Nhà tôi nằm trong một xóm nhỏ giữa lòng thành phố. Khu phố chúng tôi ở tách biệt với cái xô bồ nhộn nhịp của đô thị tới nỗi nó như có một tường thành bao quanh mà sự phồn hoa không ghé tới được. Bước ra khỏi cổng khu phố là bước vào một thế giới mới với những tòa nhà chọc trời, đường xe tít tắp qua lại, đêm về điện đường từng dãy lóa cả mắt. Xóm nhỏ của chúng tôi nép mình giữa lòng thành phố, nơi mà những hộ dân miệt mài lao động ngày đêm lấm lem, bươn chải mà vẫn không thể thoát khỏi cảnh nghèo. Tôi và em tôi trưởng thành lên từ đó.
Căn nhà cấp bốn của chúng tôi như bao hộ dân khác ở khu phố lao động này nằm lọt thỏm giữa bốn bề là những phố phường đô thị, dẫu thế chẳng vì cái nghèo mà nhà chúng tôi ngớt ngơi những tiếng cười. Ba tôi theo những chuyến tàu xa, thi thoảng về thăm mẹ con chúng tôi được ít hôm lại vươn mình bám biển. Em tôi nhớ ba đến độ mỗi bận đi học về lại nài tôi chở ra bến cảng ngắm những cánh tàu, rồi lại nhủ thầm với những chú hải âu mang thương nhớ gửi tới người thân ở nơi xa tít tắp. Nó làm việc ấy nhiều lần đến độ tôi đã thôi than thở về chặng đường xa mà mình phải đèo nó mà chỉ lầm lũi chở hình nhân bé nhỏ ấy sau lưng mỗi ngày. Mẹ tôi giấu nỗi nhớ ba sau những nụ cười và những đêm thức trắng bịt chặt tiếng nấc của mình. Tôi, lớn lên vì thế.
Từ những ngày còn bé, khi những đứa trẻ cùng trang lứa có thể miệt mài trên những guồng xe đi chơi, trà chanh, nước mía thì tôi đã ngày ngày theo mẹ ra chợ bán. Gánh hàng của tôi bao giờ cũng là một bên là những món hàng của mẹ còn bên kia là nó- nhỏ em của tôi. Nó nhỏ hơn tôi chừng năm tuổi với đôi mắt tròn xoe lúng liếng tinh ranh đáo để. Ngày ba mới đi, thời gian rảnh của tôi là ở nhà trông em, nhưng chẳng bao lâu, khi những chuyến tàu là những ngày trống cá, tôi theo mẹ ra chợ, và cũng bởi vì em nhỏ ở nhà chẳng ai trông, tôi mang theo cả nó ở một bên thúng của mình. Tôi ý thức cái nghèo của mình từ những bận nộp tiền học sau chúng bạn và những tràng cười không dứt của tụi nó. Nhưng cũng đồng thời tình thương gia đình của tôi lại dâng lên nhiều đến nỗi tôi chẳng vì những nụ cười dè bỉu ấy mà bỏ học. Ngày mới bước vào tuổi dậy thì tôi hãy còn nông nỗi lắm, lúc ấy cứ hay tủi thân khi cô chủ nhiệm bảo tôi dời vài ngày nộp học phí cũng được. Về nhà mè nheo với mẹ, rồi chiều mẹ dúi vào tay tôi dăm chục ngàn tiền lẻ bảo đi nộp học, tôi mừng rơn. Nhưng tới tối, mẹ trở ngất, cô Nguyên bên cạnh nhà tặc lưỡi:
- Đến khổ cái thân, đã không đủ ăn còn đòi đi bán máu, cô ngăn mẹ mày mà chẳng được.
Tôi đứng đó khóc tỉ tê. Em tôi khi ấy mới lẫm chẫm lên sáu, thấy mẹ chỉ cần trở nhẹ mình thở phì phò là khóc như mưa. Thế rồi mẹ ốm, công việc nhà đổ cả lên vai tôi, ngày, tôi để nó ở nhà trông mẹ,lại khéo dặn:
- Nhỏ ở nhà trông mẹ, thấy mẹ khó thì gọi bác Nguyên nghe chưa?
Nó vâng dạ đầy đủ thì tôi đến trường rồi tranh thủ về sớm cho kịp buổi chợ. Ngày nào cũng đều đặn như thế, về tới nhà sau buổi chợ thì tính toán lại lỗ lãi, sắc thuốc cho mẹ rồi nấu cơm chiều. Đôi khi quá mệt mà em tôi cứ lại níu tay áo:
- Chị, chị chơi với em đi chị. Ồ hàng, ồ hàng (đồ hàng).
Tôi bực dọc:
- Chị còn chưa làm xong bài đây này, em lại góc kia mà chơi, không thì đi ngủ đi. Đừng ở đó mà quấy chị.
Thế là nó lầm lũi chui vô góc nhà, ở đó mần chiếc xe tải bằng nhựa ba mua cho thi thoảng miệng lại phát ra tiếng “ì èo”, chỉ chờ tôi quay lại liếc một phát nó vội giật bắn cả người, hai mắt ngấn nước nhưng vội lấy tay quệt đi ngay, miệng vẫn “ì èo” nhưng rất khẽ. Có bận tôi được nghỉ học, sướng rơn, vội quảy gánh ra chợ từ mờ sớm, trưa về tới nhà nấu kịp miếng cháo cho mẹ, khi nồi cháo còn đang sôi, tôi tranh thủ vào lau người cho mẹ bỗng nghe cái xoảng. Vội chạy ra bếp, em tôi đang đứng run lẩy bẩy, tô cháo dưới đất vỡ thành nhiều mảnh, nó khóc tức tưởi. Tôi bực quá khóc nấc lên:
- Chưa đủ sao? Tao đủ mệt rồi sao mày cứ hành tao như vậy hả?
Nó nức nở:
- Chị… em thấy chị… làm… em... mang cháo cho mẹ thay chị... Nhưng nóng…
Rồi nó bịt chặt miệng nó lại sao cho tiếng khóc không thể nào bật ra được. Nhìn thấy nó như thế tôi ôm chầm vào lòng, không thể nào giận thêm được nữa. Nhỏ em của tôi, còn nhỏ nên đôi khi ngốc lắm, tôi vẫn còn nhớ có bận khi tôi bị lũ bạn chê cười nơi đầu ngõ, là con gái, yếu đuối chỉ biết khóc mà thôi, nó từ trong nhà chạy ra tay cầm cây chổi còn cao hơn cả người của nó, mắt cũng ngấn nước và đôi chân run rẩy vì sợ, quơ tới quơ lui:
- Tránh đi, mấy người tránh xa chị tôi ra, ai cho mấy người làm chị tui khóc… Ai cho?
Mấy đứa xô nó ngã nó dụi mình đứng dậy lặp lại y như cũ, đợi khi đám nhỏ bỏ cuộc nó chạy lại ôm tôi, giấu cả bờ mặt vào ngực tôi mà khóc. Mỗi bận ba về, hai chị em tôi lại cuộn tròn trong vòng tay to bè của ba và nó lúc nào cũng sẽ kể tôi đã làm những gì ở nhà cứ như kể công cho tôi vậy. Nhìn bàn tay bé xíu bấu vào vai ba không muốn rời tôi lại thấy thương nó hơn. Thời gian thấm thoắt đưa, khi nó lớn dần lên thì ba cũng về ở hẳn nhà làm phu gạch, mẹ tiếp tục theo những gánh hàng, tôi bươn chải vừa đi học vừa phụ mẹ, nó bước vào cấp hai cũng theo bác Nguyên ra quán. Nó lớn dần vẫn tinh ranh liến thoắng nhưng đã ý thức được việc nhà hơn, duy có điều nó dần trở nên ít nói. Nhiều bận tôi nghĩ phải chăng nó đang trải qua những ngày tháng giống tôi ngày ấy, bị bạn học dè bỉu nhưng hỏi thì nó tuyệt nhiên không nói, cứ lầm lì chịu đựng và nói:
- Em lớn rồi, không sao. Chị cứ lo việc nhà, việc học, mặc em.
Tôi đi thi đại học rồi học xa nhà, lên phố vẫn cố kiếm việc làm thêm trang trải việc học, ba mẹ và căn nhà nhỏ nơi góc phố yên ả giao cả cho nó. Nó không hề oán thán nửa lời. Thư đi tin về tôi ít khi nghe nó kể việc nhà khó khăn thế nào, tôi đôi khi cũng vì sự ích kỉ của mình mà tránh hỏi những khó khăn nó trải qua để cho thời gian và những bộn bề nơi phố thị khỏa lấp. Đại học xong tôi về lại căn nhà nhỏ gắn bó tiếp những năm tháng còn lại của đời mình, nhiều đêm nó hay hỏi tôi:
- Sao chị không lên phố, công việc chị lương khá khẩm hơn?
- Không lên được, bốn năm đi, bỏ ba mẹ, bỏ em, đủ nhung nhớ rồi.
Nó lại im lặng không nói gì, chỉ ôm tôi chặt hơn. Bốn năm dẫu có trôi qua nó vẫn chỉ là một cô bé ít nói chẳng còn vui tươi như ngày nhỏ. Cuộc đời đã cướp gì của em tôi? Thậm chí sự yêu thương giành cho tôi đôi khi tôi muốn hỏi nó nhưng không hiểu sao lại cứ nghẹn chặt nơi đầu lưỡi. Mỗi ngày của nó hệt như tôi ngày trước: đến trường, ra chợ, về phụ việc nhà… không hề ca cẩm. Chỉ có điều im lặng hơn mà thôi. Tôi cũng miệt mài bán thời gian cho cuộc đời mong có những bữa cơm đủ đầy cho ba mẹ, và cả bớt nhọc nhằn cho nó. Đến chừng ba mươi tôi thành cô gái lỡ chừng xuân, mối tình đầu không kịp chờ đã nên duyên mới. Mối tình thứ hai cũng hóa thành dang dở, tôi khép lòng mình lại. Và đến bây giờ qua gán ghép tôi ưng thuận một anh góa vợ. Được cái anh rất thương tôi và gia đình, có chăng là trái tim tôi chưa bao giờ lỗi vì anh dẫu chỉ một nhịp. Ngày tôi sắp lên xe hoa, chẳng vì lẽ gì, nửa đêm hai chị em nằm nói chuyện, tôi dặn nó đủ chuyện nhà rồi chép miệng:
- Gái lớn gả chồng, lại kí thác nơi em…
- Chị không đi không được sao?
Tôi nhìn nó im lặng. Nó mắt sũng nước nắm tay tôi giật giật:
- Chị ơi, chị không đi không được à? Sao lúc nào cũng là chị? Là người chị không thương mà.
- Nhỏ, em sao vậy? Sao khóc dữ dội vậy? Không giống em…
- Từ khi ý thức được lúc nào em cũng đã im lặng, em chịu tất cả giống như chị ngày xưa, gắng noi gương chị, không nói nửa lời. Em muốn được như chị, muốn ở cạnh chị, cứ nghĩ rằng nếu im lặng không phá bĩnh chị thì sẽ được ở cạnh chị mãi mãi, mà giờ chị đi sao?
Tôi ôm nó vào lòng thấu hiểu cho tất cả những gì nó đã trải qua bỗng thấy thương cô em này nhiều hơn thế nữa, nó tiếp:
- Phải chăng nếu em ngừng lớn thì chị sẽ không đi hả chị? Em đừng lớn thì thời gian không cướp chị đi rồi...
Tôi chỉ biết lặng im nhìn em tôi trưởng thành, có lẽ khi lên xe về nhà chồng rồi tôi sẽ ngừng lo lắng cho nó vì tôi cảm thấy em tôi đã trưởng thành, biết quý yêu và tin tưởng, biết nghĩ suy cho gia đình. Trong lòng tôi cũng thôi vướng bận về những nỗi lo giành cho nó khi nó đổi thay dần so với ngày bé, chỉ còn giữ lại nỗi nhớ trong lòng, mà tôi tin chắc rằng khi nào về thăm sẽ ôm nó giãi bày thương nhớ. Và đâu đó trong tim tôi dấy lên một thứ cảm xúc, cảm xúc về những rung động tình thân mà tôi đã hy sinh cả cuộc đời…
L.H.H.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét