Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang
Dạo này anh thấy vợ hí ha hí hửng lắm. Sắm đôi giày ba ta, bộ quần áo thể thao, rồi cả hộp cầu lông đựng hàng chục trái cũng được cất kín kín hở hở trên bàn làm việc của vợ. Hôm nay thì vác về cặp vợt.
Vợ nói với con trai 11 tuổi rằng mẹ con mình sẽ tập thể dục bằng môn cầu lông. Con trai lúc lắc quả đầu tròn suýt dính liền với vai vì mập quá trông mất cả cổ, trả lời “Con không biết đánh cầu lông”. “Mẹ sẽ dạy, con không biết chứ môn này mẹ tập từ 16 tuổi”. “Rồi lâu nay mẹ bế quan luyện công à?” Thằng con cắc cớ. “Bế quan nấu cơm giặt giũ cho cha con mấy người thì có”. Vợ không vừa. “Con không thích” thằng con “lật bài” khi cứ dán mắt vào màn hình điện thoại. “Con có biết điện thoại thông minh hủy hoại một đứa trẻ như thế nào không? Dẹp hết! Cả “ông” nữa, ngày mai tui sẽ đi cắt wifi!”.
Vợ nói và vác vợt ra sân. Vuông sân không to, chỉ được chiều dài tầm 6m. Ngang 4m nhưng đã tốn mất hai đường rào, thêm một hàng chậu kiểng. Vợ cứ tâng tâng quả cầu lông từ vợt này qua vợt kia. Bộ quần áo thể thao bó gọn trông bà mẹ hai con cũng còn “được mắt” lắm, chỉ là cái bụng hơi chảy xuống. Thằng con tiu nghỉu vì wifi tuy chưa cắt nhưng mẹ đã lấy điện thoại lại rồi. Nó ngồi bó gối nhìn trời nhìn mây. Thằng con 5 tuổi bỏ bút màu mon men ra sân “chỉ con chơi với”.
Anh không ngán “chiêu” này của vợ, cắt wifi ư, chỉ cắt được 3 ngày là cùng. Nhưng quẹt qua quẹt lại cũng bấy nhiêu thông tin mà tiếng thằng con tíu tít với mẹ vui quá. Thằng anh 11 tuổi bây giờ cũng chạy ra. Anh len lén nhìn “ba mẹ con họ”, người mẹ chạy qua chạy lại dạy đứa lớn giao cầu, dạy đứa nhỏ cầm vợt. Trông đứa nhỏ “có khiếu” hơn vì sau mười phút mẹ hướng dẫn đã có thể giao được quả cầu lông sang phần sân của thằng anh.
Buổi chiều của “ba mẹ con họ” kết thúc khi mùi cá khét dưới bếp và lưng ai cũng ướt mồ hôi.
Anh thuộc tuýp “chồng dân chủ” nên vợ nói gì thì nói, mỗi tháng nộp đủ lương, thứ bảy quét dọn nhà, chủ nhật tùy nghi di tản chứ không phải như bao ông chồng khác, cứ gì phải uống rượu theo thời khóa biểu của vợ, lên giường theo lịch đã định sẳn. Thứ bảy chủ nhật lẽo đẽo xách giỏ theo vợ vào siêu thị để rồi ngồi nhổ râu chờ cô ấy ỏng ẹo đi ra với bao nhiêu là bịch bọc, túi xách…
Dù vợ luôn thỏ thẻ anh ơi anh à, chiều hết giờ thì hãy về nhà, không làm gì thì cứ ngồi đó mà đếm tóc sâu cũng được. Chứ chạng vạng mà điện thoại cứ hết chuông không nghe máy, người thì đi về nơi vô định thì lo lắm. Lo tại nạn xe cộ, lo tại nạn công việc, lo con “gà móng đỏ” nào đó nhấn chìm cả đời trai… Công việc, hai con, chuyện cơm nước, nhà cửa đã làm vợ đuối rồi, thêm chồng đi bất kể tối khuya nữa, rồi một ngày nào đó công an hay bệnh viện gọi tới… chắc vợ chết mất.
Anh cười khì, nói giày dép còn có số, huống chi con người. Anh mà sắp “tẻo” đó hả, cũng sẽ gọi cho em một cú.
Vợ… bó tay.
***
- Em à, anh đi thăm thằng Long nằm viện nha!
- Sao vậy anh? Mới tuần trước còn nhậu với anh em chiến hữu kia mà?
- Chuyện đàn ông mà, hỏi chi!
Anh thèn thẹn nên giả vờ gắt rồi cầm phong bì vợ vừa đưa rồ ga xe chạy mất. Thật ra anh không muốn nói với vợ chuyện thằng Long nằm bệnh viện là do… nhậu. Tội nghiệp Long, từ ngày vợ bỏ đâm ra nhậu bất biết. Hồi đó học việc xưởng gỗ gia công, nhậu lai rai mỗi cuối tuần chủ đãi. Từ ra nghề có xưởng riêng thì đãi lại thợ, nhậu. Đãi bạn bè, nhậu. Đãi địa phương, nhậu. Đãi quản lý thị trường, cán bộ phòng thuế, nhậu.
Vợ nói ít nhậu ít, vợ cằn nhằn nhiều nhậu nhiều. Riết chịu không nổi cái cảnh mâm bàn bày ra là cô vợ ngồi tạy ngạch cửa lằn nhằn nên Long ra đòn quyết định “Tôi có thể bỏ vợ chứ không bỏ rượu”. Vợ Long sùng lên, bỏ chồng trước khi chồng bỏ.
Đời đàn ông dù có làm ăn to lớn cỡ nào, có tiền vô như nước mức nào mà không có người phụ nữ giúp việc giặt khăn giữ túi thì cũng xem như “tiền vô cửa trước/ tiền rớt cửa sau” thôi.
Vợ đi rồi, xưởng gỗ của Long không còn ai nghe điện thoại nhận hàng đặt. Không ai thanh lý những đơn hàng đã giao. Long thì cứ xuề xòa với các “độ”. Khách tới đặt hàng cùng làm vài lon làm quen; khách tới lấy hàng cũng uống vài ly tạ từ. Tiền khách trả có đủ hay không cũng không quan trọng, quan trọng là phải uống ngàn ly với người tri kỉ mới quen này.
Xưởng gỗ vì thế mà sập tiệm.
Long ra bất mãn càng nhậu dữ.
Sau một cuộc ngút trời. Long “xuồng chìm tại bến” và phải vào bệnh viện thở oxy do độ cồn trong máu quá cao gây đột quỵ.
Anh nhìn mớ dây nhợ trên cơ thể bạn mà phát hoảng. Mới hôm nào còn ngồi với nhau nâng ly ngang mày chúc tụng nhau răng long đầu trọc, í lộn, mau ăn mau mập. Mà giờ như cái xác không hồn. Vợ Long thút thít đầu giường, nói “Lỗi tại em… tại em… phải chi em ráng chịu năn nỉ chồng thêm chút nữa thì có lẽ anh Long không như thế này. Em hối hận quá…”.
Anh cũng bàng hoàng đâu kém gì vợ Long. Anh cứ nghĩ, bệnh tật, đau ốm ở đẩu ở đâu thật xa, với những ông già 60-70-80 tuổi, chứ đàn ông 40 phơi phới như anh và Long thì biết bao giờ hắt hơi sổ mũi mới dính được vào da. Vậy mà… chỉ sau một trận nhậu thì còn người vừa chạy vút qua sao Kim, nhảy sổ vào sao Hỏa đó đã nằm im với mớ dây nhợ, máy móc này rồi.
Anh lúng búng lời an ủi vợ Long, len lén để phòng bì dưới đầu nằm bạn rồi ra khỏi phòng mà lòng nặng trĩu. Long chỉ có một đứa con mười tuổi, vợ Long nhờ cha mẹ nên làm bà chủ một cửa hàng trang trí nội thất khá to. Nhà Long yêu quý con dâu lắm, họ biết vợ chồng hụ chặc là do Long nên nhân dịp này mẹ chồng cứ cưng con dâu như là con ruột. Bà bảo vợ Long ráng chăm sóc chồng, mọi thứ tiền bạc đã có bà lo, đưa rước cháu đã có cô chú của bé, vợ chồng dù đã ly hôn nhưng một ngày cũng nghĩa, cần nhau là cần những lúc thế này con ạ.
Anh nén tiếng thở dài… Kinh tế gia đình họ ổn định, nếu Long có “mệnh hệ” nào, cô ấy vẫn lo cho con được.
Còn vợ chồng anh đều ăn lương theo hiệu suất công việc. Con hai đứa, lương chưa giáp tháng đã thấy hết tiền, nhà vợ cũng không khá giả, nhà anh càng khó lòng giúp đỡ. Nếu…
Anh rùng mình cho sự tưởng tượng thái quá của mình.
Anh chợt thấy tất cả đàn ông trên thế gian này đều có lỗi với những người phụ nữ. Đó là mẹ mình, chị em mình và vợ, con gái mình. Bởi họ suốt đời chỉ biết quan tâm, yêu thương, chăm sóc cho người đàn ông của họ. Vậy mà, có bao nhiêu người con trai, người chồng, người anh, người cha hiểu cho tấm lòng những người phụ nữ thân yêu của họ?
Tay lái bất chợt đưa anh ghé vào cửa hàng bán đồ thể thao. Anh chọn cặp vợt khá chuẩn rồi mỉm cười ra về, dự định đem bất ngờ cho vợ.
Nhưng…cửa khóa im ỉm. Bếp lạnh nhà vắng. Trên bàn chỉ vỏn vẹn tờ giấy “Em và con về đám giỗ ông ngoại. Chờ anh không được, gọi điện không nghe nên mẹ con đi một mình”.
Anh quăng cặp vợt bên thềm và hộc tốc chạy sang nhà cha mẹ vợ. Hên, chỉ có 10km. Kim đồng hồ chỉ 12 giờ trưa.
Mẹ vợ nhìn anh không giấu được ánh mắt khó chịu nhưng khi anh xoa xoa đôi tay vào nhau nói “Xin lỗi mẹ... con… con… bận giao cho xong cái đơn hàng…” thì nụ cười của bà đã nở trên môi.
***
Anh trở mình trầy trật mãi 12 giờ đêm vẫn chưa ngủ. Vợ hỏi chuyện gì cứ lăn qua lộn lại làm em cũng khó ngủ theo. Cuối cùng anh ngắc ngứ “Từ mai… mỗi chiều anh… không… đi nhậu nữa…”. Vợ nói mát “Sao không đi uổng vậy?”. Vòng đôi tay rắn chắc qua bụng vợ, anh run gọng tự đáy lòng “Anh sợ như thằng Long…”.
Bây giờ vợ chồng con cái nhà anh “sướng” lắm. Cứ chiều chiều là cùng nhau ra sân vận động phường để đánh cầu lông. Anh và vợ làm huấn luyện viên cho hai con, lát sau hai con lại vỗ tay cổ vũ cho ba mẹ.
Đứa lấy nước suối cho ba, đứa lấy trái cây ướp lạnh đút cho mẹ. Rồi anh lại “chấp” hai đứa đánh với ba, tiếng trẻ thơ í ới giành giao cầu inh ỏi. Vợ anh tủm tỉm cười và luôn tay chấm miếng xoài keo giòn ngọt vào bịch muối ớt.
Ráng chiều đỏ rực phía chân trời.
Đ.P.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét