Mê đá gà, Cảnh Thịnh giết Lê Trung
Bước đường cùng, Lê Chất đầu Phúc Ánh.
* * *
Nói về vua Cảnh Thịnh ở Phú Xuân nhận được thư Lê Trung. Đọc xong vua bảo Vũ Tâm Can:
- Lê Trung mật báo với ta rằng: Chờ Lê Trung dâng thành Quy Nhơn hàng Phúc Ánh rồi, ta đem thủy binh vào chận cửa Thị Nại. Bộ quân ta từ Quảng Ngãi đánh vào. Sai Nguyễn Quang Huy giữ vững Phú Yên, án ngữ ải Cù Mông. Đồng thời cha con Lê Trung, Lê Chất ở trong thành làm nội ứng. Như vậy chắc chắn là bắt được giặc Ánh. Ngươi mau mời vợ chồng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và Vũ Văn Dũng đến bàn việc quốc gia.
Vũ Tâm Can bàn rằng:
- Vợ con Lê Trung còn ở trong tay Nguyễn Phúc Ánh. Nếu Lê Trung bày kế ấy hóa ra hại chết vợ con mình sao? Theo hạ thần còn có điều đáng ngờ.
Cảnh Thịnh giật mình hỏi:
- Hay là Lê Trung lập kế gạt ta đem quân vào cho Nguyễn Phúc Ánh vây đánh? Theo ngươi nên báo cho Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng cùng bàn bạc chăng?
Can vội vã can:
- Không nên! Lúc trước bệ hạ sai Trần Quang Diệu giết Vũ Văn Dũng và Đặng Văn Long. Diệu không nghe lại báo cho Long và Dũng biết. Dũng coi thường bệ hạ mới dám giết thái sư. Nếu hai người này nghe tin ấy không suy xét cặn kẽ vội tin lời Lê Trung hóa ra đem quân ta vào chỗ chết hay sao? Theo hạ thần chớ nên báo cho Diệu và Dũng hay.
Cảnh thịnh gật gù hỏi:
- Lời ngươi thật hữu lý, vậy phải làm sao phân tỏ thực hư?
Can đáp:
- Hạ thần xin sai người vào Quy Nhơn dò xét xem sao rồi sẽ liệu.
Vua Cảnh Thịnh chuẩn tấu. Vũ Tâm Can về nhà thưa chuyện cùng mẹ. Vũ Mẫu bảo:
- Nếu Nguyễn Vương mất rồi thì sao ta có thể phá nát cơ nghiệp nhà Tây Sơn báo thù cho cha con.
Can hỏi:
- Vì lẽ ấy con mới can Quang Toản chớ tin lời Lê Trung. Theo mẹ giờ phải làm sao?
Vũ Mẫu đáp:
- Ta phải cứu Nguyễn Vương.
Vũ Tâm Can liền viết mật thư sai người tín cẩn vào Diên Khánh trao cho Nguyễn Vương. Nguyễn Vương xem xong kinh sợ nói:
- Lần này nếu không có Vũ Tâm Can báo tin ắt ta đã lầm kế Lê Trung. Vũ Tâm Can và ta không ơn nghĩa với nhau sao hắn lại giúp ta?
Đặng Đức Siêu bước ra thưa:
- Khi Nguyễn Nhạc dấy loạn ở Tây Sơn, cha Vũ Tâm Can là Vũ Tất Thận hiệu Huyền Khê đem hết gia đinh của cải theo giúp. Sau Huyền Khê vì phạm luật quân bị Nguyễn Nhạc xử tội chết. Từ đó về sau Vũ Tâm Can oán hận anh em Nhạc, Huệ quyết chí báo thù. Có lẽ vì thế mà Can mới cứu thượng vương chăng?
Nguyễn Vương thở phào nói:
- Ấy thật là trời đã bày ra chuyện Huyền Khê bị giết mà giúp cho ta diệt Tây Sơn vậy.
Đoạn Nguyễn Vương giận dữ vỗ án quát:
- Lê Trung tráo trở! Quân bay đem vợ con nó ra chém hết cho ta.
Đặng Đức Siêu can:
- Xin thượng vương bớt giận. Ta dùng thượng sách dụ Lê Trung dâng thành hàng không được thì ta dùng trung sách.
Nguyễn Vương hỏi:
- Thế nào là trung sách?
Siêu đáp :
- Xui Cảnh Thịnh giết Lê Trung là trung sách.
Rồi Siêu kề tai Nguyễn Vương nói nhỏ. Nghe xong Nguyễn Vương khen:
- Tuy là trung sách nhưng vẫn là diệu kế vậy!
* * *
Ngày ấy nơi ngự điện tại kinh thành Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh đang săm soi con gà sắc lông đen tuyền. Vua ra chiều thích thú bảo tên thái giám rằng:
- Con gà của ta mỗi khi gáy đều nhảy lên cành hoặc tường cao, không bao giờ đứng dưới đất mà gáy. Trong sách tướng gà gọi đó là Thần kê. Chọi nhau không bao giờ chiến bại.
Tên thái giám nói :
- Thần nghe nói có một người dân nuôi gà hay nổi tiếng. Người ấy có một con gà mỗi khi ngủ đều nằm nghiêng một bên. Nghe đồn cũng không hề chiến bại.
Vua Cảnh Thịnh cả mừng bảo:
- Con gà ấy trong sách tướng gà gọi là Tử mị kê đều là gà quý. Ngươi hãy lấy trăm lạng vàng đi mua con gà ấy về đây cho ta.
Tên thái giám vâng lệnh đi ngay. Vừa lúc ấy quân vào báo rằng:
- Tâu bệ hạ, có một người xưng là quân dưới trướng của Lê Trung xin vào bẩm báo điều cơ mật.
Cảnh Thịnh liền truyền vào bảo:
- Ngươi là ai, báo điều cơ mật gì?
Người ấy đáp:
- Thần là quân dưới trướng của Lê Trung, hay tin Lê Trung mưu cùng Nguyễn Bảo toan dâng thành đầu hàng Phúc Ánh. Thần vội ngày đêm về báo cùng bệ hạ.
Cảnh Thịnh giật mình hỏi:
- Ngươi có bằng chứng gì chăng?
Tên quân đáp:
- Có thư do chính tay Lê Trung viết trao Phúc Ánh để xin hàng. Kính trình bệ hạ duyệt lãm.
Cảnh Thịnh xem rồi, trao thư cho Vũ Tâm Can. Đọc xong Can hỏi:
- Lê Trung trước là tay chân của Nguyễn Nhạc. Nay vợ con bị Phúc Ánh bắt nên mới mưu cùng Nguyễn Bảo hàng giặc. Vậy bệ hạ tính thế nào?
Vừa lúc ấy tên thái giám mua con gà Tử mị kê về đến. Cảnh Thịnh liền đem con Thần kê ra cho hai gà đá nhau. Đá một hồi bất phân thắng bại, bỗng con Thần kê quay đầu chạy. Cảnh Thịnh vỗ tay bảo:
- Con Thần kê giả thua dụ địch đuổi theo để đá đòn Hồi Mã Thương ấy mà.
Bỗng Vũ Tâm Can xen vào hỏi:
- Còn việc Lê Trung bệ hạ tính thế nào?
Lúc ấy con Thần kê cứ giả thua chạy mãi mà con Tử mị kê đuổi cầm chừng chẳng chịu theo sát, thành ra con Thần kê không đá được đòn Hồi Mã Thương. Thấy vậy Cảnh Thịnh bảo:
- Gọi về! Gọi về nữa!
Can nghe vậy đáp: “Thưa vâng” rồi lấy bút nghiên viết chiếu chỉ, lấy ngọc tỷ ấn đóng dấu triện rồi sai sứ vào Quy Nhơn gọi Lê Trung. Trung nhận được chiếu chỉ triệu hồi kinh bèn bảo Lê Chất rằng:
- Nay cha phải về kinh phục mệnh vua. Con phải thay cha canh phòng cẩn mật các nơi hiểm yếu không được sơ sẩy.
Lê Chất dò hỏi:
- Cha xin vua xuất quân để ta giả hàng dụ Phúc Ánh vào thành mà bắt. Sao vua không xuất quân lại gọi cha về kinh?
Trung nhíu mày đáp:
- Có thể vua còn ngờ ta nên gọi ta về rồi mới xuất quân chăng?
Chất lo lắng nói:
- Hoàng thượng tuổi còn nhỏ lại chẳng phải minh quân cha nên khá đề phòng mới được.
Trung thở dài bảo:
- Ta phải về để tỏ lòng trung, việc phúc hoạ phó thác cho trời chứ đề phòng thế nào được.
Nói đoạn Lê Trung lên ngựa trực chỉ Phú Xuân.
Hôm ấy vua Cảnh Thịnh đang xem hai con Thần kê và Tử mị kê đá nhau. Con Thần kê lại quay lưng bỏ chạy. Cảnh Thịnh bàn rằng:
- Hôm trước con Thần kê giả thua dùng đòn Hồi Mã Thương quay lại mà đá, may thay con Tử mị kê ngả nghiêng mình tránh khỏi. Nay con Thần kê giả thua vừa chạy vừa dậm chân liên hồi, ắt sắp sửa đá đòn Song Long giáng hải. Không biết con Tử mị kê sẽ chống đỡ thế nào?
Bỗng Vũ Tâm Can vào thưa rằng:
- Tâu bệ hạ, Lê Trung về đến đang quỳ trước sân rồng xin phục mệnh.
Vừa lúc ấy con Thần kê vùng tung người lên lộn một vòng từ trên cao chém hai chân xuống lưng con Tử mị kê. Vua Cảnh Thịnh thấy vậy la lên rằng:
- Chém !
Hô vừa dứt lời, hai cựa của con Thần kê đã cắm vào lưng con Tử mị kê. Tử mị kê bị đòn độc tránh không được thủng phổi chết tươi.
Vũ Tâm Can nghe vua hô chém bèn quay ra thét:
- Võ sĩ đâu! Hoàng thượng ra lệnh đem Lê Trung ra chém tức thì!
Võ sĩ đem đầu Lê Trung dâng trước thềm rồng. Cảnh Thịnh đang ôm con Tử mị kê vào lòng mếu máo khóc than:
- Tuy rằng nó không bằng con Thần kê thật nhưng cũng là gà quí. Thật đáng tiết thay! Mau đem đi chôn!
Quân sĩ nghe lệnh liền đem đầu Lê Trung và xác con Tử mị kê ra ngoài.
* * *
Nói về Lê Chất ở thành Quy Nhơn ngày đêm lên mặt thành ngó về Nam than:
- Không biết Nguyễn Phúc Ánh có tin lời hoãn binh của nhạc phụ ta chăng? Và đối xử với nhạc mẫu và vợ ta như thế nào?
Than rồi lại day mặt về Bắc thở dài nói:
- Còn nhạc phụ ta về phục mệnh vua, chẳng hay lành dữ thế nào mà chưa nghe tin tức?
Than vừa dứt lời, xảy quân chạy vào báo:
- Thưa đô đốc, Lê tướng quân về triều bị vua Cảnh Thịnh sai quân đem chém. Hiện vua đang cho quân vào bắt đô đốc. Xin đô đốc định liệu.
Nghe xong Lê Chất hét lên một tiếng ngã lăn ra đất. Tả hữu xúm lại đỡ dậy. Chất khóc ngất rằng:
- Thương thay nhạc phụ ta một lòng trung với chủ phút chốc phải chết oan! Nếu vua em Quang Trung không sớm băng hà thì gia đình ta đâu tan nát thế này!
Tả hữu hỏi:
- Xin đô đốc gác cơn phiền muộn. Nay việc đã như vậy, đô đốc liệu thế nào?
Lê Chất gạt nước mắt bảo:
- Đã đến nước này ta chỉ còn một con đường về đầu Nguyễn Phúc Ánh để cứu vợ ta và nhạc mẫu mà thôi.
Nói xong Lê Chất đem vài trăm quân tín cẩn xuống thuyền vượt biển vào Diên Khánh đầu hàng Nguyễn Phúc Ánh.
Gặp Nguyễn Vương, Chất quỳ tâu:
- Hàng tướng Lê Chất xin ra mắt thượng vương.
Nguyễn Vương thấy Lê Chất không lộ vẻ gì là sợ sệt, vương bèn quát:
- Võ sĩ lôi ra chém!
Chất điềm nhiên hỏi:
- Thần đã thuận hàng sao lại chém thần?
Nguyễn Vương hỏi lại rằng:
- Chẳng phải ngươi giả hàng làm nội ứng hay sao?
Chất đáp:
- Lúc đầu định giả hàng để bắt thượng vương. Nay nhạc phụ thần bị Cảnh Thịnh giết chết lại sai quân vào Quy Nhơn bắt thần. Vậy nên bây giờ là hàng thật.
Nguyễn Vương nạt:
- Nếu ngươi thực hàng sao không dâng thành Quy Nhơn mà vào đây hàng làm gì?
Chất đáp:
- Cảnh Thịnh sai quân vào Quy Nhơn bắt thần, thần phải lo chạy thoát thân nên không thể báo cho thượng vương hay được.
Nguyễn Vương vỗ án quát:
- Lê Chất to gan! Ta bắt được gia quyến của ngươi thương tình không giết gọi cha con ngươi về đầu. Ngươi định dùng kế giả hàng bắt ta, thật là đáng chết. Nay ngươi cùng đường mới đến đây cũng là bất đắc dĩ mà thôi. Quân bay lôi ra chém!
Võ sĩ xông vào bắt Lê Chất. Chất ngửa mặt cười lớn mấy hồi. Nguyễn Vương hỏi:
- Ngươi cười gì mãi thế?
Chất nín cười đáp:
- Thần cười thượng vương chỉ nhớ thù nhỏ mà quên lợi lớn.
Nguyễn Vương nhíu mày hỏi:
- Thế nào là lợi lớn?
Chất đáp:
- Nếu thượng vương giết thần vì trước thần lập kế hại thượng vương, ắt tướng sĩ Tây Sơn không ai dám hàng mà quyết lòng đánh nhau với thượng vương tới chết mà thôi. Ấy là thượng vương đã quên lợi lớn vậy.
Nguyễn Vương cười đáp:
- Ta chỉ doạ Lê Chất một tý thôi. Chất không sợ hãi quả là một đấng anh hùng. Nay ta phong ngươi chức tướng quân cùng theo ta đánh giặc lập công chuộc tội. Vậy ngươi có kế gì chiếm Quy Nhơn, Phú Yên chăng?
Chất đáp:
- Dụng binh cốt ở chổ thần tốc. Nay tướng giữ Quy Nhơn là Vũ Thanh vừa được lệnh Cảnh Thịnh vào bắt thần. Vũ Thanh là kẻ bất tài. Vả lại cha con thần vừa bị hại khiến lòng người ngờ vực không yên. Thượng vương nên lập tức đem thuỷ quân ra đánh, chỉ một hồi trống là chiếm được Quy Nhơn mà thôi. Quy Nhơn mất, Phú Yên tất phải lưỡng đầu thọ địch, Nguyễn Quang Huy dù có tài cũng không thể nào giữ được. Nếu để lâu ngày Trần Quang Diệu hoặc Vũ Văn Dũng vào giữ thì thần e rằng quân ta không thể thắng được.
Nguyễn Vương hỏi:
- Cha con ngươi so với Diệu, Dũng thế nào?
Chất đáp:
- Cha con thần tài trí hèn kém không thể sánh cùng Diệu, Dũng được.
Nguyễn Vương liền bảo:
- Truyền lệnh ta lập tức xuất quân!
Mùa hạ năm kỷ mùi (1799) Nguyễn Vương đem thuỷ quân ra đánh Quy Nhơn. Quả như lời Lê Chất nói, quân Tây Sơn không dám chống cự lui vào thành cố thủ. Quân Gia Miêu tiến lên vây thành. Tướng Tây Sơn giữ thành Quy Nhơn là Vũ Thanh sợ hãi mở cửa ra hàng. Vào thành rồi Nguyễn Vương vui vẻ bảo các tướng:
- Đất Quy Nhơn là nơi phát tích của giặc Tây Sơn. Thành Quy Nhơn do thằng buôn trầu Nguyễn Nhạc xây nên rồi đổi tên là Hoàng Đế thành. Nay ta đã bình định được Quy Nhơn, trong khiến uy danh lừng lẫy, ngoài khiến địch lo sợ hoang mang. Cơ hội khôi phục đã chắc lắm rồi. Vậy để đánh dấu bước ngoặt quan trọng đó, từ nay về sau đổi tên thành Quy Nhơn là Bình Định (Địa danh Bình Định từ ấy xuất hiện trên nước Nam).
Nói xong Nguyễn Vương hỏi Lê Chất:
- Chiếm thành Bình Định công đầu là của Lê Chất. Vậy Phú Yên phải đánh thế nào?
Chất hiến kế:
- Thượng vương cấp cho thần năm ngàn quân, thần xin theo đường núi vòng qua phía tây ải Cù Mông vào đánh Nguyễn Quang Huy tất chiếm được Phú Yên.
Nguyễn Vương hỏi:
- Có phải con đường này ngày trước Nguyễn Huệ dùng đánh Tống lão tướng quân chăng?
Chất đáp:
- Thưa chính là đường ấy .
Nguyễn Vương ngẫm nghĩ giây lát rồi bảo:
- Nay ta cho Lê Văn Duyệt và ngươi đem năm ngàn quân vào đánh Phú Yên.
Lê Chất và Lê Văn Duyệt bèn bảo quân sĩ thay y phục quân Tây Sơn rồi lặng lẽ theo đường núi mà đi, đến hòn núi cao chất ngất đá dựng chớn chở, Lê Văn Duyệt lo ngại hỏi:
- Nếu quân Tây Sơn mai phục ở đây thì liệu thế nào?
Chất trấn an Duyệt:
- Đây là núi Dương An (1) hiểm trở cao lớn nhất ở Quy Nhơn là sào huyệt của người Thượng. Nếu là quân lạ dù thiên binh vạn mã cũng không qua được núi này.
Chất vừa dứt lời bỗng nghe tiếng quát lớn:
- Bọn người kia là ai dám qua núi này?
Lê Chất bình tĩnh đáp:
- Bọn tôi là quân của vua Trời!
Người Thượng lại hỏi:
- Quân vua trời đi đâu đấy ?
Chất đáp:
- Quân chúa Nguyễn đã chiếm mất thành Hoàng Đế nên bọn tôi phải vào Phú Yên cùng Ngân Câu Bạch Mã đô đốc Nguyễn Quang Huy. Nếu quân chúa Nguyễn đuổi theo nhờ dân làng chặn đánh giùm cho.
Quân người Thượng thấy bọn Chất, Duyệt vận y phục quân Tây Sơn ngỡ là thật bèn cho đi.
Nói về tướng Tây Sơn trấn thủ Phú Yên là Nguyễn Quang Huy ngày đêm canh phòng cẩn mật ải Vân Phong và ải Cù Mông khiến quân Nguyễn Gia Miêu không sao đánh được. Đêm ấy bỗng nghe súng nổ ầm ầm ở phía tây thành. Nguyễn Quang Huy còn đang ngơ ngác thì quân hớt hải vào báo rằng:
- Lê Chất về hàng Nguyễn Phúc Ánh. Chất dẫn giặc theo đường núi Dương An đánh vào phía tây thành. Hiện giặc đã vào thành, xin tướng quân định liệu.
Quang Huy bèn cầm lấy Ngân Câu lên lưng Bạch Mã ra trước trận gặp Lê Chất. Chất vòng tay thi lễ nói:
- Cháu mình mặc giáp trụ không thể giữ lễ được, xin chú thứ lỗi. Nay vua Tây Sơn hôn muội làm lắm điều tàn bạo trái ý trời nghịch lòng dân, cơ sụp đổ đã rõ. Xin chú hãy theo về Nguyễn Vương là hơn.
Nguyễn Quang Huy nạt rằng:
- Lê Chất! Cha con ngươi viết mật thư bảo ta hết sức chẹn lối Cù Mông để cha con ngươi giả hàng bắt Phúc Ánh. Không ngờ ngươi lại gạt để đánh lén ta. Ngươi thật phường phản chủ.
Chất cúi đầu đáp:
- Bởi hôn quân không tin theo kế ấy, gọi cha tôi về triều giết đi. Tôi phải bỏ chỗ tối theo chỗ sáng chứ không có ý gạt chú. Xin chú hãy bỏ nhà Nguyễn Tây Sơn theo nhà Nguyễn Gia Miêu may ra còn đường sống.
Huy giận lắm trợn mắt hỏi:
- Nhà ngươi đã quên ơn chúa cũ?
Chất khóc ngất đáp:
- Ngũ Tử Tư chỉ nhớ thù cha!
Nguyễn Quang Huy nghe xong liền vung móc câu đánh Chất và Duyệt. Đánh một hồi liệu không thắng được. Huy liền quày ngựa chạy về hướng bắc. Lê Văn Duyệt bảo quân:
- Mau đuổi theo giết chết Nguyễn Quang Huy.
Lê Chất vội ngăn lại bảo:
- Xin tướng quân chớ giết Nguyễn Quang Huy.
Duyệt dò xét hỏi:
- Vì sao lại cản không cho ta đuổi theo giết tướng giặc?
Chất nói:
- Nguyễn Quang Huy là tướng tài của Tây Sơn. Nay Huy chạy về hướng bắc ắt là chạy ra cố thủ ải Cù Mông. Phía bắc ải Cù Mông là thành Bình Định mà chúa ta vừa chiếm được. Vậy tôi và ông đem quân vây mặt nam ải Cù Mông rồi báo cho chúa ta đem quân vào vây mặt bắc. Nguyễn Quang Huy cùng đường tất phải đầu hàng. Ấy chẳng phải là chúa ta lại được thêm một viên tướng giỏi hay sao?
Biết Lê Chất muốn cứu Nguyễn Quang Huy, Lê Văn Duyệt bảo:
- Cái tài và tình của ông thật đáng khâm phục!
Nói xong Duyệt viết mật thư sai quân ra Quy Nhơn trao cho Nguyễn Vương, rồi kéo quân ra vây mặt nam ải Cù Mông.
Nguyễn Quang Huy chạy về ải Cù Mông. Đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống mặt nam, mặt bắc thấy quân Nguyễn Gia Miêu dàn trận hàng hàng lớp lớp, tả hữu lo âu hỏi:
- Địch quân đóng dày cả sao ta phá vây được?
Nguyễn Quang Huy vung móc câu nói:
- Ta thà chết chứ không hàng Nguyễn Phúc Ánh!
Nói đoạn Quang Huy thúc bạch mã xuống đèo. Đi theo chỉ còn lại trăm quân tín cẩn. Nguyễn Quang Huy gặp địch đánh nhầu, một hồi quân sĩ đi theo đều chết cả. Huy còn lại một mình gặp tướng đánh tướng, gặp quân giết quân. Ngân câu vung ra đâm chết vài tên, thu về móc câu cắt đầu mấy mạng, suốt dọc đường hai mươi dặm Huy tả xung hữu đột như chỗ không người. Nguyễn Vương đứng trên gò cao trông thấy hỏi:
- Người cỡi ngựa trắng đang đánh quân ta có phải là Nguyễn Quang Huy chăng?
Tả hữu đáp:
- Thưa phải! Quân Tây Sơn thường gọi hắn là Ngân câu Bạch mã Nguyễn đô đốc.
Nguyễn Vương than rằng:
- Tướng Tây Sơn có những kẻ như Nguyễn Quang Huy, Lê Trung; nếu Cảnh Thịnh là đấng minh quân thì ta mong gì khôi phục được cơ đồ.
Đoạn Nguyễn Vương quay lại bảo quân:
- Truyền lệnh ta phải bắt sống không được bắn.
Tả hữu thưa:
- Nghe nói Nguyễn Quang Huy còn có tài bắn cung rất giỏi. Xin thượng vương hãy khá đề phòng.
Nguyễn Vương cười nói:
- Từ nơi ta đứng đến chỗ Huy xa bằng hai tầm tên thì việc gì phải ngại.
Quang Huy trông thấy Nguyễn Vương liền lấy cung đeo trên lưng mà bắn một phát. Nguyễn Vương không đề phòng bị tên trúng nhằm bả vai. Ôm vai lảo đảo Nguyễn Vương nhăn nhó hỏi:
- Quang Huy bắn tên gì mà đi xa thế?
Tả hữu đáp:
- Quang Huy dùng cung sắt không ai kéo nổi, tầm tên đi xa gấp mấy cung thường.
Nguyễn Vương vừa nhổ tên vừa quát:
- Bắn chết nó cho ta!
Lệnh truyền ra, quân Nguyễn Gia Miêu liền nhả đạn. Thương thay Nguyễn Quang Huy trúng đạn ngã gục trên lưng bạch mã khi vừa đến ngã ba đường vào núi Dương An! (Nay là ngã ba Diêu Trì – Qui Nhơn)
Nguyễn Vương thu quân vào thành Bình Định rồi gọi ngự y đến săn sóc vết thương. Thấy Nguyễn Vương đau đớn, Đặng Đức Siêu bàn rằng:
- Nay đã hết mùa gió Nồm dùng thuỷ quân bất lợi. Bộ quân ta lại khó qua khỏi đèo Thạch Tân mà đánh Quảng Ngãi. Vả lại thượng vương đang bị thương. Vậy theo thần, ta nên rút đại binh về Gia Định dưỡng sức rồi sẽ liệu sau.
Nguyễn Vương ôm vai nhăn nhó bảo:
- Nhưng đất Quy Nhơn là nơi phát tích của giặc Tây Sơn. Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng thế nào cũng đem quân vào đánh. Sao ta có thể lui về Gia Định được.
Ngô Tùng Châu bước ra thưa:
- Thần xin tiến cử một người trấn thủ Bình Định thì có thể đối địch được với Diệu, Dũng.
Nguyễn Vương hỏi:
- Người ấy là ai?
Châu đáp:
- Ấy là Hậu quân phò mã Võ Tánh!
Nguyễn Vương mừng rỡ nói:
- Có đệ nhứt hùng trong Gia Định tam hùng trấn thủ Bình Định thì ta còn lo gì nữa. Nhưng trước khi về Gia Định ta muốn quật mồ thằng buôn trầu Nguyễn Nhạc và tổ tiên nó lên làm tội ta mới hả dạ.
Ngô Tùng Châu vội can:
- Thưa thượng vương việc ấy không nên!
Nguyễn Vương nghiêm mặt bảo:
- Anh em thằng buôn trầu Nhạc, Huệ giết hết họ hàng nhà ta, khiến ta phải bao phen nằm gai nếm mật. Lúc đảo Côn Lôn, khi Phú Quốc lại có lúc phải sang cày ruộng đất Tiêm La. Thằng buôn trầu Nguyễn Nhạc dù quật mồ lên mà xử cũng chưa hết tội sao khanh lại bảo là không nên?
Ngô Tùng Châu cung kính đáp:
- Đành rằng Nguyễn Nhạc tội rất lớn, nhưng dù sao cũng đã chết rồi. Nếu thượng vương làm thế hoá ra ta là người không khoan dung ư? E rằng lòng người không phục thì thật là bất lợi cho thượng vương trên con đường khôi phục cơ đồ.
Nghe xong Nguyễn Vương liền vui vẻ nói:
- Lời khanh rất phải, vậy nay ta phong khanh làm hiệp trấn cùng Võ Tánh trấn thủ thành Bình Định đem nhân nghĩa chiêu an bá tánh, thu phục lòng người.
Ngô Tùng Châu và Võ Tánh cùng lạy tạ.
Nguyễn Vương rút đại binh về Gia Định.
(Hết chương 63)
1-Tên thường gọi là núi Ông, thuộc huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét