Tặng các bạn Khảo sát Thiết kế Quốc lộ 27, từ Đức Trọng lên Buôn Mê Thuột.
Những năm 1986, 1987, chúng tôi có nhiều công trình trên Đà Lạt, Lâm Đồng. Đầu tiên là phải Khảo sát thiết kế khôi phục Quốc lộ 27, từ Đức Trọng lên Buôn Mê Thuột, sau nữa là khoan thăm địa chất các công trình đập Bùi Huy Đáp, hồ Xuân Hương, hồ Đa Thiện, v.v... Chúng tôi đóng quân ở ngay số 3 Phan Bội Châu, sát bên hông hồ Xuân Hương. Hồi đó, đây là nhà khách của Bộ Giao thông. Mỗi tháng tôi phải lên đây vài ba lần. Mỗi lần ở lại vài ba ngày. Một dịp thật tuyệt vời. Chỉ là công việc thôi. Nhưng hồi đó tôi cũng mới biết nghĩ, công việc, nghề nghiệp chính là một mảnh đất màu mỡ cho thơ nảy mầm.
Bài thơ Gửi Em, Đà Lạt (*) cũng ra đời từ năm đó:
Bài thơ này anh viết tặng em
Khi nỗi nhớ như rừng chiều tím ngát
Con đường vẫn chưa làm, nhịp cầu còn chưa bắc
Người khảo sát vẫn đi hoài trong xa thẳm rừng sâu
Anh nhớ mãi về em từ những phút ban đầu
Bông liễu rủ trên nụ cười Đà Lạt
Mặt nước hồ xanh đã ngời trong ánh mắt
Đà Lạt dịu dàng, Đà Lạt của anh
Trong yêu thương em có nhận ra mình
Hoa nở thắm từ khi xuân chưa đến
Sáng toả nắng khi sương còn bịn rịn
Gió khẽ khàng đã xao xuyến thông reo
Anh chưa kể cùng em những chuyện dốc đèo
Đời khảo sát gian lao vất vả
Con thác đổ cứ rộn ràng vách đá
Nắng chin vàng trong thung lũng xanh
Giữa rừng xa anh bỗng thấy gần hơn
Những mơ ước và tình yêu trong sáng
Nơi đỉnh núi không là nơi phẳng lặng
Mà đậm đà một vẻ đẹp bình yên
Hẹn mai ngày về lại bên em
Đường hạnh phúc hiện lên thành nét vẽ
Một con đường đỏ tươi vươn dài mạnh mẽ
Rừng đổi thay nhiều như chính cuộc đời ta
Viết cho em câu thơ khi xa
Con suối chảy mang trong mình câu hát
Trăng toả sáng đêm rừng thu bát ngát
Nỗi nhớ tràn đầy về Đà Lạt, về em.
(*) Trần Y phổ nhạc
Đà Lạt 1987
Hồi đó, tôi vẫn chưa có ý định đi vào thơ, bình thường tôi không đọc thơ của mình cho người khác nghe, ngại lắm. Hôm đó mưa to, chúng tôi phải nghỉ lại tận trong Phú Sơn, ngay bìa rừng, không kịp về Đà Lạt. Đêm lạnh, mấy anh em, phần lớn là kỹ sư, ngồi chờ cô chủ rang cà phê, pha cà phê, nhâm nhi từng ngụm, tôi đã liều đọc bài thơ này. Anh em đều rất ngạc nhiên, vì lần đầu tiên biết tôi làm thơ, đọc thơ!
Chỉ sau chừng một tuần, có bạn đòi chép lại rồi gửi đăng lên báo Khảo sát thiết kế, rồi báo Giao thông vận tải đăng tiếp. Lại có bạn mang ra đọc ở một đại hội. Nhạc sĩ Trần Y ngồi ngay hàng đầu, sát cạnh tôi. Ông nghe được, nhẩm mấy nốt cho vui, nói với tôi: “Giấu kín thê!”, rồi lấy giấy ra, phổ nhạc liền. Đem hát lần đầu trên đài phát thanh TP. HCM, về sau còn hát cả trên Đà Lạt vào một đêm ca nhạc mừng xuân ở khu chợ Hoà Bình…
Giờ nhớ lại hình như đây là bài thơ đăng báo đầu tiên của tôi, cũng là lần đầu tiên được phổ nhạc. Hôm nay ghi lại, tôi vẫn thấy bài thơ chưa có gì xuất sắc, các con chữ đều đi đứng nghiêm chỉnh, chưa biết nhảy múa làm dáng gì cả. Đơn giản chỉ là đã ghi lại được một cảnh đời sống thực, đầy vất vả nhưng cũng đầy yêu thương, trẻ trung của những người khảo sát thiết kế một công trình tận trong rừng sâu, một công việc, một nơi chốn, hồi đó chưa mấy ai biết đến.
Nhiều nhà thơ đã vượt Trường Sơn, ra trận, thơ lính khắp nơi. Nhiều bài hay, nhất là thơ của Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, v.v... Tôi làm nghề xây dựng, tôi cũng gắng viết thơ, viết truyện, cho các công trình.
Đời vui có, buồn cũng nhiều mà lúc nào, ở đâu, ta cũng tâm huyết. Thành bại còn là chuyện khác.
Đà Lạt còn có nhiều kỷ niệm nữa, nhiều lắm. Tôi may mắn có nhiều dịp lên thăm xứ hoa đào, xứ nghìn hoa lúc nào cũng tươi thắm, vui vẻ mà lần nào rồi cũng buồn buồn không muốn bước đi, không muốn đổ dốc, đổ đèo về xuôi.
N.X.T (Vũng Tàu)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét