Trốn nhà bỏ em lên Đại Lải thuê phòng ngồi sáng tác một mình. Anh ăn với văn chơi với văn đêm nằm mơ nhân vật trong truyện uỵch nhau tóe máu. Chẳng thể nào chịu đựng được cảnh ngột ngạt ở phố, bụi này ồn này chật chội ô nhiễm này. Lại còn một người đàn bà là em lúc nào cũng cay nghiệt với con chữ, trề môi bĩu mỏ mặt nặng mày nhẹ đá chân động tay lung tung mỗi khi anh ngồi viết. Văn sĩ có cái “sĩ” của nó. Cơm áo gạo tiền ư, ai cũng biết vậy nhưng không đánh gục được ý chí quyết tâm anh. Dù biết em không đáng trách, em đã lo cho gia đình cho anh cho con, nhưng lòng anh vẫn tê tái đau mỗi khi không được em ủng hộ. Em lại dằn lòng: Chao ơi, chồng người đôn đáo kiếm tiền cho vợ con sung sướng, còn mình… Anh không chịu được mỗi khi em nói thế nghĩ thế. Nghiệp đã ngấm vào máu. Nhiều thằng bạn anh tuổi chưa đầy ba mươi cũng đang hừng hực khí thế hăng hái tiến lên, quyết tâm đình đám văn đàn và sẵn sàng tiếp nhận văn đàn, tung ra hàng loạt truyện sến và sex nhưng cương quyết bảo đó là “hàng xịn”. Đang ngồi nhai cơm một mình, nghĩ về cái cốt truyện mới thì em gọi điện. Cáu kỉnh phụng phịu hỏi ông đang ở đâu. Biết ngay lại cái giọng ngỏn nghẻn cố chấp ấy mà. Đàn bà đàn bẹt vai u thịt bắp như em hiểu sao nổi sự thanh sạch của văn chương. Thế mà không biết cơ duyên nào đã đẩy chúng ta lại với nhau. Các cụ xưa vẫn nói văn chương không thể ở cùng chợ búa. Thế mà anh cắm mình vào đời người con gái chợ búa, để rồi chuốc lấy những khúc mắc này.
Anh nói lời xin lỗi qua điện thoại, xin em bỏ quá cho mấy ngày rồi anh về. Em hét lên tru lên, cảm giác làm nổ tung điện thoại anh: Anh không về thì cứ làm sẵn giấy ly hôn đi. Xong em cúp máy. Tim anh đánh thót, máu me trong người như đông cứng. Cần gì phải làm mạnh thế bà xã? Em sẽ già quá cái tuổi hai nhăm mất thôi. Không nuốt nổi cơm nữa, chút ít cảm hứng vừa nghĩ ra đã bị em đánh tụt mất rồi.
“Lại bị ả cưỡi cổ hả?”
Gã bạn anh ào vào như cơn gió. Hắn cũng trốn gia đình nhưng kiểu trốn khác. Anh trốn em vì quá thiếu thời gian còn hắn trốn vợ vì quá thừa tiền. Chắc danh hội viên nhà văn hắn dùng tiền mua. Thời đại này đẻ ra những kẻ thừa tiền hám danh như hắn cũng đáng để khuấy cho giới nghệ sĩ thêm xôm trò khi tài năng ít ỏi nghệ thuật nhạt nhẽo. Một kẻ bụng phệ rửng mỡ nghĩ văn chương là cuộc chơi dài. Được cái hào phóng. Máu trong người đang sôi ùng ục thì hắn qua quầy nhấc chai to Vodka Hà Nội đặt oạch trước mặt anh. “Làm tí nhá”. Vũ nhăn nhở cười mời. Anh nản, ngay câu trước đã không nói gì, trước lời mời này cũng chẳng từ chối. Vũ rót hai chén hạt mít nhấc một, anh nhấc một. Cả hai tợp một cái gọn nhẹ. Rót chén thứ hai. Vũ thao thao: “Nhìn ông như mất của. Chả việc gì phải vậy ông ạ. Cứ thanh thản như tôi này, chán nhà thì đi xa tìm của lạ, lấy cảm hứng sáng tác. Ông định bao giờ về?”
Anh lưỡng lự chưa biết trả lời sao. Vũ phun thêm trăm ký tự trong một phần hai phút về người vợ rất đỗi đẹp người chuộng phấn son của hắn dưới Hà Nội. Nghe mang máng dường như mỗi tháng vợ hắn tiêu cho sắc đẹp ít nhất hai triệu. Nhan sắc cô ta quả là “ăn tiền”. Xã hội càng nhiều người như thế càng khiến em tủi tân. Anh biết. Mức sống xã hội chênh nhau một trời một vực và cái công cuộc xây dựng đất nước với nền kinh tế thị trường càng đẩy người giàu và người nghèo xa nhau.
“Uống đi ông, xong tôi sẽ chiêu đãi ông một chầu”. Vũ khích lệ anh. Hắn tợp trước một chén. Anh không biết “một chầu” kia là cái gì. Cũng chẳng muốn biết nó là cái gì. Anh không có ý định ăn thêm gì, khi Vũ gợi ý gọi thêm mồi nhậu, anh lắc đầu.
“Một chầu” là cái gì thì anh đã biết. Vũ bí mật dẫn anh sang một nhà nghỉ khác và ấn anh vào một căn phòng. Ở Nhà sáng tác Đại Lải, nhiều đoàn văn nghệ sĩ hàng năm vẫn nên ăn ở và sáng tạo, rất nhiều người quen biết anh và Vũ ở đây. Cô gái được điều vào cho anh là một cô gái già hơi nhiều răng nhộn nhạo trong mồm, lúc nào cũng như đang ngậm đá. Tai hại hơn mùi nước hoa không át được mùi hôi nách. Cô ta nói mình hai hai sinh ra từ sình lầy lúa khoai mộc mạc, mỗi mùa vụ đến là ngâm mình trong nước. Thân phận như vậy hơi bị nhiều và ngày càng tăng. Cô ta nhiệt tình bắt anh cởi áo. Anh trơ ra, nghĩ đến những lời dọa nạt em. “Kìa ông anh, thư giãn đi còn về sáng tác”. Anh giật mình hỏi, sao cô ta biết anh sáng tác. Cô nói, Vũ đã thao thao phô: “Nhà văn đấy, bạn anh, chiều vào để anh ấy còn có cảm hứng”. Máy có tín hiệu của tin nhắn. Là em, vẫn những lời dọa nạt đó. Anh không ngờ mấy năm chung sống, có với nhau bao nhiêu đêm ân ái và một mụn con, để đến giờ chỉ nhận lại những lời dọa nạt. Bực bõ anh cúp máy. Buổi tối bỗng nhiên nhạt thếch, căn phòng thừa hẳn một cô gái điếm. Anh rút tờ 50 nghìn ấn vào ngực cô và đẩy ra. “Kìa anh, nhiệm vụ của em…”.
Em nhắn một cái tin rồi ra khỏi phòng, về Nhà sáng tác nhốt mình vào nhà tắm xả nước ào ào. Vừa bước ra thì lại nhận được tin nhắn. Cấp độ nặng nề tăng lên. “Khong ve nhanh dung hong gap duoc me con toi, toi se ban nha” (Không về nhanh đừng hòng gặp được mẹ con tôi, tôi sẽ bán nhà). Anh nhức đầu chỉ nhắn lại hai chữ “tùy em”. Vừa nhắn xong thì Vũ gọi điện, hỏi tại sao xử sự thế? Của đến mồm… Anh bải hoải chân tay, nói rằng mình không có hứng, rồi cúp máy đóng cửa nằm trên giường. Mấy cuốn sách trên bàn sáng tác ngơ ngác nhìn khó hiểu. Đêm Đại Lải buồn so, gió cũng buồn so. Anh ngà ngà đi xuống quầy nhà ăn, nói khó họ để cho chai Vodka nhỏ, định nướng cổ họng. Chưa kịp xoáy nút chai thì điện thoại run, giọng em hốt hoảng: “Thằng cu có vấn đề, sốt cao và mê man, tôi đưa nó đi viện đây”.
Chỉ cần có thế, anh ném lại chai rượu, thu dọn quần áo để về. Nghĩ đến con, thằng quý tử mà anh yêu quý chân tay anh càng mềm nhũn. Cố gắng thu dọn nhanh và tốt nhất không để quên thứ gì. Anh lao xuống nhà xe để lấy xe về. Chạm mặt Vũ, hắn hỏi: “Ông đi đâu mà hốt hoảng thế?” “Tôi về” “Ả lại dọa dẫm cái gì hả? Đêm hôm thế này, không phải đi đâu nữa”. Anh không để ý đến mấy lời của Vũ, tránh qua mấy chiếc xe khác, dắt xe mình ra, đội mũ bảo hiểm lên đầu, nổ máy. Chiếc xe rì rì đi trong đêm thưa thớt ánh đèn và con người. Toàn thân anh bàng hoàng ớn lạnh. Nghĩ về em nhiều hơn, lo cho em nhiều hơn. Đoạn đường hơn 50 kilômét không quá xa, nhưng cũng đủ dài đủ mệt mỏi cho một người đang bải hoải là anh. Em đưa nó đi viện, phải, con sốt mà. Đầu óc anh không đừng nghĩ đến con. Nó là kết quả của tình yêu chúng ta, của một thời hẹn ước đẹp mà giữa em và anh đều không một chút ngăn cách. Em xinh và dịu dàng, anh lãng mạn và đầy ước vọng. Tiếng xe máy cùng với ánh đèn yếu ớt như bị bóng đêm nuốt chửng. Cố dặn lòng bình tĩnh, nhưng không bảo được con tim bớt thảng thốt. Anh mong về nhanh, về nhanh để được thấy con, để biết em đã lo lắng cho con thế nào khi không có anh. Đây không phải lần đầu tiên con ốm, nhưng có lẽ là lần đầu tiên con ốm mà không có anh ở bên. Anh vít ga vít ga vít ga. Chiếc xe cắm cổ vào bóng đêm khổng lồ và thi thoảng dội ngược với ánh đèn đường leo lét sáng. Anh hình dung những ngày vô nghĩa sẽ đến tràn ngập đời mình nếu không còn em và con.
Dự định về đến nhà sẽ mất hai giờ đồng hồ. Nhưng đã sớm hơn dự định. Anh vừa đỗ xe ở cổng chưa kịp dắt vào thì cũng là lúc em bắt tắc-xi đưa con từ viện về. Đồng hồ chỉ 12 giờ đêm. Anh mở cửa cho em bế con vào. Đôi mắt em chẳng mấy chào đón cũng chẳng có chút thể hiện đã vơi bớt nóng nảy. Đặt con vào giường ngủ, em khẽ khép cửa và đi ra ngoài. Anh định vào xem con thì em ngăn lại: “Để con tôi yên, đừng có vào”. Anh thả cái xác mình xuống ghế, em ngồi giường thở không nói. Rồi khi anh lên tiếng thì em bật khóc, hét lên: “Anh còn vác mặt về đây làm gì?”. Chẳng nghĩ ra câu nào hay hơn, trong khi người anh bải hoải vì vừa vượt đoạn đường xa trong đêm tối và một tâm trạng gần như bấn loạn, nghe em nói vậy máu anh sôi lên: “Cô đừng được đằng chân lân đằng đầu, tôi vì con nên phải về” “Vì con ư, anh chẳng cần phải vì con. Một người cha như anh còn mặt mũi nào mà nói là vì con?”
Máu anh không thể không nóng hơn, dự báo một cuộc khẩu chiến, bởi quá căng, sợi dây mỏng manh dễ đứt.
“Cô đừng tưởng chỉ có cô nuôi nó, tôi chẳng vô trách nhiệm đến thế đâu”.
“Trời ơi, nếu anh là người cha có trách nhiệm, thì anh còn trẻ, phải kiếm tiền cho mẹ con tôi đỡ tủi khổ, đằng này anh cứ ôm lấy một mớ sách. Rồi văn mới thơ. Văn thơ có no bụng được không? Anh hãy đi với văn thơ của anh đi. Mẹ con tôi không cần”.
“Lẽ ra tôi có thể kiếm được tiền từ văn chương, nhưng cô quái quắt quá! Tôi nuốt không nổi, làm sao mà sáng tác hay?”
Em lại hét lên:
“Thế ai đã ngồi cả năm trời ở nhà viết viết lách lách để một mình vợ đi làm? Sao chẳng thấy ra tiền?”.
“Thì có bao giờ cô hiểu cho công việc của tôi nó thiêng liêng, nó khó nhọc thế nào đâu? Cô là một người vợ, phải hiểu những sở thích và đam mê của chồng chứ. Cô phải động viên tôi, cầu cho tôi tai qua nạn khỏi khi tôi bị đuổi khỏi cơ quan chứ”.
“Trời ơi, thế có bao giờ anh mỉm cười với tôi, đỡ đần tôi việc nhà khi tôi đầu bù tóc rối chăm con và cơm nước cho anh chưa? Tại sao lúc đó anh cứ ngồi như trời trồng một đống ở xó nhà. Như chồng người ta là xông xáo, làm tạm xe ôm hay bất kể việc gì để đỡ vợ, đằng này anh… anh là đồ lười…”
“Thôi, tôi không muốn nói nhiều với cô nữa. Tôi thua cô…”.
“Vậy thì anh cút đi, đến cãi nhau với tôi mà anh cũng thua thì anh còn làm được gì nữa. Chồng trẻ ơi là chồng trẻ. Anh cút đi chút đi…”.
Tay chân em khua múa, mặt mũi em bừng đỏ, máu em dồn lên đầu bốc hỏa. Anh thua anh sợ anh hết hồn. Không nói nữa, anh cứng đờ lưỡi. Tự nhiên muốn im lặng trong lúc này. Còn em vẫn không thôi lải nhải. Không ngờ, người con gái mình từng đầu áp má kề, từng nói lời yêu lại có những lúc bốc đồng, tung cho mình những đòn ngôn từ kinh hãi như vậy. Thôi được rồi, anh đi, vì biết dù có ở nhà cũng chẳng thể nào yên được với em. Anh đi ra ngoài, ngay tức khắc, em đóng sầm cửa. Sau lưng anh vẫn là cái giọng the thé ấy: “Đi đi, đừng có về cái nhà này nữa”.
Anh lững thững đứng bên ngoài ngôi nhà là tổ ấm của mình. Ở bên trong có em và con, vậy mà anh ở ngoài như một kẻ xa lạ, một gã ăn mày hèn nhát không hơn không kém. Không thể đi đâu được nữa, trời đã khuya. Anh cũng chẳng muốn nhấc chân đi đâu. Anh ngồi bên bờ tường ngẫm về những ngày đã qua, những việc làm của mình, tình yêu đối với em, sự vô trách nhiệm của anh và tương lai đứa con. Anh biết là mình không thể bỏ đi, không thể xa rời tổ ấm. Ngoài kia thành phố yên bình, mà sao gia đình mình bất ổn. Anh ngồi xuống ngay cửa và nằm xuống. Để đến khi em mở cửa, thì trời đã òa sáng trước mắt anh.
Em hỏi:
“Anh không đi hả?”
Anh đứng lặng, nhìn sâu vào đôi mắt em, đôi mắt không còn vẻ giận dữ của đêm qua. Anh cất lời: “Xin lỗi tình yêu, anh là người chồng vô trách nhiệm, từ nay anh sẽ khác. Nằm ở bên ngoài, suốt đêm qua anh trăn trở nghĩ về chúng ta. Anh không thể bỏ mẹ con em, anh không thể sống thiếu hai mẹ con. Hứa với em, anh sẽ là một người chồng tốt, anh sẽ đi làm, thực tế hơn”.
Bỗng em dịu giọng, lạ thường:
“Em cũng nghĩ suốt đêm qua, và nghĩ rằng anh không thể bỏ mẹ con em ra đi. Thực ra, lúc 4 giờ sáng, em có mở cửa nhà và thấy anh đang nằm ngoài. Nhưng lúc đó, em còn bực, cứ để anh nằm đó. Đến sáng ra thì bực dọc đã trôi đi hết…”
Anh nhẹ lòng, ôm em ôm em. Bên kia, đứa con đang ngọ nguậy, cười cợt. Hình như nó mê. À không, hình như anh sung sướng quá, vì vừa giữ lại được thứ quý giá mà mình suýt để tuột mất.
N.V.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét