Minh Nguyệt
Nàng biến mất đã hai năm bốn tháng mười một ngày mà đốm lửa ấy vẫn không chịu nguội tắt. Góc nào trong nhà cũng khiến tôi va vào hình bóng của nàng. Bước vào cửa là chạm ngay đôi dép đi trong nhà có con thỏ bông trắng muốt, treo cái áo khoác lên giá lại chạm phải chiếc áo lót vải xanh mềm mại, xuống bếp chạm những bông hoa làm bằng giấy nhún xinh xinh trên nóc tủ lạnh, vào phòng ngủ chạm son dưỡng môi hương dâu và chiếc váy ngủ lụa mềm. Nhìn thấy tấm hình hai đưa chụp ngày cưới xinh tươi… Mọi vật dụng của vợ vẫn rải rác đây đó trong nhà, tôi thầm nghĩ nàng chỉ đi đâu đó chút rồi về. Nhiều lần tôi lục tung tủ quần áo, cố hình dung xem Huyền đã mặc đồ gì lúc ra đi, nhưng mù mịt.
Hạnh phúc vốn ít được lưu tâm nhưng nỗi đau lại thường khoét sâu vào ký ức. Tôi nhận ra điều này khi tuyệt vọng nhìn chữ “ấm” đậu trên những vật dụng quen thuộc của nàng cứ ngày một rơi rớt, còn chữ “buồn” và chữ “nhớ” mỗi ngày lại chen chúc chật đầy. Tụi bạn “mất tự do” của tôi có lần khích bác: “Nhà ông giờ trông giống viện bảo tàng quá, sao không cất hết ký ức đi mà sống cho vui vẻ?”. Tôi chỉ cười trừ. Mọi thứ vẫn nguyên vẹn như chưa hề mất mát, kể cả cái ổ khóa cũ không còn bảo đảm an toàn tôi cũng không dám thay mới. Nàng đã đột ngột biến mất, biết đâu một ngày nào đó sẽ đột ngột trở về. Biết đâu…
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy nàng là sáng 10 tháng 10 đúng ngày sinh của tôi, cũng là ngày nàng ra đi không một lời từ biệt. Hôm đó tôi dậy trễ, có súc miệng đánh răng nhưng không kịp cạo râu, vừa cài nút áo vừa bước ra cửa vừa càu nhàu chuyện vợ không chịu kêu mình dậy sớm. Nàng lẳng lặng không nói gì, tôi vừa ra tới cửa thì bất ngờ nàng choàng ôm tôi từ phía sau, thật chặt. Chặt và vướng víu - tôi đã cảm nhận vậy trong lúc ruột gan cồn cào vì sợ trễ cuộc hẹn với đối tác. Nếu biết đó là vòng ôm cuối cùng của nàng, hẳn tôi đã không vội vàng gỡ tay vợ ra. Tối đó trở về nhà, không thấy nàng đâu. Tôi đi tìm khắp nơi, gọi điện thì không thể kiên lạc… tôi lo sợ có điều gì xảy ra. Hôm sau, tối đến nhớ vợ và rất buồn liền đi nhậu với tụi bạn tới nửa khuya. Chỉ sáng hôm sau, khi mắt vẫn nhắm nghiền và cái đầu nhức bưng bưng còn ép trên gối, tôi mới lờ mờ nhận ra một điều gì khác lạ. Căn nhà chông chênh, không có tiếng bước chân đi lại nhẹ nhàng, không có tiếng xoong chảo chạm khẽ khàng trong bếp, không có tiếng nước chảy rủ rỉ từ buồng tắm… Không một âm thanh quen thuộc dù nhỏ. Ngôi nhà trở nên vắng lạnh, câm lặng. Tôi trở dậy nhớn nhác tìm kiếm - không thấy nàng. Bấm điện thoại - không liên lạc được. Mở tủ - đồ đạc của nàng vẫn đấy. Từ lúc ấy hình như giác quan thứ sáu mách bảo nàng đi ra khỏi nhà lần này có một điều gì bí ẩn và ghê sợ.
Một ngày rồi mấy trăm ngày sau nữa trôi qua, nàng không về. Giá như nàng để lại một tín hiệu, một lời nhắn nào đó như một lá thư sướt mướt đầu giường, hay một dòng chữ nguệch ngoạc trên mẩu giấy dán ngay cánh cửa tủ lạnh chẳng hạn, thì có lẽ tôi đã không hoang mang đến vậy Chắc chắn không phải bị bắt cóc, hoặc rối loạn thần kinh đi tự tử. Nàng hoàn toàn tỉnh táo, không hề có chút nào thể hiện bị tâm thần, bị ức chế và trước lúc nàng đi chúng tôi không hề xảy ra chiến tranh lạnh hoặc cuộc cãi vã to tát. Ngay trước mấy hôm nàng đi chúng tôi vẫn ân ái vợ chồng rất hạnh phúc, thậm chí trong cuộc sống không thấy nàng có biểu hiện gì về bồ bịch, tình nghĩa vợ chồng đều không có gì phải khiến nàng không chịu được mà bỏ chồng con ra đi im lặng như vậy. Tôi đến liện hệ với cơ quan của nàng thì được biết, nàng có nộp đơn xin thôi việc. Hỏi vậy chớ cô đi đâu, thì mọi người trong cơ quan đều ngơ ngác. Ngày cưới nàng gia đình tôi cũng không nhất trí bởi nàng là “người vô gia cư”, theo như nàng nói thì bố mẹ nàng ở quê đã mất cả rồi, họ hàng thân thích thì còn nhưng ai cũng ghét bỏ nên nàng như trẻ mồ côi… Tuy nhiên, nàng đã vượt qua tất cả để học hành. Nay có học thức và đang có việc làm ổn định ở một cơ quan trong thành phố. Nàng thổn thức: “Nếu anh yêu em, muốn cưới thì anh cứ cưới…”. Chưa bao giờ tôi nghe nàng kể về thời thơ ấu, về gia đình, mỗi lần hỏi về thời thơ ấu, về gia đình nàng đều lặng thinh và nhắc tôi nếu lần sau hỏi nữa thì nàng sẽ rất buồn. Cũng chưa bao giờ nàng thủ thỉ với tôi chuyện tương lai kiểu như khi nào tụi mình làm đám cưới, anh thích đứa con đầu lòng là con trai hay con gái, có con rồi thì cuộc sống cần những gì? Tôi áp đặt tổ chức đám cưới mà chưa cần giấy kết hôn.
Cuối cùng để có trách nhiệm với nàng và con gái, tôi đành báo với bên công an để nhờ họ tìm ra nàng ở đâu. Đăng cả tin tìm người nhà trên ti vi. Nhưng thời gian cứ trôi đi mà Huyền vẫn biệt vô âm tín. Tôi còn phải làm việc ở cơ quan. Có lúc tôi trộm nghĩ: Cô ta tự bỏ đi như thế là tàn nhẫn. Cũng có gì ràng buộc đâu mà phải hao hơi, tổn sức tìm kiếm. Nhiều lần tôi nghĩ vậy nhưng rồi vẫn cứ thấp thỏm bồn chồn. Tôi muốn gặp nàng, để hỏi nguyên do tại sao lại biến mất. Không phải là níu kéo, tôi chỉ muốn hỏi cho ra lẽ vậy thôi. Tôi xốc xới mớ ký ức còm nhom của mình và nhớ ra ngôi trường nàng từng học, xốc xới hồ sơ của nàng lưu ở đó và tìm ra làng xóm nơi nàng từng sống, lại xốc xới cái xóm nghèo nàn ấy để tìm ra ngôi nhà nhỏ bé xiêu xiêu từng che mưa nắng cho nàng một thuở ấu thơ… Cuối cùng thì tôi cũng gặp được cha nàng, một người đàn ông có dáng đi tập tễnh và ánh nhìn lạnh lẽo. Cả câu nói rớt ra từ đôi môi khô nẻ kia cũng sắc lạnh: “Từ sau ngày mẹ nó mất nó có thò mặt về được bữa nào… nó coi tôi như chết rồi, mà hết chuyện làm hay sao cháu lại đi tìm con bé mất dạy đó cho mất công vậy?”. Tôi đứng chết trân ngơ ngác trước khi chị của nàng kéo tuột tôi vào căn nhà bên cạnh, kể cho tôi nghe câu chuyện về “con bé mất dạy”. Chuyện bắt đầu từ khi đài truyền hình chọn gia đình nàng làm đối tượng nhận giúp đỡ trong chương trình truyền hình “Tổ ấm yêu thương”. Tiêu chí của chương trình là tìm kiếm lựa chọn những gia đình nghèo mà hạnh phúc, để giúp họ thoát nghèo và duy trì hạnh phúc. Người ta nói gia đình nàng hội đủ hai tiêu chí ấy.
Đoàn khảo sát hăm hở băng đồng, lội suối tìm đến ngôi nhà liêu xiêu trống hoác, họ hình dung ra câu chuyện đặc biệt về một gia đình đặc biệt. Chuyện bắt đầu từ hình ảnh người chồng, người cha tập tễnh trở về nhà sau những ngày tha hương xứ người kiếm sống. Đón ông là hai đứa con nhỏ và người vợ bụng đã lùm lùm sau áo – kết quả từ đâu ra “sản phẩm” này thì ông đâu được người vợ cho biết. Và người chồng đã gạt bỏ những đau đớn bẽ bàng, lặng lẽ chăm sóc vợ con, cưu mang cả giọt máu rơi rớt lạc loài (sau này chính là nàng)… Câu chuyện chắc chắn sẽ lấy được nhiều nước mắt của khán giả, gia đình nàng sẽ được giúp vốn làm ăn hoặc được xây nhà mới, hoặc có khi được cả hai, nếu không có vụ trả lời phỏng vấn làm vỡ lở tất cả. Khi được hỏi: “Các cháu mơ ước điều gì nhất?”, anh nàng trả lời ước làm bác sĩ để giúp chân cha bớt đau những lúc trở trời, chị nàng trả lời ước có ngôi nhà mới để mẹ không phải thức dậy nửa khuya che chắn chỗ ngủ mấy anh em khỏi dột ướt. Câu trả lời của anh chị nàng khiến một số người trong đoàn khảo sát rưng rưng nước mắt. Nhưng đến khi hỏi nàng thì nàng đã lập tức làm cho những rưng rưng ấy trở nên khô khốc bằng một câu nói mười chữ đanh gọn: “Con ước ông ấy không bao giờ đánh mẹ nữa”. Câu nói của đứa trẻ bảy tuổi lem luốc đã bóc trần một sự thật: Người mẹ khốn khổ vẫn thường xuyên chịu những trận đòn đến từ cơn ghen xộc tới bất kỳ lúc nào của chồng, vẫn thường xuyên phải rát mặt bởi câu hỏi đay nghiến lặp đi lặp lại: “Có thật cô bị cưỡng bức? Nó là thằng nào? Ở đâu?...”. Mẹ nàng cắn răng chịu đựng tất cả. Bà nhẫn nhịn tất cả, nhận thêm những đớn đau để mong sao xoa dịu cơn đau đớn trong lòng chồng. Đứa trẻ tám tuổi chưa thể hiểu được những điều phức tạp. Nó uất ức và phản kháng. Vì sự phản kháng ấy mà niềm hy vọng của gia đình nàng chấm hết. Nghèo và hạnh phúc - Hai tiêu chí bắt buộc của chương trình thì gia đình nàng chỉ chứng minh được một, tiêu chí thứ hai rơi vỡ cùng với lời con trẻ. Nên đoàn khảo sát đã lặng lẽ rời đi. Mắt người đàn ông trụ cột của khó nghèo từ đó vằn thêm những tia hằn học.
Suốt chặng đường về, tôi không sao bứt mình ra khỏi hình ảnh một đứa bé còm nhom luôn lủi thủi một mình trong xó xỉnh nào đó ở cái nơi mà nó gọi là nhà, luôn thu mình lảng tránh tầm mắt của người mà nó gọi là cha. Đứa bé ấy đã làm cách nào để có thể trở thành một người dịu dàng đằm thắm như nàng - người vợ của tôi?. Câu chuyện về đứa bé bị hắt hủi, bất chợt làm tôi nhớ tới một buổi tối xem ti vi cùng nàng, hình như cũng chương trình Tổ ấm yêu thương thì phải. Thực ra hôm đó chỉ một mình nàng xem, còn tôi đang bận bịu với công việc. Nàng nói trong nghẹn ngào: “Không biết nhà đó có thoát được nghèo không… Mà hết nghèo rồi thì họ có còn hạnh phúc nữa không anh nhỉ?”. Tôi suýt buột ra miệng cái câu “chuyện thiên hạ mà em” nhưng kịp dừng lại, rồi rót vào tai nàng mượt êm: “Thì càng hạnh phúc hơn chứ sao, hạnh phúc như tụi mình mà em…!”. Nàng như con mèo ngoan nằm yên dưới bàn tay ve vuốt dịu dàng của tôi. Tôi chưa kịp vùi vào đôi môi mịn thơm của nàng thì từ đó lại thoảng ra câu hỏi thẻ thọt: “Sao người ta không chọn những nhà nghèo không hạnh phúc rồi vừa giúp họ thoát nghèo vừa tìm cách giúp mọi người trong gia đình họ hiểu nhau hơn, yêu thương nhau hơn... Làm vậy thì chương trình càng có ý nghĩa hơn chứ sao?”, “Ừ thì… Tiêu chí vậy mới hạn chế được số lượng. Chớ nhà nghèo xứ mình tràn lan vậy chương trình nào kham cho nổi”- Tôi nói với nàng. Nàng trầm ngâm và “dạ”. Tiếng dạ nhẹ mềm như một bông hoa tuyết, tan vào lòng tôi mát rượi: “Em thích chuyển qua làm truyền hình quá! Ước gì em được làm chương trình này…”. Hình như đó là lần đầu tiên nàng nói về mơ ước. Tôi không hào hứng với những dạng câu ở thì tương lai kiểu vậy, nên với tay lấy cái điều khiển tắt ti vi. “Em thích lên truyền hình lắm sao?”. Nàng im lặng. Ti vi cũng bặt câm. Xem như chấm dứt cái chủ đề mà tôi không mấy quan tâm.
Vào một buổi tối , tôi dang ngồi bên máy tính, điện thoại rung bần bật sát bên làm người tôi nảy lên như lo xo. Từ khi nàng biến mất, tiếng điện thoại rung vào buổi tối luôn khiến tôi thon thót giật mình. Giọng thằng bạn gấp gáp: “Ông bật ti vi kênh 9 nhanh lên, hình như có Huyền…”. Tôi chồm đến cái ti vi. Chương trình vừa chớm hết. Những dòng chữ trên màn hình nối nhau chạy lên cao, đè lên cảnh quay khái lược hoạt động của ê kíp thực hiện chương trình. Trên màn hình phẳng lỳ, một bóng áo tím thấp thoáng tới lui giữa những người làm chương trình bận rộn, tôi nhận ra nàng. “Ông để mất cô ấy nơi nào thì phải tìm lại ở ngay nơi ấy, biết chưa?” - Giọng bạn từ chiếc điện thoại rớt vào tai tôi chậm rãi, đánh thức mớ ký ức nhộn nhạo trong đầu. Tôi nhận ra không phải nàng đột ngột biến mất hôm mùng mười tháng mười mà thực ra nàng đã mòn dần, khuyết dần mỗi ngày một ít trước đó, cho đến ngày rỗng không. Tôi chợt nghĩ: có lẽ niềm tin, những chăm chút thương yêu trong nàng đã mòn đi một ít nơi gian bếp thênh thang - những hôm nàng ngủ gục bên mâm cơm tối nguội lạnh… Có lẽ cơ thể nàng đã tan đi một ít trên mớ chăn nệm ấm mềm, hôm tôi để mặc mơ ước của nàng lang thang một mình xa xót… Và có lẽ chút mỏng mảnh cuối cùng của tất tật mọi thứ thuộc về nàng đã bốc hơi hết ngay trên bậc cửa - hôm nàng chong mắt thức đợi một cuộc vui tàn…
Tôi đã không làm gì để ngăn cản sự khuyết mòn của nàng, giờ bỗng hoang mang không biết phải bắt đầu từ đâu cho cuộc hành trình tìm lại những gì đã mất, như bạn tôi vừa bảo: “Ông để mất cô ấy nơi nào thì phải tìm lại ở ngay nơi ấy, biết chưa?...”.
M.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét