Vợ chồng nhà văn Nguyễn Huy
Trước 1975, khi dạy bài “Chữ nhàn” của Nguyễn Công Trứ, tôi giảng kỹ hai câu này:
Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc,
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn?
(Biết đủ thế là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ.
Biết nhàn thì là nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn).
Tôi rất thích hai câu này, vì nó phù hợp với quan điểm sống của mình.
Hai câu thơ trên lấy ý từ Đạo đức kinh của Lão Tử.
“Danh dữ thân thục thân? thân dữ hóa thục đa? đắc dữ vong thục bệnh? thị cố, thậm ái tất đại phí, đa tàng tất hậu vong. Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu.”
(Danh tiếng với sinh mệnh cái nào quý? Sinh mệnh với của cải cái nào quan trọng?)
Được danh lợi mà mất sinh mệnh, cái nào hại? Cho nên ham danh quá thì phải hao tổn nhiều, chứa của cải nhiều thì mất mát nhiều. Biết thế nào là đủ (tri túc) thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy mà có thể sống lâu được.)
Phật pháp cũng dẫn lời Phật dạy, nói đến “Thiểu dục tri túc".
Hôm nay Trung thu, tôi xin vợ chục nghìn đồng mua chiếc bánh Trung thu nơi quán nghèo trong xóm. Tối đến, sau bữa cơm rau mắm, hai vợ chồng già bắc ghế ngồi bên nhau trước hè, mời nhau ăn bánh, ưống trà, ngắm trăng. Trăng rằm sáng lắm. Cả khu vườn nhà và cánh đồng trước mặt tràn ngập ánh trăng. Trăng sáng mênh mông, trời se lạnh, nhưng lòng thấy vui ấm vô cùng.
Bất giác tôi nhớ lại những câu châm ngôn:
“Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc?” (Biết thế nào là đủ thì sẽ thấy đủ, đợi cho có đủ thì bao giờ mới đủ).
“Nhân dục vô nhai, hồi đầu thị ngạn” (Lòng dục của con người không có bờ bến, nhưng nếu nhìn lại phía sau mình thì đó là bờ bến đấy).
Thế là đủ rồi, nhàn rồi, còn đòi hỏi gì hơn!
Trung thu 2017
N.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét