Nhà thơ Xuân Quỳnh
Kỳ 40:
X U Â N Q U Ỳ N H
Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942. Quê quán La Khê, xã Văn Khê, tỉnh Hà Tây, nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Thuở nhỏ Xuân Quỳnh sống với bà nội vì mẹ mất sớm, cha thường đi công tác xa nhà.
Năm 1955, Xuân Quỳnh được nhận vào công tác ở đoàn Văn công nhân dân trung ương, đào tạo chuyên ngành múa. Năm 1962, Xuân Quỳnh được cử đi học lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ khóa 1 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, hai năm sau ra trường về công tác ở báo Văn nghệ, rồi báo Phụ nữ Việt Nam.
Xuân Quỳnh lập gia đình lần đầu với Lưu Tuấn, một nhạc công ở đoàn Văn công, có một người con là Lưu Tuấn Anh. Năm 1973, bà kết hôn với nhà biên kịch Lưu Quang Vũ và cũng có một người con trai là Lưu Quỳnh Thơ. Từ 1978, bà làm biên tập ở nhà xuất bản Tác phẩm mới.
Xuân Quỳnh làm thơ từ đầu thập niên 1960 và được người yêu thơ mến mộ bởi chất giọng trữ tình, lãng mạn. Thơ bà là những cảm xúc truyền đi từ trái tim nên dễ làm rung động trái tim người cùng tâm trạng: Làm sao được tan ra. Thành trăm con sóng nhỏ. Giữa biển lớn tình yêu. Để ngàn năm còn vỗ (Sóng). Trong tình yêu, Xuân Quỳnh đã yêu là yêu hết mình, hi sinh hết mình; nên thơ bà vừa mãnh liệt vừa tha thiết, vừa chân thành vừa đắm đuối, nhẹ nhàng như lá mà bão dữ như cuồng phong… Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em. Là máu thịt, đời thường ai chẳng có. Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa. Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi (Tự hát). Khi đã sống và được yêu, Xuân Quỳnh đắm chìm trong khát vọng của mình, hư hay thực, trăng hay gió… tất cả đều ở bên ngoài, chỉ có em và anh là thực thể của tình yêu: Thời gian như là gió. Mùa đi cùng tháng năm. Tuổi theo mùa đi mãi. Chỉ còn anh và em (Thơ tình cuối mùa thu).
Gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh
Tiếc thay, tuổi đời đang sung mãn, tuổi nghề đang chín rực, Xuân Quỳnh bị tử nạn cùng chồng và con trai trong một vụ tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, Hải Dương, vào ngày 29 tháng 8 năm 1988. Bà để lại gần 20 tác phẩm đã xuất bản, cụ thể như: Tơ tằm - chồi biếc (thơ, in chung, Nhà xuất bản Văn học, 1963), Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung, 1968), Gió Lào, cát trắng (thơ, 1974), Lời ru trên mặt đất (thơ, 1978), Sân ga chiều em đi (thơ, 1984), Tự hát (thơ, 1984), Hoa cỏ may (thơ, 1989), Thơ Xuân Quỳnh (1992, 1994), Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ (1994), Cây trong phố - Chờ trăng (thơ, in chung) và các tác phẩm viết cho thiếu nhi: Bầu trời trong quả trứng (thơ, 1982), Truyện Lưu Nguyễn (truyện thơ, 1985), Mùa xuân trên cánh đồng (truyện, 1981), Bến tàu trong thành phố (truyện, 1984), Vẫn có ông trăng khác (truyện, 1986), Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995), Chú gấu trong vòng đu quay (tập truyện)…
Xuân Quỳnh có hai bài thơ được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều phổ nhạc và nhiều người yêu thích là Thơ tình cuối mùa thu và Thuyền và biển: Chỉ có thuyền mới hiểu. Biển mênh mông nhường nào. Chỉ có biển mới biết. Thuyền đi đâu, về đâu… Kỳ nầy, chúng tôi xin giới thiệu bài thơ lãng mạn, trữ tình, dễ thương: Thuyền và biển của Xuân Quỳnh.
TRỊNH BỬU HOÀI
Thủ bút nhà thơ Xuân Quỳnh
T H U Y Ề N V À B I Ể N
|
Em sẽ kể anh nghe Chuyện con thuyền và biển:
"Từ ngày nào chẳng biết Thuyền nghe lời biển khơi Cánh hải âu, sóng biếc Đưa thuyền đi muôn nơi
Lòng thuyền nhiều khát vọng Và tình biển bao la Thuyền đi hoài không mỏi Biển vẫn xa... còn xa
Những đêm trăng hiền từ Biển như cô gái nhỏ Thầm thì gửi tâm tư Quanh mạn thuyền sóng vỗ
Cũng có khi vô cớ Biển ào ạt xô thuyền (Vì tình yêu muôn thuở Có bao giờ đứng yên?)
Chỉ có thuyền mới hiểu Biển mênh mông nhường nào Chỉ có biển mới biết Thuyền đi đâu, về đâu
Những ngày không gặp nhau Biển bạc đầu thương nhớ Những ngày không gặp nhau Lòng thuyền đau - rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi Biển chỉ còn sóng gió"
Nếu phải cách xa anh Em chỉ còn bão tố…
4-1963 XUÂN QUỲNH
|
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét