Cây bút trẻ Nguyễn Thị Thanh Huyền sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống văn chương, nơi quê hương của nhà thơ Nguyễn Khuyến và những thế hệ văn nghệ sỹ kế cận sau này như Nam Cao, Hoài Anh... Song, tác giả trẻ này bước vào làng thơ với một phong cách hoàn toàn hiện đại qua 45 bài thơ in trong tập thơ “Vườn xuân”. Chị đã dành tình cảm thiêng liêng nhất cho những sáng tác về quê hương và đặt trang trọng ở những trang đầu của cuốn sách.
Mảng thơ viết về những con người, những địa danh thân yêu hiện lên thật đằm thắm:
“Nơi nghĩa tình trả nợ ngàn đời không nổi
ấm êm phương xa vẫn đau đáu nhớ về”
(QUÊ)
Nỗi nhớ thương ấy cứ chập chờn, luôn thường trực trong tâm thức đứa con xa quê:
“Nhớ cánh cò bay trắng ngập đồng chiêm
Bóng cha áo tơi đổ dài ngả cày ngập nước
Dáng mẹ nón mê còng lưng nhổ mạ mưa phùn
... người quê em chân chất
Mồ hôi đượm tình làng
Đượm dân ca Bắc Bộ”
(VỀ HÀ NAM)
Tập trung và cao độ nhất ở bài thơ VỀ CHO BÃO BAY QUA: Mạch thơ đứt nối không theo một trình tự đã cũ mòn, ngổn ngang những hồi ức, những khát khao, những buồn vui cứ ứa tràn không thể kìm nén, nhịp đi của cảm xúc hối hả, câu thơ ngắn dài bỏ qua vần điệu nên những tầng ý được bay lên mà không một sức gì cản nổi. Câu chữ thô ráp như những mảnh phôi đầy góc cạnh cứa vào lòng người đọc “Về gập lậy cây đa đầu làng bản dĩ sừng sững/ Vập đôi tay uống lấy uống để nước ngọc giếng làng/ Ngã vào gốc lúa mới cắt đêm qua còn mướt sương/ Bước không qua nổi bóng tre ngà/ Thương quả mồng tơi chưa đủ thẫm… rào đã đổ/ Thương dáng mẹ còng và làn tóc trắng/ Sợ nhuộm thêm một lần trắng trên mái tóc của mẹ”. Tất cả sự ngổn ngang đứt nối ấy lại được đặt vào một cái khung có sức chứa hun hút những luồng cảm xúc như gió cuộn từ cơn bão lòng. Cái đáng nói ở đây là sự phá cách trong lối thơ hiện đại, những câu thơ ngắn dài vượt ra ngoài cái khung mà bay lên theo biên độ không hạn chế của cảm xúc…
Bên cạnh: Nhớ về làng quê, chị không quên nhớ về những kỷ niệm xốn xao của một thời thơ ấu, một thời cắp sách tới trường:
… “Những ngày tuổi học trò bao thương nhớ
Những trang sách giở từng trang nắng sân trường
Những bước chân reo vui bạn bè giờ tan học
Buồn vui, giận hờn ép vào trang kỷ niệm
...
“Giọt nhớ rơi vào mắt
Rực một trời phượng đỏ
Tiếng ve ngân bài cũ
Ướp hồn ta mãi xanh”
(NHỚ MIỀN NẮNG HẠ)
Nếu bạn đọc chứng kiến những tình cảm đằm thắm nhất dành cho làng quê, cho những kỷ niệm tuổi thơ, thì ở mảng thơ tình yêu lại được biết đến một cây bút đầy nội lực đã đốt lên ngọn lửa tình yêu bỏng cháy với lối viết mang đầy chất phồn thực. Không còn thấy dấu vết nào của lối thơ tình giả tưởng cũ mòn. Cuộc sống mang màu sắc hiện sinh của xã hội công nghiệp đã thật sự ngấm vào những câu chữ của tuổi yêu mà ở đây không còn phân tuyến, phân độ tuổi nữa:
“Vồ vập, lăn xả, cào cấu
Ăn mùa xuân như nuốt chửng miếng bánh
con phố đông – xuân một khắc
con phố quen lạ một giờ
con phố cổ kim một đêm
thật thà và dối trá
phố ngất vào đêm lộng lẫy hơn nữ hoàng sexy, nóng bỏng
(PHỐ ĐÈN MỜ)
Hoặc: “Vén rong rêu, lộ những ngọc ngà
Mùa yếm đỏ lưng trời gạn đến thiết tha”
...
“Nếu một ngày tình chết nơi mí mắt
Và em chẳng còn lấp lánh giấc mơ
Sầu đong đầy trái tim
Khát vọng nào cắn ngập hồn nhau”
(VƯỜN XUÂN)
Phải chăng những câu hỏi dồn dập bùng lên từ trái tim yêu luôn bỏng rát ấy là chỉ lộ cho những câu thơ tình đầy khát khao mang theo cả những nhục cảm nồng nàn của con người thời hiện đại và đó cũng là nhu cầu nhân sinh mà đấng tạo hóa đã dành cho con người vậy.
Cây bút trẻ Nguyễn Thanh Huyền, bằng lối viết hiện đại và dâng tràn cảm xúc trong một trường tư duy căng đầy sức trẻ và đổi mới thơ. Khi đọc thơ chị, ta cảm giác như đang lạc trong khu vườn có men xuân đầm ấm làm ta cũng rạo rực trong lời của gió, của nắng, của hờn dỗi và yêu thương, đắm đuối loạn cuồng của tình yêu mà ví như mùa xuân, mùa của sự sinh trưởng muôn loài trong trời đất. Nguyễn Thị Thanh Huyền đã mang vào thơ hiện đại một tư duy mới, góc nhìn mới phá vỡ những bó khuôn của dòng thơ hiện đại tạo ra một trường cảm xúc rất riêng, rất mạnh bạo của một cây bút trẻ.
Hải Dương 23.8.2017
N.H (HD)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét