Nhà văn trẻ Vũ Thị Huyền Trang
Một buổi sáng bà già thức dậy tự nhiên thấy cần phải đi xa một chuyến. Bà mang vại dưa muối sang cho hàng xóm. Đi chợ mua ít thực phẩm bỏ vào ngăn mát. Để nếu mấy đứa con có ghé qua nhà mở tủ ra là có trái cây ngon. Đói bụng thì nấu bát mì, thịt thà và mấy loại rau thơm đều đủ cả. Nhà không nuôi chó mèo đỡ lo gửi gắm. Có một thân một mình ở rảnh rang mà đi cũng gọn nhẹ chẳng phải vướng bận gì. Nhà không có đồ đạc quý giá nên cửa khóa hờ. Chẳng cần cửa trong cửa ngoài, cũng không phải mua khóa chống trộm như hàng xóm. Khóa xong để chìa dưới chậu cây. Nếu đi lâu sẽ có người qua ngó nhà tưới hộ mấy chậu cây. Mà bà chỉ trồng cây xương rồng thì lo gì thiếu nước. Bà già xách ba lô ra đến ngã ba tự nhiên khựng lại. Ủa mà đi đâu bây giờ? Bà già tự hỏi mình rồi lại tự trả lời. Thì cứ đi thôi đến đâu thì đến. Bà đi vì sợ mình sẽ chết chìm trong chờ đợi. Một kiểu chết im lìm như bụi. Đi để ảo tưởng chắc ở nhà có người ghé thăm mình. Rồi lần nào cũng đi rất lâu vì sợ cảm giác trở về nhà thấy mọi thứ vẫn nằm yên chỗ cũ. Hoa quả để trong tủ lạnh đã hỏng. Nước trong ca nhựa đã thiu. Con dao bà vờ như đánh rơi dưới đất không có người nhặt lên. Mấy đôi dép đi trong nhà được chuẩn bị sẵn vẫn gọn gàng nín thở. Đi như một cuộc chạy trốn hèn nhát của tuổi già…
Lần này bà già chọn đi xe Bắc- Nam giường nằm. Già rồi xương khớp hay đau nhức ê mỏi. Cứ có chỗ nằm êm ái là yên tâm đi đến khắp nơi. Trên xe cũng nhiều người tầm tuổi bà, chắc là họ đi thăm con cháu. Vì thỉnh thoảng chuông điện thoại lại reo vang. Không rõ ở đầu bên kia nói gì chỉ thấy bên này: “Rồi. Rồi. Nãy xe dừng mẹ ăn tô phở rồi. Bụng hãy còn no”. Người khác than: “Con gói nhiều xôi với thịt quá. Mẹ ăn không hết bỏ đi lãng phí. Mà để lâu thì sợ ôi thiu, trời nắng nóng mà. Thiệt tình…”. Người thì gắt với con: “Thì cứ vẫy xe ôm, đọc địa chỉ là đến được nhà các con. Đường ở mồm chứ ở đâu. Hả? Cái gì? Nam hay Bắc cũng là đồng bào mình. Chứ có phải tây tàu đâu mà sợ”. Bà già hất nằm xuống, hất mớ tóc muối tiêu sang bên cạnh nói bâng quơ: “Cứ như mình lại khỏe. Muốn đi đâu thì đi. Ai quản”. Chị phụ nữ hàng ghế bên đầu tóc bù xù tay bế đứa con nhỏ đang say giấc quay sang nói với bà già:
- Cháu chỉ mong sau này già cũng được thảnh thơi như bà đi đây đi đó.
- Ôi, đi nhiều cũng có lúc xương khớp nó biểu tình cô ơi. Đau nhức suốt.
- Mẹ cháu ở quê già rồi mà vẫn vất vả vì con cháu lắm. Sáng ra đã thấy mấy đứa cháu xúm vào tranh nhau bà. Đứa đòi bế, đi níu áo, đứa ôm chân. Riêng việc quản chúng nó thôi đã mệt. Ấy vậy mà còn mấy sào lúa, vài con lợn đẻ, vịt nuôi cả trăm con. Buổi trưa muốn ngả lưng một tí cũng không yên với con cháu. Mẹ cháu cứ mong có thời gian đi chùa lễ Phật với hội người cao tuổi mà chẳng có thời gian. Cực quá.
- Ừ thì… cực nhưng vui cô à.
Bà già nói xong thì thấy hụt hơi. Như một kẻ đuội sức đang dần chìm nghỉm dưới đáy sâu cần bấu víu lấy thứ gì đó để ngoi lên mặt nước. Bà nhìn ra cửa kính thấy vùng nắng đã vụt lại phía sau. Xe qua cây cầu bỏ lại thành phố để chui tọt vào con đường rợp bóng xanh. Bà già thấy lòng mình dịu lại. Bao nhiêu chua xót cũng được màu xanh mươn mướt vỗ về. Bà lục tìm điện thoại, mở máy ra xem. Dù thừa biết chẳng có ai đoái hoài đến bà trong một chuyến đi xa. Chỉ thỉnh thoảng bà bạn ở tận miền Tây gọi rủ vào ăn lẩu cá linh bông điên điển vào mùa nước nổi. Có khi bà bạn gọi xin cái địa chỉ gửi cho chai nước mắm cá linh nhà làm. Quý loại mắm ngon mà quý cả tấm lòng nên mỗi bữa cơm bà rót chút xíu chấm với rau xanh. Nếu ai đó hỏi nước mắm cá linh có vị gì? Thì bà sẽ nói mắm có vị “bớt cô đơn”. Thật vậy, chấm cọng rau mà nghĩ vẫn có người còn nhớ đến mình là thấy bớt đi tiếng thở dài. Lúc khác điện thoại cũng có thể reo vang bởi ông bạn trên miền trung du hỏi có thích ăn sắn bở, khoai mật, măng mai không để đóng thùng gởi xe đường cao tốc. Nhà có mình bà ăn uống là bao. Nhưng nhận chứ. Nhận để nếm náp vị của tình bạn già, của nhung nhớ, của “bớt cô đơn”. Rồi có khi nửa đêm có tin nhắn, chuông kêu giật bắn mình. Cô bạn nhỏ bà từng gặp ở sân ga Vũ Ẻn năm nào nhắn hỏi bao giờ bà lại đi qua. Mấy cây bàng ở sân ga đã đến mùa thay lá. Nó nhắn không dấu, bà dịch muốn hụt hơi. Nhờ có những cuộc điện thoại ấy mà bà có cớ để đi.
Gặp bạn già miền Tây tự nhiên bà thèm uống rượu. Lẩu cá bốc khói, rượu rót ra đưa lên nhấp môi thôi đã thấy say. Hai thân già ngồi hàn huyên đủ thứ chuyện xa gần cười ha hả. Nhưng vừa động đến chuyện con cái trong nhà thì bật khóc hu hu. Con bạn ham giàu đi lấy chồng ngoại quốc. Không đến nỗi thê thảm như những câu chuyện báo chí vẫn đưa tin nhưng vài năm chẳng được về thăm nhà. Gả con gần giáp hàng rào còn khóc đỏ con mắt huống hồ xa tít mù khơi. Nơi con đến bạn còn không thể hình dung nổi mảnh đất và con người ở đó thế nào. Bạn cũng đâu có biết ngôn ngữ và dò xét được lòng người nông sâu ra sao. Gả con đi mới biết mất con. Mà bạn nào có phải ham giàu mà gả con xa. Tiền con cho còn gửi ở ngân hàng, bà không động đến một đồng. Có một mình ăn uống là bao. Lá rau con cá dưới đồng là xong. Bà già vỗ về bạn bằng câu chuyện đời mình. Bà ly hôn chồng lúc các con đứa lên chín, đứa lên mười. Đúng hơn là chồng kiên quyết đòi ly hôn, tống cổ bà ra khỏi nhà với hai bạn tay trắng. Hôm ký đơn ly hôn bà có hỏi các con sẽ chọn sống với ai thì cả hai đứa đều nhìn về phía bố. Chúng chê mẹ nghèo suốt ngày chỉ biết quanh quẩn trong xó bếp. Chúng thích ăn cơm ngoài nhà hàng. Thích mua quần áo, đồ chơi đắt tiền. Thích mỗi sáng chỉ cần chìa tay trước mặt bố là rủng rỉnh tiền tiêu vặt. Thích những chuyến du lịch đây đó cùng bố vào những dịp cuối tuần. Bà không có quyền hành gì trong nhà. Tiền chợ hàng ngày cũng phải chờ chồng chu cấp. Các con sợ theo mẹ sẽ sống khổ sở. Chúng sống sung sướng mãi quen rồi. Bà ngậm ngùi ra đi tay trắng và trái tim trống rỗng. Bà nghèo đến mức những đứa con mình mang nặng đẻ đau cũng quay lưng với mẹ. Lỗi là tại bà đã nghe lời chồng ở nhà làm hậu phương vững chắc. Nên đã từ bỏ một công việc tốt có thể kiếm ra tiền. Lỗi là tại bà dạy con không tốt. Để chúng thành nô lệ của đồng tiền ngay từ khi rất nhỏ.
- Ly hôn xong bà có ở lại thành phố hay không?
- Ờ thì… ở chứ. Các con có thể bỏ mẹ chứ mẹ nào lỡ bỏ các con. Tôi thuê một căn phòng trọ gần đó. Ngày nào cũng kiếm cớ đi qua nhà cũ để nhìn thấy các con.
- Nhìn từ xa thôi sao? Sao không lao vào mà ôm chầm lấy cho đỡ nhớ.
- Ờ thì… các con chắc gì đã thấy vui.
Bà già thở hắt ra, dốc cạn chén rượu nóng ran trong cổ họng. “Tụi nó nhỏ dại mà”. Bà vẫn thường an ủi mình như vậy ngay cả khi các con bà giờ đã ngoài ba mươi tuổi. Đã có vợ có chồng, có con cái đủ đầy. Thì với bà chúng vẫn chưa bước qua ngõ dại. Người ta nói “có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”. Các con bà giờ cũng đã làm bố, làm mẹ cả rồi. Cũng từng có những đêm thức bế con vời vợi trên tay chờ cơn sốt hạ. Có những ngày dài thật dài lòng không một tiếng vui chỉ biết ôm lấy con để tự an ủi chính mình. Có những khoảnh khắc nhìn con cười mà thấy những dông bão ngoài kia không còn đáng sợ. Khi đó liệu các con có nhớ đến bà? Bà không biết. Bà cũng thôi không chờ đợi câu trả lời nữa. Bà đã dành gần hết cuộc đời để chờ đợi ở các con mình một cái quay đầu ngoái lại. Để làm gì chứ? Chúng vẫn sống hạnh phúc khi không có mẹ đấy thôi. Những ngày vui trọng đại của cuộc đời chúng bà xuất hiện lặng lẽ cố thu mình chỉm nghỉm giữa đám đông. Bạn từng hỏi sao ngày xưa sau khi ly hôn bà không đi bước nữa thì giờ đã không phải sống trong cô độc? Bà sẽ có thêm những đứa con ngoan. Lúc tuổi già vui vầy bên cháu nhỏ. Làm vại dưa cũng không lo khú vì chẳng có người ăn. Nấu một bữa cơm không phải đắn đo thêm bớt từng nắm gạo. Rau một ít, thịt một ít. Nấu thì thừa mà không nấu thì thiếu. Đêm hôm trái gió trở trời không biết cậy nhờ ai. Nhà lúc nào cũng toàn mùi dầu gió. Nhưng bà già đâu thể đi bước nữa. Con cái lại có cớ trách mình bỏ bê nó thì sao?
* * *
Lần này, bà già đi chừng nửa tháng thì cô con gái bỗng nhiên đến thăm. Cô nhấc chậu hoa lấy chìa khóa mở cửa vào nhà. Nhà lạnh lẽo đến mức cô khẽ co vai lại. Bụi không biết bằng cách nào len lỏi vào nhà, cô đi đến đâu in dấu chân đến đó. Cô lại ngồi bên chiếc bàn đặt giữa nhà. Vặn nắp hộp thủy tinh, thò tay nhúp một quả sấu non ngâm đường thả vào miệng. Cô nhắm mắt, ngửa cổ tựa vào thành ghế mặc kệ mớ tóc dài buông xõa. Cô cảm nhận thấy vị của yêu thương đang lan trong vòm miệng. Đây là món anh em cô yêu thích. Trên bàn học lúc nào cũng có sẵn một lọ sấu mẹ ngâm. Thêm cả lọ mứt gừng ngậm cho ấm cổ mà mẹ thường lặng lẽ treo trước cổng nhà. Bố thường càu nhàu nếu chẳng may là người đầu tiên mở cổng. Suốt hơn hai mươi năm qua anh em cô đã gạt mẹ ra khỏi đời sống của mình. Dù nhà mẹ chỉ cách nhà của ba bố con cô nửa con phố nhỏ. Vậy mà dạo gần đây cô bỗng nhiên hay nhớ mẹ. Nhớ một cách thôi thúc. Vừa nhớ vừa đau.
Cô ngồi bất động trên ghế và mường tượng ra mẹ cũng từng ngồi như thế mỗi ngày. Nắng liếm láp đâu đó ngoài bức tường kín mít chứ chẳng thể lọt được vào nhà. Cô trách mình tại sao đến tận lúc đau khổ trong hôn nhân mới biết quay về xót thương lấy mẹ. Mấy chục năm qua mẹ đã sống trong sự lạnh nhạt héo hắt của các con mình. Hẳn tim mẹ có trăm ngàn vết cứa. Cô mệt mỏi đứng dậy đun nước pha cho mình một ấm trà ướp hoa nhài. Giá có mẹ ở đây cô trút lòng mình cho vơi đi sầu muộn. Mà cũng có khi chẳng thể nói được gì ngoài lặng im bên mẹ. Mọi ngôn từ đều trở nên vô nghĩa. Cô định bấm máy gọi cho mẹ nhưng ngón tay im bặt trên bàn phím. Mẹ giờ này chắc hẳn đang tìm vui tuổi già ở một nơi nào đó bình yên.
Cô nhìn đồng hồ trên tường nhưng đồng hồ hết pin. Thời gian trong căn phòng này khi vắng mẹ tựa như ngưng lại. Ngoài đường tiếng xe cộ hối hả như thúc giục. Cô từ từ đứng dậy nhìn quanh căn phòng một lượt rồi lặng lẽ ra về. Tới thăm mẹ nhưng cửa khóa. Thèm ăn một bữa cơm mẹ nấu mà nỗi cô độc đã đưa mẹ trôi dạt tận nơi nào.
V.T.H.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét