Gió bắt đầu thổi mạnh. Cát bụi bay mịt mù. Trời tối sầm. Mưa rơi!
Cơn mưa đột ngột giữa chiều làm tôi lo lắng. Đường về nhà không xa nhưng phải đi qua một quãng vắng vẻ, cây cối um tùm. Con xẻo nhỏ chắn ngang lối đi. Cây cầu khỉ nối liền hai bờ giờ nầy chắc đã bị dòng nước dìm khuất. Vượt qua đó thật là khó. Nếu trợt chân ngã xuống, dòng nước xiết sẽ cuốn lấy người rồi nhanh chóng đưa ra sông cái. Không dám chần chờ nữa, một tay nắm lấy vành nón lá, một tay ôm sát chiếc cặp da vào ngực, mặc mưa gió, tôi rời chỗ trú mưa băng ra đường.
Đúng như tôi đoán trước, con xẻo mênh mông nước. Chiếc cầu biến mất dưới dòng nước đục ngầu. Chỉ còn cái thanh vịn nằm trơ vơ. Có ba đứa nhỏ đi học về còn kẹt lại, đứng nhìn xuống xẻo. Trông thấy tôi, các em mừng rỡ chạy lại nói:
- Chị làm ơn đưa tụi em qua cầu giùm nha!
Tôi chẳng biết trả lời sao vì tôi còn nhát hơn các em nữa là khác. Mẹ tôi mất. Ba dắt tôi về quê nội sinh sống chưa được một năm. Nghèo khổ tôi không sợ nhưng qua cầu khỉ đôi với tôi thật là một việc khó. Dù vậy, tôi cũng vội trấn an các em:
- Chờ bớt mưa, nước rút, thấy rõ cây cầu, chị sẽ dắt các em qua.
Một cô bé nói:
- Lỡ mưa tới tối thì sao? Em lạnh quá hà!
Tôi sực nhớ mình cũng bị ướt nhem, nãy giờ muốn cóng tay chân chớ có hay ho gì hơn. Tôi buồn bã nhìn sang bờ bên kia. Có ai từ xa đi lại. Đúng rồi! Nguyễn chớ không ai khác. Màu áo đen của Nguyễn. Cái áo anh thích nhất. Nguyễn thường nói màu nầy hợp với cuộc đời của anh.
Nhà anh chỉ cách nhà tôi chỉ có một cái rào thưa trồng đầy hoa dạ lý. Những lúc rỗi rảnh, ba tôi thường sang trò chuyện với ba anh. Hai người ngoài tình đồng hương còn có tình đồng chí nữa. Bác ấy cũng là bộ đội phục viên như ba tôi. Kẻ thù ngoài chiến trường không làm gì được bác nhưng làn gió độc của một đêm nào đã vật ngã bác. Bác bị liệt nửa người. Một tay, một chân phải không còn tuân theo ý muốn của bác. Cũng từ đó, mẹ Nguyễn không còn nghe lời bác. Bà là người phụ nữ đẹp nhất vùng. Nắng gió không làm sạm làn da của bà mà chỉ tô đậm màu hồng lên má. Đôi mày lá liễu khiến cặp mắt đen huyền thêm sắc sảo, đa tình. Nhưng bà cũng là người phụ nữ hư đốn nhất vùng. Có lẽ do quá yêu vợ, ba Nguyễn đã đảm đang mọi việc trong ngoài nên khi ông ngã bệnh, bà không chịu nổi cảnh nghèo túng, khó khăn.
Thay vì đi buôn bán hay làm ruộng, làm rẫy nuôi chồng con thì bà chọn cái nghề bài bạc để kiếm tiền. Dù ba Nguyễn không hề rầy la nhưng bà cũng bỏ nhà về ở với cha mẹ ruột. Mặc kệ chồng con bữa đói, bữa no.
Một hôm, bà trở về chưa được nửa giờ thì nghe tiếng hét của ba Nguyễn:
- Bà là người mẹ khốn nạn!
Ba tôi giật nẩy mình. Ông liền chạy sang nhà bạn. Tôi quên cả mang dép cũ, phóng qua bên ấy.
Cả hai cha con tôi không biết xử sao trước cảnh tượng đau lòng. Ba Nguyễn dùng bàn tay còn cử động được nắm chặt yên xe. Ông ngả nghiêng trên giường, sắp lọt xuống đất, mồ hôi vả ra như tắm. Còn bà Lài, mẹ Nguyễn đưa cả hai tay ghịt chặt tay cầm xe đạp, kéo về phía mình, mặt mày đỏ bừng. Thấy ba tôi, cả hai vội buông chiếc xe ra làm nó ngã xuống đất. Bà Lài phân bua:
- Anh coi, tôi lấy chiếc xe của tôi mà ảnh không cho, có phải là ích kỷ không?
Ba Nguyễn bỏ chân xuống giường hét to:
- Bà im đi, chiếc xe đó tôi mua chớ của bà hồi nào?
- Nhưng ông mua cho tôi thì nó là của tôi.
- Nhà này chỉ có chiếc xe đạp này là đáng giá. Bà muốn lấy đem bán để cờ bạc phải không?
- Của tôi, tôi có bán ông cũng không được quyền nói.
- Bà thật khốn nạn! Năm sau, thằng Nguyễn nó học lớp mười trường cấp ba ở huyện, phải có chiếc xe để nó đi học chớ.
- Ông nói láo! Làm sao nó có thể đạp xe qua cầu khỉ? Ông không muốn tôi lấy xe thì ông nói đại ra đi.
- Bà chỉ biết nghĩ tới bản thân thôi. Nó đi xe tới đó, gởi lại nhà anh Tư, bạn tôi, qua cầu rồi lội bộ về đây. Hôm sau tới lấy xe đi học. Không được sao?
Hổ thẹn trước sự tính toán của chồng, bà lặng đi một lát rồi chợt nói:
- Nhưng ông làm gì có tiền nuôi nó học đến cấp ba. An còn phải bưng tới chỗ… đồ vô vụng mà làm bộ.
Mồ hôi của người chồng tươm ra ướt áo. Hình như bà vợ đã đâm một vết dao vô hình vào con tim ông. Không còn đủ sức đứng nữa, ông ngã khuỵu xuống đất, bàn tay trái bưng lấy mặt run lên từng hồi. Nguyễn đã về lúc nào không ai hay, chỉ kịp nhìn thấy chiếc xe đạp bị anh quăng ra sân rồi chạy vào mở tủ lấy hết những chiếc áo của mẹ còn sót lại ném ra ngoài. Anh gào lên:
- Đó, những món đồ của mẹ. Mẹ hãy lấy đi hết đi! Từ đây, trong nhà nầy không còn gì của mẹ nữa. Cả tình mẹ con, mẹ cũng mang đi luôn đi. Con không muốn có một người mẹ như vậy. Đừng bao giờ quay về đây nữa!
Nguyễn bỏ ra nhà sau. Không biết động cơ nào đã thúc đẩy tôi chạy theo, nắm lấy tay anh rồi không biết nói gì. Tôi lặng lẽ khóc. Anh nhìn tôi hồi lâu, bỗng nói:
- Mai anh sẽ nghỉ học luôn để thay ba làm rẫy kiếm tiền sinh sống. Chỉ còn cách ấy thôi Mơ à!
… Nguyễn bước nhanh về phía tôi. Anh qua cầu không khó khăn gì. Đưa tay vuốt nước mưa trên mặt, anh cười thật tươi:
- Biết thế nào Mơ cũng không dám qua cầu. Nhát như thỏ đế! Để anh đưa ba đứa nhỏ qua cầu trước rồi tới Mơ.
Mấy đứa nhỏ vổ tay reo mừng. Anh cõng từng đứa qua bờ bên kia rồi trở lại nói với tôi:
- Đưa cặp đây anh cầm cho. Một tay Mơ nắm thanh vịn, tay kia nắm chắc tay anh nha!
Tôi lật đật làm theo lời anh. Qua tới giữa cầu, bỗng một làn gió nổi lên, hất tung cái nón lá của tôi xuống dòng nước. Tôi run lên nhưng cũng cố gắng vượt qua bờ bên kia. Thấy vậy, anh nói:
- Bữa nào trời mưa lớn quá, Mơ nên nghỉ học.
- Không được đâu. Như vậy Mơ sẽ không theo kịp các bạn. Thầy cô rầy rồi làm sao?
Bỗng dưng Nguyễn hạ thấp giọng:
- Mai mốt Mơ học cấp ba rồi lên Đại học. Lúc đó chắc tụi mình không còn thân nhau nữa.
Chợt hiểu, tôi buồn vô hạn. Giờ đây, nhờ cố gắng làm lụng, anh đã mua được một chiếc xe khác. Gia đình anh không còn sợ đói nữa. Nhưng giồng bắp xanh mượt. Hàng hàng hoa vạn thọ, hoa cúc nở rộ trên mảnh đất khô cằn của khu vườn nhà anh báo trước những đổi thay trong cuộc sống. Thành công bước đầu chưa làm anh hài lòng mà được đến trường mới là ước mơ cháy bỏng trong lòng anh.
Tôi vội nói:
- Chắc ba em không có tiền cho em học Đại học đâu. Mà dù có học đến lớp nào đi nữa thì có ảnh hưởng gì đến tình bạn của mình.
Mưa đã tạnh từ lúc nào. Nắng chiều chợt bừng lên rực rỡ trên giàn hoa dạ lý. Soi rõ dáng ba anh ngồi tựa cửa nhìn ra. Ông đưa tay vẫy chúng tôi. Tôi nói tiếp:
- Nhưng hiện giờ thì Mơ không bằng anh một góc. Anh đã sống một cuộc đời có ý nghĩa. Anh biết sống vì mọi người. Còn Mơ, Mơ còn sống nhờ mọi người, như một loài tầm gởi bám vào cổ thụ. Mơ muốn như anh, qua cầu bằng những bước chân vững vàng. Còn đôi tay nầy phải làm ra của cải. Còn tệ lắm thì cũng làm được một việc có ích. Anh biết không?
Nguyễn mỉm cười, gật đầu. Lòng tôi chợt ấm.
N.T.M
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét