Minh Nguyệt
Đám cưới của chúng tôi diễn ra khá linh đình tại một khách sạn sang trọng ngay bên hồ Tây thơ mộng. Nhà trai mời tới mấy trăm quan khách, ăn suốt hai ngày. Tôi lâng lâng hạnh phúc, thấy mình tự nhiên… oai hẳn lên. Từ một cô cử nhân nghèo vừa ra trường, còn đang chui rúc trong xóm trọ rẻ tiền, tôi bỗng trở thành vợ đại gia. Thật bỏ cho những ngày tôi dũng cảm chia tay cái nghèo đến với giàu sang. Tôi cho rằng quyết định của mình là sáng suốt, đúng đắn. Ngờ đâu, hôm đón dâu từ khách sạn về tôi thấy mình được đưa đến ngôi nhà cũ của bố mẹ anh. Gian phòng dành cho cô dâu chú rể chỉ vỏn vẹn 12 m2 ở gác hai, muốn lên phòng phải leo qua một cái cầu thang quá hẹp, rộng chừng 60 phân. Sau đêm tân hôn tôi mới hỏi anh tại sao không được ở ngôi nhà mà mấy lần em đến, anh cười bảo: “Căn nhà ấy mẹ đã cho thuê rồi, hai đứa về ở chung với bố mẹ cho ban đầu nó có tình cảm. Khi hỏi anh chiếc ô tô sang trọng anh từng lái đưa đón tôi lúc đang yêu đâu, thì anh lại bảo: “Ô tô ấy bây giờ dành cho bố đi làm rồi”. Tôi chợt nhớ lại hồi trước khi cưới, tôi mấy lần được “đại gia” dẫn về nhà anh. Đó là căn hộ khá rộng rãi, nằm ngay khu trung tâm thành phố. Tôi ngất ngây, cứ đinh ninh vợ chồng sẽ dọn đến đó sống riêng.
Những ngày tháng buồn của tôi bắt đầu. Qua cách ứng xử của mẹ chồng, tôi biết bà chẳng quý gì tôi. Chẳng qua vì anh là “quý tử” độc nhất của bà đòi cưới tôi nên bà buộc phải gật đầu. Việc bà bắt tôi dọn đến ở chung, cũng là để kiềm soát, thậm chí kìm kẹp tôi mà thôi. Mẹ chồng giao cho tôi làm việc nội trợ. Bà nói với người hàng xóm mà tôi nghe được: “Nhà thì to rộng, đã “nuôi” con dâu rồi dại gì thuê thêm người giúp việc”. Hàng ngày bà đưa tiền cho tôi đi chợ chỉ đủ mua những thực phẩm đã dặn, chứ không thừa thãi gì. Trong khi đó, tôi không được đi làm, tiền lương không có, như chim chậu, cá lồng, một xu để chi tiêu cho bản thân cũng không có. Mẹ chồng tôi nhiều tiền nhưng bà rất “cảnh giác” với tôi, có lẽ bà sợ tôi lấy tiền của nhà chồng để giúp nhà mình chăng? Phòng ngủ của mẹ chồng, phòng làm việc, phòng đồ… lúc nào cũng khoá kín, tôi không được phép bước vào đó. Đi đâu, làm gì bà cũng kè kè chùm chìa khoá to bự trong tay, chẳng khác nào coi tôi như là người ăn, kẻ ở không đáng tin cậy trong nhà. Có việc gì phải bàn bạc mẹ chồng cũng chỉ cho gọi con trai, con gái (chị chồng tôi) vào phòng, Lúc này tôi tủi thân và ân hận thì đã muộn.
Cô đơn, khủng hoảng, tôi chỉ biết hy vọng vào người chồng đầu gối tay ấp. Nhiều lần tôi tâm sự thật với anh, anh chỉ giải thích: “Việc nhà là do mẹ sắp đặt tất, anh và em phận con cứ thế mà thực hiện. Anh nói với mẹ những điều em “tố” ra thì mẹ chẳng để yên cho vợ chồng mình đâu. Anh biết tính mẹ mà, khẩu xà tâm phật... ”. Nghe anh nói, hy vọng của tôi mong anh sẽ là chỗ dựa vững chắc đã trở hành mây khói. Khi còn yêu, tôi thấy anh hào nhoáng đẹp trai, tiền nong rủng rỉnh... đúng chất con nhà đại gia vậy mà... cưới rồi tôi mới biết anh là “cái thùng rỗng kêu to”. Tiền của anh tiêu, cơm ăn, áo mặc đều do mẹ chu cấp. Mẹ cho bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu. Anh chẳng có nghề ngỗng và việc làm ổn, như “cây tầm gửi” bám vào “váy” mẹ, ngày ngày cứ chơi dài. Vì thế không bao giờ anh dám làm phật ý mẹ. Ngay một việc đơn giản như nói lời thanh minh cho tôi, rằng mong mẹ hãy mở rộng lòng với vợ anh, mà anh cũng không dám hé nửa lời. Những ngày như thế cứ trôi qua, tôi cảm thấy mình thật vô nghĩa trong cái nhà mà tôi tưởng đó là “đại gia” này. Nhiều lúc, tôi lại ước giá mình được sống độc lập, tự do và được “nghèo” như ngày trước. Cái thời kỳ còn độc thân nơi xóm trọ, ít tiền nhưng được tự do để thực hiện những ước mơ và hoài bão của mình. Tôi được quyền làm những gì mình thích. Nay, tôi chẳng là ai cả. Tôi không thể hiểu nỏi vợ chồng với nhau mà lúc tôi buồn, khi tôi trào nước mắt, chồng tôi vẫn vui tươi. Bởi niềm vui của anh là ngày trở về nhà với mẹ, được mẹ cho tiền tiêu...
Nhớ lại ngày đầu quen anh qua một người bạn cùng lớp giới thiệu. Tôi tiếp xúc với anh trong mơ mộng muốn đổi đời, lột xác. Anh là con trong một gia đình khá giả ở một quận nội thành. Thời kỳ còn tán tỉnh tôi, anh thường đánh chiếc ô tô 4 chỗ màu én bạc đến “trồng si” ở cổng trường tôi học, hoặc ngoài ngõ trước phòng trọ cấp 4 tôi ở. Đầu tóc anh luôn bóng mượt, quần áo hàng hiệu, ví rủng rình tiền... Tôi cần bất cứ thứ gì anh cũng chiều. Đến tháng đóng học phí, bố mẹ ở quê chưa kịp gửi tiền ra, anh thay tôi đóng luôn mà không đòi hỏi tôi phải trả lại. Anh nổi tiếng đến mức được cả xóm trọ gọi là “đại gia”. Các bạn tôi thường kêu lên mỗi khi thấy anh, rồi xuýt xoa khen tôi tốt số, được trai giàu tán tỉnh “cơ hội ngàn vàng không lấy thì còn lấy ai”... Anh luôn nói: Nếu cưới anh rồi thì tôi còn sướng hơn nhiều lần. Nhà chỉ có mình anh là con trai, tiền bạc, nhà cửa... bố mẹ không để lại cho chúng tôi thì cho ai nữa. Thực tâm, ngày đó tôi đem lòng yêu một người con trai khác. Anh học cùng trường đaị học với tôi. Tuy nhiên người đó cũng nghèo như tôi vậy. Nhiều đêm, tôi thức trắng để suy nghĩ và đấu tranh với chính trái tim mình và về lời cầu hôn của chàng trai “đại gia”. Nếu lấy người đó tôi sẽ được tiền nhưng chắc chắn sẽ thiếu tình cảm. Lấy chàng trai nhà nghèo tôi sẽ được đi theo tiếng gọi tình yêu, nhưng thời buổi này hết rồi “Một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Cả hai sẽ vô cùng vất vả để sinh tồn. Cuối cùng không thể nén được cám dỗ của vât chất, tôi đồng ý lấy “trai giàu”. Tôi đá phăng người yêu nghèo, bảo rằng anh hãy tha cho tôi. Tôi đã thực sự chán ngán cảnh sống nghèo túng cơ cực lắm rôi. Tình yêu của kẻ nghèo không thể mài ra mà sống được. Bố mẹ tôi đã vất vả, anh chị em tôi cũng lớn lên trong thiếu thốn, anh trai tôi thất học chì vì đi làm kiếm tiền giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.Tôi không muốn lặp lại điều đó với các con của mình Người yêu tôi là chàng trai tuy nghèo nhưng có lòng tự trọng cao. Anh đồng ý chia tay và ra đi nhẹ nhàng từ đó không bao giờ quay lại làm phiến tôi nữa. Còn tôi, tất nhiên cũng buồn một chút nhưng rồi tự trấn an mình đừng có uỷ mị. Tình yêu sấu sắc lắm thì chì qua vài năm cũng tàn. Quan trọng là tôi sẽ được gì sau hôn nhân? Và cứ thế để cho trái tim mình trôi theo ảo vọng của chủ nghĩa thực dụng.
Một năm sau, tôi sinh con gái đầu lòng. Con đầu cháu sớm, “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, tôi những tưởng nhà chồng sẽ vui mừng lắm. Nào ngờ, mẹ chồng tôi không những không đến đón mẹ con tôi ở bệnh viện Phụ sản, mà khi tôi bước vào nhà bà ngồi yên lặng ở ghế sô pha, nét mặt lạnh tanh, khiến tôi lo sợ. Con tôi chưa đầy tháng bà đã bắn tiếng rằng kiểu gì cũng phải sinh được con trai, cháu trai nối dõi cho dòng họ. Mẹ chồng tôi thuê riêng một người giúp việc để chăm sóc con cho tôi. Bà sợ tôi không đủ trình độ, sự khéo léo để chăm nuôi cháu bà. Bà quên mất rằng, tôi đã và cũng là mẹ, cũng yêu con mình hơn bất cứ tài sản nào trên đời này. Việc của tôi khi khoẻ trở lại chỉ là gian bếp quen thuộc. Vì sức ép của nhà chồng, con gái đầu lòng vừa đầy tuổi tôi lại mang bầu để mong kiếm con trai. Chắc là ông trời còn thương nên tôi được toại nguyện. Lần này mẹ chồng tôi hăm hở đến tận bệnh viện đón cháu về. Bà ôm lấy cháu vào lòng nâng niu bước lên xe, nét mặt vui lắm. Ngay hôm ấy nhà chồng mở tiệc linh đình. Trong không khí hân hoan đó, tôi cũng được vui lây với nhiều lời chúc tụng từ nhà chồng và bạn bè. Bởi sinh con lần này phải phẫu thuật nên ngay sau đó tôi nằm bẹp như con gián trên giường. Giữa lúc tôi hãy còn vật vã trên giường thì con tôi đã được bà nội đón đi, cho nằm ở dưới nhà để tiện khoe với quan khách, họ hàng. Con tôi đầy tháng, thôi nôi, bà làm lễ cho cháu rất linh đình. Nhân dịp này bà tuyên bố về bản di chúc thừa kế. Bà sẽ để lại tài sản cho chồng tôi, chị chồng tôi và các cháu. Khi các cụ già yếu, các con tôi còn bé thì chị gái chồng sẽ quản lý tài sản hộ. Mẹ chồng tôi nói luôn đây là tài sản đã được ra phường công chứng và đứng tên từng người. Trong tuyên bố và bản di chúc, bà không hề nhắc đến tôi với tư cách là con dâu trưởng. Cũng có nghĩa, bà chưa bao giờ coi tôi là thành viên trong gia đình. Của cải của bà chỉ để chi cho con bà, cháu bà mà thôi. Qủa thực giờ đây, tôi đã quá mệt mỏi.
Với ảo mộng được sống trong nhung lụa đã không còn ý nghĩa nữa. Tôi chỉ thèm được nhận sự tôn trọng của mọi người. Nhưng giờ thì đã quá muộn, tôi chẳng thể trách ai khi chính tôi đã không tôn trọng tôi. Tôi đã muốn lợi dụng hôn nhân, muốn dùng tiền của người khác để đổi thay cuộc đời mình. Và đó liệu có phải đó là một sự tính toán sai lầm của tôi không? Những ngày còn lại của cuộc đời tôi sẽ sống như thế nào để có được hạnh phúc như bao người mẹ, người vợ khác. Nhiều lúc tôi tự kỷ bản thân và muốn chạy trốn khỏi cuộc sống tù ngục, còn khổ hơn cả “Ô sin” này.
M.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét