Cây bút trẻ Vân Phi
Mưa như trút nước. Dự báo thời tiết báo động những cơn áp thấp đang lăm le các tỉnh miền Trung. Con nước đang âm thầm dâng cao, mò mẫm qua bãi bờ lau sậy, vượt qua những tràn bê tông lẫn những tràn đất cao đắp cỏ chỉ quê tôi. Có lẽ, con cháu của Thủy Tinh lại đang kéo quân rửa mối oan thù truyền kiếp. Thì nói vậy, đó cũng chỉ là giai thoại mang màu sắc huyền thoại huyễn hoặc. Chứ tôi, thì nghĩ rằng, tai họa đến nào chỉ do mỗi thiên nhiên hay thế lực siêu hình nào đó. Phải chăng con người đang phải gánh chịu những hệ lụy do chính mình gây ra?
Ngày xưa, bọn trẻ chúng tôi hay mong đến mùa nước lên, để được nghỉ học vài ba hôm đi đơm cá trên đồng, đặt bẫy bắt cò trên những gò đất cao, bẫy chuột đồng, bắt rắn nước… Mùa nước lớn tuổi thơ “hiền lành” lắm. Nước vào mơn trớn cánh đồng sau mùa gặt, cuốn đi những mầm mống rầy ôn còn sót lại sau vụ mùa hè thu, rải một lớp phù sa đắp bồi cho đất đai màu mỡ. Tôi còn nhớ, sau khi lũ rút, trong xóm có bà Xuân dáng người cao lêu nghêu hay đi bới rác còn lưu lại trên những thửa ruộng cao bờ, trên những bụi tre gai nằm dọc bên sông để tìm những quả bí rợ mang về nấu canh và cả món chè bí ngon hết sẩy. Bọn trẻ chúng tôi khi ấy được bà cho ăn một lần là nhớ cả đời. Cái món dân dã quê mùa sau cơn nước lớn mà đậm đà, ngọt lành hương vị quê hương làm ấm cả tuổi thơ dại khờ rơm rạ.
Nhưng mùa nước lớn giờ đây đã khác, đôi khi chỉ cần mưa là lũ đã về trắng đồng chẳng theo chu kỳ nào cả. Những cánh rừng già thượng nguồn bị đốn hạ, những công trình thủy điện mùa khô hanh trữ nước, khi mưa gió về lại mở cửa xả lũ khiến cho tình hình lũ lụt càng thêm phức tạp. Lũ triền miên xảy ra. Lũ như thiên binh trên trời bay xuống, như âm binh từ lòng đất mọc lên. Là hóm vậy. Nhưng kỳ thực, nhiều khi lũ đến quá nhanh làm bà con quê tôi trở tay không kịp. Vừa thấy nước mấp mé ngoài vườn chỉ vài phút sau đã xâm xấp nền nhà. Cơn lũ biến vùng đất quê tôi và nhiều nơi khác thành con sông lớn không thấy bãi bờ. Trâu, bò, lợn, gà bị lũ cuốn nổi lềnh bềnh khắp nơi trong dòng chảy xiết. Nơi lũ đi qua, áo quần, sách vở chìm ngập trong bùn nhầy nhụa. Những quyển sách kỷ niệm một thời tôi cất giữ cẩn thận trong tủ áo cũng bị nước nhấn chìm. Rã nát.
Vừa năm ngoái, lũ lại về. Cũng tầm thời gian này, tôi gọi về quê chỉ nghe giọng ba tôi gấp gáp: “Nước vào đồng rồi. Đang mấp mé ngoài vườn. Ba má lo di chuyển đàn heo lên chỗ cao đã. Mưa gió to, đừng dìa nguy hiểm. Dậy nghen con”. Rồi cụ cúp máy. Những đứa con xa quê chỉ biết liên hệ với gia đình bằng điện thoại mà phấp phổng lo âu. Cứ hễ mỗi lần nghe lũ về là ruột gan bồn chồn. Nước dâng đến đâu nỗi âu lo ngập tràn đến đó. Lũ lớn, những tay vớt củi thạo nghề như Mười Cơ, Hai Mẫn ở quê tôi từng ăn đời ở kiếp cạnh dòng sông Côn cũng rợn người trước dòng nước đục ngầu dữ dội. Nhìn dòng nước cuộn xiết chực như nuốt chửng bất kì điều gì, hai ông lắc đầu nguầy nguậy. Cơn lũ như trận đại hồng thủy, sợ nhà mình còn không giữ được, tâm trí đâu đi vớt củi. Tôi cũng kịp thấy sau mỗi cơn lũ, bờ đất được gia cố bởi những bụi tre đôi bờ sông Côn lại thêm phần xói lở. Lũ bứng cả gốc những bụi tre gai chỏng chơ giữa dòng chảy xiết.
Cũng trận lũ năm trước, khi lũ rút dần, tôi ì ạch chiếc xe máy lội qua mấy đoạn bờ tràn Tuy Phước. Thỉnh thoảng tôi lại thấy những căn nhà trống huơ không mái, chỉ còn sót lại hai phần ba vách tường còn lộ mảng gạch đỏ sẫm, phía dưới ngổn ngang những gạch ngói. Tôi còn ám ảnh mãi hình ảnh của bà Chín ở Diêm Vân, Phước Thuận, Tuy Phước. Mái tóc bạc trắng, ngồi thẫn thờ trước căn nhà sập sau lũ, bà lôi trong đống gạch ngói chiếc áo cũ nhàu còn vương bùn non. Khi ấy, trời nắng chói chang rọi vào căn nhà đổ nát, nắng ráo hoảnh trên đôi mắt úa già của bà Chín. Nắng chan chát như chưa từng có cơn lũ đi qua. Nhặt nhạnh từng chút một, bà Chín dùng đôi bàn tay thô ráp xoa xoa, như đang âu yếm đứa con ruột thịt của mình. Đôi mắt bà vẫn không rời căn nhà mà mình gắn bó bấy lâu nay. Tôi nghĩ đến tuổi già bảy mươi của bà cùng những cơn tai biến nhiều năm ròng rã. Có lẽ, bà đã khô nước mắt.
Năm nay, vừa nghe tin nước lớn và phong thanh đâu đó tỉnh bạn ào ạt xả lũ, các hồ thượng nguồn trong tỉnh đang mấp mé xả tràn điều tiết mà người dân đã thắc thỏm lo sợ. Cũng bởi, lũ lụt bây giờ, khác xưa nhiều quá! Chiều làm về, lại nghe được tin người phụ nữ ở quê bị nước cuốn trôi trong dòng chảy xiết mà lặng cả người. Lũ về, bao hiểm họa còn chực chờ phía trước. Ừ thì, “Ông tha bà hổng tha/ Sao qua cái lụt hai ba tháng mười”. Nhưng mong rằng, trong cơn lũ ấy “thủy thần” chẳng có những cuộc “hợp binh” gieo rắc những đau thương, mất mát…
V.P
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét