Bến xe chỉ còn vài chiếc chơ vơ nằm chờ khách. Chỉ còn thưa thớt vài người đưa tiễn. Mặt sân nóng hầm hập. Quán vắng, bà chủ ngồi cố xua đuổi cái nóng đang bu bám quanh mình. Cô quay sang hỏi hỏi bà chủ quán:
- Bác có biết mấy giờ xe chạy không ạ!
- Khoảng một giờ nữa mới có xe. Chừ mới hơn mười hai giờ trưa mà.
Liếc chiếc đồng hồ, đúng là gần một tiếng nữa. “Mình đón xe sớm quá”.
- Mà cháu đi đâu mà đón xe thế?
- Dạ cháu lên nhận công tác ạ!
- Mà ren không đón xe buổi sáng cho hén nhiều xe, chừ chỉ có chuyến ni thôi, ai mà đi trễ thì xem như không.
Cô cười nhìn bà chủ quán, thật ra cô đi tình nguyện hay chạy trốn mối tình đầu bị chết yểu. Ở trường thầy cô bàn tán xôn xao về việc cô đăng kí thi công chức lên vùng cao. Đa số ai cũng bảo cô có vấn đề, với tấm bằng loại ưu thì trước sau gì cũng đậu công chức chứ cần chi đi xa thế. Mẹ khóc lóc rất nhiều:
- Ren khổ thế hả con? Ở đây mà lo kiếm tấm chồng cho cha mẹ nhờ, lên trên nớ có mà lấy khỉ à! Chẳng có thằng này thì có thằng khác chứ mắc chi khổ ri con.
Thực ra không ai hiểu và cũng không thể ai có thể ngăn được nếu cô đã quyết định. Hai mươi sáu tuổi đầu cũng đủ chín chắn chứ có nhỏ dại gì nữa đâu. Cầm quyết định trên tay đôi khi cô cũng tự hỏi mình: “Quyết định của mình có đúng không, có sáng suốt không?”
Bỏ lại sau lưng những ồn ào, tấp nập; bỏ lại những kỉ niệm đẹp của một thời; bỏ lại sự ngơ ngác của cô bạn thân; bỏ lại những lời xì xào bàn tán; bỏ cả sự níu kéo của cha mẹ…
Xe đã chạy ra khỏi chỗ trú nắng. Khách lục tục lên xe. Cô tìm cho mình chỗ ngồi ở bên góc trái của cabin, ngồi ngoảnh mặt chếch xuống dưới xe qua chiếc gương chiếu hậu. Cô luôn muốn quan sát những người ngồi phía sau, rồi phong cảnh hai bên đường nữa. Cô chống tay lên bậc cửa sổ, lim dim mắt mơ màng. Cái hầm hập của nắng như thiêu đốt cả bầu trời, lâu lâu mới có cơn gió nhẹ thoảng qua cũng không xua tan cái nóng nực.
Bác tài mở khóa, nổ máy xe khởi động. Những vị khách cuối cùng đang nán lại uống hớp nước trong quán cũng lật đật bước lên ổn định chỗ ngồi. Xe chiều mà sao chật cứng người. Hàng hóa chất đầy dưới ghế ngồi, trên nóc xe, gầm xe. Đúng là lâu rồi cô chưa được đi xe chất lượng cao như thế này. Sức nóng của không khí, mồ hôi, của hơi người tạo ra một hỗn hợp mùi khó tả. Ngột ngạt, nóng nực, đầu cô như có ong bay vù vù.
Xe bắt đầu chuyển bánh rời khỏi bến. Gió ùa vào hai bên cửa sổ làm cho cô cảm thấy dễ chịu. Tiếng nói chuyện rì rầm, tiếng còi xe inh ỏi. Phố lùi dần lại sau lưng, khoảng không lại hiện ra chông chênh trong cảm xúc của cô. Giờ cô mới thấy mình cô đơn. Cô đi nhưng không ai tiễn cả. Mẹ chỉ khóc và khóc đến giận cô luôn. Ba muốn đưa cô đi những cô không cho vì sợ sự quyến luyến làm cô chùn bước. Chị hai không về kịp để cản ngăn cô em út. Chị hai chỉ nhắn về: “Thôi em đã quyết thì hai ủng hộ nhưng lạ nước lạ cái nhớ giữ gìn sức khỏe nghen!”. Cô miên man suy nghĩ về lời của đứa bạn thân: “Mỗi người ai cũng có số phận hết rồi, phải biết chấp nhận để sống chung với nó thật vui vẻ. Mày lên đi rồi tao sắp xếp được sẽ ghé lên thăm mày. Mà biết mô được mày sẽ lấy chồng trên đó luôn hì!”. Cô lại nghĩ về số phận.
Khi tốt nghiệp ra trường với tấm bằng đỏ trên tay, ai cũng nghĩ cô sẽ ổn định công việc và lấy chồng. Nhưng ra trường không có đợt thi hay xét tuyển công chức nên cô xin dạy hợp đồng. Xem ra cũng được gọi là “Công thành danh toại” ấy chứ? Còn về hình thức thì cô không đẹp nhưng có sự mặn mà, duyên dáng của người Á Đông. Ai cũng có cảm tình với cô nếu gặp cô vì đôi mắt cô như biết nói và khuôn mặt hiền hậu. Mấy đứa học trò nghịch như quỷ nhỏ: “Cô ơi, làm thím em nghen, chú em là bác sĩ đó!”, “Cô ơi làm chị dâu của em nha, anh trai em học kiến trúc đó!”, “Cô ơi…” luôn là điệp khúc mà ngày nào cô cũng nghe. Ngày cô chia tay chúng khóc như mưa, bình thường chúng quậy phá thế mà sao hôm ấy lại yêu đến thế! Cô tỏ ra cứng rắn nhưng nước mắt cứ chực trào ra. Tối về nằm đọc đến khuya mới hết cái đống tâm sự của lũ nhỏ.
Cô luôn tận tụy với công việc, không ngừng học hỏi từ các thầy cô đi trước. Cô được học trò và đồng nghiệp đánh giá cao trong chuyên môn nhưng lại khô khan trong chuyện tình yêu, không phải khô khan mà là đang tìm trái tim đồng cảm. Cô đã trốn chạy biết bao ánh mắt của các chàng trai. Cô dửng dưng tất cả bởi tiêu chuẩn của cô hay do những số phận của nhân vật tác động mạnh đến tâm tư tình cảm của cô. Thế mà cô lại gục ngã trước Minh Hoàng, chàng trai công an khu vực. Anh mới được phân công về công tác tại khu vực nhà cô. Lần đầu anh để lại cho cô ấn tượng: Một chàng trai lịch lãm, hào hoa, rất đàn ông… có chút gì lãng tử chứ không khô khan như công việc của anh. Cô bị cuốn hút bởi sự ga lăng, lịch lãm của anh. Rồi cô bị anh chinh phục hoàn toàn. Anh chăm sóc, che chở cho cô. Anh luôn là chỗ dựa của cô. Cô đã hạnh phúc khi anh ngỏ lời cầu hôn. Bao đứa con gái cùng phố ghen tị với cô trong đó có cái Ngọc học chung thời cấp III với cô. Bạn thân cô đã cảnh báo với cô nhưng tin tưởng tuyệt đối anh nên bỏ ngoài tai lời cảnh báo ấy. Thế rồi chuyện gì đến Ngọc đã cướp anh ra khỏi vòng tay của cô. Mất mát, đổ vỡ tình yêu, tình bạn… cô lại cảm thấy chán ghét cuộc sống.
Xe lắc lư, chao đảo, mọi người ngả nghiêng theo. Cô nghe chàng trai ngồi phía sau lưng lên tiếng:
- Bác tài lái vào những chỗ như lúc nãy nhá, xe xóc càng mạnh thì biết đâu cháu mau có vợ! Bác lại là ông mai mát tay đó!
Khuôn mặt ửng hồng của cô gái bên cạnh khi nghe lời nói của chàng trai và cái nhìn tinh nghịch như trêu đùa cô gái. Cô gái liếc mắt lườm lườm chàng trai. Chàng trai cười khì trông yêu đến thế! Nhìn như cặp đôi mới yêu nhau thật. Cô khẽ cười bởi sự tinh nghịch của chàng trai, sự thẹn thùng của cô gái.
Bên dưới ở cửa sổ giữa xe một ông cụ vừa gật gù nhìn bọn trẻ vừa nhịp người theo nhịp xóc của xe, trông ông giống con rối bị giật dây mỗi khi xe xóc mạnh. Ngồi bên cạnh là hai bố con, đôi mắt của người bố to, đẹp. Con gái nhỏ ngồi trong lòng bố, hai bàn tay múp míp xòe ra tập đếm, nó đếm đi rồi đếm lại, ngoảnh mặt sang nhìn bố:
- Ba ơi, con đếm hết các ngón tay của con rồi nè, hết luôn rồi.
Nghe giọng nói ngây thơ của cô nhóc trên xe ai nấy bật cười. Lạ thật sự chật chội, nóng nực dường như tan biến, đường xa ngột ngạt trông lại thấy gần hơn. Nghe con nói anh xòe hai bàn tay của mình ra để nhóc con đếm tiếp:
- Ba cũng có mười ngón như con nhưng ngón to này bị khuyết đi một chút, vậy bố và con bằng nhau nhỉ!
Anh nhìn con gái với ánh mắt rạng ngời yêu thương. Anh xoa đầu con rồi ôm nó vào lòng. Nhìn cảnh đó ai cũng thấy vui lây với niềm vui của anh.
Cô cũng đã từng ước ao có một gia đình hạnh phúc bên “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Hạnh phúc đã đến với cô, cô cứ ngỡ rằng đã nằm trong tầm tay của mình không dễ gì vụt mất, thế mà bay đi không thể níu giữ được.
Cô và Hoàng đã chuẩn bị làm đám hỏi, đã dắt tay nhau đi thử váy cưới, thử nhẫn cưới, chỉ còn gặp mặt gia đình hai bên thôi nữa là “hai ta về chung một nhà”. Thế nhưng Hoàng lại ngã vào vòng tay của người khác. Ngọc tuy không sắc sảo mặn mà nhưng có sự khéo léo, bạo dạn hơn cô rất nhiều. Cô sống cổ điển quá chăng nên không theo kịp với trò chơi tình yêu này. Bố của Ngọc cũng là “quan to” trong bộ máy của Thị xã nên có thể đây là điều kiện thuận lợi cho Hoàng chăng? Trong trò chơi kéo co này mỗi người nắm một đầu dây, cô nghĩ mình nắm phần nhiều hơn nên chắc chắn thắng. Nhưng cuộc đời oái oăm thay khi chưa chắc gì nhiều hơn mà thắng được. Hoàng đến bên cô với lời xin lỗi:
- Anh xin lỗi, do anh không tự chủ bản thân nên…
Cô nhìn Hoàng như thể một sinh vật lạ. Anh thường ngày không có cái kiểu co rúm lại thế, sao hôm nay… Bao đêm cô không ngủ được, cay đắng, xót xa cho mối tình đầu chưa đủ mạnh để vượt qua những cám dỗ của đời thường. Giờ đối diện với Hoàng cô thấy mình thanh thản lạ lùng…
Cô lao vào công việc, cày xới giáo án, vui với học trò nhưng trái tim cô lại khép chặt với nhiều chàng trai đến gõ cửa. Tim cô chai sạn với cảm xúc của tình yêu. Cái tuổi nó đuổi cái xuân qua, khi giật nhìn lại ôi thôi ta đã già.
Nghe tin thi tuyển công chức cô đã phân vân rồi đưa ra quyết định. Chẳng qua là cô đang chạy trốn thực tại thì đúng hơn. Mấy thầy cô và học trò trường cũ rất buồn khi cô nhận quyết định đi vùng cao. Nhìn những người đang ngồi trong xe, cô có cảm giác như đó là những mảnh ghép trong cuộc sống. Bốn năm hợp đồng với bao nhiều buồn vui trong nghề, nhưng đây có lẽ là tác phẩm chân thật nhất khi cô được đi một hành trình dài cùng những con người xa lạ.
- Đến rồi bà con ơi!
Tiếng của anh phụ xe vang lên, mọi người vươn vai dáo dác đứng dậy. Ngoài trời nắng hoàng hôn chỉ còn le lói như níu kéo ngày qua. Xe dừng hẳn. Mỗi người mỗi ngã, còn cô sẽ đi về đâu đây.
- Ba ơi, còn chiếc dép nữa ở đâu rồi, ba kiếm cho con.
Cô định bước ra khỏi chỗ nhưng thấy chiếc dép của bé bị đá sang chỗ cô ngồi nên cúi xuống nhặt đưa cho cô bé:
- Con cảm ơn cô.
Cô xoa đầu con bé còn anh nhìn cô mỉm cười như lời cảm ơn.
Xuống xe rồi cô lúng túng không biết mình đi hướng nào, ngã rẽ nào đang đợi cô phía trước. Cô nghe người bố quay sang hỏi:
- Em về mô rứa?
- Dạ em về trường PTCS…
- Rứa thì cùng đường với cha con anh, chờ chút anh liên hệ xe ôm rồi chúng ta cùng về. Anh nói rồi không kịp để cô phản ứng. Nhìn họ giống gia đình ấy chứ! Cô khẽ cười cho cái suy nghĩ vớ vẩn của mình.
Cô luống cuống, lí nhí cảm ơn anh.
Đường đến trường gồ ghề hơn cô tưởng, con đường hai bên lau đót mọc đầy, tiếng chim kêu lạc bầy làm cho cô chạnh lòng nhớ đến ba mẹ. Đường chênh vênh như tâm hồn cô vậy.
Lên đến nơi cô mới biết anh là lính biên phòng, về quê đưa nhóc con lên ở cùng. Nhìn cô anh lại càng ngạc nhiên hơn, nhưng anh không dám hỏi cô, chỉ nhìn và im lặng…
Ngôi trường cô nhận công tác nằm trên đỉnh đồi, cây dại lúp xúp. Trường đơn sơ, xa đường nên càng nhìn heo hút hơn. Khu tập thể giáo viên cũng tềnh toàng không kém. Trong phòng có hai chiếc giường gỗ, ba đồng nghiệp cũ đã luống tuổi mà chưa ai có gia đình, cô lại thấy bấp bênh trong suy nghĩ của mình. Họ làm quen với cô, rồi cùng chia sẻ trong cuộc sống xa nhà, mấy chị rất ngạc nhiên khi với tấm bằng của cô mà sao lên đến tận đây. Cô hỏi lại tại sao với mọi người thì cũng chỉ nhận được sự im lặng. Còn đồng nghiệp nam thì chủ yếu người ở địa phương nên họ không ở lại khu tập thể. Không quen với thời tiết ở đây nên cô bị ốm sau hai ngày tiếp cận.
Cô được chuyển qua trạm y tế của đồn biên phòng. Cô mở mắt nhìn xung quanh, bắt gặp ánh mắt rất quen… À thì ra anh làm bên quân y.
- Con chào cô, cô tỉnh rồi à! Cô nằm li bì cả ngày ni rồi đó!
- Thư ơi, cô mệt con đừng làm phiền cô nha!
Cô bé nũng nịu với bố rồi cũng ra ngoài. Cô nhìn quanh căn phòng quân y, nhỏ nhưng gọn gàng tinh tươm. Ống dịch truyền treo lủng lẳng trên giá. Đầu cô đau như búa bổ. Phòng quân y chỉ có mình cô với anh, bé con đã chạy ra ngoài rồi.
- Em không quen với thời tiết ở đây, cố gắng giữ ấm vào buổi sáng và buổi tối nhé! Nghe anh nói cô mủi lòng, nước mắt chực tuôn ra.
Đồng nghiệp sang thăm rồi vội vã trở về. Sự mệt mỏi đã giúp cô ngủ thiếp đi một cách ngon lành. Tối đến anh mang cháo đến cho cô. Mấy anh lính trẻ đi qua đi lại chọc hai người họ. Bé Thư xin qua ngủ với cô cho có bạn, để cô mau hết bịnh mà nhận công tác cho đầu năm học mới. Bé con rất ngoan, ngủ nhưng cứ chui vào lòng cô tìm hơi ấm. Mẹ cô bé mất sau khi sinh con gần một năm trong một tai nạn. Thư sống với ông bà nội nhưng không muốn rời xa ba nên anh đã đưa con bé lên sống cùng.
Thời gian trôi qua như con thoi. Bé Thư sang ở cùng với cô để bé đi học làm quen với các bạn. Anh ít nói còn con gái thì líu lo như chim. Cô đã thay bàn tay vụng về của anh chăm sóc bé Thư. Cuộc sống của cô bận rộn hơn nhưng lại vui hơn. Không biết từ lúc nào anh và cô có tình cảm với nhau. Dù không nói ra nhưng qua cử chỉ và ánh mắt cả hai đều cảm nhận được. Trong công việc cả hai đều rất xông xáo nhưng trong chuyện tình cảm thì lại e dè, rụt rè. Cô thì sợ chuyện tình mong manh dễ vỡ như thủy tinh, anh thì sợ mình không xứng đáng với cô.
Cái hôm bé Thư bị sốt, trán nóng, môi khô. Cô đã thức trọn đêm cùng anh chăm sóc bé. Gần sáng cô chợp mắt một lát, cảm giác như ai đến gần đắp mền cho cô nhưng mơ màng. Bàn tay ai khều nhẹ tay cô, cô tỉnh giấc:
- Con khát nước quá! Bé Thư gọi.
- Con ráng uống thêm nước cam nữa nghen, mấy chú mới vào bản xin về cho con đó.
- Nhưng miệng con đắng ngắt.
Cô ôm con bé vào lòng dỗ dành.
- Cô làm mẹ con nhé! Thư và bố đều thương cô. Con muốn có mẹ kề bên chăm sóc và cho cả bố con nữa! Bố nhỉ! Anh vừa bước vào, nghe con nói đỏ mặt quay đi. Còn cô bối rối chưa biết làm sao.
- Bố con thương cô nhưng không dám nói, mấy chú bảo con phải hỏi vợ cho bố thôi. Cô hứa với con nha, hứa đi con sẽ mau khỏe lại.
Cô nhìn anh thật ấm áp, yêu thương…
Cuối năm đó, cô và anh có một mái ấm riêng ở khu nhà ở bên kia con dốc. Nắng ấm đang dần thay thể cho cái giá lạnh. Đêm qua đi và ngày mai trời lại sáng… Cô cảm ơn chuyến xe định mệnh hôm ấy…
P.T.M.L
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét