Núi rừng vốn đã âm u nhưng chiều hôm mùa đông ở chốn ấy khi ánh tà dương vừa le lói đấy mà bóng tối ở đâu bỗng sầm sập chạy đến khiến cho không ít người đang còn dở việc trên mấy đám ruộng chẳng kịp trở tay thu xếp để trở về nhà trước lúc hoàng hôn khuất bóng. Mùa đông là thế. Trời đã tối thì tối rất nhanh. Ở cái xóm núi này cũng vậy. Núi chắn tứ bề nên cái tối đến còn nhanh hơn. Mới đó, khói lam chiều còn nhìn thấy rõ đang bay lên từ mấy mái nhà thấp thoáng bên những triền đồi hoà vào những làn hơi núi bảng lảng che khuất những rặng cây, rồi lại tản ra quấn quyện cùng với màu lam của cây lá và đá xám khiến cho cảnh vật xóm núi hiện lên càng mờ mờ ảo ảo. Từ xa trông lại cái xóm núi ấy giống tựa đảo nhỏ đang phiêu bồng, vấn vương giữa cồn mây mịt mù, xoắn xuýt. Ấy thế mà chỉ trong một thoáng, màn đêm từ đâu buông xuống, bao trùm cả không gian, nuốt chửng mọi vật từ trên trời cao xuống dưới mặt đất. Cõi nhân gian bé tí nhanh chóng chỉ còn lại một màu đen. Giữa màn đêm mịt mùng, đâu đó, thấp thoáng ở phía đằng xa chợt loé lên mấy đốm lửa bập bùng của nhà ai lúc ẩn lúc hiện qua những ô cửa nhà sàn. Những đốm lửa ấy khi vàng khi đỏ, lúc cao lúc thấp, mờ mờ tỏ tỏ, leo lét và rồi cũng bị chìm nghỉm giữa đêm đông đen quánh cùng muôn ngàn tiếng côn trùng đang tấu lên những giai điệu vô danh một cách rả rích, inh ỏi không đầu không cuối hết trầm lại bổng khiến cho bao người không quen phải thốt ra những lời ngao ngán.
Xóm núi Vằng Mạ của tôi có mấy chục nóc nhà nằm tập trung, quây quần bên mấy trường học của xã và cái sân vận động của thôn, kề bên là con suối Pác Cung chạy vòng vèo, uốn lượn dưới chân dải núi có màu đá xám xịt kéo dài trong không gian mênh mông xen giữa những quả đồi lưa thưa bóng cọ và những thửa ruộng chỉ còn trơ cuống rạ hay một vài đám ngô đương thì con gái mướt xanh. Dẫn vào sâu trong xóm, nơi góc núi là một con đường nhỏ vòng vo, quanh co nhìn tựa như vết trăn bò. Con đường ấy một phần đã được trải bê tông đến bên bờ suối. Phần còn lại, phía bên kia bờ suối, vẫn lổn nhổn những sỏi với đá, mấp ma mấp mô, gồ gà gồ ghề, gập gà gập ghềnh, chỉ có một vệt đi nho nhỏ ở giữa còn hai bên mép cỏ lau và cây dại mọc đầy. Cây cầu bắc qua suối bao năm nay vẫn thế, chỉ là những thân bương thân gỗ ghép lại bên nhau cùng tấm phên làm bằng tre đan trải lên bề mặt cho bằng phẳng. Ban ngày học sinh đến trường nên xóm ấy cũng khá ồn ào sôi động nhưng đến khi chiều về, nhất là khi hoàng hôn nhập nhoạng, xóm núi ấy vô cùng yên tĩnh. Ngõ xóm hầu như vắng bóng người qua. Đôi khi không gian của cả xóm chỉ còn nghe thấy tiếng mõ trâu đang thẩn thơ về chuồng vang lên lốc cốc hay tiếng dê lạc bầy be be gọi bạn. Khi ấy xóm núi sao mà cảm thấy hiu quạnh và buồn đến nao lòng thế vậy, nhất là những ai lần đầu mới bước chân đến.
Nhá nhem, bên kia hàng rào đá, đi qua mấy mảnh ruộng, sát bên chân đồi củi lửa nhà ai đã đỏ rực. Đâu đó trong con ngõ đất đỏ còn đôi trẻ đang vui đùa tập xe kút kít. Tiếng cười trẻ thơ vang vọng, đập vào vách núi, kéo dài trong thinh không nhưng vẫn không thể xoá đi cái cảm giác đìu hiu, hoang vắng. Cái khoảnh khắc ấy xóm Vằng Mạ hiện lên giống như một nỗi buồn man mác. Nỗi buồn ấy dễ gợi cái cảm giác nhè nhẹ, dịu dàng nhưng cũng không kém bâng khuâng, da diết đủ để thức dậy trong ta nỗi nhớ về một kỉ niệm nào đó của một thủa thiếu thời. Nỗi buồn chất chứa ấy như thể đang ngân lên với những tiết tấu, giai điệu nhẹ nhàng, chậm rãi, thong thả và đầy mơ hồ, dùng dằng chẳng dứt…
Cứ thế xóm núi hiện lên trong ngấn mắt nhạt nhòa với một nét đẹp hoang sơ, cô liêu của trời chiều hoàng hôn mờ mờ nhân ảnh giữa bao la khí trời sương núi heo hút gió lay. Ngắm nhìn xóm núi như thế, anh bạn đi cùng bảo với tôi rằng, nó đẹp quá, đẹp y như một bức tranh thủy mặc.
Lặng yên đứng nhìn xóm núi lúc chiều buông, kỉ niệm xưa cũ của một thời bới măng, vác chuối ở đâu bỗng ùa về trong kí ức khiến lòng người cảm thấy lâng lâng... Đúng thế, nhìn xóm núi buồn nhưng rất đẹp. Xóm núi hiện lên y như một bức tranh có đủ xa gần, đầm nhạt. Xa xa, những đỉnh núi màu lam mờ mờ hơi sương tựa như một tấm phông làm nền cho những thân cọ xanh non đang trỗi dậy vươn lên bên những ngôi nhà mái lá đơn sơ ẩn hiện giữa bạt ngàn cây lá biếc xanh. Gần hơn, bên triền đồi thấp thoáng bóng trâu đủng đỉnh gặm cỏ bên những ô ruộng, bãi vườn mấp mô cỏ dại xác xơ. Và ở bên kia bờ suối, gió hiu hiu thổi khiến mấy khóm lau cùng ngả nghiêng theo những hàng hoa bắp. Giữa xôn xao gió, hoang vu và vắng vẻ, ngắm nhìn cảnh ấy lòng nào mà chẳng bâng khuâng; dạ nào mà chẳng nôn nao, xao xuyến… Ký ức bỗng dưng dưng chợt thấy hiện về, thoáng trong đâu đó, dường như bóng áo chàm ai đang lặc lè lê bước mỏi gối, lưng còng xuống núi với gập ghềnh củi, gập ghềnh khói sương… Và thoảng trong gió chiều nghe như đâu đó còn có cả những tiếng sao ai dặt dìu, da diết bên sàn gọi bạn…
Đêm mùa đông vốn đã lạnh nhưng đêm đông ở cái xóm góc núi âm u lại càng lạnh hơn rất nhiều. Đêm đến, gió rít từng cơn, vần vũ, đuổi bắt cùng nhau bên ngoài ô cửa khiến cho biết bao người nằm trong chăn ấm mà vẫn ớn lạnh suốt dọc sống lưng làm thao thức, trằn trọc giữa canh khuya chẳng thể nào ngon giấc. Đêm khó ngủ, bóng đen mịt mù tưởng chừng như dài mãi ra đến vô tận. Núi càng cao cái lạnh đến càng nhiều. Cái lạnh như rút ra từ ruột núi, gửi vào trong gió, xé quần xé áo mà châm vào da để cứa vào thịt. Thế đấy, trời càng lạnh xóm núi càng đìu hiu, quạnh quẽ, thăm thẳm. Đường thưa thớt người qua, ai đấy trong nhà đều ngồi co ro bên bếp củi hơ hơ đôi bàn tay giá lạnh theo ngọn lửa hồng bập bùng cùng những câu chuyện miên man trên trời dưới đất.
Thế đấy, tuổi thơ tôi đã từng đi qua bao mùa đông từ cái xóm núi ấy. Để rồi, khi lớn lên, được mang theo trong mình một xóm núi mùa đông hoang sơ và giá lạnh đi về một miền quê khác. Chốn thị thành dẫu có phồn hoa nhưng xóm núi xa xôi buồn vui một thủa ấy vẫn chẳng thể nào phôi pha mà đong đầy trong ta bao niềm thương nhớ. Mỗi lần trở về bên xóm cùng con suối ngày đêm không bao giờ ngơi nghỉ dâng dòng nước mát lòng lại bồi hồi xao xuyến để gọi về bao cảm xúc dâng trào. Bỗng đâu lại thèm được bé lại để trở về cái ngày xửa ngày xưa vác chuối đào măng đi về bên núi.
G.H.S
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét