Thầy Ba ngồi nghiền ngẫm, hai mắt khép hờ như một nhà sư đang lúc tham thiền. Rõ ràng đã bắt đúng mạch, dùng đúng thuốc, sao người bệnh vẫn trơ trơ? Thầy đến giá sách treo lủng lẳng bên vách rút ra một cuốn, lật kiếm từng trang rồi đọc đi đọc lại cái đoạn cần tìm hiểu. Xong, để sách lại giá bước sang căn chái, nơi người bệnh đang nằm, vạch tay xem lại mạch, nhíu mày nghĩ ngợi. Rõ ràng bệnh nhiễm phong hàn khiến đổ mồ hôi tay chưn, bao tử lạnh, lình bình khó chịu. Dùng thuốc tiêu hàn kiện nhiệt thêm bổ tỳ thì đúng rồi, sao bịnh tình không nhúc nhích vậy cà?
Thầy Ba đi lại bàn giữa, rót ly trà nóng hớp từng ngụm nhỏ. Mùi trà thơm làm thầy dễ chịu, thằng cháu ở ngoài chợ tuy xa mà biết ý Thầy, nó luôn gởi về những thứ trà ngon. Thầy nhớ lại cái nghề hốt thuốc hôm nay là chuyện tình cờ, hồi đó có nghĩ tới đâu! Làng này cũng có vài ông thầy thuộc loại tầm tầm, đỡ khổ cho bà con. Lần hồi mấy ổng già yếu, tay run nên bộ mạch không tinh tường nữa, muốn truyền nghề thì không ai học. Thầy Ba khi đó là chàng thanh niên mới lớn, mê cô Hai Mơn thiếu điều quên ăn. Nhà cô có vườn trầu hơn hai trăm nọc. Hằng ngày cô phải gánh nước tưới. Nhìn dáng đi thon thả với đôi thùng trên vai từ bến sông đến vườn trầu, thầy Ba thương thiệt là thương! Cuối vườn, bước thêm vài chục bước là nhà thầy Tư Tẩn, hốt thuốc có tiếng. Muốn dòm cô Hai gánh nước tưới trầu không gì tiện bằng ở nhà thầy Tư. Vậy là thầy Ba mon men lui tới, ngỏ ý học nghề. Tưởng học chơi chơi, ai dè thầy Tư ưng ý, khen thầy Ba sáng dạ rồi đem hết ruột gan ra chỉ bảo. Lần hồi thầy Ba cũng được dịp nói chuyện với cô Hai Mơn. Một lần, hai lần… riết rồi cô Hai thấy thầy Ba hiền hậu cũng mến.
Công việc hằng ngày của thầy Ba khi học nghề ở nhà thầy Tư là chặt và xắt những cây thuốc còn tươi, rửa sạch để vào nia phơi thiệt khô, sau đó cho vào từng ngăn tủ riêng biệt. Khi có bịnh đến thì dìu tiếp người nhà lại giường, chờ thầy Tư sai bảo và chỉ dẫn. Điều này không hấp dẫn cho lắm, nhưng muốn được gần cô Hai Mơn thì phải ráng. Lần đó cô Hai trợt chân té trẹo mắt cá, đau xanh mặt, thầy Ba trổ nghề, đỡ cô vô nhà thầy Tư nắn lại khớp chưn rồi lấy một củ ngải, một củ gừng, một muỗng muối, các thứ đăm nát bó ngay chỗ đau. Không biết nhờ mát tay hay đúng thuốc, chiều lại cô Hai đi đứng tỉnh bơ, khen thầy quá cỡ. Sư phụ cũng khen nữa. Có lẽ bịnh nhơn đầu tiên bình phục ngoài ý muốn là cô Hai Mơn, tạo sự phấn chấn, làm thầy Ba bắt đầu thấy hứng thú với nghề thuốc! Thầy sưu tầm sách vở, chịu khó tìm hiểu mấy căn bịnh nặng, tiến bộ ngó thấy.
Từ đó hễ trong nhà có ai đau yếu, cô Hai đều nhờ thầy Ba cứu chữa. Cô thường nói:
- Thầy Ba có tay phục dược lắm đó!
Quả đúng như lời cô Hai, thầy hốt vài thang uống xong là khoẻ ngay. Nhưng đó là bệnh nhẹ, lỡ gặp nặng hơn thì sao? Thầy Ba lo lắm, trị không xong sợ móp mặt với cô Hai. Thành ra phóng lao thì phải theo lao, cố gắng trau dồi tay nghề cho tinh tấn. Lần hồi mấy ông thầy thuốc già ở làng này qui tiên hết,thầy Ba nghiễm nhiên trở thành “vô nhị”. Bịnh tới ngày một nhiều, từ chỗ ban đầu không mấy thích, nay xem chừng có phần thích rồi. Tánh thầy hiền hậu, nhìn bà con mình đau yếu trong cảnh nghèo nàn, không tiền đi đốc tờ, khiến thầy phải tận lực với nghề. Giúp được họ bấy nhiêu mừng bấy nhiêu,thầy chỉ nhận tiền những ai hảo tâm, nghèo quá thì miễn, chan qua chan lại vừa đủ sở hụi, coi như lấy công làm phước. Vì thế cô Hai và dân làng quí mến thầy lắm.
Song thầy đâu cần cái quí mến suông của cô Hai. Thâm tâm thầy muốn được cùng cô gá nghĩa. Ngặt nỗi khó mở lời, một phần bởi tánh rụt rè, đành lần lựa chờ cơ hội.
Mùa nước lụt năm đó làng thầy ngập sâu, nhiều nhà kê sàn lên gần đụng nóc. Sau hơn tháng trời, nước rút, hoa màu chết gần hết, sót lại chỉ những cây lớn lâu năm, nhìn cảnh tượng tiêu điều ai cũng buồn. Bao nhiêu vốn liếng đổ vào mấy nọc trầu, giờ mất trắng, gia đình cô Hai Mơn lâm nợ. Ông già cô tâm sự với người hàng xóm,thầy Ba nghe được:
- Chắc phải bán đất dìa quê vợ làm ăn quá anh Năm ơi!
Rồi ông ta bán thiệt. Cuốn gói dắt cả gia đình âm thầm ra đi.Thầy Ba chưng hửng, tưởng ông nói chơi! Bao nhiêu hy vọng phút chốc tan tành như bong bóng nổ. Thầy buồn bã, nhìn cái bến nước hằng ngày cô Hai ra gánh. Cơn lụt ác độc làm người thầy yêu đi mất, xui xẻo quá!
Có lẽ vì buồn bã và nhớ thương dai dẳng mà thầy Ba lâm bạo bịnh. Ban đầu chỉ thấy nhức đầu,thầy tự hốt cho mình một thang, không bớt thầy tiếp thang thứ hai, thứ ba… Đến thang thứ sáu chẳng những đầu không hết nhức mà tay chưn lại thấy tê tê, đi đứng khó khăn. Tự bắt mạch,Thầy chẩn đoán mình nhiễm phong hàn do tà khí, gây âm thịnh dương suy làm hỗn loạn sự vận hành của máu huyết. Phải mau mau khôi phục nguyên khí, cân bằng âm dương mới mong khỏi được. Thầy tự tin ở tay nghề của mình, nên kiên trì chữa trị gần cả tháng. Bịnh có phần lui, đi đứng thấy đỡ lọng cọng, nhưng chỗ lưng quần thì chưa bớt tê, nhứt là vùng đan điền. Lần hồi nơi quan trọng của thầy như cọng bún thiu, không đáp ứng với những cảm xúc đàn ông. Thầy rất lo lắng. Đọc nhiều sách xưa, tiệt tự bị liệt vào hàng đại bất hiếu. Hồi nào tới giờ thầy có làm gì thất đức đâu, hiện tại còn hốt thuốc cứu người, sao ông trời không thương? Thầy chán chường, suốt ngày thở vắn than dài. Cái gì còn đem tâm sự với người khác được, còn bịnh của thầy phải ngậm miệng mà chịu! Nỗi lòng không được xì hơi càng thêm bực bội.
Do bị bịnh nên đã khá lâu thầy Ba chỉ lẩn quẩn trong nhà, chiều đó phát thinh thả bộ đi xóm cho khuây khoả. Khi đến bến sông chỗ cô Hai Mơn gánh nước tưới trầu ngày trước, thầy thấy một căn nhà nhỏ xinh xinh mới cất. Hơi ngạc nhiên, đứng xớ rớ dòm. Một hồi thấy chủ nhà trong bếp bước ra, thầy chưng hửng, thì ra là cô Hai. Đi mấy năm sao lại quay về kìa?
Thầy bước lại hỏi:
- Cô Hai phải hông?
Ngó thấy thầy Ba cô mừng ra mặt:
- Ủa? Thầy Ba… mạnh giỏi?
- Mới đau một trận nhừ tử, vừa hết đây. Cô dìa hồi nào?
- Hơn mười ngày rồi. Thầy bịnh hèn chi không gặp… Mà bịnh sao vậy thầy?
Thầy Ba lúng túng, đâu thể nói ra cái bịnh của mình, còn nói dóc thì thầy không quen. Nên ậm ờ:
- À… nhiễm phong hàn hơi nặng.
- Bây giờ thiệt hết chưa?
- Đỡ nhiều rồi.
Thầy chuyển sang chuyện khác:
- Chỉ mình cô quay lại xứ xở sao?
- Mấy đứa em có gia đình ở ngoài đó rồi. Còn ba má tui mất mấy năm nay. Ngoài ấy làm ăn coi mòi không khá nên tui quay dìa.
- Cô còn… ở vậy sao?
- Chồng tui cũng mất rồi. Hai mẹ con tá túc tại đây, trông nhờ cái tình chòm xóm…
Thầy Ba động lòng, hỏi:
- Con cô trai hay gái? Mấy tuổi rồi?
Vừa lúc một thằng nhỏ tắm dưới sông đi lên, liếc nhìn thầy rồi khép nép vào nhà. Cô Hai kêu:
- Thành!... Thưa thầy Ba tới chơi đi con.
Rồi quay sang nói với Thầy:
- Nó tám tuổi rồi đó…
Thầy Ba nhẩm tính cô Hai Mơn ra đi cũng tám chín năm rồi còn gì. Chừng ấy thời gian thôi mà có nhiều thay đổi ngoài ý muốn quá. Rõ ràng cuộc đời như giấc chiêm bao. Tự dưng thầy đăm ra ngán ngẩm, kiếu cô Hai đi về mà cái bụng đựng một mớ hồ lốn không ra vui cũng chẳng phải buồn! Cô Hai nhìn sắc diện thầy, thấy khó hiểu lắm. Lẽ ra gặp lại nhau thầy mừng mới phải, đàng này xem tuồng như xẹt lơ? Mới tám chín năm mà thầy trở thành người khác rồi sao? Phải chi đã có vợ con rồi thì còn hiểu được, bây giờ vẫn cu ky một mình,Thầy ngại cái gì chớ? Bao nhiêu câu hỏi, chưa tìm được lời đáp. Cuối cùng cô Hai Mơn tạm chấp nhận giả thuyết mình không còn xuân sắc nữa nên thầy Ba ngó ngang! Cô thấy buồn cho thân phận bọt bèo, trôi dạt phương xa rồi quày lại quê hương cũng chẳng nên tích sự gì.
Đêm đó thầy Ba trằn trọc hoài không ngủ được. Hồi chiều gặp lại cô Hai Mơn, mừng thì có mừng nhưng với căn bịnh quái ác này làm thầy dở khóc dở cười. Nếu cơn sóng lòng của cô nổi lên như câu “tình cũ không rủ cũng tới”, rồi cô bày tỏ thì thầy ăn nói làm sao? Thế là cái ý định ăn chay trường mấy tháng nay lại được củng cố, để có thêm một lý do chánh đáng mà lẩn tránh tình xưa. Thầy quyết định nhơn rằm tháng bảy này sẽ tuyên bố với bà con mình trường chay.
Vậy là thầy tự vạch cho mình một lối đi, hổng biết có hoàn hảo không, nhưng tạm thời sẽ tránh được những khó xử không chừng sẽ xảy ra nay mai. Thầy chuyên tâm lo việc hốt thuốc. Ông trời lại một lần nữa cắt cớ để thằng con trai cô Hai Mơn phải nằm đây trị bịnh với thầy. Phải làm sao cho có hiệu quả, đó là lương tâm mà cũng là để cô Hai không nghĩ thầy thiếu nhiệt tình do giận cô ưng người khác. Nhưng trớ trêu, bịnh tưởng dễ ai dè rắc rối. Thầy thở dài thườn thượt, cái vận xui sao mà bám miết!
Không biết bịnh tới thời kỳ lui hay do tài đức của thầy Ba mà thằng Thành con cô Hai Mơn dần dà qua được. Cô mừng còn hơn trúng số. Cám ơn thầy Ba lia lịa. Bữa rước con về nhà cô Hai không quên đem tặng thầy Ba một rổ trái cây, nói là để cúng ông bà. Thầy nhận mà lòng cảm động lắm. Tánh cô Hai xưa nay ăn ở có hậu ai cũng biết. Từ đó uy tín thầy Ba tăng thêm, cô Hai càng ngưỡng mộ. Ngọn lửa lòng của cô gặp duyên tốt như thế nên âm ỉ cháy lại. Bữa nọ đến nhà thầy Ba mua thuốc tán, nhơn lúc vắng người cô ướm thử:
- Tui thấy thầy bận bịu suốt ngày, có khi tới tối chưa ngã được lưng, sao không kiếm một bà đỡ tay đỡ chưn?
Thầy cười cười không nói. Cô Hai rấn thêm:
- Hay thầy còn khéo lọc lừa? Coi chừng già néo đứt dây à nghen!
Thầy Ba càng bối rối, đáp nghe ăn trớt:
- Tui… cũng quen rồi cô ơi!
- Thầy phải nghĩ đến cảnh cha già con muộn chớ? Mà bây giờ cũng đâu còn trẻ trung gì!
Thầy cười gượng:
- Cô… không thấy tui ăn chay trường sao?
- Tưởng gì… ăn chay có liên quan gì đâu?
- !?
Thầy Ba khổ sở, không biết nói sao cái bịnh của mình. Càng ấp úng thì cô Hai càng tưởng thầy mắc cỡ, nên có dịp là “trổ mòi”. Ngày lại ngày qua, cái tình cô Hai lộ rõ mồn một, khiến thầy lo lắng thêm. Trong hoàn cảnh trái khoáy ấy Thầy Ba hết biết đường xoay xở. Suốt ngày thầy u sầu, buồn bực ra mặt. Bệnh nhân thì tưởng thầy mệt nhọc do làm việc nhiều nên không thắc mắc gì.
Một hôm người ta thấy thầy Ba cạo đầu trọc lóc, khoác trên người chiếc áo cà sa, xem mạch hốt thuốc. Thầy quyết chọn con đường này, sau nhiều ngày gay go tự chiến đấu. Việc làm của thầy không ai hiểu nổi. Hôm đó, đến mua thuốc tán sình bụng, tận mắt ngó thấy, cô Hai Mơn rụng rời chưn tay! Cái tình xưa bấy lâu âm ỉ tưởng sẽ có ngày nên duyên chồng vợ. Ngờ đâu thầy Ba làm chuyện bất ngờ khiến cô vừa ngạc nhiên vừa đau khổ.
Suốt mấy ngày cô không bước chưn ra đường, nằm dàu dàu trên võng suy nghĩ mông lung, cố tìm hiểu nguyên do cái hành động kỳ quái của thầy Ba. Cô nhớ lại từng việc một, xem có làm gì để thầy Ba buồn chăng? Tuyệt nhiên không. Cô thở dài, chuyện đời sao quá éo le, ngày xưa bỏ công đi học nghề thuốc để được làm quen với mình. Nay đâu có trở ngại gì mà không tiến tới lại phải đi tu?
Cô quyết định gặp thầy Ba hỏi cho ra lẽ. Chờ buổi trưa vắng khách, cô tới nhà thuốc, mượn cớ bị nhừc đầu và mất ngủ nhờ thầy xem mạch. Thầy Ba hỏi:
- Lâu chưa?
- Bốn năm bữa rồi.
- Vén tay áo tui xem nào.
Thầy Ba chăm chú bắt mạch. Hồi lâu nói:
- Mạch tả thốn huyền, chứng tỏ uất khí, gây hỏa vượng, sanh bực bội, hay lo lắng, tối ngủ không yên. Để tui hốt ít thang sẽ khỏi.
Cô dòm thầy hồi lâu, ngầm phục khả năng xem bịnh chính xác của thầy Ba. Thình lình cô nổi nóng, nói:
- Thầy giỏi lắm đó. Nhưng có biết tại sao vậy không?
Thầy thật thà:
- Thường thì do buồn bực…
Cô thở dài:
- Thầy nói đúng. Tui buồn lắm.
- Chuyện gì rồi cũng qua. Ráng vui mà sống.
Bất ngờ cô hỏi:
- Thầy khuyên tui, ai khuyên thầy?
- ?
- Tui hỏi thiệt. Cớ gì thầy cạo đầu tu?
- Tui… ngộ đạo.
- Đừng tự lừa dối. Dòm cái mặt u buồn của thầy thì không phải vậy đâu.
Thầy Ba khó xử vô cùng. Nói sao bây giờ? Làm thinh là xác nhận mình nói dối. Thời may có người tới coi bịnh, thầy nói nhanh:
- Rồi cô sẽ hiểu. Lúc này chẳng tiện nói đâu. Tui có khách cô ngồi uống trà đợi chút nghen.
Mơn thấy mình nên lui, chờ cơ hội khác, nên đứng lên chào thầy rồi bước lẹ ra ngõ.
Thực tình thầy Ba cũng muốn nói phứt ra căn bệnh quái ác của mình, để người ta đừng nuôi hy vọng. Muốn tìm lời nói khéo thì khách vô, nên tạm gác. Đang lúc buồn bực chợt thấy hũ rượu thuốc trên kệ của thằng cháu ở Gia Lai gởi cho, nói tráng dương bổ thận gì đó. Bấy lâu bận bịu nên quên, thôi thì uống thử một cốc giải sầu, luôn tiện coi nó hiệu nghiệm tới đâu.
Sáng ra thầy thấy trong người phấn chấn. Hình như có luồn hơi nóng ngấm ngầm lan từ đan điền tới nơi quan trọng của thầy. Nhớ lại cốc rượu hôm qua, chẳng lẽ cơ thể bắt đầu đáp ứng? Bữa cơm chiều hôm đó thầy lấy ly thủy tinh, loại dùng uống trà, rót đầy hai phần rượu thuốc, ráng uống cho hết. Đúng như nghi vấn, canh ba thức dậy đi tiểu nghe trong mình sung mãn. Cái bịnh báo đời đột ngột cáo lui. Thầy mừng như trúng số cặp năm. Vô mùng không sao ngủ tiếp, nên xuống bếp nấu nước pha trà ngồi uống nghe gió đưa xào xạc cành cây mà lòng hân hoan rạo rực.
Hôm sau, khi bình tâm trở lại thầy Ba hơi lo. Trước đây vì thất vọng mà cạo đầu mặc áo cà sa, nay đương không lột bỏ thì ăn nói làm sao với chòm xóm? Còn như giữ mãi nó trên người, cam phận tu hành có phải lãng phí cuộc đời không? Cô Hai Mơn tuổi hãy còn xuân, dạo này trông càng đẹp hơn, gái một con mà, tội gì mình phải xa lánh?
Mất mấy ngày suy nghĩ, thầy Ba đoán thế nào cô Hai cũng tới, đâu dễ bỏ cuộc. Thầy nảy ra sáng kiến: thay áo cà sa bằng áo vạt hò cho bớt vẻ lánh đời hơn. Chờ tóc mọc kha khá, làm bộ như quên cạo, cô Hai tinh ý chắc nhận ra việc tu hành của mình chỉ là bất đắc dĩ.
Y chang những gì thầy nghĩ, cô Hai ngó thấy thầy thay đổi diện mạo thì lạ lắm. Tu gì mà sư chẳng ra sư, tục chẳng ra tục? Nên tiếp tục theo dõi.
Một tháng sau, thấy tóc chải được, thầy bỏ luôn chiếc áo vạt hò, thay vào đó là bộ đồ bà ba trắng. Cô Hai không tin ở mắt mình, quyết tới hỏi cho rõ nguồn cơn:
- Thầy… nghỉ tu ha?
Thầy ung dung:
- Chưa hẳn vậy. Nhưng trước mắt còn lo trị bịnh giúp đời. Xét thấy trường chay e không đủ sức. Đường tu đành gác lại tính sau.
Cô mừng húm:
- Nói cũng phải. Biết bao người cần thầy, tu sao vô?
Thầy ấp úng hồi lâu rồi hỏi đại:
- Cô… có cần tui hông?
Cô Hai đỏ mặt, vỗ mạnh vô lưng thầy một phát:
- Mới bỏ áo cà sa đó he!
L.K
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét