Trời đang nắng gắt, chợt một đám mây khói đèn kéo đến rất nhanh. Bảy Tởn trên đường về nhà càng lẹ chân hơn, sợ mắc đám mưa này coi mòi lớn lắm, hổng chừng tới đỏ đèn mới tạnh. Nhà cửa trống trước trống sau, không có đờn ông lỡ gặp dông to, đờn bà làm sao ứng phó? Càng nghĩ khiến anh càng lo, tự trách sao không đi sớm một chút. Lát sau cơn mưa đổ xuống như xối nước, anh phải tấp đại vào miễu thổ địa gần đó lánh tạm. Cũng còn hên, khúc đường này vắng, chẳng một cái nhà. Không có ngôi cổ miếu này chắc ăn anh phải dầm mưa.
Miễu thấp lè tè, bên trong tối om, vừa bước vào là nghe tiếng con nít khóc khàn giọng. Quá ngạc nhiên, anh móc gói thuốc rê lấy hột quẹt bật lửa, đảo mắt nhìn quanh tìm kiếm. Một đứa bé chừng đầy tháng được quấn trong chiếc khăn tắm, lúc này chỉ còn đủ sức phát ra tiếng è è như sắp hụt hơi. Với phản ứng tự nhiên anh quấn lại khăn rồi ủ ấm cho nó, coi bộ đứa bé bị lạnh tím người rồi. Trong lúc làm chuyện này, Bảy Tởn nhặt được bức thơ. Qua ánh sáng chập chờn của hộp quẹt, anh đọc rất khó khăn:
“Kính gởi ân nhân,
Không ai nỡ bứt cái ruột của mình mà quăng. Nhưng tui phải làm thế vì không còn cách nào hơn. Vậy nếu Trời cao đưa lối để ai gặp đứa nhỏ này, xin hãy nuôi giùm, công đức ấy to lớn còn hơn cất năm bảy kiểng chùa. Bức thơ này được viết làm hai bổn với cùng một tuồng chữ. Nếu sau này mẹ con tui có cơ hội gặp nhau, sẽ trình ra để làm bằng cớ.
Xin được lạy ba lạy tạ ơn!”
Đến khi tạnh mưa, dù muốn hay không Bảy Tởn cũng phải bồng đứa nhỏ về nhà. Chị Bảy ngó thấy thiếu điều muốn xỉu! Xưa nay chồng mình thật thà chất phác, ai dè lại có con rơi, trời ơi là trời! Anh phải hết sức phân trần, kể rõ đầu đuôi, rồi trình ra cái thơ, chị mới tạm không ỏm tỏi, chớ tin thì chưa, phải điều tra kỹ! Tai bay họa gởi, đang không nổi hứng nghe lời thằng cha Tư Mập rủ qua nhà nhậu mới sanh cớ sự.
Chị Bảy đánh đòn cân não:
- Nếu nó là con ông tui sẽ quăng vô chuồng heo đừng trách nghen!
Bảy Tởn nghe vợ nói mà thấy ớn da gà. Nhưng tình ngay lý gian, đành xuống nước:
- Bà dòm kỹ đi, nó có chút nào giống tui đâu.
- Còn nhỏ làm sao biết được? Thằng Vách mới lên ba, lo chưa đủ nay thêm đứa này lấy gì nuôi?
Thời may đứa bé khóc thét, chị lật đật bồng lên xem xét, thấy nó đái ướt, liền lo thay tã quên gây nữa, thừa dịp anh Bảy lẻn ra vườn. Đờn bà ưa bốp chát chớ thương con nít lắm!
Chuyện gì cũng vậy, ban đầu thấy khó lần hồi cũng xong thôi. Từ ngày con bé mởn da mởn thịt chị Bảy cũng tươi tỉnh hẳn. Rồi khi nó ư e cười toe toét chị vui lây. Ngày tháng dần trôi, con bé lớn nhanh như trái bí trên giàn, biết lật, biết trườn… cả nhà cùng thương. Hết anh Bảy rồi tới chị thay nhau bồng ẵm, thay nhau hun chùn chụt. Ngay cả thằng Vách cũng thích thú với em. Đến chừng tập đứng, tập đi, anh chị bận bịu suốt ngày, mỗi lần nó té chị thấy mình đau lây, cằn nhằn anh Bảy sao quá lơ là. Nhà Bảy Tởn từ đó đầy ấp tiếng cười sau những bước đi chập chững đầu đời của bé.
Chị Bảy không còn nặng nhẹ chồng việc đem về đứa con ngang xương nữa. Con bé càng lớn càng xinh đẹp. Chị cố tìm một nét giống, dù mơ hồ, của bé với chồng, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Chừng ấy mới tạm thời tin chồng mình vô tội. Bảy Tởn từ tên nghi phạm chuyển thành có công cho vợ một bé gái hoàn hảo. Bỗng dưng chị cảm thấy hạnh phúc như lúc sanh thằng Vách. Ngày qua tháng lại con bé bắt đầu đi học, chị bỏ công đưa rước, sợ nó còn dại bị mấy đứa lớn ăn hiếp chớ nhà cách trường cũng không xa. Mỗi khi nó ấm đầu sổ mũi, chị lo tất bật, mất ăn mất ngủ. Bảy Tởn thương bé không thua gì vợ, nhưng tánh đờn ông ít biểu lộ ra mặt. Đi đâu về, không gói đậu phộng rang cũng vài cái bánh quai chèo làm quà. Tối đến nghe nó bập bẹ ráp vần, ba trật bốn vuột, thấy thương vô cùng!
Còn nhớ cái chuyện đặt tên cho nó mà phát tức cười. Anh ưng ý tên Lượm. Chị cãi Lượm gì mà Lượm? Lớn lên nó tủi! Tên Thơm đi, con gái có thơm người ta mới thích, nghe ý nghĩa lắm đa. Anh đâu dám cãi, mà cãi có bận nào ăn đâu? Thôi muốn Thơm thì Thơm. Còn chữ lót? Thằng con trai của anh là Trần Văn Vách, nếu con bé đặt đại Trần Thị Thơm nghe không có văn chương, sợ sau này bạn bè nó chê mình hổng biết lựa tên. Bàn đi bàn lại nửa ngày, cuối cùng chị Bảy cũng quyết cái rụp: Trần Thu Thơm! Anh lẩm bẩm trong miệng, không dám cho vợ nghe: “Mùa thu lá rụng sạch trọi, có bông nào trổ đâu mà thơm?”
Năm bé Thơm học lớp ba, chị Bảy sau buổi chiều mắc mưa ở rẫy, sáng ra bịnh nặng. Anh Bảy đưa chị xuống thầy Năm Xại, một danh y có tiếng trong vùng. Vừa chẩn mạch xong thầy hối đi nhà thương. Anh chở đi ngay, nhưng coi bộ nặng, sau hai ngày không bớt họ chuyển chị lên nhà thương tỉnh. Song chỉ cầm cự được chừng sáu bảy bữa rồi qua đời. Trong lúc thập tử nhứt sanh chị vẫn luôn miệng nhắc thằng Vách, con Thơm. Chị trăng trối với chồng ráng mà lo cho hai đứa nó ăn học đàng hoàng để mai này tấm thân dễ thở. Anh cầm tay chị thật lâu mà nghe đứt từng đoạn ruột. Tuy miệng mồm ào ào chớ chị luôn là người vợ tốt, một lòng một dạ cùng chồng, cam chịu cảnh nghèo, không hề so đo, phân bì với ai hết.
Thế là anh Bảy sống cảnh gà trống nuôi con. Cố gắng phơi lưng dưới nắng, chăm sóc từng luống rau, chắt chiu từng đồng để lo cho tụi nó. Cuộc sống vất vả, không một ngày thảnh thơi. Hôm đó bé Thơm đi học về, khoe:
- Bữa nay có “phái đoàn” đến thăm trường đó ba!
- Phái đoàn nào?
- Con không biết. Nghe thầy giới thiệu “Hội bảo trợ học sinh nghèo…” gì đó. Nói dài quá con không nhớ hết!
- Rồi sao nữa?
- Có một bà sang trọng lắm. Bả ôm hun từng đứa. Tự tay trao quà để xem tay trò nào sạch sẽ nè…
Anh Bảy hơi ngạc nhiên:
- Sao không thấy con mang quà dìa?
Bé Thơm phụng phịu:
- Bà ấy nói… sẽ tới nhà thăm rồi tặng quà luôn.
Anh Bảy càng ngạc nhiên hơn:
- Tới nhà mình? Có ghé nhà mấy đứa khác không?
- Chỉ nghe bà ấy nói với mình con thôi, mấy đứa kia bả hổng nói…
Đúng như lời bé Thơm. Bà ta cùng vài người nữa ghé lúc giữa trưa. Anh Bảy hết sức lúng túng, nhà chật hẹp, không đủ ghế ngồi, đành trải chiếu mời khách mà áy náy trong bụng. Nhưng hình như họ không quan tâm. Mở đầu bà khách nói:
- Tui với mấy anh đây từ thành phố xuống, trước coi như du lịch, sau nhơn tiện ghé thăm trường. Tụi tui trong “Hội bảo trợ học sinh nghèo hiếu học”, hồi xưa cũng nghèo rớt mùng tơi, nay dễ thở rồi nên thương mấy em học giỏi mà gặp khó, có khi phải bỏ học đó anh!
Bảy Tởn hối thằng Vách đang đứng xớ rớ vô bếp nấu nước pha trà, rồi nói:
- Phái đoàn… tới tui rất mừng. Nhưng nhà chật hẹp xin thông cảm cho. Làm từ thiện như mấy anh chị, tui hoan nghinh lắm…
Bà khách hỏi:
- Nãy giờ không thấy chị?
- Mẹ nó mất gần giáp năm rồi!
Gương mặt khách hơi buồn, nhìn lên bàn thờ đến tấm hình cũng chẳng có, hèn chi không biết chị Bảy mất.
Bà nói:
- Một lát anh cho tui ra thăm mộ chị nghen!
Anh Bảy gật đầu. Trong bụng hơi ngạc nhiên trước lòng tốt khác thường của người khách lạ.
Bà hỏi tiếp:
- Thằng bé anh sai nấu nước học lớp mấy rồi?
- Nó đang học lớp sáu trên xã, cách đây chừng vài cây số đó chị!
- À… Cháu đi học bằng xe đạp?
- Dạ không. Đi… bộ.
Dòm căn nhà xiêu vẹo, bà khách cảm thấy xót xa cho hai đứa nhỏ, nhứt là bé Thơm, chập chững vào đời với nhiều thiếu thốn.
Bà quay sang chuyện khác:
- Anh được mấy công rẫy?
- Thưa hai.
Rồi họ vừa uống trà vừa nói chuyện một lát. Lúc từ giã, bà khách tặng bé Thơm một bao thơ, nói thêm với anh Bảy:
- Đây là tấm lòng riêng của tui với cháu. Mong anh đừng cố chấp, trong đó tui cũng dành cho cháu Vách một chiếc xe đạp.
Nói xong bà nhờ anh đưa đi thăm mộ vợ rồi về thành phố luôn. Anh Bảy lấy làm lạ. Đang không một bà lạ hoắc lạ huơ tìm đến nhà, ra vẻ ân cần. Nội cái phong bì tặng bé Thơm không kể phần tiền sắm xe đạp cho thằng Vách, anh phải bươi quào cả năm mới có được. Mà xem tuồng bà ta mến bé Thơm lắm, ngồi nói chuyện với anh lại cứ ôm miết nó trong lòng. Lúc từ giã coi bộ còn bịn rịn, hẹn sẽ quay lại nay mai. Hiểu không nổi!
Hôm đó ở rẫy về, anh thấy nhà mình như có ai quét dọn, từ ngoài ngõ tới tận mé hiên không một miếng rác. Cứ tưởng bé Thơm phát thinh làm siêng, anh cười thầm, mọi khi nó quét cái sân chỉ bằng chiếc đệm còn chưa sạch, nay tiến bộ ghê. Nhưng anh giựt nẩy người, không tin vào mắt mình. Bà khách hôm trước đang ngồi lù lù tắm cho Thơm ở sàn nước! Sao kì cục vậy? Thình lình bà quay lại, thấy anh liền cười:
- Xin lỗi nghe anh Bảy. Tui hơi đường đột, không được phép anh mà dám vào nhà…
Bảy Tởn há hóc mồm, không biết nói sao. Hồi lâu mới hỏi một câu hơi thừa:
- Bộ… chị quét nhà cho tui đó hả?
Bà ta tiếp tục tắm cho bé Thơm. Con nhỏ cũng lên mười rồi, nên anh không tiện đứng xớ rớ, bước lại bộ vạt tre ngoài hiên ngồi nhìn bầy gà con tíu tít quanh mẹ, thấy mình như lọt vô bát quái trận đồ, không biết đường mà lần!
Lát sau bà khách bước ra, bé Thơm trong bộ đồ mới cực kì đẹp, hai người tới ngồi gần anh Bảy. Bà mở lời:
- Nuôi hai đứa con chắc anh mệt lắm?
Bảy Tởn ngập ngừng:
- Cũng có mệt… nhưng… còn sức mà!
- Tui thương đám con anh quá, nên quày lại thăm đó! À… Anh cho tui ở đây tới ngày mai nghen?
- ?!
- Bây giờ tui nấu cơm, còn anh đi kiếm cái gì làm món chớ?
Anh Bảy lúng búng:
- Hay… hay… tui bắt con gà xào sả ớt hé?
- Ồ… còn gì bằng. Tui thích món gà xào mặn lắm!
Vừa lúc thằng Vách đi học về. Hai cha con lo bắt gà, còn bà khách thì lui cui nhúm lửa nấu cơm. Bà ta tỏ ra thạo việc bếp núc lắm, ngoài món xào sả ớt còn dành giò, đầu, chéo cánh, gan, mề, nấu nồi canh chua thiệt thơm. Trước khi ăn bà dọn lên bàn thờ chị Bảy, đốt nhang khấn vái rất lâu. Anh Bảy đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, nhưng chỉ để bụng đâu dám hỏi.
Cái khổ của anh là nhà cửa xệu xạo như vầy, tối nay bả ngủ đâu? Ai đời đờn bà gì gan quá, tự dưng ở đêm nhà đờn ông góa vợ tỉnh bơ, không e dè gì hết. Anh sanh nghi bà này bị bịnh tâm thần chi đây. Không lẽ nào. Lời ăn tiếng nói có thấy lạng quạng gì đâu. Thôi thây kệ, bả không ngại, mình thắc mắc chi cho mệt!
Khó cách mấy rồi cũng có đường sở. Anh Bảy ra mé đường rút miếng vạt dùng ngồi uống trà thường ngày với mấy ông hàng xóm, đem vô lót dưới hiên, cạnh bộ vạt cũ. Tối anh sẽ trải chiếu bông và giăng cái mùng mới ở căn giữa, dành cho khách. Thằng Vách thì nằm trên bộ vạt vừa kê. Anh ngủ trên bộ vạt cũ. Bé Thơm chắc được bà khách cho ngủ chung, vừa dễ hủ hỉ lại phòng thủ được chắc hơn. Vậy là giữa anh và Vách phải có một người ngủ trần. Nó còn nhỏ, chịu muỗi dở, anh già nên thịt dai rồi, thôi nhường cái mùng cho nó. Nói thế chớ cũng nên đốt mẻ lửa un cho bớt muỗi.
Hên là đêm đó không mưa. Tháng mười tối lẹ, cơm nước vừa xong thì đã sụp mặt trời, trăng lưỡi liềm hiện lên sừng sững vào lúc chỉ mới lưa thưa vài ngôi sao lớn. Theo đúng kế hoạch, anh Bảy lấy chiếu định trải thì bà khách nói là việc của đờn bà, giành tự tay chuẩn bị chỗ ngủ cho mình. Anh đến ngồi trên bộ vạt, để thêm một ít củi vào mẻ lửa, biểu thằng Vách tự giăng mùng ngủ đi. Rồi trầm ngâm nhìn bầu trời trong vắt đầy sao, lúc này mặt sân đã loang loáng ánh trăng mùng mười, không sáng lắm nhưng đủ để in hình những cành cây đong đưa xào xạc.
Từ ngày vợ mất, đây là lần đầu trong nhà có bóng đờn bà. Khiến hình ảnh người vợ hiền năm xưa sống lại trong lòng. Anh nhớ tiếng cười của chị, nhớ cả những lời cằn nhằn như cơm bữa. Anh hiểu tánh vợ, tuy có hơi miệng mồm chớ cái bụng thương chồng thương con. Những đêm mưa dai, nhà dột, chị âm thầm lấy thau hứng, nhẹ nhàng không một tiếng khua, sợ mất giấc ngủ của chồng. Mỗi khi trở trời, anh than nhức mình, chị cạo gió cho anh, bàn tay dịu hiền không dám cạo mạnh làm anh dễ chịu. Giờ chị nằm yên ngoài vườn, đơn độc cùng tiếng kêu rỉ rả của côn trùng, chắc lạnh lắm, hổng biết có thèm nghe tiếng cười đùa của hai đứa con không hả? Có còn lo cho thằng Vách, bé Thơm được học hành tới nơi tới chốn? Bất giác anh thấy nhớ vợ quá!
Hai đứa nhỏ đã ngủ, tiếng thở đều đặn, vô tư của chúng khiến anh thôi nghĩ ngợi. Bà khách lên tiếng:
- Ngủ chưa anh Bảy?
- Chưa đâu chị, còn sớm mà…
- Nói chuyện một chút nghe… có phiền anh không?
Anh lẹ làng:
- Có gì đâu mà phiền? Tui… quê mùa không biết bắt chuyện sợ chị phiền thì có ớ!
Bà cười:
- Chắc anh ngạc nhiên lắm hả?
Bảy Tởn chưa kịp trả lời, chị nói luôn:
- Bữa nay tui muốn nói lên một sự thật. Bé Thơm là con ruột của tui đó!
Anh giật mình như người hụt chưn, hèn gì bà ta tỏ ra quan tâm con nhỏ từ lúc mới gặp.
Bà khách tiếp:
- Tui là dân làng kế bên. Vì nhẹ dạ cả tin vào mối tình đầu… Chừng biết mình mang thai mới phát hiện “người ta” đã có gia đình. Lúc đầu muốn tìm cái chết, nhưng nghĩ đứa con trong bụng nên chịu nhục chờ ngày sanh nở. Gia cảnh lại suy sụp nhanh chóng, cha mẹ lần lượt qua đời chỉ trong nửa tháng, tui phải lên thành phố kiếm tiền trả nợ. Mang con theo thì ai dám mướn? Sau nhiều đêm suy nghĩ, biết quanh đây toàn người tốt nên làm liều bỏ con trong miếu…
Anh hỏi:
- Sao bây giờ chị mới nhìn con?
Một chút im lặng, bà ta tiếp:
- Anh gọi tui là Hằng, em Hằng hay cô Hằng cho tiện, tui nhỏ tuổi hơn anh nhiều… đừng gọi bằng chị, tui tổn thọ đó.
Nói xong chị ta cười vui. Anh Bảy miệng câm như hến vì sự việc diễn ra quá bất ngờ. Hằng nói:
- Mấy năm đầu còn lận đận, đành cam nhẫn nhục… Tui nhận ra bé Thơm nhờ nốt ruồi ở lòng bàn tay trái. Tui thương trẻ em vì nghèo mà bỏ học nên muốn giúp chúng phần nào. Hằng năm thường hay đi tặng quà, dòm tụi nó mừng rỡ cũng vui lây, nhơn tiện tìm lại đứa con thất lạc của mình luôn. Anh biết không, gặp được con tui mừng muốn xỉu, nhưng ráng dằn ở chỗ đông người. Tui là một doanh nhân thành đạt, trong số người đi theo hôm đó có nhơn viên của tui nữa, nên càng phải bình tĩnh. Hơn nữa, chỉ một nốt ruồi thì chưa chắc ăn. Tui âm thầm nhờ người dìa đây dò xét thiệt kỹ thì không sai, nên vừa giải quyết xong việc làm ăn, tui quày lại liền. Trước tiên là cám ơn anh đã không ngại chị hiểu lầm mà mang nó dìa nuôi dưỡng, còn cho ăn học tử tế nữa. Phần chị Bảy, khi đứng trước mộ tui khấn nguyện sẽ khắc sâu công lao của chị suốt đời. Tui hứa sẽ lo cho bé Thơm lẫn thằng Vách được thành tài. Tiếc rằng chị vắn số nên không có dịp đền đáp, thôi để tui xây lại mộ gọi là tỏ chút lòng thành…
Chị nói một hồi, anh Bảy nằm nghe chớ cũng chưa biết mở lời ra sao. Hiểu tánh anh thật thà, chị tiếp:
- Chắc anh chưa tin tui là mẹ ruột của bé Thơm lắm?
Anh Bảy còn nhớ bức thơ tui giấu trong cái khăn quấn bé khi đó chớ?
Tới đây anh Bảy mới hé được miệng:
- Nhớ…
- Chắc anh nhớ bức thơ nói gì chớ?
- Nhớ…
- Để tui đọc lại cho anh nghe nghen?
Rồi chị đọc chầm chậm, thuộc lòng từng chữ, y hệt những gì ghi trong bức thơ ngày trước. Vậy là đúng bon mẹ ruột của Thơm rồi! Anh vừa mừng vừa hoang mang. Mừng cho bé Thơm gặp lại mẹ, còn hoang mang vì sắp xa nó, một đứa con nhặt ở dọc đường mà vợ chồng anh thương như con ruột.
Lúc sắp ra đi chị Bảy còn gắng chút hơi tàn gởi gắm lại anh. Chẳng lẽ anh sắp không còn được nghe tiếng học bài của nó? Chẳng lẽ anh sắp không còn được nhìn nó nô đùa với trẻ con hàng xóm? Hay là… mình quyết giữ bé Thơm ở đây thì ai làm gì? Anh nhanh chóng gạt phăng ý tưởng đó, vừa trái đạo lý vừa không bảo đảm tương lai cho nó. Rồi buồn bã bước ra gốc mận ngoài sân, ngồi nhìn đom đóm bay với những cái chớp tắt phù du mà thắm thía cho đời mình.
Ngày tháng qua đi ở cái làng này cuộc sống của anh vui buồn lẫn lộn. Mà có lẽ buồn nhiều hơn vui vì có khi nào anh được thảnh thơi để xem một tuồng hát hay, ăn một bữa thịnh soạn? Niềm vui duy nhất của anh là ở hai đứa con, nay sắp xa một đứa, biết chừng nào mới được gặp lại? Anh cảm thấy trời cao thiếu công bằng, lúc mang bé Thơm về nuôi anh đã đem hạnh phúc gia đình đánh cược. Giờ ngậm ngùi nhìn nó ra đi. Bảy Tởn cúi đầu hình dung gương mặt bầu bĩnh, nhoẻn miệng cười khoe điểm mười lúc đi học về, sao mà dễ thương quá! Một giọt nước mắt nóng hổi rơi trúng bàn chân, mới hay mình đang khóc.
Thời gian chậm chạp trôi. Hằng nằm trong mùng theo dõi Bảy Tởn từ nãy giờ. Chị dư hiểu nỗi lòng của anh. Khi lên kế hoạch nhìn lại con, Hằng cũng tiên liệu nhiều việc, sự khó xử của Bảy Tởn là lẽ thường tình. Chị ra khỏi mùng, nhẹ nhàng tới ngồi bên anh, im lặng chờ anh ngửng lên mới nói:
- Em rất hiểu tâm trạng của anh lúc này.
Anh Bảy không nhìn Hằng, cặp mắt hướng vào khoảng trống xa xa. Hằng tiếp:
- Em muốn đề nghị với anh như vầy…
Anh Bảy quay lại nhìn sâu vào mắt Hằng, qua ánh trăng vừa đủ sáng chị nhận ra đó là ánh mắt của hy vọng. Giọng chị trở nên ngọt ngào:
- Em biết anh là người tốt, thương yêu bé Thơm như con ruột. Cho nên hồi chiều, khi cúng cơm chị, em cam kết rằng sẽ chăm sóc anh trọn đời, sẽ không bao giờ để anh thiệt thòi…
Bảy Tởn ngơ ngác, lỗ tai như bị lùng bùng, chị đang nói gì đây? Sao lại chăm sóc trọn đời? Sực thấy lỡ lời, Hằng chữa:
- Hay… anh tiếp em coi sóc giùm một cửa hàng…
Bảy Tởn ngắt lời:
- Tui quê mùa, có biết mua bán gì đâu?
- Em chỉ nhờ anh coi trong coi ngoài thôi, như vậy tiện lợi cho sự học của hai đứa nhỏ hơn là ở đây.
Bảy Tởn làm thinh, biết Hằng muốn giúp mình có cuộc sống khá hơn, song hồi nào tới giờ quanh quẩn nơi quê, ra thị thành sợ không quen. Nhưng từ chối, có nghĩa là phải xa bé Thơm thực tình anh không muốn. Nhìn thái độ thật thà của người đờn ông bên cạnh. Hằng hiểu lắm, một niềm thương cảm ở tận đáy lòng bất chợt trào dâng. Nàng thu hết can đảm nói:
- Thú thật với anh, em chưa gặp người đờn ông nào nhơn đức như anh. Gặp anh lần trước, em rất “ấn tượng”. Lần này mới “khẳng định” có cảm tình với anh. Em biết anh sẽ nói anh nghèo, không xứng với em. Nhưng anh nghĩ coi, em đã giàu như thế này thì cần gì một người đờn ông giàu có nữa? Quý là cái nghĩa cái nhân. Việc làm bất chấp thị phi đem con em về nuôi, cho dù có chăm sóc anh suốt đời cũng chưa dứt nợ. Hơn nữa, sau lần cay đắng bỏ con nơi miễu hoang ấy những tưởng em sẽ mãi mãi xa lánh đờn ông. Nhưng… nay công thành danh toại em lại thấy cần một người chồng tốt để nương tựa. Không gì nhạt nhẽo bằng sống trong nhung lụa mà tâm hồn trống vắng, buồn vui chẳng biết chia sẻ cùng ai. Đôi lúc em thèm ngả đầu vào vai ai đó, thèm lắm, nhưng hơn một lần bị lừa dối, em sợ. Có lẽ anh là người đờn ông mà em tin tưởng…
Anh Bảy sửng sốt, há hốc mồm nhìn Hằng trân trối. Từ chiều tới giờ mọi việc diễn biến như phim Hồng Kông đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Anh không nghĩ Hằng đùa cợt, vì ai lại nhẫn tâm đùa cợt lúc này. Song những lời của Hằng quá thẳng thắn, đến độ muốn tin liền cũng khó! Cho nên anh chỉ biết nhìn chăm chăm vào mắt Hằng, nếu không là người trong cuộc thì thái độ ấy bị cho là suồng sã. Hằng giả đò không thấy (hay thấy với tâm trạng đồng loã?), len lén tựa đầu vào vai anh, khiến anh nghe trái tim mình đập loạn xạ, ngồi chết điếng, đến độ muỗi chích cũng không dám đập!
Một vài sợi mây che hờ mặt trăng, khiến cảnh vật xung quanh trở nên mờ ảo. Họ ngồi yên lặng như cặp tình nhân tuổi còn thanh xuân, mặc dù anh đã bốn mươi hai còn Hằng ước chừng ba mươi tám…
L.K
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét