Tôi vẫn còn bàng hoàng, khi nghe tiếng nhỏ Phượng đầu bên kia điện thoại: “Má mệt lắm chị ơi! Từ chiều giờ không ăn gì cả, giờ lả đi và mệt ngất không gượng được. Tụi em đưa má vô viện rồi, em sợ lắm!”. Tôi vội vội vàng vàng quơ ít quần áo và vài thứ đồ linh tinh, nhét hết vào cái xách và chạy vào viện.
Má tôi về với ba tôi năm mười sáu tuổi, cái tuổi khờ khạo chưa biết gì. Có người bà con chỉ vào cái ấm đất giỡn: “Em đố chị ném cái ấm có vỡ không?”. Má tôi trả lời: “Vỡ”. Chú ấy nói: “Không vỡ”, vậy là má tôi ném cái ấm liền và nói: “Thấy chưa? Vỡ nè!”. Thế là không có cái ấm mà nấu nước. Ngày tôi vừa lớn để nhận biết, má rất đẹp trong mắt tôi. Đi đâu má tôi luôn mặc chiếc áo dài trông lịch lãm lắm, thướt tha yểu điệu, tay cầm dù che nắng. Đối với mọi người má tôi ăn nói nhỏ nhẹ, dịu dàng, nhưng với các con, má tôi luôn nghiêm khắc, la mắng mỗi khi chị em tôi trái lời.
Ngày ấy, ba tôi làm việc ở Vũng Tàu nên đem cả gia đình theo, nội tôi không chịu đi, nên ba má gởi hai chị em tôi ở lại, cho vui với nội. Mỗi lần má tôi về thăm, như người thành phố về quê. Má tôi duyên dáng vô cùng, tôi ngưỡng mộ và tự hào về má lắm. Lần lượt các em tôi ra đời, Má tôi vẫn trẻ đẹp dù tất cả chín người con. Ba tôi chuyển về làm việc ở Tuy Hòa, cả nhà đoàn tụ.
Má tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán. Thân mảnh mai, gió thổi như muốn bay, nhưng giàu nghị lực. Sau mùa xuân 1975, một thân cò lặn lội mua bán nuôi đàn con dại ngu ngơ, chỉ ăn học ngoài ra chả đứa nào biết làm gì giúp má. Má tôi còn đảm đang việc giỗ quải, ơn nghĩa, và thăm nuôi ba tôi đang cải tạo tận miền nam xa lơ xa lắc. Trong dòng họ, ai cũng thương và quí má tôi, bởi má tôi rất hiền thục, cởi mở và luôn cảm thông, chia sẻ cùng mọi người. Có gì ngon, má tôi luôn chia cho mọi người, luôn nhường cơm sẻ áo.
Tôi nhớ những năm tám mấy, chín mươi; cả xóm tôi buôn bán phế liệu, theo đoàn tàu chạy từ bắc vào Sài Gòn. Mỗi lần tàu vào là ồn ào, náo nhiệt. Họ cứ buôn như thế, dù địa phương cấm không được phép. Ủy ban thị trấn gởi giấy mời những hộ buôn bán tập trung, trong số những hộ bị mời có má tôi, dù má tôi không mua bán gì cả. Má tôi đến ủy ban đúng giờ, ngồi chờ cùng mọi người. Đã hơn giờ ghi trong giấy mời cả giờ đồng hồ, mà chưa thấy ai nói gì. Má tôi tìm đến phòng chủ tịch hỏi:
- Mấy anh mời chúng tôi lên ủy ban có việc gì? Sao không nói gì mà bắt chúng tôi chờ lâu thế?
Ông chủ tịch nói như hét:
- Bà không biết thật ư? Cứ chờ ở đó, một lát sẽ giải quyết.
Má tôi tức quá la lớn:
- Bộ mấy ông nói chúng tôi rảnh lắm hả? Bao nhiêu là việc, mời lúc nào mà giờ còn hẹn?
- Bà cứ chờ đi! Mua bán trái phép mà còn bày đặt. Má tôi nổi giận, chỉ tay vào mặt ông chủ tịch:
- Tôi nói cho ông biết nè! Tui không có mua bán gì mà trái phép, đừng có mà này nọ. Hôm nay, mấy ông không nói cho rõ là không được với tui đâu nhé! Không phải ỷ có quyền là muốn làm gì làm đâu. Đây giấy đây, ông coi thử mời mấy giờ? (Má tôi giơ giấy mời cho ông chủ tịch).
Ông chủ tịch cũng không vừa:
- Bà nói bà không mua bán trái phép, bà còn chối cãi nữa hả? - Ông chủ tịch cầm giấy mời má tôi đưa, rồi hạ giọng - bà là... ông lấp lửng...
- Tui là bà Đặng Thị Hồng! Sao? Ông không thấy trong giấy sao còn hỏi lại?
Một anh cán bộ bên ngoài nghe thế chạy lại bên ông chủ tịch nói nhỏ:
- Đây là bà Đặng Thị Hồng, bà này chỉ làm ruộng; không phải bà Nguyễn Thị Hồng mua phế liệu.
Ông chủ tịch nhìn má tôi cười, nói ôn tồn:
- Chúng tôi ghi lộn tên, thôi bà về đi, bà không sao.
Má tôi nghe ông chủ tịch nói thế, la lớn hơn:
- Cán bộ như mấy ông, ngồi trên này sướng quá không biết làm gì hả? Bao nhiêu đó mà lộn lên, lộn xuống. Tui đâu có rảnh mà hầu mấy ông. Không phải muốn kêu là kêu, muốn đuổi là đuổi.
- Vậy bà muốn tui làm gì?
- Có lỗi là phải biết xin lỗi, đừng ỷ mình là cán bộ muốn gì thì muốn.
Ông chủ tịch tức lắm, nhưng cũng cười nói với má tôi lời xin lỗi. Má tôi về, thuật lại đầu đuôi cho cả nhà nghe. Má tôi biết giấy mời lộn má với bà Hồng xóm trên, nhưng cứ đi lên trên đó thử mấy ông nói gì. Má tôi là vậy đó, hiền thì cũng thật là hiền; nhưng đúng chuyện là dữ lắm, không ai ăn hiếp má được đâu.
Ba tôi đã trở về sau sáu năm ở trại cải tạo, sức khỏe ba tôi càng yếu, vì những năm tháng lao khổ. Má tôi nở nụ cười tươi, đón ba về với tình yêu rộng mở. Ngày tôi sinh bé út bị sốc thuốc, lạnh run bần bật, má ôm tôi khóc, khuôn mặt má tôi hoảng hốt, trắng bệch như sợ tôi bỏ má ra đi. Tôi ráng mở mắt trong cơn lạnh nói: “Con không sao đâu má đừng lo”. Má tôi chạy kêu bác sĩ để cấp cứu. Má đang giành lại tôi với thần chết, và má tôi đã thắng. Bấy giờ tôi mới biết, tình mẹ thương con dường nào. Tôi luôn nhủ với lòng rằng, má tôi là tấm gương soi sáng, và tôi luôn mở lòng để thương yêu tất cả.
Ba tôi lâm trọng bệnh, một tay má tôi chăm lo, không cho chị em tôi cơ hội chăm sóc, vì biết chị em tôi lầy quầy không vừa ý. Ba tôi gầy má tôi cũng gầy theo, không còn “mình hạc xương mai” nữa, mà “như cây sậy”. Những năm lao khổ trong trại ăn uống thiếu thốn, nên ba tôi bệnh nhiều lần, làm sức khỏe ngày càng yếu. Ngày ấy, tháng nào má tôi cũng thăm nuôi, vất vả lắm nhưng má tôi ráng vì sợ ba tôi đói; vậy mà khi nào thăm, đồ cũ cũng hết sạch. Ba tôi cười: “Anh em ai cũng đói nên anh chia cho họ, không thể chỉ riêng mình em ạ!”. Má tôi chỉ cười cảm thông: “Biết sao được! Chia cho họ cùng ăn kẻo tội”. Ba tôi bệnh mấy tháng rồi bỏ má con tôi, ra đi vĩnh viễn, về đoàn tụ với ông bà. Đôi vai má tôi oằn thêm chút nữa, chị em tôi vụng về không biết lời để an ủi má, những lúc má buồn tôi nghe xót xa trong lòng, rưng rưng nước mắt.
Ba tôi mất chưa giáp năm, nội tôi cũng bỏ má con tôi ra đi nữa. Má tôi không còn nước mắt để khóc, lúc nào trên khuôn mặt cũng rười rượi buồn. Thương má ghê nhưng tôi chẳng biết làm sao! Má tôi luôn lo lắng cho chị em tôi dù ai cũng lập gia đình hết rồi. “Chở bao lúa giống về cho chị hai mày”, “Đem bao phân ure về cho vợ chồng Đô nó bón ruộng”. Có con cá, miếng thịt gì, cũng sai chạy về cho đứa này, đứa khác… Má là vậy đó! Ai vào nhà xin gì, là má chọn đồ đẹp nhất, mới nhất cho, còn mình mặc gì cũng được. Hồi còn nhỏ tôi cứ thắc mắc sao má tôi lại thế, nhưng khi lớn lên, tôi biết đó là tình thương yêu má bao la quá, muốn san sẻ cho mọi người tất cả.
Năm 2004, Đô - cậu em trai tôi lâm trọng bệnh. Má tôi túc trực chăm sóc, từ miếng ăn thức uống má tự tay lo hết. Má tôi nhìn Đô với ánh mắt như van nài, đừng bỏ má mà đi; vậy mà nó đã không nghe lời, bỏ má ra đi trong tức tưởi. Má tôi chết điếng trong lòng, khi ánh mắt cuối cùng nó lướt hết người này, sang người khác, rồi từ từ nhắm lại. Má tôi ngã xuống người nó, ôm choàng khóc thét lên mấy tiếng rồi ngất lịm; mọi người cuống cuồng lo cấp cứu cho má. Đôi vai má tôi như oằn thấp hơn, chị em tôi xót xa chỉ biết khóc. Thương má lắm, nhưng chỉ để trong lòng, không biết lời an ủi nào cho Má đỡ khổ đau.
Ngày qua ngày, nỗi đau này chưa hết, nỗi đau khác lại tiếp nối. Điểu - cậu em trai kế Đô mang bệnh. Má tôi lại đau lòng hơn, khi từng đứa con lại ra đi bỏ má, cũng một tay má tôi chăm sóc. Má tôi ngồi bên giường bệnh Điểu suốt ngày lẫn đêm, chỉ khi nào mệt quá, mới nằm nghỉ lưng một chút. Má tôi khóc, nghĩ rằng, không biết sao đời mình lại chịu cảnh thương đau này mãi thế? Khi Điểu nhắm mắt xuôi tay, anh hai tôi nói với má tôi rằng: “Lần này má không được ngất đi đấy, má phải bình tĩnh để lo cho em nó. Má không được khóc, để nó ra đi nhẹ nhàng thanh thản. Má mà khóc nó theo không kịp, người ta bỏ nó lạc đường tội lắm đó!”. Má tôi cứ nén dồn hết vào lòng, không khóc một tiếng, đôi mắt ráo hoảnh. Nước mắt má tôi đã khô rồi, nhưng nỗi đau hằn lên trên mặt, ai cũng thấy. Tôi rất sợ. Đến khi má chịu đựng không nổi sẽ vỡ òa.
Nhìn má tôi nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, tôi bỗng òa khóc. Má tôi giật mình, mở mắt ra: “Khóc cái gì, Má già rồi chết là vừa, nhưng khó lắm không dễ chết đâu, trời kêu ai người đó dạ con ạ!”. Một thân cò nuôi đàn con khôn lớn, giờ thân cò còm cõi già nua, các con biết lấy gì đền đáp đây má ơi! Chúng con cầu trời Phật phù hộ cho má sống với chúng con. Má ơi! Sẽ qua thôi. Má cười nhìn chị em tôi nói: “Không sao đâu! Má chỉ mệt chút thôi, người già ai cũng thế!”.
Trời mưa! Tiếng mưa đổ ầm ầm, nghe có tiếng gió lớn rít ngoài cửa sổ. Cơn mưa giữa mùa hè. Dông! Mây đen che kín bầu trời. Gió ào ào và mưa xối xả. Trong lòng chúng tôi đều như có trận cuồng phong.
Tháng 06.2016
T.N
(*) Trong tập truyện Khúc hát yêu thương, NXB Hồng Đức, 2017.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét