Một ngày tình cờ, ngang qua phố đông, trong cái giá lạnh hanh khô của tiết trời Hà Nội đầu đông, chợt thấy “cây bàng mồ côi” cô đơn bên hè phố với dáng vẻ già nua gân guốc như thể đang cố giang những cánh tay khẳng khiu cùng những lá chiếc lá úa đỏ lưa thưa tựa như những bàn tay đang giơ lên để che đậy, ấp ủ hơi ấm xuống lòng đường hay rào chắn cho những ngôi nhà mái ngói thâm nâu cũ rích chằng chịt dây điện với đủ các loại như mớ bòng bong lơ lửng trên cao. Cứ thế, hình ảnh mấy cây bàng lá đỏ bên phố ấy đeo bám vào trong tâm trí và gọi về trong tôi những ký ức ngọt ngào thân thương năm xưa của một thủa thiếu thời đã trôi đi bên gốc bàng cổ thụ ở nơi góc sân đình mà biết rằng kỉ niệm xưa cũ ấy mãi đi chẳng bao giờ quay trở lại.
Nhớ về cái thời xa xưa ấy, sân đình làng tôi có một cây bàng cổ thụ rất to. Vỏ cây màu thâm nứt nẻ bong tróc sần sùi, thân cây nổi u nổi cục dễ đến hơn một người ôm mới xuể. Tôi cũng chẳng biết cây bàng ấy có từ khi nào. Chỉ biết rằng nó đã đứng đấy từ rất lâu và đi qua những trận ném bom điên cuồng ác liệt của giặc Mỹ hồi cuối mùa đông năm 1972 và khi tôi lớn lên thì đã thấy có cái cây bàng đại thụ ở chốn ấy từ khi nảo khi nào. Cây bàng ấy dáng hơi nghiêng chứ không đứng thẳng như nhưng cây khác mà tôi thường gặp. Cành cây của nó khẳng khiu chĩa ra xung quanh và chia thành nhiều tán, nhiều tầng với những quãng cách nhau rõ rệt. Nhìn xa ta thấy những tán lá ấy tựa như những chiếc ô, chiếc lọng chắp chồng lên nhau để che cho nhà Thánh mà sắc màu của nó được thay đổi theo mùa.
Và như thế, những kí ức một thời của tuổi thơ cùng cây bàng lại ồ ạt hiện về làm dâng trào những cảm xúc bâng khuâng, nhung nhớ ngỡ chẳng bao giờ có thể lãng quên. Những tán lá thân thương của cây bàng cổ thụ năm xưa như những vòng tay luyến ái đi qua tiết trời của bốn mùa năm tháng nay bỗng thức dậy trong ta nhạt nhòa niềm thương nỗi nhớ. Ôi, mỗi mùa xuân năm xưa, khi cái rét còn đang quyến luyến chưa muốn rời đi thì hơi ấm của mùa xuân đã theo về trên những cánh én chao nghiêng, rung rinh trên những cành lá. Từ những cái cánh tay khẳng khiu, xác xơ, trơ trụi trong những ngày đông rét mướt, cây bàng bỗng nảy lộc đơm chồi. Trăm nghìn búp nõn mầm non xanh non mơn mởn như những cô gái sắp đến độ dậy thì đang đợi chờ hơi ấm của mùa xuân để bùng lên, vươn mình khoe sắc. Khi hè sang, những lá non kia cũng cứng cáp dần lên và bớt xanh đi đôi chút nhưng cũng đủ để làm cho ai đó ngang qua nhìn thấy cũng phải nao lòng xao xuyến. Đợi đến mùa thu, cây bàng thay áo mới. Từng lớp lá xanh kia cứ đổi dần hương sắc. Chẳng bao lâu, cả cây bàng xanh tươi sắc lá hôm nào đã chuyển hẳn sang màu mật ong vàng óng. Cả không gian xung quanh cây bàng bỗng trở nên óng ả như tơ. Sắc vàng rực rỡ ấy hòa vào màu nắng tươi tắn, dịu dàng của trời thu trong những làn heo may lại làm ta nôn nao, xao xuyến. Thế rồi khi mùa đông đến, từng cơn gió bấc tràn về, những cái nắng, cái gió hanh hao đã biến cái biển lá vàng tươi trở thành lá một bầu trời đỏ rực. Trăm ngàn chiếc lá khi đó như thể những đốm lửa đang dương lên trời cao tỏa những tia sáng đỏ rực hòng xua đi cái giá lạnh, u ám vốn có của bầu trời mùa đông. Nhưng rồi cũng chẳng bao lâu, cũng giống như những cục than đỏ rực rồi tàn, những đốm lá đỏ lửa kia cũng phải lụi tắt khi đã cháy hết mình giữa một mùa đông tê tái để buông cành về cội, kết thúc hành trình của một đời lá và nhường chỗ, chuẩn bị cho một mầm non khác vươn lên, đón đợi những tia nắng ấm áp của một mùa xuân mới tựa như tre già măng mọc.
Sắc lá cây bàng như thế nên nó giống như một cây báo mùa. Và mùa nào cũng vậy những tán lá của cây bàng ấy vẫn cứ sống hết mình, dâng hiến cho đời những sắc màu yêu thương khó cưỡng làm đẹp cho không gian đất trời khiến cho không ít người phải ngẩn ngơ, nao lòng thích thú, nhất là mỗi khi vào dịp mùa cây đổi sắc, thay lá. Những khi chiếc lá màu xanh chuyển sang lá màu vàng rồi thành màu đỏ ối lại là một dịp đất trời được đổi thay màu áo mới. Khi ấy ngước nhìn lên cao xanh ta đâu có thấy lá hay cành mà chỉ thấy muôn ngàn bông hoa khi vàng khi đỏ mà cũng cũng có khi đủ cả các sắc màu vàng ruộm, xanh lam hay nâu tía, đỏ ối cùng đan xen hòa quện vào trong nhau trên những tán cành thâm đen xù xì, gầy guộc. Và những lúc như thế đất trời đẹp đến mê mẩn khiến không ít thiếu nữ đã rủ nhau gác lại công việc tìm đến một tán bàng nào đó mà tạo dáng, khoe sắc với một mong muốn cất giữ một khoảnh khắc xuân thì của mình trong sắc bàng rực rỡ, tráng lệ kia. Thế đấy, lặng lẽ và giản dị cây bàng nhẹ nhàng đến với bên đời; hiến dâng thân sắc cho đời một cách hào phóng, vô tư chẳng cần nghĩ suy hay mưu cầu danh lợi. Muôn lá bàng kia một khi đã cháy hết mình rồi lại lặng lẽ buông cành để rơi về cội chứ nào có mong chi ai cần ai biết…!
Cây bàng thân thương của một thủa niên thiếu xa xưa ngày ấy với tôi đâu chỉ có những mùa lá đẹp đến mê hồn như thế. Nó còn là một thức quà của tuổi thơ tôi cùng chúng bạn của một thời chăn trâu cắt cỏ. Mỗi độ sang hè, vào quãng chừng tháng tư tháng năm cây bàng bắt đầu ra hoa. Những cụm hoa li ti trắng muốt như những chiếc vòi vươn dài, trổ ra từ các nách lá hay ở nơi đầu cành; thường thì hoa cái ở gốc hoa đực ở ngọn. Sau mỗi mùa hoa cây bàng lại bắt đầu kết trái. Trái bàng hình bầu dục, mình dẹt, hơi nhọn ở hai đầu, khi chưa chín vỏ có màu xanh bóng láng; khi quả chín vỏ ngả màu vàng rồi thì đỏ ối. Vào khoảng tháng bảy hay tháng tám trái bàng chín cây tỏa mùi thơm phưng phức. Hương thơm của trái bàng có một vị rất riêng, chẳng thể nào lẫn vào đâu được. Mỗi khi cơn gió cuối hạ vô tình lướt qua lại đưa cái hương thơm nhẹ nhàng, ngọt mát của những trái bàng chín mọng đi khắp muôn nơi làm thức dậy cả một vùng không gian khiến ai đã một lần ăn bàng phải tứa nước miếng. Trái bàng ấy cũng có hai loại. Quả bàng đực và quả bàng cái. Bàng đực quả to, da bóng mọc tít ở những cành xa lẻ bóng một mình. Bàng cái quả nhỏ hơn, mọc thành từng chùm bên các nách lá. Người nào sành ăn thường hay chọn những quả bàng đực chín vàng đỏ để thưởng thức. Trái bàng đực cùi bao giờ cũng dày hơn bàng cái. Khi ăn, càng nhai ta càng thấy có vị ngọt mát và mùi thơm phưng phức. Trái bàng ăn rất giòn. Ăn hết cùi ta lại lấy gạch hay đá mà ghè những hạt bàng kia ra lấy nhân ăn tiếp. Nhân trong hạt bàng màu trắng đục có vị hơi đắng nhưng lại bùi bùi, deo dẻo; ăn không biết chán.
Cây bàng lá đỏ nơi sân đình chốn ấy đã ngang qua tuổi thơ tôi như thế. Bây giờ mái đình năm xưa vẫn còn đó nhưng cái sân đã trở nên trống hoang, trống hoải bởi cây bàng cổ thụ ngày ấy nay không còn nữa. Có lẽ, cái cây bàng ấy đã dũng cảm đi qua bao mùa đông lạnh giá nhưng cuối cùng nó cũng phải chịu khuất phục thời gian nên đã khuất bóng nơi nao. Dường như không phải chỉ có một mình nó. Bên các phố xưa hay trên những sân trường bây giờ bóng dáng của những cây bàng cũng chỉ còn thấp thoáng giữa ngập tràn sắc xanh của những loài cây khác… Năm tháng cứ dần trôi, hình như những bóng bàng năm xưa nay đang dần trở thành “những người muôn năm cũ” trên các hè phố, góc đường, sân trường, bãi chợ... Những tán bàng cứ lẻ loi, thưa dần để giành chỗ cho bao loài cây khác hợp thời vươn cao bên những con đường ngập tràn hoa cỏ. Thế thời, thời thế… nên có không ít bóng bàng chỉ còn lại trong ký ức phôi pha. Và cứ như thế, mỗi khi hoài niệm tuổi thơ thức dậy trong ta đâu đó lại hiện lên một gốc bàng thân thương trong mùa lá đỏ với biết bao kỉ niệm một thời thơ dại để mà thương mà nhớ những năm tháng nhọc nhằn những năm tháng nhớ thương.
P.A
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét