Cuối cùng cô Út cũng quyết định bán cây khế 40 năm tuổi của bà nội để lại với giá 10 triệu đồng. Ừ thì bây giờ cô Út ở “nhà thờ”. Lo nhang khói cho ông bà nội, lo luôn giỗ quải ông bà cố, cô Hai mới mất cũng làm đám tang tại nhà thờ này, một tay cô Út lo. Thì xem như cây khế đó của cô Út đi. Nhưng cái giá đó hình như là quá rẻ?
- Anh Ba thông cảm… hôm trong năm em cũng túng. Mà ngày hết tết tới biết mấy anh chị cũng không dư dả… Em bán đại… mà em cũng nói rẻ đó anh Ba, đòi hai mươi triệu lận. Nhưng người mua nói, nào là phải thuê kobe cạp gốc, thuê kéo móc lên, mướn cưa máy tỉa cành, về ươm dưỡng hàng năm trời nữa. Ngon thì có khách mua giùm. Chưa gặp thời thì họ ôm và chăm sóc thấy bà cố tổ. Thôi, bán rẻ như làm phước vậy mà! Út phân bua với ba tôi.
- Thì giờ cái nhà này coi như là của bây… Anh em ai cũng thương bây hết. Sáu anh em lớn lên bên nhau, dưới gốc khế đó, rồi ai cũng có chồng có vợ tứ tán hết hết. Bây quá lứa lỡ thì làm tròn chữ hiếu với ba mẹ. Anh em ai có tị nạnh gì. Nhưng sao bây không gọi anh em về, nâng giá cao lên một chút, bây có thêm ít tiền bỏ túi? Ba tôi bảo.
- Thôi anh Ba ạ, chuyện lỡ rồi, đừng cằn nhằn hoài Út nó buồn tội nghiệp. Cô Tư nói xuôi.
- Ừ thôi ăn đi… ăn đi… hâm đi hâm lại nãy giờ, ruồi bu kiến đậu quá rồi. “Ba ngày xưng, bốn ngày xẹp”, ăn bữa cơm đầu năm cho khí thế rồi cả năm ai cũng phải đi bươi.
Ba tôi buông thõng một giọt buồn vào không gian ngày xuân còn lẩn quẩn đâu đây.
Mọi người quây quần bên mâm cơm nhưng hầu như không ai buồn ăn nữa. Gốc khế sát tường nhà, giờ chỉ còn là cái hố sâu hoăm hoắm mà phải vài người trai trẻ lực điền lấp cả buổi mới đầy.
Ba đánh tiếng thở dài thườn thượt. Cây khế ấy, không những lớn lên cùng mấy anh em của ba, đầy ắp kỉ niệm từ cái rễ lồi lên, từng cái cành “bất đắc kỳ tử” mà gãy, mà từng centimet thân cây khế cũng ghi dấu bao nhiêu vui buồn của mấy anh em bằng bao dòng chữ viết nguệch ngoạc “khắc dấu” vào thân cây đến ứa nhựa. Điều quan trọng hơn, cây khế còn là “ông tơ bà nguyệt” của ba mẹ nữa mà.
***
Ba tôi kể, ngày nội về nhà làm dâu, cây khế mới cho vài chùm bông tím tím. Ông cố định chặt đi, nói cây khế “quạ ỉa” tự mọc, không lấy gì làm quý, chặt bỏ để cất cái chái hè, mai này vợ thằng Hai sinh nở có chỗ mà lót ổ. Nhưng cô dâu mới xin, rằng cây khế tơ quá đẹp, ba để lại cho có bóng mát, có trái nấu canh chua… với lại con nghe nói, mấy bà bầu thèm chua lắm.
Nể tình dâu mới, ông cố để cây khế lại. Rồi bà nội tôi cấn bầu, đúng là thèm chua thật. Cây khế như trả ơn người giữ mạng cho mình, nên nó ra trái oằn cành. Khế ăn không hết thì nội tôi làm mứt cho ông già chồng uống trà, cho trẻ hàng xóm ăn chơi mỗi buổi chiều tụ tập quanh gốc xin trái xanh.
Thời gian thoi đưa, ông bà cố mất đi. Nội tôi lần lượt sinh sáu đứa con. Nghèo càng nghèo hơn dù ông nội quanh năm đầu tắt mặt tối. Trong vuông vườn bây giờ đã trồng thêm mấy cây tắc, chuối, mít… nên mùa nào thức ấy, nội vun vén bữa cơm gia đình quanh mấy thứ cây trái đó, mà khế chua luôn là mặt hàng chủ đạo. Rồi thêm mấy bụi chuối hột, chuyên đốn buồng lúc trái xanh, bởi chuối xanh, khế chua là món rau sạch mà mấy bà bạn hàng ở chợ rất ưa.
Ba tôi kể, sáu anh em, đứa lớn nhất là cô Hai, mười ba tuổi, ba tôi mười hai tuổi, đứa còn bò lổm ngổm. Đói ròng đói rã bởi chợ xa, mẹ chưa về. Vậy là cô Hai, cô Tư nắm bốn góc mền, ba tôi lấy sào móc móc trái xuống ăn đỡ đói. Nhưng móc như vậy sẽ rụng cả trái non, ông nội biết được sẽ nát đít vì uổng phí. Vậy là ba tôi làm nhiệm vụ của tạc- răng là trèo cành bẻ khế cho sáu anh chị em đỡ dạ trong nhiều ngày thơ ấu.
Có một kỉ niệm dưới gốc khế mà sau này ba và các cô chú đều nhắc mãi. Đó là có một dây gấc hàng xóm bò sang, vấn vít trên cành khế như một con trăn quấn thật chặt. Rồi đó, mấy anh em của ba tôi kéo dây gấc xuống, thi nhau đu qua đu lại, bay bay như mấy hiệp khách giang hồ trong tuồng cải lương. Cô bé nhà bên “chủ nhân” của dây gấc biết được thì sang “đòi” lại dây gấc. Nhưng cô cũng bé quá, không lôi nổi dây gấc về phía mình, trong khi phía bạn những quá xá người. Vậy là cô bé hàng xóm nhập bọn luôn, cùng nhau làm đệ tử tạc- giăng. Kết quả… không khả quan bởi cô bé bị té, người bị va vào gốc mít, nứt xương đòn, phải băng bó cả tháng.
Cây roi mây “truyền đời” lâu nay trên vách được ông nội tôi rút xuống, từ cô Hai tới chú Năm nằm trên ván như cá mòi hộp. Kẻ “đầu têu” là ba tôi ăn đòn nhiều nhất, vì cái tội lớn đầu mà ngu, bày trò tầm bậy cho em mình té, hàng xóm té. Ba tôi bảo, lúc ấy 12 tuổi mà sao ngu dữ trời, dám trả lời ông già rằng “Con dạy con bé Nụ đu dây chứ đâu có biểu nó té. Sao nó tự té chi để con bị đòn?”.
Ông nội tôi không còn cách nào khác, bèn sang nhà hàng xóm xin lỗi và bộc trực nói luôn “Xin lỗi anh chị, mũi dại lái chịu đòn. Mai này con bé Nụ lớn lên, cái khớp xương đòn đó lỡ không liền lạc làm nó bị… què tay, khó lấy chồng… thì tôi xin phép “đền” bằng cách cưới nó cho thằng bé Ba nhà tôi ạ”.
Ông thợ tivi, bà thợ may ấy cũng chỉ có hai cô con gái. Cô chị lớn tên Nụ, cô em nhỏ tên Búp, chưa mười tuổi nhưng đã biết đơm khuy cắt chỉ phụ mẹ. Ông thợ tivi không có con trai, nên nhìn bầy con trai ba đứa của ông hàng xóm thì thèm lắm. Muốn có một đứa học trò từ lâu, nhưng nhà hàng xóm cứ mãi lo cơm áo, nay nhân dịp bé Nụ té vì cái dây gấc, nhân dịp ông hàng xóm sang “xin được bắt đền” thì ông thợ sửa tivi nói luôn:
- Thôi, anh Hai đừng nói chuyện xa xôi như vậy. Tụi nhỏ còn chút xíu à! Anh thương tình hàng xóm tụi mình thì cho một thằng con qua tôi học thí công nghề sửa tivi là được.
Trai gái nhà quê hồi đó, chuyện học hành không quan trọng lắm đâu. Mà có học cũng không phải rạc người như bây giờ. Một buổi đến trường, buổi còn lại ra đồng. Nhà nội tôi nghèo hơn, ông nội đi làm xa, bà nội đi chợ sớm, các cô chú tôi học từ lớp 1 đến lớp 5 xen kẽ nhau 2 buổi sáng- chiều. Còn thời gian thì thay nhau nấu cơm và ra đồng mót mì, lượm củi, bắt cá, hái rau…
Nhà “bé Nụ” khá giả hơn bởi mẹ làm thợ may, ba làm thợ sửa tivi. Những chiếc tivi thời ấy chỉ có hai màu đen trắng và đầy “bột báng” mỗi khi đài có gió nhiều, mưa to. Trời sét một cơn hay bão một trận là ông thợ sửa tivi sẽ làm không hết việc. Nên ông rất cần một học trò, mà học trò siêng năng như con trai nhà ông hàng xóm thì là lựa chọn tuyệt với nhất.
Ông nội tôi cảm ơn lăm lắm. Nhưng rồi…các con của nội, không đứa nào ưa cái nghề nghề còng lưng suốt ngày với mấy con trở xanh, đỏ, vàng, cam… đến lóa cả mắt đó.
Ba tôi học hết lớp 9 thì đi đi làm culi thợ hồ. Bé Nụ vẫn theo nghề may của mẹ.
Vậy mà… trời xui đất rủi… mười lăm năm sau cái ngày bé Nụ “làm tạc - răng” đến nứt xương đòn đó, ba tôi và bé Nụ thành chồng vợ.
Ông bà ngoại tôi vẫn hay nói, ba mẹ tôi có nhau là nhờ… cây khế se duyên. Gia đình đông đúc, người quê một nắng hai sương chưa ngày nào dám nghỉ ngơi. Nhưng cái ăn, cái mặc, sự học hành của con cái vẫn là bài toán khó. Ba tôi đưa vợ con đi xứ khác mưu sinh, hầu đất cũ đãi người mới để chúng tôi có điều kiện học hành hơn. Cô Út ở lại nhà chăm sóc ông bà nội, mấy anh em ba tôi vì cuộc áo cơm giờ tứ tán quê hương hết rồi, không ai quan tâm chuyện cha mẹ già phải sống với con trai út như lời người xưa nữa. Bởi cô Út tôi là phận gái nhưng đã chăm nom cha mẹ già đến quên cả thời xuân sắc, thì công sức đó, không bằng một thằng con trai sao?
Ông nội mất trước. Hai năm sau thì ba nội tôi cũng “đi theo”. Khi bà vào tuổi 83. Những ngày cuối đời của bà, cũng chỉ có mình cô Út ở bên. Út nói, gần ngày đi nội hay nói mớ lắm, câu nói thường nghe nhất là “Bé Ba, bé Ba… coi chừng té… leo chi mà cao vậy con?”.
Ấy là bà nhớ về ngày xưa, cái hồi ba tôi leo cây hái khế cho bà bán đấy. Thi thoảng giật mình bà lại bảo “Nhả ra… nhả ra…Út ơi… ăn khế nhiều xót ruột lắm con”.
Đó cũng là mấy lần nội đi chợ về muộn, đàn con đói, đứa con gái út ba tuổi đang ngấu nghiến nhai quả khế chín to đùng. Mấy lúc như vậy, sáu đứa con đều a lại để chuyền tay nhau khi thì xâu bánh còng, lúc cái bánh cam, hay chiếc bánh đa đường một đứa cầm, bốn đứa cắn.
***
Kỉ niệm còn đong đầy quanh cây khế của nội dù thời gian đã qua gần nửa thế kỉ. Mái đầu ba tôi đã muối nhiều hơn tiêu, mái tóc mượt mà thời con gái chuyên gội lá sả, lá bưởi, lá khế… của Út giờ cũng bắt đầu xơ xác bởi tuổi trời đã chồng lên đến con số 40. Nhưng tình anh em mãi mãi vẫn không thay đổi.
Ba tôi lòng nằng nặng hất từng vá đất xuống chiếc hố sâu hoăm hoắm đó. Nói kỉ niệm vẫn chỉ là kỉ niệm, còn thực tế thì Út mày nên mua cây mít thái thơm về trồng chỗ hố này, tàn mít cũng nhỏ, giống cây mau cho quả, mùi thì ngọt ngào thơm tho. Anh em mình nhìn cây mít cho đỡ nhớ cây khế của má vậy.
Đ.P.T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét