Sau khi trở về từ chiến trường phía Tây Nam của tổ quốc với thương tật 61%, chàng thanh niên ấy không trở về quê hương, nơi có người yêu đang chờ đợi. Bởi theo suy nghĩ của bản thân: không muốn người yêu phải gắn kết cuộc đời với một kẻ tàn phế trong chiến tranh. Người ấy là thầy tôi.
Trước kia, vừa tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Hà Nội, nghe theo tiếng gọi của quê hương, thầy cùng một số bạn gác lại ước mơ, xông xáo lên đường vào Nam chiến đấu. Có băng rừng, lội suối, trèo đèo, vật lộn với cơn sốt rét rừng trong bom rơi, đạn lạc, người ta mới thấy hết những gian nan của người lính mà trước đây chỉ hình dung qua sách vở. Giờ hòa bình lập lại, thầy trở về với cái nghề mà mình ấp ủ bấy lâu nay, mặc dù đã gửi lại chiến trường một phần thân thể. Qua vài năm đứng trên bục giảng với danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, thầy được đề bạt làm hiệu trưởng trường trung học phổ thông của huyện vùng biên giới này. Người thầy giáo ngoài ba mươi tuổi vẫn sống độc thân trong khu tập thể của trường. Đôi lúc nhìn đồng nghiệp có bạn, có đôi sống hạnh phúc bên nhau thầy cũng cảm thấy chạnh lòng. Một thời gian sau có vợ chồng của giáo viên chuyển về quê, nhượng lại ngôi nhà gỗ lợp tôn ở ngoại ô thị trấn nơi thầy đang công tác, cách trường hơn cây số. Thầy sống giản dị, hòa đồng với mọi người, với đồng nghiệp, được chính quyền địa phương yêu mến và nể trọng. Ngoại trừ một số ít đồng nghiệp “ghen ăn tức ở” với suy nghĩ “dân ở đâu lại đây làm cha”.
Thời ấy, với địa vị như thầy, có người phất lên rất nhanh nhờ vào việc xây dựng cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, những kỳ thi tuyển vào lớp 10… và xem mùa thi như mùa thu hoạch. Thấy thầy giản dị, liêm chính, một số giáo viên trong trường xem như cái gai trong mắt. Họ tìm mọi cách, mọi sơ hở để “hạ bệ” thầy. Lúc bấy giờ, nhiều phụ huynh có con em học kém nhưng lại muốn con học trường công. Họ nhờ giáo viên làm cầu nối mong thầy giúp đỡ. Chẳng những thầy không giúp mà còn khuyên giáo viên đừng tiếp tay với phụ huynh. Phải minh bạch trong tuyển sinh, chọn những em thật sự có năng lực, tránh ngồi nhầm lớp… tránh những “sản phẩm” của trường trở thành phế phẩm. Bằng cách nầy không được, họ lại nhờ cấp trên của thầy nói hộ, có thể thầy vị nể mà giúp đỡ. Thầy thẳng thắn trả lời không nên đôi khi làm mất lòng cấp trên. Một vài học sinh ỷ con nhà giàu hay quậy phá nên bị phạt, thầy còn mời phụ huynh vào trường trao đổi việc kết hợp với nhà trường trong việc giáo dục học sinh… một số phụ huynh “cạn nghĩ” học sinh thì thù ghét. Có lần thầy bị một số người hành hung gây thương tích nhưng vẫn không lay chuyển bản tính trung thực của thầy. Lần đó thầy phải nằm viện hơn tháng trời, lại nhằm vào lúc chuẩn bị thi chuyển cấp nên mọi việc phải giao cho thầy hiệu phó đảm nhiệm. Cơ hội ngàn năm có một, nhiều người hồ hỡi ra mặt.
Thời gian sau, sức khỏe thầy ngày càng yếu dần bởi vết thương cũ tái phát, cộng thêm bệnh thấp khớp… Thầy xin nghỉ mất sức và được giải quyết theo chế độ. Người thì luyến tiếc, cảm thông, kẻ bảo thầy khôn khéo muốn hạ cánh an toàn. Mặc cho những lời đàm tiếu, thị phi, thầy rời xa mái trường thân yêu, nơi chấp cánh ước mơ của thầy sau ngững tháng ngày xông pha nơi trận mạc. Gian khổ, mất mát, hy sinh vẫn không làm thầy chùng bước. Vậy mà những đố kỵ nhỏ nhen đời thường đã làm thầy nhiều đêm không ngủ. Về với cuộc sống của người công dân bình thường ở vùng ngoại ô, khung cảnh thoáng đãng, vắng vẻ nhưng hơi buồn, bởi hằng ngày thầy lủi thủi một mình với nỗi nhớ trường, nhớ bạn, nhớ học trò bao năm gắn bó. Căn nhà qua sử dụng nhiều năm đã xuống cấp mà thầy không có khả năng để sửa chữa. Người tỏ vẻ thương hại, kẻ nhếch môi: “không biết chớp thời cơ thì ráng mà suy ngẫm”. Từ khi thầy nghỉ việc, nhiều học sinh đến thăm thầy, nhất là vào ngày Nhà giáo Việt Nam. Học trò của thầy nhiều người thành đạt, có chức có quyền. Cũng có người không có điều kiện, vất vả với cuộc mưu sinh. Bạn bè đồng nghiệp ghé thăm, cảm thông cũng có mà “đáng đời” cũng có.
Bẵng đi một thời gian, hôm đó cũng một ngày cuối thu, không khí lạnh đã phảng phất ngoài kia, tôi cùng một người bạn về ghé thăm thầy. Đi qua đi lại mấy vòng, chúng tôi ngập ngừng, do dự không dám bấm chuông ngoài cổng. Bởi căn nhà ẩm thấp trước đây được thay bằng ngôi nhà tầng thật khang trang, bề thế. Hỏi thăm người xung quanh, người ta bảo đó là nhà của thầy Vinh mới xây gần năm nay. Chúng tôi ngạc nhiên vô cùng. Hình như đoán được những thắc mắc của chúng tôi, người hàng xóm ấy mai mỉa: “Người ta nói ông hiệu trưởng nầy trước đây liêm khiết lắm. Làm bộ vậy chứ mới nghỉ việc đầu hôm sớm mai mà lại xây nhà lầu. Ông ta khôn khéo đấy thôi, chứ ai chẳng biết mùa thi là mùa thu hoạch của mấy ổng”. Tôi nghe mà đắng lòng. Bởi từ xưa thầy là người tôi kính trọng và ngưỡng mộ nhất… Thằng bạn đi cùng lên tiếng tỏ vẻ khó chịu: “Thôi, vào nhà đi rồi rõ trắng đen.”
Thật bất ngờ, khi chúng tôi bấm chuông, một cô gái khoảng mười tám, đôi mươi mở cổng. Hai đứa trố mắt nhìn, cứ ngỡ vào lộn địa chỉ. Nghe có tiếng người, thầy chống gậy bước ra. Gặp chúng tôi thầy mừng lắm, ra hiệu cho chúng tôi ngồi. Thầy cũng khó nhọc ngồi xuống ghế vì bị chứng đau khớp và vết thương cũ hoành hành. Chúng tôi cảm thấy áy náy vô cùng, không ngờ sức khỏe của thầy xuống dốc nhanh đến vậy. Cô gái mang nước ra mời, thầy giới thiệu: “ Đây là Huỳnh, cô cháu gái vừa ở đây giúp thầy, vừa đi học lớp 12 trường trung học của huyện mình”.
Thế là tin đồn về ngôi nhà tầng và cô cháu gái từ trên trời rơi xuống lan đi khắp nơi. Kỷ niệm ngày nhà giáo năm đó chúng tôi cũng tề tựu đông đủ ở nhà thầy. Nhưng cái không khí tươi vui phấn khởi, tay bắt mặt mừng ngày nào như gượng gạo. Thay vào đó là những lời xì xầm về ông hiệu truỏng già với cô cháu gái ngang hông. Có kẻ ác miệng: “Già mà còn ham gặm cỏ non”. Có lẽ thầy cũng đoán được ý nghĩ của chúng tôi qua những lời bóng gió. Nỗi buồn chừng như hằn sâu trên khuôn mặt già nua, khắc khổ và thầy ít nói hẳn đi. Những ngày 20/11 của các năm sau, bóng dáng học trò cũng thưa dần.
Một hôm đang làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận được tin thầy bệnh nặng và muốn gặp tôi. Tôi do dự, nửa muốn về gấp, nửa không. Nhưng tình cảm thầy trò từ xưa vực dậy, tôi quyết định về quê thăm thầy. Tôi về đến nơi, thấy cô cháu gái đi qua, đi lại trong hành lang như đang nóng lòng chờ đợi một điều gì đó. Khi thấy tôi thấp thoáng ngoài cổng, cô vội chạy ra mở cổng và nói nhanh như trách: “Thầy mong anh từng giây từng phút, sao anh về trễ thế?”. Tôi bối rối chạy nhanh vào phòng. Thầy đang nằm thiêm thiếp. Nghe có tiếng tôi, mắt thầy như sáng lên. Tôi nhanh chân chạy đến ngồi bên cạnh thầy. Thầy cầm tay tôi thều thào: “Lấy cái cặp hồ sơ cho thầy”. Tôi riu ríu làm theo. Thầy ra dấu bảo tôi mở chiếc cặp. Thầy run run cầm tờ giấy: “Đây là bản sao di chúc của thầy, em đọc đi rồi cùng luật sư Thành thực hiện di chúc này. Mọi giấy tờ liên quan thầy để cả trong đó. Tôi bối rối đứng chết lặng. Không biết di chúc viết gì, còn bao điều bí mật trong chiếc cặp kia… Lúc thầy mệt và thiếp đi, tôi tranh thủ giở ra xem. Bấy giờ tôi mới ngỡ ngàng: “Khi tôi qua đời, căn nhà nầy sẽ giao cho Nguyễn Minh Luân, đứa học trò có tên trong danh sách lớp 12A năm học 1995- 1996 (có gạch đỏ dưới tên). Đứa học trò mồ côi, lận đận trong sự nghiệp… căn nhà nầy của Long “cận” xây tặng tôi năm 2000, em đang định cư tại Mỹ. Long cũng thống nhất với ý nguyện của tôi. Luân có trách nhiệm chăm sóc Huỳnh – cô bé mồ côi hiếu học đang ở nhà thầy. Khoản tiền ít ỏi trong sổ tiết kiệm đang gửi ngân hàng dành cho Huỳnh sử dụng khi bắt đầu vào đại học… Mọi thủ tục có luật sư Thành hướng dẫn và thực hiện theo pháp luật”. Thầy ơi, tình cảm của thầy dành cho chúng con quá lớn. Vậy mà có lúc chúng con nghĩ sai về thầy. Từng dòng chữ của thầy như những mũi kim đâm vào tim con đau nhói… Lật những trang giấy tiếp theo, nào là giấy chứng nhận thương binh, thẻ Đảng, quyển nhật ký đã ố vàng… Trong đó có đoạn ghi: “Tuy còn nhiều mảnh đạn trong người, mất bộ phận sinh dục xem như mất khả năng làm chồng, làm cha, nhưng bên cạnh tôi còn có những đứa học trò nghèo, mồ côi… Tôi nguyện sống tốt trong quãng đời còn lại…”. Thầy ơi, thầy tha lỗi cho con, cho chúng con…những đứa học trò bé bỏng của thầy ngày nào. Giờ đã lớn, nhưng cạn nghĩ cùn suy, làm tổn thương đến thầy, vậy mà thầy vẫn không ghét bỏ. Công ơn của thầy biết bao giờ chúng con mới đền đáp được. Thầy cố gắng sống cùng chúng con để chúng con có cơ hội chuộc lại lỗi lầm. Thầy hãy tha lỗi cho chúng con… những đứa học trò đã vô tình làm tổn thương, xúc phạm nhân cách người thầy. Thầy hãy nhận nơi đây lời xin lỗi chân tình của chúng con dù quá đổi muộn màng. Con sẽ thực hiện đúng những gì thầy dạy bảo để thầy được an lòng.
N.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét