Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học
Cô bé ngày nào cũng viết thư, nắn nót từng chữ rồi cẩn thận dán lại, đạp xe ra bưu điện nhét vào thùng thư. Hai bím tóc ngủng nghỉnh rung rinh. Bao giờ cũng thế, sau khi nhét lá thư vào thùng, cô bé đứng ra một góc, nhìn vào đó với những hy vọng day dứt mà chưa bao giờ niềm hy vọng ấy trở thành sự thực. Chao ơi là buồn, không biết có ai hiểu được tâm sự của cô bé.
Sinh ra ở làng quê, nơi cánh diều tượng trưng cho ước mơ niên thiếu chiều nào cũng vi vu lướt trên nền trời. Cuộc sống bình yên nơi xóm làng yên ả. Mỗi năm Tết đến, mỗi dịp nghỉ hè, độ trung thu, bao giờ cô bé cũng có những kỷ niệm với bạn bè cùng học, nhất là cô bé Hạnh tóc dài cùng xóm. Thế rồi bố mẹ chuyển ra thị trấn, tuy chỉ cách nơi cô sinh ra chừng chục cây số, vậy mà cô cảm giác xa xôi vô chừng, chẳng phải cứ muốn là về được. Muốn cũng phải được bố hoặc mẹ đưa về thăm ông bà, thăm ngôi vườn xanh tươi đầy hoa trái.
Nhưng đã xa rồi, bố mẹ chuyển ra thị trấn làm ăn. Cuộc sống tuy có khấm khá hơn nhưng thiếu thốn tiếng cười. Ngoài phố ồn ào và bụi bặm, xe cộ chạy ầm ầm. Mẹ lại sinh em bé, thành ra ngoài việc học, cô bé phải đỡ mẹ chăm em. Bố cứ lao đi với công vịêc của bố, rồi mang về những đồng tiền đưa cho mẹ chi tiêu, sắm sửa... Có được đi học, nhưng cô không tìm được một người bạn thân nào. Ở đây, họ sống khép mình thì phải, cũng có thể do lạ lẫm mà họ chưa chơi với cô. Thiệt thòi nữa là cô chẳng thể tìm đâu ra những trò chơi của ngày trước, vì ở đây trẻ em chỉ sa vào trò chát với chít, cùng những trò game thâu đêm suốt sáng. Người lớn mải mê công việc của người lớn. Chỗ nào cũng be bét công trường xây dựng dở dang, đường xá lấn chiếm cánh đồng.
Gần đây, bố mẹ lại hay cãi nhau về chuyện tiền nong. Rồi còn chuyện phản bội của người lớn nữa chứ. Là do có lần mẹ nhìn thấy bố đèo một người đàn bà nào đó đi lướt qua đường, người đó ôm vào eo bố. Thế là xảy ra cãi nhau. Cả hai đều không chịu làm lành. Đau khổ nhất cả cô, cứ phải chịu đựng không khí căng thẳng. Làm sao đây? Cô đã cố, đã xin với bố mẹ đừng như vậy. Cô chỉ là một đứa con nít, chẳng thể hiểu hết sự phức tạp của người lớn.
Những bức thư cô gửi vu vơ, đúng hơn là không có địa chỉ. Cô định sẽ gửi thẳng cho ông bà, nhưng chắc gì ông bà đã giúp được cô. Cô đành gửi cho những thứ mình thiếu, những cái mình khao khát. Cô khao khát trở về, được sống lại không khí nơi cô sinh ra, thì cô gửi cho nó. Cô gửi cho câu chuyện cổ tích bà kể, gửi cho cây khế góc vườn, gửi cánh diều cu Tũn vẫn tung lên trời, gửi cả con sông mà có lần lũ trẻ chăn trâu vẫn tắm. Thư cô đề “Gửi cánh diều yêu dấu”. Trong đó, cô viết những lời tâm sự với cánh diều, cứ như cánh diều là người thật, có thể chia sẻ được. Bức khác cô viết ngoài phong bì “Gửi vầng trăng nho nhỏ”. Trong nội dung còn có nhiều đoạn ngộ nghĩnh: “Bạn biết không trăng? Tớ thèm về sống lại với trăng, với những điều không phải như bây giờ. Gia đình tớ đang tan nát. Bố mẹ cãi nhau. Hạnh phúc đang lung lay. Ôi phố xá mà làm gì. Ngày đó nhà nghèo, bố mẹ cố gắng vay mượn mua đất thị trấn để làm ăn buôn bán cho có tiền. Giàu có rồi, gia đình thế này ư? Trăng ơi, bạn bảo tớ phải làm gì?”
Có cả thảy gần 30 bức thư như vậy cô đã gửi đi. Ngoài phong bì chỉ ghi lại địa chỉ là những thứ gần gũi với cô ngày sống ở quê. Cứ đêm đến là cô cắm cúi viết, trải nỗi niềm lên trang giấy. Cô bé viết như một kẻ mộng du, không biết được là những lá thư có đến được nơi nhận sau hành trình. Chỉ thấy khi trải được lòng mình lên giấy, cô được nhẹ nhõm, vơi bớt những lo lắng. Chỉ mong làm sao bố mẹ nghĩ lại. Bố mẹ không biết cô rất đau khổ và khao khát hồi hương.
Gửi thư rồi cũng hy vọng nhận lại. Cô bé ra thùng thư bưu điện thị trấn, nhét phong bì vào thùng rồi lại ngẩn ngơ đứng như đợi ai, như đợi chờ một điều gì. Cô chưa từng nhận được thư của ai, nên chẳng biết được nếu cây khế hồi âm, vầng trăng hồi âm, con mèo nhà nội, chú cào cào nhỏ trên đồng... hồi âm. Cô bé đã buồn phát khóc, nhưng không khóc nổi. Cô thấy mình chẳng có cớ gì vu vơ khóc ở chốn này với lý do chẳng rõ ràng. Thế rồi có một người đi đến, bác ấy là nhân viên bưu điện. Bác tiến đến gần cô bé:
- Chào cháu, bác biết cháu là ai. Bác cũng biết hoàn cảnh gia đình cháu hiện tại. Và, cho bác xin lỗi trước là bác đã đọc những bức thư của cháu.
Cô gái trố mắt:
- Bác đã đọc ư?
- Phải, bác đã đọc. Cháu không ghi cụ thể địa chỉ làm sao gửi được. Với lại cháu gửi đến những thứ rất lạ. Bác đã nghĩ đấy là thư của một người điên. Nhưng bác đã nhận ra đó là thư của cô bé sáng nào cũng mang một lá đến nhét vào thùng. Nét chữ của trẻ con. Bác đã đọc hết và đó là thư của một cô bé thực sự thông minh và đau đớn về một mất mát.
Bác nhân viên kéo cô gái vào trong và nói tiếp:
- Bác biết cháu đang mất gì. Bác đọc và thấy cảm động. Bác cũng có một tuổi thơ như cháu và giờ xót xa thấy trẻ con thị trấn không có tuổi thơ. Con trai bác cũng được bác đưa nó đọc thư cháu, và từ một thằng bé hư nó đã biết nghĩ lại, chăm học. Chính những lá thư của cháu đã cứu con bác. Rất cảm ơn cháu.
Cô bé không ngờ được điều này. Thì ra là vậy. Nhưng thư của cô, ít nhất cũng đã có hai người đọc, và cô được thông cảm. Cô ứa nước mắt ngay trước mặt bác nhân viên bưu điện.
- Cháu đã mất tuổi thơ ở thị trấn này bác ạ. Gia đình cháu có nguy cơ tan vỡ. Cháu muốn gửi thư về quê để được nghe thấy hơi thở của quê. Bố mẹ cháu....
Bác nhân viên ôm cô bé vào lòng, vỗ về:
- Cháu quả là có suy nghĩ tuyệt vời. Bác rất cảm thông. Nhưng không thể khác được cháu ạ. Rồi vẻ đẹp ở quê cũng bị mất dần hết thôi. Đó là tất yếu, lớn lên cháu sẽ hiểu. Và bác tin, với những suy nghĩ rất người lớn của cháu, cháu sẽ khiến bố mẹ nghĩ lại. Hãy về “vá” lại hạnh phúc gia đình giúp bố mẹ nhé...
Đêm đó, cô bé nằm mơ, thấy tất cả những đồ vật ngày ở cô, chạy lên thị trấn với mình.
N.V.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét