Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học
Tin mở đường liên tỉnh đi qua làng bung ra, giá đất quê tôi bỗng tăng vọt, một cơn sốt chưa từng thấy diễn ra. Những con ngõ nhỏ cũng ưỡn ẹo thay da đổi thịt. Ở ngoài quán bia, người ta bàn tán khi đường được mở qua đây cả cái làng này, cái xã này sẽ đổi đời. Hai bên đường những nhà cao tầng sẽ mọc lên. Cuộc sống phố thị ào ạt dồn về, rồi tất cả những thứ khác cũng cứ thế mà ngóc đầu dậy. Niềm vui nở rộ rõ nét trên khuôn mặt một số người vì thấy những lợi ích sắp tới của mình.
Ông nội tôi tuổi gần tám mươi, tóc bạc trắng, khuôn mặt hằn lên những nét khắc khổ của thời gian. Bao năm qua ông vẫn giữ nếp uống trà bên cái chõng tre ở hiên nhà cổ. Trước thời cuộc đang thay đổi, ông tôi chỉ thở dài: “Rồi cuộc sống thanh bình này sẽ bị phá vỡ, cái nết bao đời nay không giữ nổi nữa...”.
Cuối năm tỉnh có quyết định chính thức. Một con đường mới nối tỉnh tôi với tỉnh bạn là trục phát triển kinh tế, đi qua làng. Người ta bắt đầu đo đạc, giải phóng mặt bằng, thuê nhân công. Một phần họ thuê ở làng tôi, gọi là nhân công tại chỗ. Một số người nhàn cư bỗng nhiên có việc để làm. Những công việc cấp thiết được tiến hành nhanh chóng. Hơn chục chiếc ô tô chở đất đá được điều động chạy đi chạy lại, tiếng động cơ nổ phành phạch cả ngày, náo nhiệt vô cùng. Không khí ngoài Ủy ban cũng rộn hẳn lên vì những đoàn cán bộ cấp trên đánh xe hơi về làm việc. Trong nháy mắt, làng tôi mọc gần chục quán bia và mấy nhà hàng ăn uống, đều tập trung ở gần nơi đang thi công, chủ yếu phục vụ cho những công nhân xây dựng và những cai thầu, những giám sát công trình. Lại thêm người dân ở gần đó tụ tập uống bia và tán chuyện, hóng hớt, dự đoán về bộ mặt của ngôi làng trong tương lai gần. Làng có một luồng sinh khí mới thổi vào, tất cả già trẻ gái trai, hầu như đều rộn lên cái không khí của sự thay đổi. Làn gió kinh tế thị thành cuối cùng cũng đã thổi tới. Chỉ có những nếp nhà cổ run bần bật, chúng đứng đợi chờ trong lo lắng và không thể tự định đoạt số mệnh của mình.
Nhiều người lúc này đã tính đến chuyện xây nhà mới, phá nhà cũ cho thích ứng kịp với bộ mặt ngôi làng mới. Tất cả khu vực sẽ mau chóng trở thành một thị trấn cho mà xem. Nhiều người nói thế. Vậy không nên để tồn tại những ngôi nhà cũ kỹ như ổ chuột. Cùng với công việc của các nhà thầu, những công nhân xây dựng, người dân đang tiến hành đo đạc đất đai, chọn cho mình một ô đất ngoài mặt đường, cùng với dự định một ngôi nhà, một quán ăn, một tiệm giải khát... Ai không có suất thì tung tiền ra mua. Phải cố chớp lấy thời cơ khi có thể. Giá đất cứ thế tăng vùn vụt. Vài gia đình bỗng chốc trở thành triệu phú vì bán đất. Họ lấy số tiền ấy xây một căn nhà khang trang, còn lại tiền gửi vào ngân hàng lấy lãi hàng tháng dư giả sống, thoải mái chi tiêu.
Một số ít người già không tán thành với cách làm của lớp trẻ. Nhưng họ không còn tiếng nói, họ bất lực. Trong làn sóng đổi đời không có chỗ cho những quan điểm của họ. Tiêu biểu cho những người không tán thành cách làm của lớp trẻ là ông Tôn. Ông Tôn rất thân với ông nội tôi. Hai ông thường qua lại với nhau, uống trà, bàn luận chuyện nhân tình thế thái, thưởng hương hoa đồng nội. Ông Tôn ngán ngẩm nói với ông tôi:
- Rồi lấy đất đâu mà cấy với cày, cứ cái đà này... Ông thấy đấy, mấy cái giếng làng cũng bị bán và lấp rồi. Chiếc hồ cá là nơi giặt giũ tắm rửa của cả một xóm cũng bị lấp nốt. Hàng cây gạo chỗ đường ông Choai là nơi lũ trẻ con trong làng ra chơi, người già hóng mát cũng đã bị hạ rồi. Cả cái làng này bây giờ chỉ còn lác đác vài cây xanh.
Chen một tiếng thở dài, ông Tôn tiếp:
- Bây giờ chúng nó lại còn đắp núi này non kia nữa, rồi xây bể cá. Chúng bê cả thiên nhiên giả tạo vào trong nhà. Chẳng hiểu chúng nó nghĩ sao. Thiên nhiên thật thì chúng phá hoại không tiếc tay rồi tạo ra thiên nhiên giả rồi sống với nó. Huyễn hoặc quá! Ông cố giữ cái nhà cổ này nhé.
Ông nội tôi lắc đầu:
- Mình già rồi, có nói thế nào chúng cũng không chịu nghe. Tôi và ông có sống được bao lâu nữa mà quan tâm đến chuyện đó. Có đảo lộn hết cái làng này thì thực tế chẳng mấy ảnh hưởng đến những người già chúng ta, chỉ tội cho lũ trẻ con... Còn về ngôi nhà cổ này, tôi còn sống thì không đứa nào được bán, được phá. Có người đến trả giá cao, mang xác nhà đi rồi đấy, nhưng tôi không nghe.
Ngồi nói chuyện, ngắm hoa với ông nội tôi buổi sáng, buổi chiều ông Tôn đạp chiếc xe cọc cạch đã chóc hết sơn lên xã, gặp cán bộ. Trước hết ông phản ánh về tình trạng công nhân chặt phá hàng bạch đàn mới trồng làm kè làm cọc, lều, trụ, cán bộ thôn nhìn thấy cũng yên lặng, không dám đả động tới. Mấy năm nay, ông Tôn rất bức xúc về những việc làm của cán bộ xã. Hàng trăm lần ông lên Ủy ban xã đòi cán bộ cho ngừng ngay việc lấp giếng làng, chặt cây, lấn đất của nhà chùa để mở chợ. Nhưng những lời lẽ của ông bị bỏ ngoài tai cả. Họ coi ông là người già gàn dở, dở hơi, không đáng chấp. Những lá đơn của ông vẫn đánh đống đấy chưa giải quyết. Nhiều lần họ đuổi ông về, ông không chịu, quyết đòi lẽ phải cho dân làng. Hai dân công xã đẩy ông ra đường, ông lại vào, mắng sang sảng vào mặt gã chủ tịch xã. Những người thấp cổ bé họng quê ông thiệt thòi nhiều quá. Họ cam chịu làm theo những việc làm của trưởng thôn, của cán bộ. Chính họ đang dần hủy hoại mạng sống của mình.
Lần này gã chủ tịch xã cho rằng những lời lẽ gàn dở của ông Tôn cũng có lý. Xây dựng một làng quê văn minh không thể trọc lóc những nhà là nhà mà không có cây xanh, cũng như một cơ thể tốt không thể thiếu được lá phổi. Gã nhẹ nhàng bảo ông cứ yên tâm ra về, cán bộ sẽ giải quyết nhanh chóng, lúc ấy ông Tôn mới chịu nhấc chân.
Gần hai năm sau con đường liên tỉnh qua làng tôi đã cơ bản hoàn thành, xe cộ đi thông suốt, ô tô xe máy chạy ầm ầm... Làng gần giống một thị trấn, lại có vẻ giống một phố chợ. Hai bên đường nhà cao tầng san sát. Gia đình nào cũng tô son điểm phấn cho ngôi nhà, làm cho làng mình giống phố hơn. Họ mở cửa hàng buôn bán. Chỉ một đoạn đường ngắn, trong chớp mắt đã có vài chục cửa hàng với đủ các loại tạp phẩm, hàng hóa bầy la liệt. Nào cửa hàng thức ăn gia súc, cửa hàng bán ximăng, hiệu sửa chữa đồng hồ. Có cả một hiệu sửa sang sắc đẹp và vài cái quán karaoke đã mọc lên ở đây. Tối tối thanh niên tụ tập nhau, hát hò ầm ĩ.
Xe từ tỉnh lên Hà Nội ngày nào cũng ghé qua, dừng lại bắt khách, chiều họ lại tập kết hàng hóa, chở vào các cửa hiệu, từ các hiệu đó mới đến tay người tiêu dùng. Chị gái tôi nhờ nhanh nhạy đã bắt được mối hàng, chị nghĩ ra nghề buôn chuyến. Tuy vất vả nhưng lãi khá, nhanh giàu. Anh Vinh chồng chị hằng ngày vào các làng quê mua gom gà vịt, chó... Sáng sớm chị theo xe lên Hà Nội bán. Khi nào chị cũng tất tả, quần ống thấp ống cao. Gặp u tôi, chị phấn khởi khoe: “Đi buôn chuyến cũng khá lắm u ạ, sau năm nay nhà con có thể trả hết nợ và đổi chiếc xe khác đi cho sướng...”.
Ông nội tôi không đủ sức để sống đến ngày khánh thành con đường, chứng kiến không khí đổi mới thật sự của ngôi làng. Ông mất vào độ ngôi vườn với những loài hoa mộc mạc do ông chăm sóc đang độ khoe sắc khoe hương. Chúng nở như để tiễn biệt ông già suốt đời lối sống giản dị mà thanh cao, ông gắn bó với những loài hoa bé nhỏ, không tên. Tội nghiệp ông, sau khi ông mất được hai tháng, vườn hoa cũng theo ông ra đi. Chú và cha tôi bảo nhau phá vườn hoa chẳng sinh lợi nhuận ấy đi để trồng những cây cảnh mang giá trị kinh tế cao, bởi vì ở hầu hết các làng quê bây giờ, phong trào chơi cây cảnh rất rộ. Lời trăng trối của ông lúc trút hơi thở cuối cùng, ai cũng nghe, cũng nhớ: không được bán hay phá nhà cổ, mà giữ gìn cho bằng được. Nhưng bố và chú tôi vẫn bàn nhau, nếu được giá thì bán. Một hôm khách xa về, tôi nghe thấy bố và chú tôi đồng ý bán khung nhà cổ, một món tiền khá lớn, đủ xây hai căn nhà to. Tôi can:
- Ông đã dặn bố và chú đừng bán, chẳng lẽ mọi người quên rồi sao?
Mẹ tôi cũng chứng kiến sự việc, là người ít nói, cam chịu, nhưng hôm đó cũng phản đối quyết liệt:
- Không thể bán, ông vừa mới mất. Ông bảo giữ thì cứ giữ, có đói khổ gì mà đòi bán.
Bố tôi quắc mắt:
- Chúng mày thì biết cái gì. Tao với chú Trầm quyết định rồi. Bán là bán, nhà cổ chật chội, ẩm thấp, sao cứ phải ôm khư khư cho khổ.
Tôi chen:
- Bố ơi, bố không thể làm thế. Ông nội nói giữ là có lý do. Hơn nữa, nhà của tổ tiên, gia đình ta cũng đâu có thiếu thốn, đất đai còn rộng, tội gì bán khung nhà. Đó là món tài sản đấy.
Bố dẩu mồm lên, khinh bỉ tôi:
- Mày có ôm lấy cái nhà gỗ mọt đục ấy mà ăn được không? Biến ra ngoài kia, việc mày đi học thì cứ học cho tốt, còn chuyện gia đình, cứ để tao.
***
Nhà cổ bị bán, bố tôi và chú Trầm sung sướng xây nhà tầng. Ông Tôn không còn ông nội tôi để tâm sự, sống buồn nản. Ông vẫn sống với dáng tất tưởi khổ sở ấy, thi thoảng lại đạp xe lên xã kiến nghị việc này việc nọ khi thấy lối sống của một số người đã quá tha hóa, phạm vào lợi ích của tập thể, ảnh hưởng đến dân làng. Mấy cái quán karaoke đêm nào cũng rót vào tai, hành hạ giấc ngủ của người già và trẻ em. Ông đòi dẹp ngay. Nhưng lời nói của ông chỉ là lời nói của một ông già gàn dở.
Tôi thi đậu đại học, thi thoảng về thăm quê. Lần nào cũng thấy “vấn đề” được kể lại về sự đổi thay. Toàn chuyện dát tai thôi. Nhà bố và chú Trầm đã xây xong, hoành tráng. Nhưng tôi thấy xa lạ và xa xỉ. Một lần, về đến đầu làng đã nghe thấy tiếng léo xéo chửi nhau của vợ chồng chú Trầm. Cô Trầm cầm chiếc chổi lông gà, miệng thốt lời chua ngoa:
- Ông cứ đi mà bám váy mấy con đĩ ấy, rồi nay ốm mai ốm. Rồi dở trò ra quán hát với hò, rửng mỡ. Nhục ơi là nhục!
Chú Trầm chỉ nhăn nhở cười trừ. Rồi chạy xộc ra ngõ nói xấu vợ. Chú thay đổi nhiều quá, toàn học đòi những thứ quái gở. Mẹ tôi gọi tôi về, bảo chẳng gặp mẹ trước, lại đi xem người ta to tiếng. Bố tôi cùng những người bạn hí húi đắp núi giả ngoài vườn. Dường như đó là một thứ mốt sang thì phải, nhà nào cũng thiên nhiên thu nhỏ.
Đêm ấy tôi leo lên sân thượng, uống từng ngụm gió trời mát lành sót lại. Trời vẫn đầy sao, nhưng bóng trăng lồng với những hàng cau thẳng tắp ngày nào giờ không còn nữa. Ngoài đường rậm rịch thanh niên nam nữ đèo nhau đi chơi. Tiếng ai đó hát karaoke ông ổng vọng lại. Tôi bỗng nhớ những lời cảnh báo của ông nội, thật chí lý. Lòng tôi cũng lo, rồi đến lúc vỡ làng, sẽ chẳng còn tìm thấy sự bình yên nào. Tôi nằm xuống, ngửa mặt nhìn trời, ước gì đừng có bất cứ sự thay đổi nào, để làng mãi mãi là làng tôi. Ước gì vẫn còn nếp nhà cổ, để tôi vẫn được trò chuyện với ông, với tổ tiên. Nhưng đã quá muộn rồi. Tôi bỗng thấy tim mình nhói buốt.
N.V.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét