon đâu. Tôi có bầu, thèm chua gần chết!
Người bán vội nói:
- Cũng có trái chua chua.
- Vậy sao? Lựa cho tôi một ký đi chị.
Mẹ làm tôi phát sợ. Không biết mẹ trên sân khấu và mẹ đời thường có giống nhau không? Chẳng lẽ ở mẹ, không lúc nào nghiêm túc? Tôi không thích mẹ lúc nào cũng cũng vui vẻ, đùa nghịch như chúng tôi. Mẹ phải là mẹ trang nghiêm, gần mà xa, xa mà gần gũi. Phải có một khoảng cách vừa đủ để phân biệt mẹ và con. Nhưng mẹ không như thế. Mẹ hồn nhiên, dễ tính một cách rất… hài, như trong vai diễn.
Vì vậy, tôi thường tìm cách rời xa mẹ một chút. Tôi sợ sẽ có một lần nào đó tôi tỏ ra thiếu kính trọng mẹ và mẹ sẽ biết được. Tôi thường lấy lý do bận học để không cùng đi phố với mẹ. Mùa hè, tôi xin phép mẹ đi du lịch đó đây. Không bao giờ mẹ từ chối tôi điều gì. Nhờ vậy, tôi đã theo Ngọc Bội về quê nội chơi. Được nghe cô Ba bày tỏ quan điểm khi tôi thổ lộ với người những điều mình nghĩ ngợi, trở trăn. Cô cầm lấy tay tôi ôn tồn bảo:
- Sao cháu lại nghĩ thế? Được thủ vai nào đâu quan trọng bằng việc mình “nhập vai” được hay không? Có thể hiện thành công tâm lý, cử chỉ của nhân vật hay không? Nếu đóng vai “mùi” mà cháu không khóc được thì sao? Còn được phân vai “hài”, nếu không có năng khiếu chọc cười liệu có đứng vững chín mười năm như mẹ cháu hay không? Theo cô, vai hài cũng tựa như nước sốt cần phải có để chan vào dĩa sườn lăn bột chiên giòn, như rau ghém trong món gỏi gà. Có nghĩa là một thứ phụ thôi nhưng rất cần thiết. Thiếu nó, vai chánh cũng trở nên đơn điệu. Sao cháu không nghĩ rằng nó tựa như hồ để gắn những viên gạch xây thành những lâu đài nguy nga tráng lệ/ Cháu không thấy là nụ cười giúp cho con người khỏe ra, đẹp hẳn lên hay sao? Mẹ cháu là người tạo ra nụ cười, sản sinh những liều thuốc cần thiết cho cuộc sống, làm thư giãn cơ thể mỏi mệt vì công việc. Lẽ ra, cháu phải hãnh diện, tự hào vì mẹ cháu là một danh hài mới đúng.
Tôi bồi hồi xúc động. Sao tôi lại nông cạn đến thế không biết! Cô Ba nói đúng. Trong cuộc sống đầy khó khăn, vất vả, nụ cười sẽ góp phần đẩy lùi buồn chán. Có thể ngắn ngủi nhưng cũng đủ để ta vui sống. Tôi ân hận vô cùng vì đã xem thường mẹ. Những bộ quần áo đẹp tôi mặc, những đôi giày xinh xắn, những chuyến du lịch tốn kém… đều có được từ mẹ. Vậy mà…
Tôi cảm ơn nhỏ Ngọc Bội vô cùng. Nó đã đưa tôi từ chốn phồn hoa về vùng quê yên ả, tôi được hít thở không khí trong lành, được gặp những người chân thật, đáng quí. Gió đồng nội đã thổi sạch vết ô nhiễm trong tim óc tôi. Cho tôi nhận ra sự cần thiết của mẹ và vai hài mà bà thường thể hiện. Dù rất thích nơi nầy, nhưng sáng mai khi sương khuya còn đọng trên lá cỏ, tôi sẽ quay về thành phố. Tôi sẽ ôm chầm lấy mẹ mà nói rằng:
- Mẹ ơi! Con yêu mẹ lắm! Sau này, con sẽ đi theo con đường mà mẹ đã chọn. Con muốn trở thành một nữ danh hài mẹ ạ!
N.T.M
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét