Đã bốn giờ chiều của ngày thứ bảy, nghĩa là chỉ còn hai giờ đồng hồ nữa, phòng triển lãm tranh của Ngạc sẽ bế mạc. Anh bước tới đứng tì tay trên thành cửa sổ, nhìn ra khoảng sân vắng lặng nằm về phía trước tòa Nhà văn hóa, có vẻ như đang chờ đợi ai. Dư âm cơn mưa từ lúc xế trưa vẫn còn đọng lại quanh đây một thứ không khí dịu mát nghe thật dễ chịu. Lâu lắm rồi Ngạc mới có dịp đứng nhìn buổi chiều thành phố qua những vòm cây xanh như được lau chùi, tắm gội sau cơn mưa bất chợt. Nhớ tới bao bước chân rong chơi dưới bầu trời có cơn mưa sũng ướt, thèm được cùng dăm ba thằng nhóc sống lại với tuổi thơ đi nghịch nghợm vui đùa trên các vỉa hè, đá từng chiếc lon thay cho trái bóng, chơi trò chơi trượt pa-tin bằng mông trên nền xi măng nhẵn bóng nước mưa. Xa rồi hình ảnh thân thương của thời ấu thơ, hồn nhiên với nhiều kỷ niệm gợi nhớ đầy cảm động. Không phải anh đãi bôi hay phụ bạc gì với thành phố từng có thời cưu mang, ôm ấp, gìn giữ nuôi anh lớn lên. Song đời sống lúc nào cũng như chiếc thòng lọng vô hình rình rập, đợi chờ cơ hội ra tay ghì siết, bắt anh phải chạy trốn muốn hụt hơi. Cũng may, trong lần trở lại thành phố vừa qua, anh nhận lời rủ rê từ chủ ga-le-ry làm cuộc triển lãm này, nhờ đó anh có dịp gặp lại hầu hết bạn bè văn nghệ trước đây.
- Thưa chú.
Ngạc giật mình quay nhìn lại. Thì ra, đang đứng trước mặt anh là một cô bé gái xinh đẹp, quàng chiếc khăn màu đỏ trên cổ. Cô nhìn anh với đôi mắt nai vàng ngơ ngác, hồn nhiên đến dễ thương.
- Em muốn gì hở cô bé?
- Xin lỗi! Cháu có đến muộn lắm không?
- Vì chuyện gì?
- Cháu muốn đi xem qua phòng tranh. Ngạc nhìn cô bé cười dễ dãi, nói:
- Vẫn còn đủ thời gian đấy cô bé.
- Cháu đoán chú là họa sĩ?
- Tạm coi như vậy đi.
- Cháu vốn yêu thích môn hội họa.
- Tốt lắm.
- Cháu từng có mặt tham dự qua nhiều cuộc triển lãm, tìm hiểu nội dung, bố cục, phân biệt được từng gam màu sáng tối, nóng lạnh mà tác giả muốn diễn đạt. Té ra hội họa không hẳn là ngôn ngữ bí mật như nhiều người lầm tưởng; chẳng qua đó chỉ là những tác phẩm được bàn tay con người sắp đặt, pha chế màu sắc sao cho có vẻ phức tạp, khó hiểu để đánh lừa giới thưởng ngoạn?
- Hay nhỉ! Cháu học từ đâu những suy nghĩ như vậy?
- Cháu đọc trên nhiều sách báo viết về hội họa, thông cảm, chia sẻ với nỗi thống khổ nơi người hoa sĩ, qua hình ảnh cũng như từng mẩu chuyện cảm động viết về các bậc danh họa trên thế giới. Khiến cháu cầm lòng không đặng, khóc ngất khi nghe kể về ông Modigliani ở đất nước xa xôi, lúc đương thời có khi không có đến một xu dính túi, ăn nhờ ở đậu trên các vỉa hè thủ đô hoa lệ Paris. Vậy mà cho đến khi mất, ông cũng kịp để lại cho đời nhiều kiệt tác kể về nét ngây thơ hồn nhiên nơi trẻ con. Hoặc như Hoa diên vĩ, Sau cơn mưa... của ông Van Gogh được vẽ trong căn nhà tồi tàn cùng với cuộc sống nghèo khó bủa vây, khiến ông đâm ra quẫn trí tự sát bằng một khẩu súng ngắn.
Sự xúc động đến lúc này mới thực sự òa vỡ trong Ngạc. Anh không ngờ một cô bé loắt choắt thế này lại có được sự hiểu biết vô cùng, cộng thêm tấm lòng nhân ái dành cho các bậc thiên tài một cách rất đáng khâm phục. Cô bé ơi, cô là ai mà giống như vị thiên sứ đi rao truyền cái chân thiện mỹ giữa xã hội đã đánh mất sự thánh thiện nơi biết bao tâm hồn?
Ngạc hỏi đột ngột:
- Cô bé, em bao nhiêu tuổi?
- Dạ! Cháu mười bốn.
- Em đang theo học ở trường mỹ thuật?
- Bố cháu không bằng lòng- nói, con gái bản chất vốn lãng mạn, tiếp xúc gần gũi với môi trường văn học nghệ thuật càng có thêm cơ hội để phát huy tính lãng mạn nhiều hơn. Tại sao vậy hở chú?
- Hừm! Bố cháu chắc có lý theo cách nghĩ của ông ấy. Vậy bố cháu làm nghề gì?
- Bố cháu cũng là một người mê văn học nghệ thuật. Chú tưởng tượng xem, mỗi tháng đôi ba lần phòng khách nhà cháu lại biến thành nơi hội họp, bàn luận thơ văn ra trò. Đủ mọi chuyện khen chê đều được khách của bố cháu mang ra mổ xẻ từng ly từng tí một. Đôi lúc cao hứng các bác ấy ngâm thơ nghe sang sảng. Thú thật, cháu rất mê cái không khí văn nghệ ấy nhưng đời nào bố cháu chịu cho tham dự.
- Những lúc ấy cô bé ở đâu?
- Cháu bị đẩy vào phòng học. Khổ nỗi, cháu có học được gì đâu khi bên ngoài mọi người đọc thơ bình luận văn nghệ.
- Vui nhỉ! Thế nhà cháu có ở xa đây không?
- Dạ! Xa chú ạ.
- Cô bé biết cuộc triển lãm này từ bao giờ?
- Cháu đọc bài giới thiệu trên báo. Lại thêm, nghe bạn bè bố cháu cổ động nhau đi xem.
- Bố cháu đã ghé đến đây rồi chăng?
- Bố cháu đi cùng với bạn.
- Còn cô bé sao giờ mới tới?
- Không giấu gì chú, cháu vừa kết thúc buổi thi cuối cùng, chạy vội đến đây.
- Thi gì?
- Học kỳ một.
- Rõ rồi!
- Chú cho phép?
- Xin mời cô bé tự nhiên cho, nhưng sau khi xem xong nhớ ghé lại đây cho chú biết cảm tưởng nhé.
Ngạc suy nghĩ, không hiểu ở trong thành phố có hơn năm triệu dân, đông nhất nước, còn được bao nhiêu người có tâm hồn dành cho nghệ thuật giống như cô bé quàng khăn đỏ này? Tiếc thay, buổi chiều hôm nay Ngạc không có sẵn khung toile và màu vẽ ở đây, nếu không anh đã chẳng phải bỏ lỡ cơ hội phát họa nét hồn nhiên qua gương mặt thánh thiện nơi cô bé. Càng nghĩ, Ngạc càng cảm nhận ra điều huyễn hoặc qua sự hiện diện của cô bé, vô tình khơi gợi niềm đam mê nghê thuật, giúp tâm hồn người nghệ sĩ đến gần với một mùa sống màu mỡ làm phong phú thêm cho sự sáng tạo?
Lợi dụng thời gian chờ đợi cô bé đi xem qua phòng tranh quay lại, Ngạc đi giải quyết vài công việc mang tính thủ tục, trước khi phòng tranh kết thúc. Xong xuôi đâu đó khi vừa quay trở lại phòng tranh, anh giật mình nhận ra cô bé quàng khăn đỏ đứng chờ đợi anh từ lúc nào.
- Chào cô bé. Em y hẹn quá ha?
- Có chi đâu chú.
- Cháu xem tranh thấy thế nào?
- Có thể cháu có nhận xét khác hơn mọi người.
- Cô bé cứ nói.
- Cháu có đề nghị.
- Xin cho biết.
Cô bé trao vào tay anh một mảnh giấy nhỏ.
- Cái gì thế này?
- Thay cho lời nhận xét về phòng tranh của chú.
Ngạc đọc phớt qua mảnh giấy thấy ghi tên cô bé kèm theo địa chỉ. Anh chưa hiểu cô bé làm vậy có ý gì.
- Cô bé muốn gì?
- Cháu muốn đề nghị chú bớt chút thời giờ mang đến nhà giúp cháu bức tranh “Hoa cà phê cuối cùng”.
- Cô bé chọn mua bức tranh đó sao?
- Có gì khiến chú phải ngạc nhiên đến vậy?
- Không! Chú nghĩ còn nhiều bức tranh khác đẹp hơn sao cô bé không chọn?
- Vì đây mới là ngôn ngữ hội họa.
Ngạc không tin vào đôi tai mình trước những gì vừa nghe. Anh có cảm giác như bị chao đảo trước mọi sự vật dường như đang quay mồng trước mắt. May mà anh chưa bị nock-out trước một đối thủ chỉ là cô bé ở lứa tuổi quàng khăn đỏ. Không ngờ, với tuổi đời còn rất trẻ, cô bé đã phát hiện một cách dễ dàng nội tâm buồn bã, ẩn giấu sâu kín trong họa phẩm mà anh muốn gửi gắm. Có nghĩa là niềm kiêu hãnh bấy lâu nơi anh đã bị phá sản khi cái nhìn ngờ vực về giới thưởng ngoạn; bỗng bị một cô gái loắt choắt thấu hiểu hết mọi ngọn ngành nơi tâm trạng. Mà không nghi ngại ngờ vực sao được khi, qua mỗi tác phẩm người nghệ sĩ đã phải nâng niu, gửi gắm tất cả tim óc của họ vào đó để rồi chẳng được đoái hoài; trong khi loại ốc mượn hồn chỉ cần lợi dụng màu sắc, chép lên khung vải những ý tưởng vay mượn từ người khác lại, được đám đông hùa nhau tâng bốc thành họa sĩ có nhiều cống hiến. Điều trái ngược ấy khiến cho nhiều nghệ sĩ chân chính bị tổn thương, chán nản rút lui vào bóng tối nhường cuộc chơi cho phường buôn bán nghệ thuật.
Riêng việc trở về thành phố lần này của Ngạc, có phần cá biệt do một thời gian dài xa cách thành phố, bạn bè, cùng với giới yêu mến nghệ thuật- nên, họ cố khuyên anh nên làm cuộc triển lãm nhằm đánh dấu sự có mặt. Mới đầu anh cảm thấy ngại ngùng vì đã lâu không tham gia sinh hoạt công đồng, nhưng cuối cùng do nể lời bạn hoặc cũng có thể do ham vui, anh đã mang về đây một số tranh. Không ngờ bức “hoa cà phê cuối cùng” là câu chuyện tình mong manh dù đã được anh gói ghém hết sức khéo léo qua nét cọ đặc tả về chiếc hoa cà phê cuối cùng còn lại trên cây, nằm cô đơn trong suốt thời gian dài triển lãm chẳng ai để ý. Vậy mà, dưới con mắt nghệ thuật, nội dung tình cảm mà anh chắt chiu, gói ghém gởi theo từng nhát cọ thay lời muốn nói vẫn bị cô bé phát hiện. Anh đứng ngây người thầm hỏi: “Liệu đã đến lúc phải lên đường tìm kiếm sự sáng tạo mới thay cho cái hiện hữu hoàn toàn lạc hậu nơi anh chăng?”.
Cơn mưa bất ngờ đổ ụp xuống thành phố. Nước mưa không biết từ đâu mà nhiều đến thế. Nước mưa rơi trên hàng me, trên mái nhà, đình chùa, nhà thờ, để sau cùng hòa vào nhau làm thành dòng chảy, mang theo những chiếc lá lấm tấm vàng giống như xác hoa giấy rắc trong mùa lễ hội, đổ dồn về mấy chiếc cống lộ thiên nơi hè phố.
Ngạc nhanh chân cùng với bức tranh gói kỹ trong lớp giấy dầu, chạy trốn cơn mưa vào, đứng nép mình dưới mái hiên nhà. Anh nhìn lên bầu trời hửng nắng, đoán chừng cơn mưa sẽ trôi qua nhanh. Ở đâu không biết, riêng phương Nam đầy nắng gió này, cơn mưa lâu nhất cũng chỉ kéo dài trong dăm ba phút là cùng. Mưa! Mưa! Mưa! Từng giọt mưa tí tách như có bàn tay ai đang thư thả dạo khúc serénate trên phím dương cầm. Hình như đã lâu lắm rồi anh mới có dịp trở về đây, đứng nhìn cơn mưa bay bay trên thành phố lãng mạn, qua hình bóng từng đôi nam nữ quấn quýt bên nhau đi dưới mưa, gợi nhớ kỷ niệm về mối tình mong manh thuở thiếu thời còn được lưu giữ nơi bức “hoa cà phê cuối cùng”.
Dưới đường, cơn mưa cũng vừa kịp dứt, Ngạc cùng với mọi người kéo nhau rời khỏi chỗ trú bước ra ngoài, tiếp tục tìm tới nơi mình cần tới. May sao, ngôi nhà mà anh cần tìm đến để giao bức tranh đúng hẹn theo lời yêu cầu của cô bé quàng khăn đỏ, lại nằm ngay trong con ngõ cụt gần đấy.
Ngạc đưa tay bấm vào chiếc chuông được ngụy trang một cách khéo léo bên cổng rào. Chỉ sau vài giây chờ đợi, anh nghe thấy có tiếng bước chân người bước ra mở cửa.
- A! Cháu chào chú, cô bé mừng rỡ nói tiếp, cháu tưởng chú “xù” lời hứa với cháu rồi chứ?
- Chú mang bức tranh tới cho cô bé đây.
Cô bé đỡ lấy và nói:
- Cám ơn chú nhiều lắm. Chắc chú không bị mắc mưa?
- Ồ! Chuyện nhỏ.
- Là sao ạ?
- Cháu không biết đâu, ở miền Trung có những cơn mưa kéo dài đến cả tháng. Mưa thúi trời thúi đất, mưa khiến cho người ta phải vất vả mỗi khi ra đường kiếm sống. Có nhìn cảnh mọi người co ra trong manh áo tơi mới thấy hết sự thống khổ của người dân nơi xứ sở “bị trời hành cơn lụt mỗi năm”.
Cô bé mở rộng cửa mời Ngạc bước vào nhà. Đi sau lưng cô bé ngang qua dãy hành lang, anh chú ý tới những giò lan đang nở đầy hoa. Anh chợt nhớ tới vuông sân nhỏ trước nhà, nơi đó anh cũng trồng rất nhiều loài lan. Không biết trong những ngày sống ở đây, cô em gái ở nhà có nhớ chăm sóc nó thay anh hay bỏ mặc chúng, đi chơi đâu đó với bạn bè không chừng? Chơi lan không chỉ có cái thú được thưởng ngoạn vẻ đẹp đằm thắm, lộng lẫy nơi chúng mà còn tốn nhiều thời gian để chăm sóc. Vì thế mỗi khi phải đi xa đâu đó vài ngày, lúc trở về, việc làm đầu tiên đối với anh là chạy ngay ra sân thăm vườn lan xem chúng thế nào. Có thể ví chuyện chăm sóc từng giò lan giống như việc anh gởi hết tâm trí vào từng bức họa vậy.
Cô bé đưa Ngạc đến phòng khách, mời anh ngồi nơi ghế sofa màu mận chín. Nhìn gian phòng trang trí bắt mắt với những tông màu trông khá hòa hợp, khiến anh không khỏi thầm thán phục chủ nhân quả có con mắt thật mỹ thuật. Ngoài một tủ chè cùng với kệ sách có hơn trăm đầu sách ra, trên tường có treo hai bức tranh sơn dầu khổ lớn. Một trong hai bức tranh thấy một bức ký tên người họa sĩ trẻ mới có chút tiếng tăm. Từ đây anh cố hình dung ra những khuôn mặt bạn bè mà cô bé nhắc tới trong những lần họp mặt văn nghệ của ông bố, nhưng chẳng phát hiện được dấu hiệu nào chứng tỏ họ có quen biết hay liên quan tới công việc của anh.
- Cháu ở nhà với ai?
- Bố cháu rời nhà đến nơi làm việc từ sớm, còn mẹ cháu vừa chạy ra chợ.
- Sáng nay cháu không phải đến trường?
- Vừa thi xong nên còn được nghỉ. À! Mà chú tìm nhà cháu có khó lắm không?
- Chú từng sống ở thành phố này nên việc tìm kiếm địa chỉ nhà còn dễ hơn việc trở bàn tay.
- Chú cừ quá! Không chỉ vẽ hay mà còn thuộc lòng địa chỉ.
- Chú không dám nhận mình là thổ công đâu. Đẩy ly nước mới rót tới trước mặt Ngạc, cô bé mời:
- Chú uống chút nước mát.
- Cám ơn cháu.
Phải loay hoay một lúc, cô bé mới gỡ bỏ được lớp giấy bọc bên ngoài, lôi ra bức tranh Ngạc vừa mang tới. Cô mang bức tranh tới đứng ngắm nghía nơi bức tường còn trống, thấy thừa ra chiếc đinh nên tạm thời treo nó lên đó. Tuy thấy không thật cân xứng nhưng bức tranh đã có được chỗ đứng riêng biệt. Từ nay “hoa cà phê cuối cùng” đã có cuộc sống mới trong ngôi nhà ít ra cũng có tâm hồn nghệ sĩ như cô bé chăm sóc.
- Chú thấy thế nào? Cô bé vừa xoa hai tay vào nhau vừa nhìn Ngạc hỏi.
Tuy nhìn thấy bức tranh không được treo ở chỗ cân xứng với nó, nhưng còn hơn là giao ra ga-le-ry rồi bị xếp thành chồng, chờ đợi đợi khách hàng ưng ý ghé mua.
- Tạm ổn. Ngạc gục gật đầu trả lời cô bé.
- Xin lỗi! Chú có vội đi đâu không?
- Chú cần về kịp chuyến xe tối nay.
- Về đâu?
- Miền Trung.
- Khi nào chú vô lại?
- Chắc phải lâu lắm.
- Chú cảm phiền ngồi chờ cháu trong giây lát?
- Cô bé cứ tự nhiên.
Ngồi lại một mình nơi phòng khách, Ngạc thư thả mang tẩu thuốc ra, nhồi đầy một cối thuốc vàng ươm Havatampa, trước khi bật quẹt châm lửa đốt. Mùi khói thuốc thơm lừng như có ma lực bắt người chưa một lần hút thuốc, vô tình hít hà phải mùi hương ngọt ngào cũng cảm thấy dễ bị mê hoặc. Vừa mơ màng qua khói thuốc Ngạc vừa nhẩm tính tới công việc phải làm sau khi rời khỏi thành phố trong đêm nay. Trước hết, anh dùng số tiền thu được mua một ít màu cùng với ít vải bố về tiếp tục sáng tác, còn dư một ít đem góp vào quỷ từ thiện trẻ mồ côi.
- Bộp!
Có tiếng vỡ vụn nghe khô khốc vang lên từ vật dụng có thể được làm bằng loại đất nung. Ngạc suy nghĩ, có lẽ nào đó lại là tiếng vỡ từ một con heo đất? Rõ ràng, tiếng vỡ nghe quen tai, đến nỗi anh có thể hình dung ra thời thơ ấu của mình vẫn thường hay dùng những món tiền lì xì trong dịp lễ tết, tiền dè sẻn tiêu pha mỗi ngày, tất cả được mang nhét hết vào khe hở nhỏ của con heo đất.
Cô bé đã trở lại phòng khách cùng với xấp tiền mới trong tay. Em thản nhiên ngồi vuốt lại từng tờ giấy bạc có mệnh giá lớn trên tay. Ngạc nhìn dõi theo từng động tác nơi em, đoán biết hầu hết chuyện vừa xảy ra, hèn chi qua tiếng vỡ anh nhận ra âm thanh quen thuộc của những lần đập vỡ ống heo lấy tiền mua tập vở. Phải! Cô bé cũng vừa phải đập con heo đất mập ú sơn màu đỏ lòe loẹt của mình để có tiền trả cho bức tranh mà cô đã mua của anh. Ngạc không hiểu hành động của cô bé vì muốn chứng tỏ lòng yêu nghệ thuật hay vì động cơ nào khác? Chỉ biết, với số tiền rất lớn như thế kia, hẳn cô bé đã phải để dành không biết trong bao nhiêu năm mới có, trong khi tuổi thơ nơi em cần được hưởng trọn vẹn những thú vui sẵn có dành cho em nơi cuộc sống. Bộp! Tiếng vỡ khô khốc vang lên trong đầu khiến anh thêm xốn xang. Không! Anh sẽ không nhận từ cô bé một đồng nào, bởi tâm hồn em đã là một hiện vật vô giá. Chỉ cần chứng kiến hành động nhỏ nhoi như thế cũng đủ giúp cho nhiều người rút ra bài học về tình yêu nghệ thuật, dù chỉ là tấm lòng của một cô bé thuộc lứa tuổi đang quàng khăn đỏ.
Ngạc lẳng lặng đứng lên, bước vội những bước đi thật nhanh ra khỏi cửa nhà cô bé.
- Chú! Xin đợi cháu một lát.Tiếng cô bé chạy đuổi theo ngay sau lưng Ngạc.
- Tạm biệt cô bé quàng khăn đỏ. Hẹn gặp lại sau.
- Cháu xin chú đừng làm như vậy.
Tiếng cô bé hòa lẫn trong tiếng vỡ vụn từ con heo đất, chạy đuổi theo Ngạc như muốn gieo vào tâm thức anh một thứ âm thanh nghe lạ lẫm, đánh thức tâm hồn người nghệ sĩ khao khát sự thăng hoa.
Ngạc cắm đầu bước nhanh như chạy...
N.Đ.M
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét