Khi thấy ngoài phố xuất hiện các cửa hàng bán bánh Trung Thu choáng gần hết vỉa hè, ký ức tuổi thơ lại hiện về, lại thấy háo hức được rước đèn, phá cỗ…
Tối. Đang miên man thì nghe tiếng trống lân, tiếng trống tập dợt của đội lân xóm trên, tiếng trống lúc gần lúc xa theo hướng gió đưa lại. “Tùng tùng… cắc cắc… tùng tùng…” như thúc giục, như báo hiệu ngày Hội của trẻ thơ sắp đến.
Nhớ lắm ngày xưa, cái ngày khắp vùng nông thôn chưa nơi nào có điện, nhà nhà sắp cỗ chờ trăng lên. Khi ông trăng màu ngà, to một cách kỳ lạ và tròn vành vạnh từ từ nhô lên khỏi ngọn tre, má bưng một mâm cỗ đầy tú hụ ra cúng rằm, nào là chuối, mía, khoai lang, mãng cầu, xoài, ổi, bắp nổ, bánh tráng nướng, kẹo đậu phộng… Toàn những thứ cây nhà lá vườn, năm nào khá hơn chút nữa thì có thêm bánh dẻo, bánh nướng… Ba loay hoay thắp đèn giúp cho anh em tôi, mấy cái lồng đèn đều do một tay ba chẻ tre, uốn khung, anh em tôi đập ống heo lấy tiền đi mua giấy kiếng, má quấy cho chút hồ tha hồ dán… Những chiếc lồng đèn ông sao, đèn bươm bướm, đèn kéo quân được thắp sáng, chúng tôi rộn ràng í ới gọi nhau rồng rắn từ xóm dưới lên hẻm trên, khi nghe tiếng trống lân thúc giục gọi mời thì không ai bảo ai tất cả đều theo tiếng trống, nhập hội với đoàn lân. Bọn trẻ đi một lúc phải dừng lại đốt đèn cầy vì gió thổi tắt hoặc thay cây mới, riêng anh em tôi không lo vì ba chế cái hộp keo vá xe đạp thành cái đèn dầu, có bấc đàng hoàng, dù đi tới khuya cũng không lo hết dầu và đèn lồng của chúng tôi luôn sáng hơn của các bạn mà không lo gió thổi tắt… Anh em tôi tự hào lắm lắm… Vui nhộn nhất là ông địa bụng bự, có cái mặt nạ với cái miệng cười hết cỡ… Tay ông địa cầm cái quạt mo ve vẩy chạy tới chạy lui trước con lân thật thích. Một số nhà giàu treo tiền thưởng tít trên ngọn tre vậy mà Lân leo thoăn thoắt lên giật, đám đông hò reo cổ vũ sôi động cả một khúc đường. Người xưa quan niệm Lân đi đến đâu là mang may mắn, vui vẻ và đoàn kết đến đấy nên ai cũng phấn khích khi thấy đoàn lân. Còn bọn trẻ con chúng tôi thì xán sát kế bên xem người ta múa lân mà ao ước mình cũng được học võ, được múa đẹp, được trèo leo tài giỏi như họ.
Khi đoàn lân đi xa, chúng tôi quay về nhà phá cỗ. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc cả nhà quây quần bên nhau nghe bà kể chuyện cổ tích, nghe má kể chuyện những mùa Trung Thu trước còn đói khổ thế nào… Ôi chao, cầm cái bánh dẻo mà thấy sung sướng quá đi mất… Tiếng “Tùng tùng… cắc cắc… tùng tùng…” vẫn còn in đậm trong tâm trí, trong giấc ngủ vẫn chập chờn hình ảnh ông địa bụng bự đang ngoác miệng cười, hình ảnh con Lân leo thoăn thoắt lên ngọn tre… vừa xem vừa hồi hộp đến nghẹt thở…
Lúc tôi còn học tiểu học, tôi nhớ có được học cách làm lồng đèn. Làm nộp cho cô chấm điểm xong thì mang về chơi Tết Trung Thu luôn. Được xách cái lồng đèn do mình dán, trang trí thật thích các bạn ạ.
Dạo gần đây, lồng đèn đủ mẫu mã, kiểu dáng, có cả âm thanh vui tai, giá thành đắt rẻ đều có phù hợp với túi tiền mọi tầng lớp trong xã hội thao túng, trẻ em thấy bắt mắt là đòi mua ngay, bố mẹ cũng bận rộn không muốn tỉ mẩn ngòi vót tre làm lồng đèn như xưa. Việc làm lồng đèn trở nên xa lạ với phần đông trẻ em hiện nay.
Thật vui vì mấy năm nay Hội đồng Đội Thị xã liên tục tổ chức thi làm lồng đèn, xếp mâm cỗ cho học sinh cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Nhờ phong trào này mà lồng đèn “handmade”; Lồng đèn làm thủ công bằng tay có dịp tái xuất. Cũng nhờ đó mà các bậc phụ huynh có ý thức cùng làm lồng đèn, hướng dẫn các con làm lồng đèn dự thi, làm để chơi. Và được biết những chiếc lồng đèn dự thi có giải hoặc không có giải đều được Ban tổ chức làm quà tặng các bạn nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chơi Rằm Tháng Tám. Một món quà thật ý nghĩa phải không nào!
Trung Thu - Ngày Têt Thiếu nhi, mong tất cả các gia đình có một cái Tết thật vui vẻ, ấm cúng và đoàn viên.
N.D
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét