Từ ngày Long chuyển đến Khau Cải, khiến cho cái xóm trọ heo hút ven thị xã sông Hoàng Phố vui lên hẳn. Không phải Long vui tính, xởi lởi với những người trong xóm. Thậm chí trong mắt Liên, trưởng xóm, Long còn là người ít nói, giao lưu với mọi người mỗi khi có chuyện vui. Xóm trọ vui là bởi vì tiếng con vẹt lông đỏ suốt ngày ca cẩm không ngớt. Mà con vẹt này cũng lạ quá trời, học không những thuộc mà còn có trí nhớ tốt. Mỗi khi những người trong xóm tỉ tê to nhỏ, nói câu gì là nó nhớ câu đấy. Ban đầu, những người trong xóm trọ tỏ ra khó chịu với vị khách trọ không cần giường chiếu này, nhưng lâu rồi cũng thành quen. Khi một ngày con vẹt ốm, hay nó buồn không lên tiếng, những người trong xóm trọ lại cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó.
Mang tiếng thuộc thị xã, nhưng xóm trọ Khau Cải ở khá xa trung tâm, một dãy nhà cấp bốn, ông bà chủ thừa đất lắm tiền, xây lên một dãy nhà để những người dưới xuôi, những người trong huyện ra thị xã làm việc thuê trọ. Tháng chủ nhà chỉ đến một lần thu tiền phòng, điện, nước. Chủ yếu là do những người đến thuê tự bảo ban nhau quản lý. Long là người đến thuê phòng cuối cùng, không có sự lựa chọn, phải ở phòng ngoài, cửa phòng gần như đối diện với cổng ra vào. Làm công ăn lương, lương thấp, trong khi cần phải chi bao nhiêu thứ khác, với Long, phòng trong phòng ngoài không thành vấn đề, miễn là tìm được chỗ yên tĩnh, lại rẻ là may lắm rồi. Phòng ngoài thì sao? Ngày đi làm cả ngày, cuối tuần lại về quê, chứ có phải suốt ngày ở nhà đâu. Mở cửa sợ người khác nhìn thấy ư? Mình có làm chuyện gì khuất tất đâu mà sợ. Long cũng không phải lo sợ bọn trộm đến cậy cửa phòng vào lấy đồ. Mà đồ thì có gì đâu, vài ba bộ quần áo, hai đôi giầy cũ, mấy quyển sách, vài ba quyển tạp chí, một cái bàn gỗ cũ kỹ, bộ ấm chén thì lấy làm gì, chẳng đáng bao nhiêu tiền. Nói là vậy, nhưng một khi bọn nghiện lên cơn, phá khóa cửa vào lấy đi những thứ đó, Long cũng sẽ chẳng có cái mà dùng. Mỗi lần đi ra cái chợ tạm, cách khu trọ chưa đến trăm mét nhưng vẫn phải khóa cửa. Chả bù cho ở quê, nhà mở buổi sáng, đến tối chuẩn bị đi ngủ mới đóng một lần.
Một năm trôi đi nhanh chóng. Cái xóm trọ này cũng không có gì thay đổi, ngoại trừ có thêm hai người đến ở chung. Đều là người đi làm cả, những người trong xóm không mấy khi ngồi với nhau. Người quan tâm đến Long nhiều nhất chắc là Liên và con bé Hằng. Mấy lần nói chuyện với Hằng, Long thấy cô có kiến thức khá sâu ở nhiều lĩnh vực. Có một hôm Long xin nghỉ ở nhà để hoàn thành bản báo cáo, anh đã nghe được Liên nói với Hằng.
- Hằng này, chị thấy anh Long ở xóm mình cứ thế nào ấy.
- Thế nào là thế nào hả chị? Mà này, chị yêu anh ấy rồi đúng không?
- Chị mà yêu anh ấy á? Anh Long có cái gì để mà yêu nhỉ? Chị chẳng thấy anh ấy ga lăng tý nào cả.
- Không có gì để mà yêu á. Này nhé, đẹp trai, nghề nghiệp ổn định, kiến thức phong phú, lại hiền lành, đấy không phải là những điểm đáng để yêu à.
- Em thích thì tán đi. Chị nhường cho em đấy.
- Không được đâu chị ơi, em nghe nói, anh ấy có người yêu rồi thì phải. Em còn nghe nói người yêu của anh ấy xinh lắm nữa cơ.
- Hứ. Chị không tin đâu. Đấy, em thấy không, một năm qua, làm gì có ai đến chơi với anh ấy đâu. Hình như anh ấy còn không có bạn thì phải. Anh ấy có người yêu á, có mà yêu con vẹt lông đỏ kia thôi.
- Chị này đúng là, như thế mà cũng nói được.
Trước khi Liên và Hằng nói sang chuyện khác, Long còn nghe thấy hai hàng xóm láng giềng cười ha ha, ra vẻ đắc thắng. Có lẽ hai người hàng xóm tưởng anh đã đi làm từ sớm nên mới nói vậy.
Long đã 32 tuổi, bạn bè anh đã có con lớn cả rồi. Có những người bạn ở quê, lấy vợ lấy chồng từ hồi mới học lớp 11, 12, giờ con đã học lớp 6, lớp 7 rồi. Còn Long, sau khi học xong lớp 12, thi đỗ vào đại học, đi học thêm 5 năm, ra trường rồi loay hoay tìm việc ở Hà Nội, chuyển đến gần chục cơ quan trong khoảng 5, 6 năm trời mới chuyển về quê. Không phải Long không biết yêu, chưa từng yêu. Ngược lại, Long yêu mãnh liệt là đằng khác. Bốn mối tình, chẳng mối tình nào giống mối tình nào cả. Rút kinh nghiệm từ những lần yêu trước, Long đã xây dựng lên kịch bản không như kịch bản ban đầu, bốn kịch bản, bốn con đường đi, nhưng kết quả vẫn chỉ là con số không. Tình yêu bồng bột, mãnh liệt, đam mê, cháy bỏng, hy sinh, tất cả Long đều đã được nếm mùi vị. Ngọt ngào thì ít mà cay đắng thì nhiều. Long đã nâng niu, trìu mến những trái ngọt, nhưng chưa bao giờ được nếm mùi vị của quả. Sau này, Long kể với thằng bạn thân, nó bảo, ở trên thế gian này, khó có thể tìm được một người thánh thiện như anh. Rồi nó kết một câu xanh rờn, quả ngọt đến miệng mà không biết ăn đúng là ngu ngốc không gì sánh bằng. Chẳng biết thằng bạn thân nói có đúng hay không? Nhưng khi yêu nhau phải tôn trọng nhau chứ, cái thiêng liêng phải để sau ngày cưới. Không lẽ con người ta yêu nhau chỉ vì lạc thú nhất thời, thỏa cơn thèm khát? Những viễn cảnh mà Long và những cô bạn gái vẽ ra được trải trên một tấm thảm màu hồng. Người ta nói, một khi cái quả do chính tay mình nâng niu, chăm sóc mà không được ăn, khi mất đi rồi mới cảm thấy nuối tiếc. Long tiếc khi không đến được với Kiều. Kiều không giống như những cô gái khác, cô xuất thân từ làng như anh. Bố mẹ cô cũng làm ruộng, chăn nuôi mới có tiền chu cấp cho những đứa con ăn học xa nhà. Kiều có cách suy nghĩ giống anh, hiểu được anh và thông cảm cho hoàn cảnh của anh. Long và Kiều đã định ước với nhau, sau khi Kiều ra trường, về quê, có việc làm thì hai người sẽ làm đám cưới. Môi trường sống khiến suy nghĩ của con người thay đổi. Cuộc sống nơi phồn hoa, một nơi văn minh không có chỗ để cho những con người có nếp nghĩ và lối sống nông thôn lạc hậu? Kiều đã nhanh chóng thích ứng với cuộc sống mới mà quên đi những gì đã nói, những dự định mà Kiều đã cùng với Long vẽ ra. Không phải là tất cả, nhưng những gì Long đã trải nghiệm, anh thấy trong số những thằng đàn ông đến với những người phụ nữ đẹp, thường thì chiến thắng cũng nằm trong tay của những kẻ lắm tiền. Cả bốn mối tình của anh đều chung một cái kết. Buồn. Chia ly. Dằn vặt. Rượu và đau khổ. Nhưng những thứ đó đâu thể chữa được vết thương đang ngày đêm rỉ máu? Kiều đương nhiên không biết chuyện đấy, Kiều không thể biết anh đã đau khổ đến thế nào. Vật chất làm cho người ta lóa mắt. Anh có ngờ đâu, một người sinh ra từ miền quê, bố mẹ cũng là người chân lấm tay bùn, trên vai là gánh nặng của bao nhiêu thứ trên trần đời. Nhà sàn, trên gác chứa đồ đạc, ngô, thóc, đậu đỗ, giữa người ở, dưới cùng nuôi trâu, bò, lợn, gà. Những ngày thời tiết thay đổi, mùi phân hỗn hợp bốc lên đến là khó chịu. Người không sống quen không thể ngửi được mùi đó. Từ đời ông cụ Kiều, đến khi cô ra đời, lớn lên cũng trong căn nhà sàn hai mái. Không ca thán, không chê bẩn, vậy mà mới ra thành phố học, Kiều đã thay đổi. Mỗi lần về quê, cô ở nhiều nhất cũng chỉ vài ba ngày, bảo không chịu được cảnh nhà sàn, dưới nuôi gia súc, gia cầm, mùi phân làm cho con người ta cảm thấy buồn nôn. Kiều đòi bố mẹ dỡ ngôi nhà xuống làm nhà xây cấp bốn, làm chuồng trâu, bò, lợn riêng, tiền bạc bố mẹ khỏi lo.
Phải mất hai năm, Long mới lấy lại sự thăng bằng trong cuộc sống. Anh còn có mẹ già ở quê chờ mong mỏi mòn. Quanh anh vẫn còn những người bạn. Còn làng xóm, những người thân của anh nữa, vẫn chưa hết niềm tin tưởng nơi anh. Anh phải sống, phải kiếm tiền nuôi bản thân, nuôi mẹ già. Đối mặt với những vấn đề cơm áo gạo tiền, không cho phép Long tiếp tục cuộc sống dằn vặt, đau khổ. Không nên tiếc kẻ đã ra đi, mày phải nhìn thẳng về phía trước và tin tưởng rằng, bầu trời hạnh phúc thật sự đang đón đợi mình. Lời của thằng bạn thân đã đánh thức Long về với thực tại. Khi quyết định từ bỏ thành phố phồn hoa, nơi có nhiều kỷ niệm ngọt ngào nhưng cũng lắm đau buồn đó, trở lại quê làm việc, Long đã rất dứt khoát. Mẹ và quê hương là những người bao dung, lúc nào cũng sẵn sàng đón những đứa con đi xa trở về với mẹ. Long lao vào công việc như một niềm vui sướng.
Tháng ngày cứ trôi đi. Một lần, Long vào một bản xa nhất, khó khăn nhất huyện Bảo Lâm khảo sát công trình nước sinh hoạt tự chảy. Đang mùa mưa, đường chênh vênh núi đá, vực sâu hun hút. Đang đi, bỗng nghe thấy tiếng rầm rầm bên tai cùng tiếng kêu xé gió của con chim thúc giục anh đi nhanh về phía trước. Bước bộ mấy tiếng đồng hồ đã mỏi mệt, nhưng trước cái chết cận kề, anh đã dồn hết sức bình sinh còn lại vào đôi chân, tay vọt lên phía trước. Khi anh lên đến nơi an toàn, ngoảnh mặt nhìn lại, một mảng núi lở xuống, đất đá ngổn ngang. Chỉ chậm một chút thôi, Long sẽ không còn có cơ hội về gặp mẹ nữa. Áp bàn tay còn run run vào lồng ngực, trái tim vẫn đang đập như cối giã gạo. Mà cũng may có con chim báo hiệu, nhờ nó anh mới thoát chết. Nó đâu rồi nhỉ? Không biết nó có bị làm sao không? Long nhìn đi nhìn lại, con chim đang bị ướt lông đang đứng co ro bên cạnh. Đôi mắt nó sáng quắc, tinh tường. Long nhìn kỹ, con chim vừa mới cứu sống mình. Hóa ra là một con vẹt lông đỏ tía. Long đưa đôi tay ra đón ân nhân. Con vẹt nhanh chân nhảy lên bàn tay anh. Mày là đại ân nhân của tao, tao không biết cảm ơn mày như thế nào cho phải nữa. Mày hãy về sống với tao nhé. Nói rồi, Long đưa bàn tay vuốt ve nó. Suốt buổi khảo sát đó, con vẹt lông đỏ, đậu trên vai anh như một trợ thủ đắc lực trong công việc. Long ăn gì con vẹt ăn đấy. Long rất thích ăn cơm rang, con vẹt cũng vậy. Rồi không biết, anh và con vẹt lông đỏ tía trở thành bạn thân, không thể thiếu nhau tự bao giờ.
Từ khi con vẹt lông đỏ tía hiểu và bắt chước, nói được tiếng người, nhiều người đã gạ Long bán nó. Có người ra giá cả chục triệu đồng, nhưng anh kiên quyết chối từ. Ngày anh đi làm, ân nhân ở nhà trông phòng. Mỗi khi anh về, chỉ nghe tiếng xe máy của anh ở ngoài cổng, ân nhân trong nhà đã reo lên anh Long đã về, anh Long đã về.
Một hôm, xong việc ở cơ quan, Long xin được về sớm. Không như mọi khi, ân nhân nói, anh Long đã về mà nó lại nói Liên Kiều, bạn cũ đến tìm. Long nghe vừa bực mình, vừa buồn cười. Ở trong xóm trọ này, ai có ác ý với anh mà dạy cho con vẹt nói thế. Phải có người nói với nó thì nó mới nói được, chứ con vẹt này làm gì biết được quá khứ của anh? Long tắt máy xe, mở khóa cửa, con vẹt lông đỏ lại nhảy lên vai anh, luôn mỏ nói Liên Kiều, bạn cũ đến tìm, Liên Kiều, bạn cũ đến tìm. Anh liếc mắt lườm con vẹt. Ân nhân nói bậy bạ gì thế. Ai đã dạy cho ân nhân nói thế hả? Nhưng con vẹt chỉ có nói mỗi câu đó. Khi anh cúi xuống với tay lấy ca nước nguội, toan rót ra cốc để uống, chợt anh thấy bên tai mình hơi đau vì mỏ con vẹt mổ vào. Rồi con vẹt lông đỏ cứ luôn miệng gọi Liên Kiều. Long đứng thẳng người lên, quay mặt ra phía cửa. Long sững người, xa xa, ai như Liên Kiều đang đi về phía khu trọ. Nhìn nàng sao mà xanh xao, tiều tụy? Con vẹt lông đỏ bay đi, anh cũng đưa chân theo bóng ân nhân. Đáng khâm phục nhất của con người là có lòng vị tha và bao dung. Người xưa đã nói vậy.
N.Q.L
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét