Hồi tôi còn nhỏ, hằng năm vào đầu tháng mười một âm lịch là lúc bà con Tân Châu sống nghề câu lưới bắt đầu vào mùa cá bông lau, liền sau mùa cá linh lên.
Cá bông lau sống ở những vùng nước sâu trên sông Tiền và sông Hậu, từ cửa biển tới ranh giới Campuchia, con lớn nặng hàng chục kí. Thịt ngon nên bán được giá. Dân đồng bằng sông Cửu Long không ai lạ gì với tô canh chua cá bông lau.
Xóm tôi có ông Sáu Kèn chuyên sống nghề giăng lưới cá bông lau. Đoạn sông từ cù lao Long Khánh tới Vĩnh Hòa ông thuộc nằm lòng chỗ sâu chỗ cạn. Sập tối ông cùng thằng con trai lớn bơi xuồng tìm nơi thả lưới. Ông nhìn chỗ nước có nhiều cá nhỏ tung tăng, biết chắc độ sâu trên mười thước mới thả lưới. Cá bông lau ở đáy sông, phát hiện mấy chú cá linh, lòng tong… bên trên sẽ lần theo săn mồi. Bủa lưới kiểu ông sáu Kèn thì quá đúng. Mỗi đêm hai cha con kiếm vài ba con, khi hên được năm sáu con. Một miệng đáy cá linh chạy suốt đêm thu hằng chục giạ, bán không bằng năm con cá bông lau lớn. Khi thả lưới xong, để tránh ghe tàu vấp phải, ông đánh dấu bằng những chiếc đèn ve trên những phao nhỏ. Trong bờ ngó ra thấy những đóm sáng nhấp nhô theo sóng tợ ma trơi.
Mùa cá bông lau nhằm mùa nắng, nên hai cha con ông Sáu Kèn ngủ luôn trên xuồng được che hờ bởi tấm cà rèm tránh sương. Mấy đêm đầu hơi khó ngủ do chưa quen, nhưng vài hôm thì bình thường. Nhìn sao trời lấp lánh, gió thổi vi vu chờ con nước thăm lưới ông thấy lòng thanh thản. Làm nghề này không cạnh tranh với ai, được cá thì bạn hàng tới mua cũng không dám ép giá vì là mặt hàng quý, làm ăn lâu dài cần giữ mối. Thím sáu nuôi thêm vài con heo, vén khéo việc chi tiêu nên nhà cửa không đến nỗi tồi tàn, cuộc sống tạm ổn.
Thế nhưng lòng sông Tiền, đoạn chảy qua Tân Châu ngày một cạn dần, cá bông lau giảm hẳn. Trước đây ông Sáu Kèn mỗi đêm kiếm được ba bốn con nặng gần chục kí là chuyện thường. Giờ thì một hai con đã khó, có đêm không được con nào! Ông mua lại chiếc máy đuôi tôm hiệu koler cũ của người quen gắn vô xuồng để làm thêm nghề đưa khách từ bờ ra mấy chiếc tàu buôn neo đậu. Kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy. Thời gian này tàu buôn ngoại quốc qua lại Căm-Bốt phải dừng ở Tân Châu một hai ngày chờ làm thủ tục quan thuế và đổi hoa tiêu, nên thủy thủ có thời gian lên bờ dạo chơi. Nhiều người thấy vậy sắm xuồng lườn đưa rước kiếm tiền khá hơn chạy xe lôi. Xế chiều hôm đó Sáu Kèn đứng chờ thằng con ở bến thì có hai thanh niên đi xuồng máy tấp lại. Chiếc xuồng này cũng gắn máy Koler giống hệt của ông. Một trong hai người lên tiếng:
- Tụi tui rất gấp mà máy nổ lụp bụp, hình như xăng có nước, sợ không đi xa được. Xin ông vui lòng đổi tạm, nội trong đêm nay sẽ hoàn lại. Đừng cho ai biết, sẽ hậu tạ sau.
Sáu Kèn rất ngạc nhiên, nhưng nhìn thái độ gấp gáp và thành khẩn của họ, vốn tánh thương người nên bằng lòng. Ông cũng không buồn dòm kỹ xuồng khách.
Đúng như lời hứa, khoảng 9 giờ tối một trong hai người ấy trở lại đổi xuồng, tặng ông ít tiền rồi đi ngay. Ngày tháng dần trôi, lần lượt vợ và thằng con trai bệnh mất, còn lại đứa con gái thì có chồng xa, thỉnh thoảng về thăm. Ông Sáu giờ già yếu, cá bông lau đã bỏ Tân Châu lần lên thượng nguồn, nơi sông sâu sinh sống, nghề đưa đò cũng thôi vì tàu buôn không neo đậu nữa. Hằng ngày ông đánh cờ tướng, ai tới mượn cạo gió thì cạo, cho ông ít tiền ông nhận, không cũng được, chẳng hề đòi hỏi bao giờ. Ông sống cuộc đời bình lặng, cô đơn trong tình làng nghĩa xóm mà nhớ những đêm thả lưới cá bông lau. Ông tiếc nuối như chàng trai vuột mất mối tình đầu.
Mấy năm sau, sức khỏe ông Sáu Kèn sa sút hẳn, mắt mờ, tai lãng. Ông vẫn tự tay nấu cơm, bữa ăn luôn đạm bạc với mớ rau hay vài con cá chốt của hàng xóm biếu. Họ biết ơn ông bởi ông cạo gió không đau lại nhiệt tình bất kể ngày đêm. Hôm đó có người đàn ông trung niên ghé nhà hỏi:
- Xin lỗi… chú có phải Sáu Kèn?
Ông gật đầu:
- Tui đây. Có chuyện gì hông chú em?
- Chú còn nhớ hai người trên chiếc xuồng xin đổi với ông gần mười năm về trước?
Sáu Kèn nhíu mày nhớ lại man mán thì khách tiếp:
- Giờ chỉ còn lại một. Người kia đã hy sinh… Chiếc xuồng hôm đó mang thuốc tây cho cách mạng. Định vượt sông qua Thường Thới, nơi hẹn trước thì bị phát hiện. Buộc lòng tụi cháu phải làm chuyện táo bạo đổi xuồng.
- Lâu quá tui không nhớ rõ. Mà lúc đó cũng chẳng coi kỹ xuồng mấy chú có những gì…
Vị khách nhìn sáu Kèn ái ngại nói:
- Hỏi thăm mới biết chú sống một mình. Bà con xung quanh rất mến chú, nhưng hầu hết đều nghèo. Họ có giúp đỡ cũng chừng mực thôi. Hay… cháu viết một cái đơn giùm chú xin công nhận gia đình có công với cách mạng, để được trợ cấp hằng tháng. Cháu đứng ra làm chứng…
Sáu Kèn suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Thôi đi chú em. Lúc đó tui có biết mấy chú chở thuốc tây “vô trong” đâu? Chẳng qua thấy mấy chú gấp gáp, còn bảo máy sắp hư thì giúp đó thôi. Công với cán gì chớ! Mà tui cũng già rồi, sống không bao lâu. Kể lể mắc cỡ lắm.
Nghe lời lẽ cứng cỏi có phần cương quyết, người khách lạ không biết nói gì hơn đành từ biệt, lòng mang nhiều kính trọng.
Mấy tháng sau ông Sáu Kèn mất. Chòm xóm ngậm ngùi thương tiễn ông như thương mùa cá bông lau xa dần trong ký ức.
L.K
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét