Nhà văn Trần Tâm
Một ngày áp tết, ông Thạo tự dưng về làng. Gặp ông, mừng quá tôi bất chợt kêu lên:
- Trời ơi! Bác Thạo! Từng ấy năm trời, bác đi những đâu?
Đáp lại lời tôi, ông cười khà khà, phô hàm răng giả sáng bóng trên gương mặt già nua, hằn sâu những vết nhăn dày đặc. Lững thững bước lên thềm, ông lởi xởi:
- Chà! Bây giờ già rồi. Sức yếu quá. Về thăm, ăn tết với bà con xóm cũ lần nữa. Tôi trối già đấy!
Ông lại cười. Cái cười hồn nhiên như không có điều gì hệ trọng. Ông khoe ở nơi đất khách, cửa nhà ông đã khá, xây ba tầng. Con cái lớn, ăn ra làm nên, thảnh thơi hơn, không phải lo lắng gì.
Còn nhỏ, tôi đã quen biết ông. Tính cách ông ngày ấy, làng tôi ít ai ưa. Ngoài thói cợt nhả bông phèng nhiều khi không đúng chỗ, có lúc ông còn tắt mắt. Những thứ ông lấy chả nhiều nhặn và giá trị gì nhưng dân làng nghèo. Bù lại, ông đôn đốc quát tháo, giải quyết công việc một cách tự nhiên khi nhà hàng xóm gặp bối rối cần sự giúp đỡ. Họ vừa quý vừa ghét ông. Ông thường la cà cùng bọn trẻ. Chúng tôi thường dông dài cùng ông và nghĩ về ông theo ý dân làng.
Ông gọi đi ăn thịt mèo. Đứa khoái, đứa thinh thích, đứa tò mò kéo nhau sang nhà ông. Tiếng lạo xạo bên trong giỏ. Tôi cầm, thấy nằng nặng. Ông kể con mèo đã nuôi ba bốn năm, to lắm, ăn mệt. Ông phân công đứa múc nước, đứa cọ nồi, đứa nhóm bếp, đứa đi vơ lá, vơ cỏ về thui.
Xong xuôi, ông xách giỏ ra ao, ném tùm xuống nước. Mấy phút sau, ông vớt lên. Nước chảy thành vệt dài từ bờ ao về đến bếp. Ông tháo hom, đổ ra. Con mèo vàng chết co, mắt mở trừng trừng. Tôi nhận ra ngay con mèo nhà tôi. Hai ba hôm nay không thấy. Bà tôi ca cẩm không biết mèo đi đâu hay hóa cáo rồi.
Nhà tôi có cây đào năm nào cũng sai lúc lỉu. Đến mùa quả chín, ông thường gọi tôi sang:
- Đào nhà mày chín chưa?
- Chín rồi bác ạ!
- Nói khoác! Tao thấy bé teo. Còn xanh lắm!
- Chín thật!
- Về vặt mấy quả tao xem, tao kiểm tra.
Tôi leo cây, chọn quả đã chuyển màu phớt trắng, phía núm lấm tấm những chấm đỏ. Xát đào vào quần cho sạch lông, ông cắn từng miếng, thong thả nhai, từ tốn ngẫm nghĩ, nói như phán xét:
- Đào này mới già, đã róc hột nhưng vẫn còn xanh. Chín là phải nghe lóc cóc trong từng miếng cơ!
- Không! Đào chín mà lại!
- Chưa! Nhà mày còn không? Đem cho tao mấy quả. Tao xem lại.
Tôi lại trèo, lại chọn. Có ngày mang sang hơn hai chục quả. Tới lúc ông gật gù xác nhận:
- À! Đào chín rồi đây!
Nhà thằng Đại mất cái thuổng. Không mấy khi dùng nên chả biết mất từ bao giờ. Mẹ nó ầm ĩ một lúc. Hôm sang nhà ông, nó thấy. Hỏi mãi, ông nói ông không biết. Xem cẩn thận xem. Nếu đúng thì mang về chứ ai lấy thuổng làm gì cho chật nhà chật bếp.
Ông rủ tôi với thằng Nam vào rừng hái quả:
- Trời ơi! Rừng là nơi âm thanh đêm ngày quyến rũ. Tiếng lá xanh rì rào. Tiếng lá khô sột soạt. Tiếng chim hót lảnh lót. Tiếng suối hát ngân nga. Âm thanh du dương, dịu dàng như vẫy chào, mời mọc. Những quả bứa căng tròn vàng tươi. Dùng tay bóp nhẹ, nước ngọt nước chua tứa ra, tha hồ húp. Húp chán, mới ăn ruột. Húp nước ấy, người ốm sắp chết cũng vật được voi. Dâu da đất, trĩu nặng những chùm quả to mọng như chùm vải, thả sức vặt. Những quả dom chín, đỏ như gấc, thơm hơn hoa, ngọt hơn đường. Ăn một lần, chỉ sợ chúng bay quen mồm lại níu áo, nằng nặc đòi đi theo cho bằng được.
Thế là chúng tôi theo ông. Ông chuẩn bị kỹ càng. Đổ gạo vào túi vải. Muối gói trong lá khoai nước. Diêm, dao... tất tần tật. Khoác túi lên vai, ông đi đầu, hùng dũng như duyệt binh.
Một ngày nhớ đời, mệt hút chết. Dăm quả bứa còi, xanh lè. Vừa chua loét vừa chát xít, ghê cả răng, gai cả người. Nhựa bám từng cục vàng răng, dính bết vào quần áo. Vài quả don bé bằng quả ổi còi, phải ném mạnh vào đá mới vỡ, đắng ngắt. Những chùm dâu da đất dày nặng nhưng quả bé bằng hòn bi ve. Cắn một miếng, chát đắng đến khiếp hãi không dám nhìn tới, nghĩ tới nữa.
Ông nói đi sớm quá, chưa tới mùa quả chín. Leo đồi nửa ngày, chúng tôi chỉ còn biết nằm thở. Ông chặt cây. Được một vác, ông gọi dậy. Đứa nào đứa nấy ngần ngại bước theo ông. Vừa đói vừa khát lại cồn ruột. Đầu ong ong hàng ngàn tiếng ve kêu quanh tai.
Đang đi, ông sững lại, ra hiệu cho chúng tôi dừng. Dựng nhẹ vác cây xuống, ông vơ mảnh tre đập dập vương dọc lối đi. Một con ong to hơn đầu đũa, đen bóng, loay hoay xoay mình trên lá cây. Cánh giương ra, vẫy vẫy như muốn bay. Nhanh như chớp, ông vụt. Con ong rơi xuống, giãy giãy chân cánh dưới mảnh tre tòe ra. Ông day day tới khi ong chết.
- Chúng bay ngồi đây chờ tao!
Ông vạch cây, rẽ bụi, khuất hẳn. Chúng tôi chờ, chả hiểu đầu cua tai ếch ra sao. Một vệt khói bốc lên. Tiếng củi cháy lách tách. Ông hiện ra:
- May thật! Có ong!
- Ong nào hở bác!
- Ong đen. Còn gọi là ong lỗ, ong bắp cày, ong phát xít. Loại này dữ lắm, đốt trâu, trâu cũng chết. Chúng hay bắt các loài ong khác, cắt cụt cánh, bắt làm nô lệ, khuân đất xây tổ cho chúng. Bọn ong xấu số kia đi thành đàn, è cổ mang vác. Chỉ một con trong bọn chúng đi theo, canh như canh tù binh. Con nào đi không đúng hàng hoặc yếu quá, chỉ có chết. Loài ong này rất khôn. Làm tổ ở đâu cũng canh gác ba bốn vòng, xa đến vài cây số. Tổ chúng to, ở dưới đất, có khi rộng sâu như ao làng. Từ xa đã nghe lục bục như nồi cám sôi. Càng vào gần, ong canh gác càng dày, càng nhiều. Phải giết chết những con canh gác vòng ngoài rồi theo chiều gió mà đốt lửa. Đốt xong phải chuồn nhanh. Thấy lửa, chúng thường tập trung đái vào cho tắt. Chúng thấy thì mình toi đời. Tao đã đi đốt chúng mấy lần. Lửa tắt còn phải đến xem xét cẩn thận nhỡ có những con sống sót. Đào khơi từng mảng xác ong, nhanh chóng giết nốt bọn ngắc ngoải. Lần ấy, tao gánh tới ba gánh nhộng. Chúng mày ăn chưa? Nhộng ong thì tuyệt, vừa béo vừa bùi.
Khói dần dần bốc cao. Lửa cháy thành ngọn. Ông nhìn như người đón đợi niềm vui. Khói đen đặc. Cây cối nổ đôm đốp. Những tàn tro lả tả, rơi dày quanh chúng tôi. Gió mạnh thêm. Không gian rần rật hơi nóng. Lửa réo à à. Những cây cổ thụ lá lay lắt, thâm lại rồi nhanh chóng bùng cháy ngang trời. Cả khu rừng phút chốc biến thành biển lửa.
Quơ vội cái túi sách, ông kéo chúng tôi chạy. Chạy miết. Mệt quá. Chúng tôi bải hoải nhìn nhau thở. Mặt ông quắt lại, xạm vì bụi. Từ phía xa, khói đen bốc lên làm tối cả mảng trời. Chả biết mình ở đâu, ông cũng lo, hối hả giục đi, không thiết gì đến cây, đến nhộng nữa. Quần áo chúng tôi rách tướp vì gai cào. Thằng Nam ngã xây xước cả mặt mũi. Tôi thâm tím chân tay. Ông khuyên cố gắng mà đi. Ở rừng qua đêm không chuẩn bị gì chỉ làm mồi cho hổ dữ. Đi mãi, chúng tôi gặp khe nước. Chả ai ngăn, ai xui, tất cả cùng vục uống lấy uống để. Ông giục chúng tôi gom cành khô rồi mang túi gạo ngâm nước. Ông vác dao đi, len khuất trong những tầng lá đan rậm rạp.
Sau khi uống nước khe tỉnh táo được chút ít, mồ hôi vã ra đầm đìa lại càng mệt tợn. Chúng tôi nửa nằm nửa ngồi chờ ông. Bụng réo ùng ục. Hơi thở như có lửa. Thằng Nam nhìn trời, nhìn cây, lo lắng dồn cả lên mặt:
- Lần sau có thưởng kẹo, các vàng, tao cũng thèm vào!
Lễ mễ ôm về năm sáu khúc tre, sai chúng tôi cắt cứa cho hở một đầu nhưng ống không giập, ông xuống khe, vớt túi gạo lên, xòe xòe, tãi tãi trên tay. Ông luồn gạo vào ống, đổ nước, vơ lá tươi cuộn thành nút, nút đầu ống, vùi trong lửa. Ông bắt chúng tôi thu gọn củi cành, không để lửa cháy lan ra rừng rồi lại vội vàng đi. Khi về, ông ném năm con kỳ nhông to như bắp tay xuống đất. Chúng tôi reo lên nhưng hãi quá. Cả năm con đều bị vụt chết. Da dúm dó, xám mốc bụi đất trông giống tắc kè nhưng hung hãn, ghê gớm hơn. Dọc từ đỉnh đầu, giữa hai mắt, một hàng gai da sù sì, lởm chởm kéo đến ngang lưng. Miệng lưỡi con nào con nấy thè lè, đỏ như ngậm son ướt. Ông mang cả xuống khe. Chúng tôi cời lửa. Lúc lên, ông đặt từng con trên lớp than hồng. Lũ kỳ nhông đã sạch da, sạch ruột, trắng bóc. Nước mỡ chảy trên than xèo xèo. Chúng tôi trải lá, chẻ ống cơm, cắt thành từng khoanh ăn với thịt kỳ nhông nướng, xé chấm muối. Những khoanh cơm rắn chắc ngọt ngào. Những miếng thịt thơm thơm.
Ông hứa, nếu thích hôm nào ông dẫn đi đập kỳ nhông. Ban ngày mắt kém, chúng thường nằm im một chỗ, luôn thay đổi màu da cho giống với xung quanh. Phải lặng yên, kiên trì quan sát. Đánh giỏi và gặp may chỉ cần đi một ngày, mang về bán đủ tiền mua gạo ăn nửa năm. Chúng tôi bĩu môi nhìn nhau.
Ăn xong, chúng tôi nghỉ, ngủ gà trên đám cành lá tươi mới bẻ, trải thành nệm. Mùi cây hăng hăng. Mùi lá mục lá rừng ngai ngái. Ông nằm một lúc đã dậy, giục đi nhanh, theo dòng suối chảy thế nào cũng tìm thấy người, thấy đường. Chúng tôi lại rẽ cành, luồn cây, lội nước. Lá cây thối rữa, sủi bọt, oàm oạp dưới chân. Muỗi ve ve quanh tai, đốt tịt cả cổ. Đàn vắt vươn dài, bò lều nghều, vắt vẻo quanh những thân gỗ mục.
Sau cũng gặp được người. Họ chỉ đường ra Mông Dương. Ở nhà, tôi đã nghe thị trấn Mông Dương buồn tẻ và heo hút. Cả ngày chỉ có một chuyến xe ra Cửa Ông. Cửa Ông cách nhà tôi chục cây số. Chăm chăm nghe người hướng dẫn xong, quay sang chúng tôi, ông lắc lắc đầu:
- Xa đấy! Không sao! Tao có bà cô. Vào ăn cơm. Cần thì ngủ lại, mai về. Năm trước tao tới, bà ấy giết con gà trống thiến hơn ba cân. Nhai thịt gà vã mãi, chua cả miệng.
Chúng tôi thiểu não bước. Ông cũng mệt, ít nói hẳn. Cuốc bộ hơn một giờ, chúng tôi dừng lại trước cánh cổng kết bằng nhiều thân cây nhỏ buộc gá làm vỉ. Ông nhấc cổng vào. Nhà vắng teo. Con chó nhỏ lông rụng xơ, thấy người lạ, “oác”, “oác” mấy tiếng không thèm đứng dậy. Ông đẩy cửa. Chẳng thấy ai. Bàn ghế chơ chỏng. Nồi niêu bát đĩa lăn lóc mỗi thứ một nơi. Nghe tiếng rên, chúng tôi mới chú ý đến chiếc giường kê trong góc tối. Một người nằm, trùm khăn áo kín mít:
- Cô Bảo đấy ạ? Cô làm sao thế?
- Tao ốm nửa tháng nay. Thạo đấy à? Cơm nước gì chưa? Gọi con Thảo về xem nó vay đâu bơ gạo, thổi cơm mà ăn. Rau ngoài suối ấy!
- Thôi cô ạ! Nghe tin cô ốm, cháu tới thăm. Chả kịp mua gì cho cô đâu!
Bà cô rên hừ hừ đáp lại. Ông bấm chúng tôi ra. Con chó lại “oác, oác” . Bực sẵn, ông mắng:
- Muốn sủa tự lưng vào tường hãy sủa. Kẻo ngã đấy!
Chúng tôi mặt nhăn như bị nặng nhọc bước, mong nhờ cậy được người nào đó. Đầu trìu trĩu. Chân như đeo cùm. Trăng đầu tháng đã mọc, vàng khè phía trời tây. Dưới trăng, lòng đường nhờ nhờ sáng. Những khu đồi, những ngọn núi thâm sì, xa gần như đàn voi ngủ. Tiếng gió khua lá chạy loạt xoạt. Chúng tôi sợ, dúm dụm vào ông. Ông chẳng nói, cứ cắm cúi bước.
Bỗng nghe “bịch”. Một bọc đen tròn to như vành mũ lăn trên dốc xuống. Ông lao đến, mừng rỡ hét to:
- Lại đây! Chúng mày! Sống rồi! Nhanh lên!
Một con tê tê đi ăn đêm. Thấy động bất ngờ, nó cuộn tròn mình lại, lăn dọc triền dốc xuống lòng đường. Ông thít dây quanh nó, thúc chúng tôi vơ cành vơ củi. Khi lửa đã lớn, ông ném tê tê vào. Chúng tôi ngồi vạ vật đợi lửa tàn. Con tê tê chừng non ba cân, lửa hun đen thui. Không có nước, ông phủi phủi, đập đập cho hết than đất bám ngoài, cạy từng mảng vảy mảng da bỏ đi. Thịt tê tê thơm và ngon lắm, ăn mãi mới hết. Vừa ăn, ông vừa cười vừa kể. Mệt nhọc như tan đi qua lời ông:
- Trong cái rủi bao giờ cũng có cái may. Nếu chúng bay không đi, không lạc rừng đến khi nào mới được ăn thịt tê tê nướng. Rồi chúng bay xem. Còn khối!
Theo ông, tê tê rất khỏe. Nó đã bò, người không làm gì được. Hôm ông cầm đuôi kéo, nó vẫn khoét đất đá, chẳng coi ra gì. Chỉ lúc sau, nó đã mất hút vào hang mới đào. Nếu không buông nhanh chắc đã gẫy tay, rách nách. Sau này mới biết. Khi tê tê đào hang chỉ việc dúi nhanh nó vào rồi giật mạnh ra, bắt ngon ơ. Không loài thú nào dám tranh chấp với nó. Bọn cáo chồn cũng kiêng mặt. Nó thường tìm ổ kiến, ổ mối để phá phách. Thấy động, kiến mối túa ra. Nó nằm yên, dựng hết vảy lên, để trơ da cho chúng xúm vào đốt cắn. Lưỡi nó lo le chụp bắt những con bò ngang qua. Bất ngờ, nó ép chặt vẩy lại. Kiến mối bị kẹp dưới lớp vẩy dày chắc như ngói lợp. Nó đứng lên, giương vẩy, rùng mình rũ xác kiến mối ra, ăn đến no. Nó đào rất giỏi. Chả thế mà người ta gọi xuyên sơn giáp. Có nghĩa con vật mặc áo giáp, đục xuyên qua được núi. Nó thường làm tổ trong hốc cây to hoặc cướp tổ của loài khác, sửa sang lại để ở. Chúng bay chuẩn bị đi. Nghe tiếng “bịch” phải tới nhanh. Nó cuộn mình lại để tự vệ là chết với ta. Còn thi sức với nó, nó kéo bác cháu mình như kéo cành củi vậy.
Chúng tôi vừa đi vừa để ý nghe ngóng. Chả thấy tiếng “bịch” nào. Còn đang lê lết chợt thấy xe chở dung dịch của địa chất đi qua. May mắn làm sao ông vẫy, họ cho đi nhờ. Về mà khiếp mãi.
Mùa hè. Đồng làng tôi lúa chín như mời mọc. Từng bầy sẻ kéo về đông tới vài trăm con. Ông đi bẫy chim. Chả biết ông bắt hay mua ở đâu dăm ba con sẻ chưa vỡ bọng cứt, quanh mép còn vàng, nhốt trong cái giỏ tre to hơn vốc tay. Ông buộc giỏ trên chạc tre đã chọn sẵn. Bên ngoài quấn đan những dây bòng bong trông xa như một lùm cây. Chọn nan tre cứng, ông vót nhẵn làm thành hàng loạt cạm, cài cắm chi chít trên lùm cây ấy.
Mặt trời lên cao, ông mới xách lồng, vác cây ra gốc đa đình. Xem xét từng cái cạm cặp, cái giỏ tre, lùm bòng bong xong, ông vác ra giữa đồng cắm xuống. Quay lại gốc đa, dậm dậm lắc lắc xem lồng chim đã chắc chắn chưa, ông lần theo bờ cỏ, vồ châu chấu, vặt cụt chân cánh, bỏ vào ống bơ. Những con châu chấu nằm ngửa. Cái ức rộng xanh vàng lăn qua lăn lại. Bụng phập phồng lên xuống. Có con mồm ứa ra cục nhựa thâm đen như máu chết.
Chốc chốc, ông lại ra lùm cây tự tạo ấy mang về dăm bảy con sẻ. Những con sẻ nghe “loách choách” ở trong giỏ như tiếng gọi mẹ của đàn con mất người săn sóc, bay đến đậu vào cạm, bị giữ chặt lại.
Chiều thẫm, ông gỡ bỏ dây lá bòng bong bắt đầu rũ héo, vác về gốc đa. Bỏ những thanh tre kẹp vào túi áo, ông bắt từng chim non ra, bóp nhẹ hàm để nó há miệng đút từng con châu chấu vào. Cái lồng to có ngày chen chật những con chim dại dột, chết vì tình đồng loại và lòng yêu thương.
Tôi thích theo ông xem bẫy chim và nghe tán dóc. Sợ nhất khi thấy người đến mua chim đưa chén rượu vào tay ông. Ông cầm lưỡi dao bào cứa nhẹ vào cổ chim, nơi ông vừa vặt trụi lông. Cổ chim đỏ hỏn, phồng lên mạch máu màu xanh tái. Mỗi con chỉ một, cùng lắm hai giọt máu. Giọt máu rỏ xuống, dãn vòng ra rồi thong thả bỏ từng sợi dài xuống đáy chén. Ông lắc lắc nhẹ cho máu tan dần. Người mua nâng chén, tợp một ngụm. Ông ném xác chim lên mặt lồng, xoa xoa tay, chờ người đến mua con khác.
Ngày ấy, việc săn bắt tìm bẫy chim không ai hỏi han, ngăn cản phiền phức. Ông vừa được miếng lại vừa được tiếng góp công bảo vệ mùa màng. Người có ruộng còn quý mến ông dù họ không nói ra.
Những năm sau này, rừng bị phá kiệt cùng. Quê tôi không còn nước để cấy lúa. Đất đồng khô ran. Nước tưới trông vào Mắt Rồng - nơi sâu trũng nhất làng. Có năm, trâu lồng thụt xuống đó, không kéo dậy được rồi chết. Nước Mắt Rồng mỗi năm một cạn. Không còn lúa. Ri sẻ thôi kéo về hàng đàn. Chim chóc dần dà thưa thớt, phải chú ý mới thấy.
Ngõ làng tôi có rặng nhãn, cành lá xanh om. Trưa chiều đi làm về, người ta thường tụ tập, nằm ngồi hoặc đứng nghỉ. Những ngày hanh hao nhìn đồng mà lo. Đất khô khốc, nứt nẻ từng khoanh, từng mảnh. Bước chân trên ruộng như đi trên bánh đa. Bụi bay mờ trong gió. Những con bọ xít to vàng màu lửa nhạt lốm ngổm bò trên rặng nhãn. Từng tảng trứng tròn tròn bằng miệng chai chứa những hạt xanh xanh bất kỳ chỗ nào. Trên lá tươi, lá khô, vỏ cây, gạch đá... Từng đàn bọ xít mới nở hôi xì, màu xám nhạt vằn đỏ bò lung tung lên người, lên quần áo. Có đứa bị nó đái vào mắt, sưng húp. Năm nào nhãn cũng dày hoa nhưng vắng quả. Lẻ tẻ những con chim sẻ choe chóe tranh giành nhau, mổ những con bọ xít to như ngón chân cái. Tôi gọi ông Thạo:
- Bác xem! Sẻ ăn bọ xít.
Ông cười, cái cười nửa miệng:
- Làng quê nghèo. Chim cũng không kiếm nổi thức ăn, phải ăn vớ vẩn.
Lâu lâu không thấy ông. Thấm thoát ba chục năm rồi.
Tết ấy, tôi mời ông dự bữa cơm tất niên tại nhà. Vừa ăn, bác cháu vừa nhắc lại chuyện cũ. Ông cười. Vẫn cái cười quen thuộc ai hiểu sao cũng được.
Khi từ giã, ông run run cầm tay tôi, giọng trầm xuống:
- Anh ạ! Tôi đã già. Đêm khó ngủ được trọn giấc. Nằm trằn trọc trên giường hay nghĩ lan man. Tiếng chim báo sáng xôn xao nghe đầm ấm thiêng liêng thế. Nghĩ đến những việc làm ngày trước thấy tội lỗi nặng nề. Tôi gần đất xa trời rồi. Thấy bọn trẻ phá phách cây cối, săn bắt chim chóc, làm những việc tệ hại, anh hãy vì tôi khuyên giải đôi lời. Nếu có thiệt thòi gì mong anh nhận cho vì tôi, tại tôi.
Rồi ông đi. Bóng nhòa trên đường làng trong cái đêm mọi người tiễn đưa một năm cũ, chào đón một năm mới... Từ bấy đến nay tôi không còn gặp lại.
T.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét