Dựng chiếc xe đạp vào góc sân, Ngạc đi dưới tàn lá rậm rì bên khu vườn nhà. Buổi chiều tới muộn, chiếu rọi qua kẽ lá vô số bóng nắng sáng lấp lánh. Thấp thoáng bên giàn mướp đang trổ hoa, chính là ngôi nhà mà lát nữa thôi Ngạc sẽ trở về. Đó là căn nhà bình thường như bao căn nhà thuộc hàng dân dã nông thôn. Nó được xây dựng trên mảnh đất do nhà trường cấp cho giáo viên dạy xa nhà. Khu đất tương đối rộng và màu mỡ. Trong những giờ không đứng lớp, Ngạc gieo trồng lên đó một ít cây ăn trái. Và theo yêu cầu của Nụ, chị của Ngạc, anh trồng chen lên đấy vài luống hoa. Dù biết rằng với đôi mắt tật nguyền Nụ chẳng thể thưởng thức được vẻ đẹp qua từng loại hoa; song để làm vừa lòng Nụ, hay đúng ra muốn làm cho chị mình được vui, Ngạc đã nhờ người quen mua về ít hạt giống. Chẳng bao lâu, trước hiên nhà đã mọc lên những khóm hoa xinh xắn. Từ đó, cứ chiều đến Nụ bắc ghế ra ngồi, hít thở trên chút hương thơm dịu dàng của từng bông hoa cùng với chiếc đàn phong cầm trên tay.
Có thể vào lúc này, trước hiên nhà chị Nụ đã bước đến ngồi vào chiếc ghế quen thuộc. Và, chẳng bao lâu, dưới đôi bàn tay thuần thục, Nụ bắt chiếc đàn thô thiển như món đồ chơi, phát ra thứ âm thanh mượt mà bay bổng. Ngạc rất thích nghe tiếng đàn của chị; nhất là vào những buổi chiều vàng óng trong mùa giáp hạt. Nghĩ thế, Ngạc vội bước tới đứng tựa người bên cây mận trong vườn,dõi mắt nhìn ra khoảng trời nhuốm màu chiều bên cánh đồng lúa đang chín tới vàng mơ.
Lạ! Ngạc chờ đợi trong sự nôn nóng. Anh thắc mắc tại sao mãi đến tận giờ này tiếng đàn của Nụ chưa thấy ngân lên. Linh tính tới việc không may xảy đến với người chị mù loà khiến Ngạc vội vã bước qua quãng sân rộng trở về nhà.
Trước hiên, trên chiếc ghế Nụ vẫn thường hay ngồi, bị bỏ trống trơn. Ngạc không thể tin nổi vào mắt mình. Bởi từ khi dọn nhà về đây, chưa lần nào Ngạc thấy chị Nụ rời khỏi chỗ ngồi nơi chiếc ghế quen thuộc. Anh đứng kiễng chân nhìn vào trong nhà, từ trước ra đến sau, cố tìm kiếm xem Nụ đang ở đâu. Căn nhà khá im ắng. Sự im lặng đáng sợ làm cho Ngạc chùn chân trong nỗi lo âu. Trời ơi! Nếu để xảy ra chuyện gì cho Nụ thì liệu anh có chịu đựng nổi bao điều dằn vặt về tinh thần? Ngạc không muốn nghĩ tới sự tệ hại ấy. Nhưng càng cố trốn chạy sự thật bao nhiêu thì, hình ảnh Nụ lại càng hiện rõ hơn bao giờ. Phải thừa nhận Nụ là người con gái xinh đẹp. Chị lớn hơn Ngạc năm tuổi nhưng ở cái tuổi hai bảy trông Nụ trẻ trung hơn nhờ mái tóc đen tuyền được chăm sóc đơn giản bằng những trái bồ kết nướng chín. Mùi thơm bồ kết nấu sôi trong nước lạnh cứ như một phép lạ lưu giữ lâu bền chút hương dân dã, đặc trưng miệt vườn. Đến như mỹ phẩm, son phấn đôi khi cũng phải ghen tị với làn da trắng mịn màng trời ban cho Nụ. Và, nếu không vì đôi mắt tật nguyền do hậu quả của một căn bệnh quái ác để lại. Hẳn khuôn mặt trái xoan cùng sống mũi dọc dừa kia sẽ làm tôn vinh thêm nhan sắc của Nụ lên rất nhiều. Chính vì sự bất hạnh đó Ngạc không đành lòng bỏ mặc chị mình sống tẻ nhạt bên bốn bức tường tu viện. Cho nên bằng mọi cách Ngạc đã cố gắng thuyết phục, kể cả phải năn nỉ, xin Nụ về sống với mình cho có chị có em. Không ngờ sự thể lại diễn ra đầy tính bi kịch hôm nay. Ngạc bước tới đứng tựa người vào cạnh chiếc bàn làm việc nhìn ra ngoài. Phía sau vuông cửa, màu nắng cuối chiều hanh vàng đậu quanh giàn mướp. Vào lúc này, sau từng cơn mưa, những chiếc hoa mướp nham nhám như muốn khoe hết sắc màu vàng óng trên đám lá xanh; hòng dẫn dụ từng đàn ong bướm tìm tới lượn lờ. Xa hơn chút, trên con đường mòn bị cỏ lá che lấp phần lối đi. Ngạc bắt gặp mảnh vải đỏ chói chang bị vướng vào bụi tre gai, run phần phật trước gió. Cái màu đỏ quen thuộc Ngạc không thể lầm lẫn với màu chiếc khăn voan mà Nụ vẫn thương quấn ngang cổ.
Như một gã tâm thần, Ngạc lao nhanh ra cửa. Chiếc khăn gặp cơn gió mạnh thổi bùng lên như ngọn lửa. Ngạc quơ tay túm lấy chiếc khăn mềm mại nhưng mắt vẫn không rời khỏi hướng bờ sông đỏ quạch phù sa. Con sông đang tuôn chảy một cách hối hả và trở nên hung hãn. Hứa hẹn sẽ kéo trôi bất kỳ vật cản nào trên đường di chuyển. Ngạc rùng mình sợ hãi. Hai mắt chợt nhoè đi trong màn nước. Không! Không thể như thế! Không thể có chuyện Nụ đã bị con nước nhận chìm bên dòng nước đáng nguyền rủa kia. Nhưng dù muốn hay không. Sự thật là Nụ vẫn chưa thấy xuất hiện quanh đây. Thất vọng. Ngạc đứng nhìn trân trối dòng nước đỏ quạch màu phù sa tuôn chảy mà đôi chân như sắp khuỵu xuống. Chết. Ngạc nghĩ: chỉ có cái chết mới mong xoá bỏ được nỗi ân hận. Chị Nụ! Ngạc cất tiếng gọi thật to bên sự vô vọng.
Giữa lúc mọi chuyện tưởng chừng như hoàn toàn bế tắc, Ngạc chợt nghe văng vẳng từ đâu đó trong không gian từng mớ âm thanh trầm bổng quen thuộc được cất cao lên một cách mơ hồ. Ngạc chưa dám tin vào tai mình vì biết đâu chúng chỉ là thứ tiếng động dấy lên từ tiềm thức? Như để trả lời cho sự nghi hoặc nơi Ngạc, âm thanh huyễn hoặc từ chiếc đàn phong cầm một lần nữa vang rền trên bầu trời lộng gió.
Giữ chặt chiếc khăn voan trong tay, Ngạc vui mừng khôn xiết, chạy tràn lên đám cỏ dại, hướng về phía đã phát ra âm thanh réo rắt từ những tiếng đàn. Cứ thế Ngạc chạy mãi. Chạy đến khi bắt gặp con đê chặn hết lối đi mới chịu dừng lại. Con đê của một thời xa lắc, giờ đã trở thành con đường giao thông huyết mạch, nối liền xã vùng trũng với khu dân cư mới, biến mọi sinh hoạt thường nhật dễ dàng hơn so với việc di chuyển, học hành của người dân nông thôn, chỉ biết dựa vào ghe thuyền đi lại mua bán. Nhìn con đê vượt cao trên tầm mắt, Ngạc bồi hồi nhớ tới những ngày đầu ra quân đi xây dựng con kênh thuỷ lợi. Con kênh đã có không ít con người trầm mình dưới nước, dưới cái nắng nóng như thiêu như đốt mùa hè khắc nghiệt, thách đố thiên nhiên, đào đắp hàng trăm ngàn mét khối đất cùng với hàng ngàn ngày công lao động, chỉ mong đổ chút mồ hôi đổi lấy mùa sống phong phú cho con trẻ sau này. Ngày nay, bất kể ai, mỗi khi có dịp di chuyển trên con đê bạc màu nâu đất, người ta tưởng vẫn còn nghe vẳng đến bên tai tiếng leng, cuốc; tiếng trai gái hát hò cởi mở; tiếng lội nước bì bõm trong sình lầy... và cả tiếng đàn phong cầm đang réo gọi từ trên con đê cao kia nữa.
Ngạc thật sự ngạc nhiên trước bóng dáng cô thôn nữ có mái tóc đen dầy đang ngồi chơi những bản nhạc do mình sáng tác trên một chiếc phong cầm. Chị Nụ. Có phải chị đó chăng? Không cưỡng lại được sự tò mò, Ngạc cố tìm cách leo lên con đê. Con đường ẩm ướt, trơn tuột, không một nơi nào có thể bám víu; chỉ cần sơ sẩy một chút Ngạc có thể rơi xuống hố sâu bên dưới. Vậy mà không hiểu bằng cách nào, Nụ đã cùng chiếc đàn của mình, leo lên tận đó một cách an toàn đáng khâm phục?
Loay hoay mãi với con đường một lúc lâu, cuối cùng Ngạc cũng đã đặt chân lên tới mặt đê. Vừa mệt vừa phải gắng sức khiến Ngạc thở hào hển. Chỉ tới khi thật sự ngồi cạnh bên Nụ, Ngạc mới lên tiếng:
- Chi Nụ! Dưng không chị bỏ ra ngồi đây. Làm em phải một phen bị thót tim đi tìm.
Những âm thanh đang bay bổng đột nhiên im bặt khi Nụ đặt chiếc đàn xuống bên cạnh. Nụ cười hiền hoà nói:
- Chị xin lỗi em. Đây chỉ là sự tình cờ. Ừ! Mà sao em tìm ra chị ở đây?
Không cần giấu giếm, Ngạc nói ngay:
- Mới đầu không thấy chị ở nhà em thật sự trở nên hốt hoảng. Em đã đi tìm chị khá lâu. Sau đó nhờ nghe tiếng đàn từ nơi này em mới phát hiện ra chị.
Đang trò chuyện, Nụ như chợt nhớ ra điều gì quan trọng nên vội khoát tay ra hiệu cho Ngạc chờ đợi. Nụ làm động tác vừa dóng tai nghe ngóng, vừa nhăn mũi hít hà nơi khoảng không. Hoàn toàn im ắng. Sự im lặng bởi chỉ nghe có mỗi tiếng gió xào xạt thổi; ngoài ra chẳng còn gì khác, ngoại trừ cánh đồng lúa chín đang nhảy múa rập rờn quanh cái màu vàng rực rỡ... bất ngờ Nụ kêu to:
- Nó! Chính nó. Nụ hân hoan reo lên khi mùi hương ập tới.
Ngạc nhìn theo hướng Nụ chỉ, dễ dàng nhận ra cánh đồng lúa mênh mông phía trước. Cánh đồng trải dài từ chân đê chạy xa tít tắp mãi tận chân trời. Lúa. Biết cơ man nào lúa đang mùa chín tới vàng ươm làm dậy lên mùi sữa non lạ lẫm. Thứ hương thơm ngan ngát khó thể đánh lừa được khứu giác con người. Đây chính là nguyên nhân đưa đẩy đôi bàn chân Nụ lạc bước tới đây? Tiếc là đôi mắt tật nguyền của Nụ không cho phép chị nhìn tận mắt cái màu vàng óng ả, được phủ che lên trên lớp vỏ cứng thô ráp, nhung tơ để biết thế nào là hạt gạo. Ngạc thấy thương chị mình vô hạn. Ước gì trên đời này có được phép lạ nào đó, cho phép Ngạc hoán đổi con mắt mình sang Nụ để cả hai cùng trông thấy mặt nhau?
Để giải mã cho điều bí ẩn mà Nụ chưa hề biết, Ngạc nhẹ nhàng giữ lấy bàn tay Nụ trong bàn tay mình giải thich:
- Chị biết không! Những gì mà chị đã cảm nhận được qua chút hương thơm kia, mọi người vẫn hay gọi là lúa. Lúa. Phải! Lúa đang mùa chín tới. Lúa đang vây quanh ta và có mặt khắp nơi. Lúa màu vàng ươm. Lúa thơm lừng mùi sữa mẹ.
Nghe Ngạc nói Nụ thử đưa hai tay mình ra phía trước, dò dẫm tìm trong khoảng trống không, xem có thể bắt gặp vật thể lạ lùng mà Ngạc vừa nhắc tới. Không! Nụ chẳng thấy gì ngoài đôi tay mình đang chấp chới.
- Lúa như thế nào? Nụ thất vọng ra mặt.
- Là những hạt gạo do người nông dân bỏ công dài ngày, cày sâu cuốc bẫm, gieo trồng, gặt hái, phơi khô và sau cùng đem đi xay xát tách vỏ lấy hạt.
- Nghe em nói, có phải khi lúa chín tới nó sẽ toát ra mùi hương sữa mật ngọt lẫn trong màu vàng đặc trưng?
- Màu vàng. Phải. Một màu vàng đầy ắp tình tự quê hương. Một màu vàng của hoa đồng cỏ nội.
- Có giống với màu vàng bông mướp?
- Không!
- Màu vàng lá úa?
- Không!
- Màu ánh trăng?
- Không.
Suốt đêm, Nụ không thể nào chợp mắt ngủ được. Chị lục đục làm việc miệt mài bên chiếc đàn, bên từng nốt nhạc. Đến gần sáng. Có lẽ cũng là lúc đã có thể kết thúc sự đam mê của riêng mình. Nụ hốt nhiên mừng rỡ reo to lên khi công việc đã hoàn thành.
Như cần có người để sẻ chia sự sung sướng, Nụ bước thẳng tới chỗ Ngạc đang ngủ. Không đợi cho em mình kịp có phản ứng gì. Nụ cầm ngay lấy chiếc đàn chơi luôn bản nhạc do mình vừa sáng tác trong đêm. Mới đầu Ngạc chưa hiểu Nụ muốn mươn ngôn ngữ âm nhạc để thể hiện điều gì, nhưng càng nghe Ngạc càng bị cuốn hút sâu vào cái thế giới ngồn ngộn sắc vàng. Thứ màu vàng chuyển động vùn vụt từ ánh nắng bình minh rực rỡ sang hoàng hôn cháy bỏng, từ màu vàng mùa thu lá chết sang màu vàng ánh trăng lãng mạn, từ màu vàng bông bí dân dã sang màu lúa chín bạt ngàn...
N.Đ.M
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét