Chầm chậm leo từng bậc cầu thang lên ngôi nhà của ngoại. Chín bậc cầu thang là chín vía nữ (người Tày - Thái bảo mỗi bậc cầu thang tượng trưng cho một vía của người phụ nữ) hay là chín bậc tình yêu (cũng có quan niệm cho rằng chín bậc cầu thang tượng trưng cho chín bậc tình yêu) như người ta vẫn thường hay nói thì tôi cũng chẳng rõ. Nhưng từng cái thang gỗ mộc mạc nghiêng nghiêng nối mặt đất với sàn nhà thì tôi chẳng thể nào quên. Cái cầu thang giản dị ấy với tôi chẳng khác nào một một bến đợi hay là một chứng nhân cho bao niềm vui, nỗi buồn đã từng diễn ra ở cái ngôi nhà thân yêu này. Đó là nơi bao anh em, con cháu leo lên rồi lại tụt xuống vui đùa suốt những năm tháng tuổi ấu thơ, là nơi ta từng ngồi ngóng ngoại; là cái nơi mà một đời ngoại tần tảo, chịu khó, chịu thương, sẻ chia mọi vui buồn với đời. Ngôi nhà sàn của ngoại giờ đây vẫn còn đó nhưng còn ngoại thì đã phiêu du ở mãi nơi cuối trời nào chẳng biết?
Nhớ lại, thủa nhỏ, có lần nhổ tóc bạc cho ngoại, bà đã kể rằng quê ngoại ở mãi tận Thái Bình xa lắm. Hồi xưa (trước cách mạng), ngoại từng làm ăn buôn bán ở khu phố chợ Đồng Xuân và phố Gầm Cầu (Hà Nội). Thế rồi, giặc giã, ngoại phải chạy lên tận đất trên này (Hà Giang) để làm ăn sinh sống. Cứ thế, hồi ức về quê hương và những miền đất mà ngoại từng đi qua cùng với chiến tranh và đói nghèo, tần tảo lần lượt hiện về như những thước phim trong những lời kể thì thào to nhỏ của ngoại. Hồi ấy bé quá lên tôi cũng cứ nghe thế thôi. Bây giờ nghĩ lại có lẽ những chuyện kể ấy ngoại đâu chỉ muốn kể cho vui mà nó còn là những hoài niệm về một thời khó quên của ngoại. Phải chăng ngoại đang ao ước có một lần được trở lại những nơi chốn ngày xưa? Và những câu chuyện ấy còn được ngoại kể đi kể lại không ít lần cho tôi nghe, cho đến khi tôi vào đại học trong mỗi kỳ nghỉ hè được nghỉ học về thăm ngoại mà ngoại vẫn còn kể mãi. Có lần ngoại hỏi bây giờ cái phố Gầm Cầu và chợ Đồng Xuân như thế nào rồi hả cháu? Tôi bối rối chẳng biết kể sao bởi mình cũng chưa từng đến (hồi mới vào trường, năm thứ nhất). Hình như trong ký ức của ngoại đất kinh kì ấy chưa hề phôi pha, vẫn hằn lên trong trí nhớ của tuổi già tri thiên mệnh như thể còn đầy lưu luyến. Hỏi rồi, ngoại im lặng, đưa mắt nhìn qua ô cửa nhà sàn hướng về con đường phía trước đang inh ỏi tiếng còi xe với cái nhìn xa xăm như thể đang tìm về những kí ức của một thủa xa xưa!
Bây giờ ngôi nhà của ngoại vẫn còn đó. Mỗi lần về quê, lên thắp hương cho ngoại mà khóe mắt không khỏi cay cay. Đã không ít lần tôi tìm về bên ô cửa ngày xưa từng ngồi với ngoại mà lơ đãng nhìn ra ngoài trời đang chan hòa nắng vàng yên ả với những giải mây trắng bồng bềnh quấn quện trên những đỉnh núi mờ xa. Có lẽ, lại giống ngoại thủa xưa tôi yên lặng trầm ngâm đắm chìm trở về trong những dòng hồi tưởng. Hình ảnh ngoại với mái tóc trắng phau như bà tiên ẩn hiện đâu đây. Từng bậc cầu thang nghe như vẫn còn vương dấu chân ngoại. Chợt nhớ, có lần ngày xưa ngoại bảo, nhà này ngoại làm theo người ở đây. Rồi ngoại kể câu chuyện cổ tích thần rùa mách bảo tổ tiên người Tày, người Thái cách làm nhà sàn: Bốn chân tôi là bốn cột cái. Hai mai tôi là hai mái nhà. Xương sống tôi là đòn nóc. Dùng cây lim làm cột. Lạt buộc bằng cây giang. Cỏ gianh dùng để lợp. Ngoại bảo, nhà của ngoại có chín bậc cầu thang tựa như chín cái vía hay chín bậc tình yêu. Ngôi nhà ngoại làm phía sau có núi và nhìn ra phía trước có ruộng lúa nhấp nhô cùng dòng suối uốn khúc quanh co. Ngoại kể, nhà làm như thế là hợp phong thủy, vừa đón được không khí cũng trong lành, mát mẻ vừa dễ quan sát ba bề xung quanh. Ngoại còn kể, hồi mới về đây núi rừng còn hoang vắng lắm, mỗi khi nghe thấy tiếng chim bắt cô trói cột trên núi thì biết trời đang mùa hạ; còn đêm nằm mà nghe thấy tiếng cú rúc thì biết là mùa đông đã về. Mùa đông ở cái xứ rừng núi âm u hòa trong sương mù che phủ cùng với cái lạnh cắt da cắt thịt thì vô cùng khắc nghiệt. Nhưng ở mãi, lâu dần rồi cũng thành quen. Ngoại bảo hồi ấy đất rộng người thưa chẳng như bây giờ. Mỗi lần đi phát nương làm ruộng ngoại như nghe thấy mùi đất ẩm xông lên trong đám lá rong rêu mục nát cùng muỗi đói, vắt rừng. Và giữa cái tiết trời hanh khô ấy mỗi cơn gió thoảng là cái đám lá lại bốc lên tứ tung mù mịt ra bốn phía, rồi xòe ra chẳng khác gì đàn bươm bướm đang mặc sức tung bay. Ấy thế mà giờ đây, chốn sơn cùng ấy cũng đã thành làng mạc đông đúc, yên vui. Nhà gạch mái ngói đan xen nhà sàn lá cọ. Những người lập làng như ngoại giờ cũng đã khuất dần. Trở lại với chốn xưa, leo lên nhà sàn, gác cũ bâng khuâng mà nhớ đời ngoại tần tảo, nhọc nhằn …
Yêu thương, nhung nhớ tôi đến bên ngoại thắp một nén nhang thay bao điều muốn nói. Rồi lặng lẽ trở về bên ô cửa ngày xưa, bâng khuâng đưa mắt ngắm nhìn mọi thứ giữa thinh không như thể đang tìm về những kí ức của một cõi xa xăm nào đó. Bỗng nhận ra sắc tím của bông mua đang âm thầm ngoi lên từ kẽ đá. Chợt rưng rưng như thấy ngoại ngồi cùng. Yêu lắm nơi rừng thương núi nhớ này ơi!
G.H.S (Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét