Như cơn lốc, một lũ con nít xộc vào nhà tôi hét toáng lên:
- Anh A Bu ơi, anh Bu... mùa thu tới rồi!
Chống nạnh, tôi hất hàm, hách dịch:
- Mùa thu tới... kệ mùa thu. Mắc mớ gì bọn bây mà gào lên vậy hả?
Thằng Cu Bi bước tới một bước, tròn mắt chỉ tay ra cổng và... cà lăm:
- Người... người... người.... ta bán... bán... bánh... bánh... trung thu rồi kìa!
Cả nhóm cười rộ. Tôi cũng cười, nhận xét:
- Mày nói dứt một câu là đã sang mùa đông rồi.
Cũng chưa bỏ tật ham nói, thằng Chí Lùn giở giọng ngọng ra:
- Anh U ơi,... ó... ồng... èn... on... á,... ồng... èn... on... ướm,... ồng... èn... ông... ao... ữa.
Nhướng mắt, tôi chế giễu:
- O... ồng... èn... ọng không?
Chí Lùn ngây thơ đáp: “Ông” làm cả lũ bò ra cười.
Tựa lưng vào vách, Quế An lên tiếng:
- Đi coi lồng đèn không, A Bu?
Tôi phát cáu, quát:
- Bu Bu hoài hà! Tao đã bảo tụi bây bao nhiêu lần rồi. Phải gọi tao là anh Khanh, nghe chưa! Đứa nào kêu tao là A Bu nữa, tao lấy cái móc, tao móc lưỡi ra ngoài, cắt cái cụp cho hết nói luôn.
Đứa nào đứa nấy tiu nghỉu, sợ sệt khiến tôi vừa tức cười vừa khoái chí. Không có gì thích cho bằng hù con nít. Cái gì chúng cũng sợ. Tôi đế thêm một đòn nữa :
- Tao nói là tao làm đó!
Quế An bĩu môi:
- Xí, dám không? A Bu thì gọi là A Bu chứ gọi bằng gì nữa? Bày đặt bắt chặt bắt lỏng. Đó, mợ Ba một tiếng cũng A Bu, hai tiếng cũng A Bu, giỏi thì cắt lưỡi mợ Ba đi.
Nhỏ nầy độc chiêu thiệt. Bộ nó muốn trời đánh tôi bảy búa hay sao mà bảo tôi cắt lưỡi mẹ.
Nhưng nghĩ lại tôi cũng buồn lắm. Hết tên thân mật rồi sao mà chọn cái tên A Bu không biết nữa. Để cho mấy thằng bạn học của tôi cứ gọi A Bú, lúc thì A Bù, khi thì Ốc Bu. Năm nay, tôi đã mười ba tuổi rồi chứ còn con nít, con nôi gì đâu. Mắc cỡ gần chết! Không hiểu sao, người lớn thích gán cho xấp nhỏ những cái tên ngộ nghĩnh, lạ lùng. Như Quế An nó còn được mẹ âu yếm gọi là Dế Mèn. Thằng Huy là Cu Tĩn. Hồng Hạnh là Cái Tủn, Khánh là Chuột Con. An Tân là Mèo Mướp, Minh Khoa là Cu Đen... Những cái tên gợi hình khiến cho người mang nó phải đỏ mặt khi có ai gọi. Nhất là lúc có con gái, dân kẹp nơ tha hồ che miệng cười khúc khích. Và sau đó, cái tên thân mật lại được cải biên càng thêm quái dị.
Cu Tĩn kéo tay tôi, nũng nịu:
- Đi coi đèn, anh Ba.
- Ừ, vậy nghe được không. Đi thì đi!
Cả bọn kéo nhau ra phố. Đứa nào cũng ngạc nhiên, chỉ trỏ. Chẳng biết tự bao giờ quầy bán hàng và lồng đèn mọc lên đến trời. Cứ vài chục thước lại có một cái giá treo đèn. Ôi thôi lủ khủ lù khu đèn! Từ những con vật quen thuộc như gà, cá, bướm cho đến những vật hiện đại như máy bay, tên lửa...
Cái nào cũng đẹp, màu sắc rực rỡ, thấy mê!
Cu Đen chắc lưỡi:
- Ước gì em có một cái đèn!
Cu Tĩn chen vào:
- Ước gì em có hai cái đèn!
- Ước gì em có ba cái!
Tôi hét lên:
- Nín! Ước... ước cái con khỉ khô! La rùm trời không sợ mấy bà bán chửi. Về nhà xin tiền mua thì có, chớ ước cái nỗi gì.
- Nhưng má em không có tiền.
- Sao mầy biết?
Cu Đen mếu máo:
- Hồi nãy em đòi mua bánh, má nói không có tiền. Em khóc, má tát cho mấy cái.
Nửa tức cười, nửa tội nghiệp, tôi cặp cổ nó:
- Tội nghiệp không! Thôi về, để tao nghĩ cách “chế lồng đèn” khỏi tốn tiền cho tụi mầy chơi.
Cả nhóm mừng rỡ, reo hò ầm ĩ. Chúng làm như thể tôi đã đưa ra trước mắt chúng hàng loạt đèn tuyệt đẹp.
Hứa thì hứa vậy, về nhà nằm cả buổi tôi vẫn không biết làm sao. Tôi thương lũ trẻ xóm tôi. Toàn con nhà nghèo như tôi. Mỗi ngày được hai bữa cơm no đủ và được cắp sách tới trường là đã may mắn lắm rồi. Để đổi những thứ đó, ba mẹ chúng tôi phải chịu nhiều vất vả, cực nhọc. Còn những món đồ chơi đắt tiền, những thứ bánh “quí tộc” ít khi nào chúng tôi dám đòi hỏi. Thích thì có thích nhưng tự bảo: ”Không có cũng không chết”. Lâu dần thành quen.
Tuy vậy, những đứa “Nhi đồng" nầy làm sao nghĩ được như bọn “Thiếu niên” chúng tôi. Chúng còn bé quá, thấy cái gì lạ cũng mê, cũng muốn, cũng đòi. Rốt cuộc chỉ làm khổ ba mẹ và làm khổ mình vì... bị ăn tát tai.
- A Bu, con đi mua cho mẹ hai hộp sữa Cô Gái Hà Lan để mẹ biếu bác hai đang bị bệnh, nằm viện.
Tôi ngồi bật dậy. Đúng lúc đó tôi nghĩ ra một loại đèn độc đáo.
Theo yêu cầu của tôi, mỗi đứa mang đến nhà tôi vài cái lon sữa bò hay lon bia, một sợi dây chì loại to và một đoạn cây trúc. Như một cơ sở sản xuất lồng đèn. Lũ nhỏ, Quế An và tôi hăm hở bắt tay vào việc. Tôi phân công cho Quế An và lũ nhỏ đục thủng đáy lon nhiều vết đều đặn. Ở hai bên hông thì hai lỗ đối diện nhau.
Quế An thắc mắc:
- Chi vậy ông tướng?
- Để xỏ dây chì vào, như vậy nó mới xoay khi xe lăn chứ. Còn mấy cái lỗ ở đáy lon giúp không khí tràn vào nến mới cháu khi tháp lửa.
Tôi uốn những cọng dây chì thành hình chữ nhật, chiều dài hơn bề cao của hai cái lon sữa bò. Chiều rộng hơn đường kính của đáy lon.
Loáng cái, mấy cái xe lon đã hình thành. Cả nhóm hoan hô vang dậy khi thấy hai cái lon nằm song song như hai bánh xe hủ lô lăn rỏn rẻng khiến cho hai cái lon bị xỏ ngang hông nằm phía trên xoay tít và một cái lon ở trên cùng đứng yên, mang một ngọn nến hồng lung linh sáng.
Nhóm con gái cũng có những cái đèn lồng tuyệt đẹp làm bằng lon bia cắt dọc thành nhiều sọc đều đặn rồi nhận xuống. Chúng giống như những cái hũ nhỏ, Có hoa văn được cuộn bằng phần nhôm của lon bia. Trông chúng cũng đẹp như đèn lồng thời xưa mà còn tiện lợi vì không thể bốc cháy khi có gió to.
Đêm về. Xóm nghèo thầm lặng, yên tĩnh bấy lâu chợt náo động, rộn ràng. Tiếng cười, tiếng nói hòa lẫn tiêng xe loong coong, lẻng xẻng vui nhộn. Anh điện soi rõ những ngọn lửa nhỏ trong mấy chiếc đèn lồng duyên dáng.
Trên cao, trăng chênh chếch phả ánh sáng dịu dàng, huyền ảo và cảm thông.
N.T.M
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét