Tối thứ bảy, trời thu tháng mười đầy sao. Một dòng người lững thững đi bên hồ Tây, đường Thanh Niên thoảng thoảng mùi hoa sữa. Đêm hạ tuần, trăng lên muộn, dù không có gió cái mát hồ Tây vẫn làm cho mọi người thấy dễ chịu, khoan khoái hơn. Những đôi trai gái dường như xích lại gần nhau hơn. Trên ghế đá có nụ hôn không muốn dứt. Hồ Tây đêm cuối hạ mênh mang.
Tú và tôi đi bên nhau. Đến một ghế đá vừa được một đôi trai gái buông thả, Tú kéo tay tôi thì thào: “Nguyên ơi! Dừng lại đi”, rồi nhẹ nhàng đặt mình xuống ghế đá. Tôi miễn cưỡng ngồi xuống bên Tú. Tôi nhìn ra hồ Tây, những ánh đèn trên chiếc đu thuyền nhấp nháy, chuyển động ra xa bờ hơn, cành liễu rũ xuống im lặng, thướt tha, vô vọng. Hình như đường Thanh Niên bé hẹp lại, đầy người và xe cộ, lúc này chỉ còn một vẻ đẹp lãng mạn mỏng manh trên mặt nước hồ Tây đó là đôi mắt Tú nhìn về xa xăm không chớp. Tú ngồi đó, khuôn mặt sáng bừng dưới ánh điện. Em đưa ra một đoá hồng đỏ lấp lánh sương đêm. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Đêm hôm Tú mua hoa ở đâu?”. Tú ghé sát tai tôi: “Để Tú có cảm giác như vừa được người yêu tặng”. Tôi thở dài, thấy thương Tú hơn bao giờ hết. Tôi biết Tú đang cô đơn, trống vắng hơn bao giờ hết. Ở cái tuổi hồi xuân, em đang muốn tìm lấy một niềm an ủi từ người đàn ông mà mình yêu thương đầu đời là tôi. Song đối với tôi, bây giờ Tú vẫn mãi chỉ là người bạn. Tôi bất lực, bởi trong thân xác tôi bây giờ và mãi mãi không còn được những gì của một thân xác đàn ông lành lặn để trao gửi cho em. Những năm chiến tranh, bom đạn và chất độc da cam đã cướp mất đi cái quyền ấy của tôi rồi, nhưng nào em có biết. Tú ngồi đó, mắt thâm quầng, hướng nhìn ra hồ Tây, đôi môi quả tim mím chặt, hình như trên khoé mắt em có một giọt lệ đang trào ra. Tôi cố động viên em và nói: “Chúng ta về đi, nếu để em buồn là anh có lỗi". Tú quay sang tôi: “Anh có lỗi gì đâu... Em buồn bởi mỗi khi anh bảo yêu em nhưng không bao giờ anh có em tất cả…”.
Ngày ấy, tôi là giảng viên khoa đồ hoạ kiến trúc. Cô học trò Đỗ Minh Tú bé bỏng, người chỉ cao hơn một mét năm nhăm, nhưng nước da thì lúc nào cũng sáng láng, ửng hồng như trứng gà bóc, còn đôi mắt thì rất đa tình. Trên bục giảng mỗi lần tôi đưa ánh mắt về phía em, lòng xốn xang khó tả. Ngay từ lần đầu tiên gặp em, tôi đã như bị bùa mê, sét đánh. Nhưng đối với em tôi đang là thầy nên có một khoảng cách thật sự. Vào một ngày hè, trên con đường về nhà, đến đường Thanh Niên trời bỗng đổ mưa rào. Cơn mưa bất chợt khiến tôi phải dừng xe trú vào quầy bánh tôm. Không ngờ, trong quầy có Tú đang ngồi cùng mấy bạn cũng trú mưa. Tú lí nhí: “Em chào thầy”. Tôi đáp lại: “Vâng! Chào em”. Tôi mạnh dạn hỏi em nhà ở đâu, thì hoá ra em cũng là người hàng xóm. Em mới theo bố mẹ về làng Tây Hồ bên hồ Tây thơ mộng. Biết Tú đi nhờ xe của các bạn, tôi ngỏ ý được lai em về. Mới đầu Tú e ngại, nhưng rồi mấy người bạn hùa vào: “Tiện đường thầy đèo cái Tú về, bọn em đứa nào cũng ở khu vực dưới này, không tiện đường, vả lại trời sắp tối rồi”. Cơn mưa ngớt hẳn, tôi dắt xe ra trước, Tú ái ngại theo sau. Lần làm “xe ôm” tự nguyện ấy cứ khắc sâu mãi trong tim tôi đến tận bây giờ. Vượt dốc đường Thanh Niên Tú đòi xuống sợ thầy đạp leo dốc không nổi. Tôi cố nhịn thở nói: “Em cứ ngồi đó, thầy dư sức leo dốc mà”.
Một ngày tháng 8-1964, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trong không khí cả miền Bắc sục sôi lên đường đánh Mỹ, tôi ghi tên xung phong vào bộ đội. Trước khi lên đường, tôi chia tay với bạn bè, đồng nghiệp và các em học sinh thân yêu. Lúc ra về, Tú đến bên tôi nhờ đèo về nhà. Ôi! Lần thứ hai tôi được làm “xe ôm” cho em. May mắn hay duyên trời đã định? Em đã đến với tôi rồi ư?...vBao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu tôi quay cuồng. Còn em thì ngồi sau xe tôi, không một tiếng buông ra. Em đặt nhẹ bàn tay nhỏ nhắn vào đùi tôi. Hình như có tiếng thở dài phát ra từ trong đôi môi quả tim của em. Trên đường từ trường về sao mà nó ngắn ngủi thế. Tôi muốn đi chậm lại nhưng chậm đến mức bò ra đường rồi. Đêm ấy, tôi hẹn Tú ra đường Thanh Niên. Em nhận lời. Lần đầu tiên trong đời tôi được đi bên người con gái xinh đẹp, nết na ngay trên con đường Thanh Niên mà nhiều người cho đó là con đường tình yêu. Đêm ấy, trong nhiều câu chuyện, tôi đã thổ lộ nỗi lòng mình với em. Em cười rất vui và nhận lời: “Nếu duyên số đã định, hẹn anh ngày chiến thắng trở về”. Bên ghế đá, tôi ôm em vào lòng, giấc mơ tình yêu tràn ngập, môi của tôi chạm vào môi em, ngọt lịm, con tim ngây dại, thổn thức. Không ngờ đêm ấy là đêm đầu tiên tôi biết thế nào là yêu và cũng là đêm cuối cùng hai đứa chỉ là hình bóng. Tôi đi chiến đấu, tin báo tử về, làm Tú đau đớn hàng tuần. Em gắng gượng để ôn thi. Cầm bằng tốt nghiệp trên tay, em đến nhà tôi, thắp cho tôi một nén nhang, báo cho tôi biết “Nhờ có anh mà em vượt qua tất cả, ở dưới suối vàng anh yên nghỉ ngàn thu”. Tú nhận công tác ở một Công ty bao bì xuất khẩu vùng ngoại ô. Trong lúc em buồn, bỗng gặp một người đồng nghiệp tỏ lòng chia sẽ và họ thành vợ thành chồng. Năm 1976 khi nước nhà thống nhất, tôi từ trại điều dưỡng thương binh trở về gia đình trước sững sờ của mọi người. Mẹ tôi cứ sờ nắn tôi mãi, bà tưởng mình mơ, tưởng tôi là hồn ma hiện về. Một thằng Nguyên bằng xương bằng thịt trở về mà mẹ chưa tin. Về nhà rồi tôi mới biết Tú đã đi lấy chồng và đã có con. Trách làm sao được em, bởi chiến tranh nó tàn khốc lắm. Tôi còn may mắn trở về, biết bao đồng đội tôi ngã xuống còn nằm trên mọi miền Tổ quốc. Tôi tiếp tục trở lại giảng đường, và cố quên đi hình ảnh Tú. Tôi cũng không bao giờ thông báo để Tú biết mình còn sống đã trở về.
Những đêm thao thức, có đêm tôi lang thang trên con đường Thanh Niên lộng gió. Đêm trăng cuối hạ, đêm chia tay ấy còn đây, trời đầy sao, ánh trăng vằng vặc, mặt hồ Tây lặng thinh, riêng tôi đi một mình. Cũng có nhiều cô gái lọt vào mắt tôi, nhưng tôi đâu còn là một chàng trai sung sức thuở nào, chiến tranh đã cướp đi của tôi những gì làm cha làm mẹ. Rồi một lần tình cờ, vào một đêm trăng tôi bỗng thấy Tú đến nhà. Em đến bất chợt như một cơn mưa mùa hạ làm tôi bối rối. Những gì tôi muốn tránh, nhưng sao không thể tránh được, chẳng lẽ đây là số phận. Gặp tôi em chỉ chuốc thêm cho mình buồn nhớ mà thôi. Một điều chua xót nữa đến với tôi, khi biết chồng Tú đã hy sinh trong chiến trường cách đây ba năm. Tú hỏi tôi: “Gặp lại em, anh có trách gì không?”. Thương lắm chứ, trách làm sao được. Phận gái bọt bèo của em là nỗi đau của anh. Bây giờ em đơn côi, một nách nuôi hai con, còn anh thì trống vắng, song em có biết không? Hai đứa mình bây giờ chẳng thể nào hợp thành đôi được. Em cứ vui lên, vượt qua tất cả vì các con. Nước và gió hồ Tây sẽ làm mát lòng em, huyền thoại hồ Tây… đêm đêm lại hiện về nhắc nhở người Tây Hồ phải sống cho ra sống phải không em.
Ngồi bên em, trên ghế đá nhìn ra hồ Tây, một chiếc thuyền thoi nhỏ nhoi, chở đôi trai gái đang lướt nhẹ, bồng bềnh, hạnh phúc trên mặt nước, mái chèo khua xé vụn ánh trăng, tiếng sóng vỗ bờ hoà lẫn tiếng nấc của em trên vai tôi. Giờ này, đường Thanh Niên vắng vẻ lắm rồi. Thi thoảng có chiếc xe máy rú ga vội về nhà. Trăng trung tuần tháng mười hồ Tây, lẩn vào bên kia ba đỉnh Ba Vì, bỏ lại một mặt hồ im lặng, mêng mang, đầy ánh điện lung linh. Có tiếng chuông buông ra từ chùa Trấn Quốc, báo hiệu đã quá nửa đêm. Tôi dìu em đứng dậy, hai đứa bước đi như hai kẻ không hồn dưới những tán bằng lăng. Thỉnh thoảng có chùm hoa bằng lăng nở muộn, chưa cháy hết mình bị gió lay, rơi xuống như xác pháo dưới chân hai người. Bên trong đền Quán Sứ tiếng mõ cầu kinh vọng ra nghe huyền ảo, linh thiêng. Giờ này, đêm hồ Tây sâu lắng. Em nắm tay tôi buông tiếng thở dài...
M.N (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét