Một ngày cuối thu, Hà Nội đã trở lạnh. Tôi ghé thăm ngoại tại tư thất của bà. Đã bước vào tuổi cửu tuần, ngoại đi lại khó khăn, mệt nhọc. Lần nào cũng thế, hễ thấy tôi là ngoại lại ôm chầm lấy và sau đó là những câu chuyện về văn chương chữ nghĩa. Quê ngoại tôi ở rất xa Hà Nội, nơi địa đầu Tổ quốc, xứ ấy gọi là Phủ Lạng Thương, nghe mà thương mà nhớ. Nhà ngoại nằm bên dòng sông Thương hiền hoà, lắng trôi những câu chuyện cổ tích đẹp như huyền thoại. Ngoại được nuôi dưỡng trong môi trường có nhiều người yêu nghệ thuật. Tuổi trẻ của ngoại chìm trong những vần thơ lai láng của Đoàn Thị Điểm, của nữ sĩ Thanh Quan, của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương và của cụ Nguyễn Du… và đọc cả những pho tiểu thuyết kim cổ với hứng thú của người con gái vùng sơn cước. Ngoại kể rằng: Ngày ấy ngoại rất mê thơ Nguyễn Bính. Ở thơ ông, nét đẹp của đồng quê mộc mạc lan toả làm người đọc rung động đến mê hồn. Ngoại đưa cho tôi bài thơ “Bức tranh quê” của thi sĩ Anh Thơ người cùng quê với ngoại. Ngoại đọc thuộc lòng “Đây, môt cảnh chiều đổ mưa/ Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/ Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi… Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng/ Lũ bướm vàng lơ đãng bay qua… Hoa mướp rụng từng đoá vàng rải rác/ Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay…”. Nghe những câu thơ trong bài thơ “Bức tranh quê” của thi sĩ Anh Thơ từ ngoại đọc, lòng tôi càng xốn xang nhớ về quê hương bởi “quê hương mỗi người chỉ một mà thôi…”. Nhớ lại một thời tôi lon ton chạy theo ngoại đi bên dòng “sông Thương nước chảy đôi dòng” trăng thanh gió mát, bình yên và thơ mộng. Ngoại ngồi đó, đôi mắt đã mờ, những nếp nhăn trên mặt như hiện về một vùng quê lam lũ ngày xưa. Cho tôi nhớ lại những kỷ niệm của một thời cắp sách tới trường. Một thời có biết bao nhiêu chuyện mà hồi ấy tôi chưa biết. Ngoại tôi đó, một con người bằng da bằng thịt, vậy mà trong ngoại cứ như hiện về một miền quê, bóng dáng dòng sông hiền hoà, nơi mà ngày xưa tôi hay ra bờ sông chạy nhảy, vui đùa cùng đám học trò đồng lứa. Lại thấy con thuyền của ai đó cắm sào buồn tênh nơi bến vắng, thấy những đàn chim sáo tìm mồi trong đám cỏ, trên lưng trâu. Thấy những quán nhỏ liêu xiêu lợp cỏ gianh vắng khách, đìu hiu trong những ngày mưa ngâu rả rích và thấy bên sân nhà ai, nơi góc tường rêu xanh hoa lựu lập loè. Và xa xa, vượt lên hẳn những ngọn tre cao vút, thấp thoáng canh diều quê. Đêm về, tiếng sáo diều nghe vút cao, trầm bổng như tiếng quê hương gọi xé trái tim yêu.
Một đêm trời đổ mưa, trận mưa cuối mùa đổ mau rồi lại tạnh, báo hiệu mùa thu đã qua. Trong cái không khí yên tĩnh của ban đêm, từ rất xa, lẫn trong tiếng côn trùng rả rích ngoài vườn, có tiếng ru con giọng trầm và mệt mỏi của ngoại: “Mình về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng…”. Tiếng ru của ngoại ngày ấy còn đọng mãi trong tôi đến tận bây giờ, ngay giữa chốn đô thành ồn ào và vội vã. Câu hát ru chắt lọc mãi trong tôi, như luôn luôn gọi nhớ đến con sông Thương đầy những huyền tích và ở đâu đó nơi quê ngoại một thời người vợ tiễn chồng là một chiến binh lên Cao Bằng đánh giặc. Một con sông Thương ngày ấy chở đầy những đau thương mất mát của biết bao số phận. Bây giờ ngoại đã đi xa mãi mãi về cõi vình hằng, chuyện cũ đã qua đi, chỉ còn đọng lại một miền quê và dòng sông Thương êm ả, phẳng lặng, đâu đó phảng phất những điệu ru, câu hò, cây đa, bến nước sân đình… Bóng dáng ngoại một thi nhân qua những vần thơ đẹp, khơi dậy trong tôi ký ức một thời ấu thơ đã đi qua, tất cả một miền quê dường như trôi qua đi vào quá vãng. Bây giờ ngoảnh lại nhìn, cứ thấy xa xăm thăm thẳm, mới nao lòng tiếc nuối trào dâng...
M.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét