Cây bút trẻ Phan Nam
Tôi không nhớ mình đi qua đi lại khúc đường này bao nhiêu lần. Tôi không biết có bao nhiêu thế hệ người trẻ đã từng vẫy gọi và chào tạm biệt mái trường tọa lạc trên con đường nơi tôi đã từng sinh sống và học tập. Mái trường sư phạm ngày ngày tháng tháng soi bóng qua những mùa sen bung nở. Phía trước cổng trường là những quầy sách cũ phơi nắng phơi mưa phục vụ khách hàng, những khách hàng đặc biệt. Một công việc kinh doanh đặc biệt và cung cách giao dịch cũng không thể đong đếm bằng bạc tiền. Trong bối cảnh văn hóa đọc ngày càng đi xuống, giới trẻ chuyên tâm “đếm like” thay vì “đếm chữ”, cửa hàng sách cũ dần dần đóng cửa, trầm mình vào giấc ngủ lặng lẽ. Những cuốn sách bạc màu, lem luốc được phủ lớp bụi dày đặc. Khi sờ vào tôi có cảm giác rợn người, tựa như khi ta chà xát hạt lúa trên sàn nhà và toàn thân bắt đầu rung lên... Ngày xưa, hình như chỉ cách đây vài ba năm đây là nơi rất sôi động, thu hút rất nhiều “mọt sách” tìm đến mong sở hữu tài sản vô giá của các tác giả dày công sáng tạo nên. Bây chừ loanh quanh chỉ còn hiệu sách Bích Nga, Tầm Văn, Nhân Trí... hoạt động một cách cầm chừng. Có lẽ luôn luôn là vậy, đối với sách ta phải nhẹ nhàng không thể dùng bạo lực để cưỡng đoạt và chiếm hữu. Mỗi cuốn sách như một linh hồn: hồn mưa, hồn nắng, hồn sương, hồn gió và hồn thời gian. Thời gian làm cho con người ta quay cuồng với biết bao thú vui và rất ít khi tìm đến sách, nhất là người đọc sách cũ còn được liệt vào hàng “quái nhơn” như nhà văn nào đó từng chia sẻ. Trong dòng chảy phố xá, người ta lướt qua nhau bằng cặp kính đen, chiếc khẩu trang trùm kín mặt mũi. Lúc đó chỉ có sách là khiến cho những tâm hồn cách xa trở nên đồng điệu, tuôn trào xúc cảm tự nhiên và chân thành.
Tôi thường ghé cửa hàng tìm mua báo cũ, những tờ báo phát hành đã rất lâu nhưng giá trị không hề thay đổi. Đa phần là Áo Trắng, Văn học và tuổi trẻ, Mực tím, Hoa học trò... khép nép lọt thỏm vào góc khuất nhất của cửa hàng. Chủ yếu là tôi muốn tìm lại chút hương vị ngày xưa đã từng gắn bó với nhiều người, khi mà lúc đó tôi là đứa trẻ nông thôn có biết chi đến sách báo, mô lâu lắc mới nhận được tờ Thiếu niên tiền phong, Thiếu nhi dân tộc và cũng chỉ chăm chăm vào chuyên mục “học trò cười”, “ga la cười” hoặc truyện tranh với hình minh họa dí dỏm. Và tất nhiên hồi đó tôi chưa bao giờ biết đến internet, google, yahoo... Bởi rứa nên chưa biết thế nào là cộng tác hoặc viết báo, con nhà nông luôn thiệt thòi hơn các bạn thành phố. Dần dà tôi thấy trân trọng giá trị của sách cũng bởi câu nói của một người bạn, mà tôi tình cờ gặp trong một hội sách cũ, mặc dầu quen biết đã lâu. Tôi nhớ, mình cứ cầm lên bỏ xuống chẳng chịu mua cuốn nào. Bạn chỉ cần lướt qua lướt lại đã chọn mua được mấy cuốn, bạn nói một câu mà tôi nhớ mãi: mua sách về để dành đọc, mình có cả đời để đọc mà. Câu nói khiến tôi thức tỉnh và cũng tác động đến tôi chút ít, vì thế tôi quyết định mua ba cuốn: “Đêm thánh vô cùng” (Sương Nguyệt Minh), “Kún” (Nguyễn Đình Tú), “San hô đỏ" (Di Li), thú thực là đến bây chừ tôi vẫn chưa đọc xong ba cuốn này, mặc dầu tôi quan tâm theo dõi đến sách và mua sách nhiều hơn.
Đi qua những mùa cũ, tôi thầm nghĩ, không sao. Mình có cả đời để đọc sách mà...
Đà Nẵng, 11.04.2017
P.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét