Thu đang làm quen với lớp – lớp do cô chủ nhiệm trong buổi đầu tiên của năm học mới, cũng là ngày đầu tiên cô đứng trên bục giảng – với tâm trạng hồi hộp, bởi cô dạy ở một Trung tâm giáo dục thường xuyên. Học trò của cô không chỉ đơn thuần là những em nhỏ nữa mà đủ các lứa tuổi, lớn có, nhỏ có. Có cả những học viên đáng tuổi cha, tuổi chú; cả những em mười sáu, đôi mươi. Họ đó, chính là có nhiều hoàn cảnh khác nhau và lỡ dở chuyện học hành tại thời điểm mà lẽ ra họ đang ngồi trên ghế nhà trường nên bây giờ khi có điều kiện hoặc khi thấy cần thiết, họ mới tiếp tục đi học.
- Thưa cô! Em xin phép vào lớp!
Thu liếc nhanh nhìn đồng hồ trên tay: 18 giờ 45 phút, rồi nhìn ra phía cửa: một học viên nữ, một em gái xinh xắn, da trắng mềm như trứng gà bóc, môi đỏ hồng như son, mái tóc buông ngang lưng vàng hạt dẻ. Thu chưa kịp nói gì thì em đã bước vào lớp ngồi xuống bàn cuối.
- Em tên gì? Thu đi xuống phía em và hỏi khẽ.
- Dạ! Nguyễn Thương Huyền. Em trả lời, không nhìn về phía Thu cũng không đứng dậy.
Thu cảm thấy khó chịu với thái độ của cô học trò này. Cô hỏi, giọng hơi bực:
- Tại sao Huyền đi muộn vậy?
- Em còn bận đứng đường! – Một giọng nói rất nhỏ của một học viên nam nhưng cũng đủ để cho Thu nghe rõ. Huyền cũng nghe nhưng em chẳng có phản ứng gì. Khuôn mặt đẹp vẫn lạnh lùng nhưng Thu cảm thấy ở em, ở đôi mắt em có nét buồn chực khóc. Thu quyết định phải tìm hiểu về cô học trò này.
Huyền vẫn đi học đều đặn hàng ngày và cũng vẫn đều đặn đến muộn khoảng mười đến mười lăm phút. Thu muốn trao đổi vấn đề này với phụ huynh của em trong đợt họp phụ huynh sắp tới. Nhưng phụ huynh của em không đến. Trong buổi sinh hoạt lớp, Thu có hỏi thì em nói mẹ em bận lắm. Không nhắc đến cha, nhắc đến người mẹ, giọng em chùng xuống, buồn buồn. Rất nhiều nghi vấn về cô học trò này khiến Thu quyết định cuối tuần sẽ dành thời gian đến nhà em.
***
Lần theo con đường bê tông nhỏ đi vào thôn, Thu hỏi vài người đang ngồi ăn ở một quán ven đường về nhà cô học trò nhỏ của mình. Một người quay ra với ánh mắt tò mò:
- Huyền ca-ve hả? Nhà nó có cái cổng màu xanh kia kìa. Nhưng bây giờ nó không có ở nhà đâu. Tìm nó có việc gì?
- Ôi dào, hỏi làm gì, nhiều chuyện! Chắc lại rủ nhau đi... chứ gì!
Thu nghe xong mà thấy hoang mang, chẳng lẽ câu nói của cậu học trò hôm đầu năm là thật! Thu đến, cánh cổng không đóng, chỉ khép hờ. Đẩy cổng bước vào, tiếng két két của bản lề bị khô han, hoen rỉ đã đánh động cho chủ nhà biết.
- Cô hỏi ai?
Sau câu hỏi là một tràng ho dài, tiếng thở khò khè phát ra từ trong lồng ngực.
- Dạ, chị cho hỏi, đây có phải là nhà em Nguyễn Thương Huyền không ạ? Em là cô giáo chủ nhiệm của Huyền.
- Dạ, chào cô! Mời cô vào nhà. Tôi là mẹ của cháu.
Thu đưa mắt nhìn quanh căn nhà, rộng chừng 40 mét vuông đó chỉ có đúng một chiếc giường, một bộ bàn ghế đã cũ và một chiếc xe đạp cũng chẳng mới gì. Nhưng nhìn những vết mới cũ trên tường, dưới nền nhà, Thu đoán ngôi nhà trước đây cũng khá tươm tất. Tại sao lại như vậy? Thu còn đang mải quan sát ngôi nhà thì mẹ Huyền vội nói, vẻ lo lắng:
- Mời cô ngồi! Không biết hôm nay cô đến có việc gì? Hay con Huyền nhà tôi…
- Dạ, không đâu chị, Huyền vẫn đi học bình thường. Em học cũng khá lắm. Chỉ có điều em thường xuyên đi học muộn.
- Cũng tại tôi cô ạ! – Người đàn bà thở dài, giấu đi nỗi buồn trên khóe mắt.
Thu không nói gì, mà biết nói gì đây. Cô ngồi im lặng, đôi mắt nhìn thẳng vào người đàn bà đang thổn thức với vẻ cảm thông.
- Tại tôi đau bệnh luôn nên nó mới khổ cô ạ!
- Thế còn…
Như đoán được Thu muốn hỏi gì, người đàn bà nói tiếp:
- Ba nó đi theo người đàn bà khác từ mấy năm nay rồi. Từ khi nó còn học lớp 8. Tôi nuôi nó ăn học chỉ hết cấp 2 là đổ bệnh luôn. Bao nhiêu đồ đạc trong gia đình cũng tiêu tán hết. Nó thương tôi lắm…
Người đàn bà không nhìn Thu, bà hướng ra ngoài sân, đôi mắt nhìn vào khoảng không vô định, nhìn vào quá khứ đã qua… Ngày ấy, Huyền là một cô bé học lớp 8, hồn nhiên, yêu đời và học rất giỏi. Huyền luôn tự hào với bạn bè là mình có một gia đình hạnh phúc, ba mẹ rất thương yêu em. Đến khi Huyền học gần hết năm lớp 8, ba đột ngột nói chuyện li dị với mẹ. Chẳng to tiếng, chẳng cãi vã. Ba nói ba thương mẹ, nhưng ba đã yêu người đàn bà khác, rằng người đó có thể sinh cho ba một đứa con trai. Mẹ Huyền đã khóc rất nhiều, đã năn nỉ rất nhiều nhưng bà cũng hiểu gánh nặng và nỗi khát khao có được đứa con trai nối dõi tông đường của một con người là đàn ông duy nhất của một dòng họ. Ba không đòi hỏi gì, nhà cửa, tài sản để lại hết cho mẹ con Huyền. Nhưng cũng từ khi đó, mẹ Huyền đau buồn mà phát bệnh, mọi tài sản cứ theo nhau đi hết để có tiền thuốc thang. Học hết lớp 9, Huyền nghỉ. Hàng ngày phụ mẹ bán sạp hoa quả ở chợ, gác lại giấc mơ học tập. Một năm sau, mẹ em bệnh nặng hơn, không thể ngồi bán hàng cả ngày như trước, Huyền quyết định đi tìm việc. Em cũng nộp hồ sơ xin học bổ túc, lớp buổi tối, ban ngày vẫn có thể đi làm kiếm tiền.
Người đàn bà như miên man trong quãng kí ức. Chỉ đến khi cơn ho kéo dài, bà ta mới như sực nhớ mình đang có khách, quay nhìn Thu với đôi mắt buồn, bà ta thở dài:
- Nó biết đi học bổ túc không mất tiền nó mừng lắm cô à! Chỉ tại tôi nên nó khổ. Xin được công việc bán hàng nhưng người ta trả công thấp quá, thế là con bé xin làm tiếp viên một quán nhậu. Lúc đầu tôi cũng không đồng ý đâu cô, hàng xóm láng giềng họ cứ xì xào điều ong tiếng ve. Tôi rầu ruột lắm. Nhưng nó nói: “Làm ở đó mới kiếm được nhiều tiền, ngoài lương còn được khách bo nữa. Má yên tâm, con không làm gì bậy bạ là được rồi!”
Lén chấm giọt nước mắt lăn dài trên má, người phụ nữ nhìn Thu xúc động:
- Cô à, mong cô thông cảm cho cháu nghen. Nó đi làm cả ngày, không nhận làm đêm nhưng 6 giờ tối mới về, lại quay về nhà xem tôi thế nào nên buổi nào nó cũng đến trễ là vậy. Nó tội lắm cô à! Lúc nào nó cũng tỏ ra ương bướng, tỏ ra bất cần nhưng nó là một đứa con gái ngoan. Nó thương tôi lắm. Cũng tại tôi mà nó khổ!
Giấu tiếng thở dài, người đàn bà quay nhìn Thu với ánh mắt vui hơn:
- Cô thông cảm! Cô đến chơi mà tôi toàn nói chuyện gì đâu. Con Huyền cũng sắp về rồi. Tối nay mời cô ở lại dùng cơm với mẹ con tôi nghen?
- Dạ thôi, để khi khác chị ạ. Chị giữ sức khỏe và cố gắng động viên em Huyền nhé.
Thu ra về mà lòng ngổn ngang buồn. Trong tâm trí cô lúc này vun đầy tình thương với cô học trò đó.
Huyền vẫn đi học bình thường nhưng có vẻ bớt ương bướng đi. Khi một con vật cảm thấy xung quanh không an toàn, nó có thể phô ra những thứ vũ khí để bảo vệ mình. Cô học trò của Thu cũng vậy, cuộc sống vô vàn trớ trêu, vô vàn khó khăn nên bướng bỉnh, bất cần như thứ áo giáp bảo vệ, ít ra cũng giúp em cảm thấy mạnh mẽ và an toàn hơn.
***
- Cô, cô nhận ra em rồi chứ? Em Huyền, Nguyễn Thương Huyền đây mà cô!
Thu chợt giật mình. Cô nhìn thiếu nữ xúc động:
- Nhận ra chứ! Cô quên sao được. Nhưng em dạo này cũng thay đổi nhiều đấy! Nào, ngồi đi, ngồi xuống đây em!
Cầm tay thiếu nữ kéo ngồi xuống bên cạnh, Thu nhận ra, cô bé Huyền bướng bỉnh, bất cần với đôi mắt buồn ngày xưa không còn nữa. Vẫn mái tóc vàng hạt dẻ, vẫn nước da trắng hồng mịn màng, vẫn đôi môi đỏ như son căng mọng. Nhưng em bây giờ vui tươi lắm.
- Thế mà đã 7 năm rồi nhỉ! Nhanh quá! Nào, kể cho cô nghe xem em bây giờ làm gì, ở đâu?
- Em làm người mẫu chụp hình cho một công ty thời trang trong thành phố cô à. Nghề của em chỉ có thời. Nên em dự định năm tới sẽ mở một shop thời trang riêng cho mình.
- Ừ, cô mừng cho em. Thế còn má em?
- Má em đỡ bệnh rồi cô. Má sống cùng em trong thành phố. Đợt này em về có việc, tiện đến thăm cô luôn - thiếu nữ nhìn Thu tươi cười – Cô vẫn thế, chẳng thay đổi gì. Cũng nhờ cô ngày đó luôn động viên em, giúp em có can đảm theo đuổi ước mơ của mình. Em cảm ơn cô nhiều lắm!
- Má em đợt này có về không?
- Không cô ơi, má còn phải ở lại trông cháu nữa. Em cũng chỉ tranh thủ về được 2 ngày rồi vào chứ bé nhà em còn nhỏ quá, sợ má trông không nổi, nó quậy lắm.
Huyền không giấu niềm vui trên ánh mắt khi nhắc đến đứa bé. Huyền có con rồi sao? Thu nhìn em đầy thắc mắc. Như đoán chừng được ý nghĩ của cô giáo, Huyền tiếp luôn nhưng giọng chùng xuống:
- Thực ra đó là con nuôi thôi cô ạ! Là con của một người bạn. Bị thằng kia phụ bạc, nó sinh xong, đi lấy chồng nước ngoài luôn, như bán đứt mình cho người ta cô ạ! Đi luôn không về nữa. Em nhận con bé làm con nuôi.
- Thế còn chuyện của em? Em định bao giờ lấy chồng?
- Em cũng chưa biết cô à! Khi nào duyên số đến thì em lấy thôi. Nhưng hiện tại bé nhà em còn nhỏ quá, em bận bịu chăm nó, rồi công việc nữa nên em chưa muốn nghĩ đến chuyện đó.
Cô học trò ngày nào cười phá lên, tinh nghịch nắm tay Thu lắc lắc:
- Em vẫn còn trẻ mà cô. Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn, cô nhỉ! Khi nào em lấy chồng, nhất định em sẽ báo với cô!
Thu “ừ” rồi hai cô trò cười, ôn đủ chuyện ngày xưa.
Chia tay với cô học trò cũ, Thu biết đối với em bây giờ, bầu trời luôn ở phía trước.
T.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét