Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học
Người mẹ đứng sững khi đứa con gái ôm bó hoa được gói giấy ngoại và thắt nơ cẩn thận. “Con tặng mẹ ạ”. Ô hay! Dịp gì mà tặng thế? Bà cười. Bà hơi hoa mắt mà vì bó cẩm chướng lai tạo quá rực rỡ. “Thì mẹ cứ nhận trước đi cho con vui”. Người mẹ ôm con gái vào lòng, cảm nhận xuân sắc từ bó hoa chuyền qua tay, từ hơi ấm cái ôm của con lan sang mình. Bà thấy ấm. Gần sáu mươi tuổi đời, hai mươi ba năm nuôi con và hơn bốn mươi năm trồng hoa, đời bà đã trải qua nhiều sóng gió, cũng đã dâng cho đời cho người cả triệu đóa hoa, đây là lần đầu tiên... được tặng hoa! Xúc động. Nghẹn ngào. Bà biết con gái có nhiều tâm sự. Mấy năm qua, Hân bỏ làm cùng mẹ, theo chúng bạn buôn mỹ phẩm, rồi mở cửa hàng kinh doanh thời trang. Hân đỏng đảnh bảo bà: “Nghề mẹ làm vất vả, quần quật nhặt từng đồng, đời nào mới ngửa mặt lên?”.
Biết thế. Nhưng cái nghề tổ tiên để lại, nhặt từng đồng ấy cũng đã giúp bà nuôi Hân ngần ấy năm, lớn lên để thành một cô gái xinh xắn. Cả làng, cả xã giờ lên phường cũng sống bằng hoa đấy thôi. Với bà, đây là nghề lành lặn và không bạc. Bà từng bảo Hân: “Con cứ học hành, sau này không xin được việc thì về trồng hoa với mẹ. Rồi lấy một người chồng biết thương yêu con. Thế là đủ”. Hân chỉ học một năm đầu đại học, rồi bỏ giữa chừng theo bạn đi buôn, bất chấp lời can ngăn của mẹ. Hân xôn xao mơ mộng cùng với đám bạn hăng hái làm giàu. Giàu thật nhanh. Hân quay lưng với nghề của mẹ. Giàu đâu chẳng thấy, cả nhóm thất bại, chỏng chơ.
Đêm ấy, hai mẹ con nằm tâm sự tới khuya. Hương hoa lách qua khe cửa tràn vào nhà. Hương mơn man màn đêm. Bà vuốt mái tóc êm mượt của con, nghe tiếng tim con đập đều mà thấy lòng đầy nỗi niềm. Ký ức dắt bà nhớ về chuyện con gái. Đúng ra, nó tên Hoa chứ không phải Hân.
***
Ngày xưa bà Khiếu cũng xinh đáo để ở làng hoa nhưng người làng chẳng hiểu sao bà không mở lòng lấy ai. Cha mẹ mất sớm, người anh trai lập gia đình, về sống ở trung tâm quận Cầu Giấy. Mình bà cần mẫn với nghề trồng hoa. Những cánh hoa mỏng manh làm bà bị mê hoặc. Khi có Hân, bà càng chẳng nghĩ đến ai khác. Hân xuất thân từ ngôi nhà bên mé phải vườn bà. Nhà hàng xóm. Cách đây hai mươi ba năm, gia đình hàng xóm xảy ra chuyện. Đó là cặp vợ chồng quê gốc ở tận miền trung xảy ra lục đục. Ở gần nhau bà Khiếu biết, từ khi mới cưới họ đã chẳng hợp. Cưới rồi thường xuyên mâu thuẫn. Khi đứa con được sáu tháng, không hiểu lý do gì người vợ bỏ đi. Mọi việc chăm con dồn lên vai người chồng. Hàng xóm có qua lại hỏi han thì biết người vợ bỏ đi do mâu thuẫn vợ chồng. Thế mà biệt tăm. Nhìn đứa bé xinh xắn, ai cũng thương. Mấy tháng sau người chồng ôm con sang bà Khiếu, nói khó: “Chị thương em, trông cháu giúp vài ngày, em đi tìm vợ…”. Năm đó bà Khiếu đã cứng tuổi, hơn đôi vợ chồng trẻ cả chục tuổi. Thấy hoàn cảnh hàng xóm, bà nhận lời. Bà cũng thương con bé. Trông tồi tội là. Một tuần. Một tháng. Không thấy bố đứa bé về đón con. Làm sao đây? Nói là gửi mấy ngày, giờ cả tháng vẫn chưa thấy tăm hơi. Hàng xóm đoán già đoán non, vậy là họ trút “cục nợ” lên vai bà rồi. Bà thầm nghĩ: Ai mà chẳng thương con. Chắc họ gặp khó khăn gì đấy, rồi sẽ về chứ. Mấy người hàng xóm bảo, hay là mang nó đến trung tâm bảo trợ nhờ người ta nuôi, chứ một thân một mình, nuôi sao nổi. Bà Khiếu gật đầu để đó, và chờ…Sốt ruột đấy, nhưng bà không nỡ. Hoa hồng hoa cúc trong vườn cứ nức nở thơm hương. Một năm trôi qua, đằng đẵng. Với mùa hoa, mùa xuân, khoảng thời gian mười hai tháng cũng chỉ như vài chớp mắt, nhưng với bà, dài đằng đẵng. Bà tự nhủ, vất vả đến mấy cũng không gửi đứa bé đi đâu hết. Bà quyết giữ nuôi. Lời hứa đè nặng lên vai.
Bé gái tên Hoa. Bà nghĩ ngợi về một điều không an lành, nên đổi tên là Hân. Vậy là vừa chăm hoa, bà vừa chăm Hân và thấp thỏm chờ đợi vợ chồng hàng xóm. Nhưng họ đang ở đâu? Ở đâu? Việc chăm hoa vốn đã như chăm con mọn, nay nỗi vất vả tăng gấp đôi, gấp ba. Nhưng bà thấy vui. Những năm ấy, dù có người hỏi han, nhưng chính bà cũng chẳng lý giải được tại sao mình không động lòng với bất cứ ai. Lúc nào bà cũng yêu hoa và dành tình cảm cho khu vườn, đến nỗi có thể nghe được tiếng cựa mình của cánh hoa. Những năm tháng ấy, làng trồng toàn những thứ hoa thân thuộc, gần gũi. Nào thược dược, lay ơn, cúc đại đóa, hồng nhung… Nhan sắc của hoa phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Việc chăm sóc ngoài kinh nghiệm, thì bà Khiếu còn có tình yêu thương. Yêu thật sự. Bà trìu mến gọi hoa là con và xưng mẹ. Các con của mẹ thơm hương đi, để mẹ mang ra chợ, ra phố. Các con dâng đời hương sắc.
Ong bướm tựu về. Những cánh bướm nhiều màu sắc như nảy ra từ những chiếc nụ. Chúng như những cánh hoa biết bay, làm rộn ngôi vườn.
Người chăm hoa như bà, phải rồi, bao năm qua chưa bao giờ được tôn vinh. Nhưng hoa đẹp là người vui. Hoa duyên với người, còn bà duyên với hoa và Hân. Bởi thế càng yêu hoa bà càng yêu con. Đến bây giờ lòng bà vẫn chưa hết nóng và lúc nào cũng thấy mong manh một nỗi chờ. Có lúc còn rộn lên suy nghĩ: Họ về họ nhận con, bà sẽ mất. Còn họ không về, thì cũng thật là… Hân càng lớn càng xinh. Đến tuổi thì học mẫu giáo, ngày chủ nhật bà phải gánh một bên con, một bên hoa ra chợ. Khi Hân biết ngắt cành hồng sao cho khỏi gẫy cánh cũng là lúc bà nhàn hơn, thấy cuộc đời ban cho mình một diễm phúc. Có lúc con gái trốn vào vườn hoa. Nụ cười con lẫn vào nụ cười của hoa xuân, bà thấy đời mình không uổng. Những ngày tháng vất vả của bà được đáp đền. Còn Hân không biết quá khứ của mình cho đến năm mười bốn tuổi bà Khiếu chủ động nói ra. Cô không quan tâm chuyện đó, chỉ biết mình là con của mẹ, là chị của những bông hoa.
***
Hân thi đỗ vào đại học, cơ thể phổng phao. Những hôm nào con gái ra chợ bán hoa cùng mẹ, người qua lại khen tấm tắc. Hàng xóm cũng có người để ý. Một anh chàng giỏi nghề hoa. Gia đình bên ấy lúc nào cũng rốt ráo nói chuyện thông gia. Bà Khiếu giãn: “Cháu nó vẫn còn học bác ạ”. Ông hàng xóm bảo: “Thì tôi cứ xí phần trước cho con trai”. Hân đỏng đảnh. Cô gái không để ý đến anh Tấn con bác Tài. Cô đi chơi với Tấn vài ba bận. Cũng chỉ để đi chơi vì anh ấy mời, còn cô không cảm giác. Ai bảo gì cũng ừ hữ cười. Bà Khiếu ưng Tấn. Chàng trai vừa hiền vừa biết thương hoa. Người yêu hoa lắm thì cũng chân thành, dễ thương người. Anh chàng ấy giỏi giỏi là. Rất nhiều sáng kiến. Tấn cùng nhóm bạn áp dụng khoa học và việc trồng hoa ly, loa kèn, phăng và cả hải đường. Càng ngày anh chàng đó càng khiến bà thấy an tâm. Nếu mà con Hân cưới được… Thế mà một ngày Hân thưa mẹ: “Con yêu rồi mẹ ơi. Anh học cùng trường con, sắp tốt nghiệp. Nhà khá lắm mẹ ạ”. Hân cũng nói đã quyết định nghỉ học. Hết năm nhất. Cô cùng nhóm bạn con nhà giàu đi buôn. “Phi thương bất phú mà mẹ. Con muốn trải nghiệm”.
Như có cái gì vừa rơi xuống. Bà Khiếu thấy cổ mình nghẹn ứ. Nó đã yêu người khác? Đã biết khá giả với nghèo khó ư? Con gái bà đã không quan tâm đến chàng trai hàng xóm. Bà Khiếu thở dài. Biết giấu nỗi buồn vào đâu? Bà đi gội đầu. Những quả bồ kết ướp tóc bà. Dù hiếm hoi, bà vẫn cố gắng nhờ người gửi ở tận miền trung du xuống những xâu bồ kết lớn để dùng dần. Hương hoa ghé vào, trộn hương bồ kết. Lòng bà dịu lại.
Chuyện buôn mỹ phẩm thất bại. Mấy tháng sau nhóm chuyển sang thuê địa điểm mặt phố, mở hiệu cắt tóc. Vắng. Thua lỗ. Hân bực bội không biết nguyên do từ đâu việc không thuận. Cô vắng nhà nhiều hơn, mỗi ngày lại thêm ít nói chuyện với mẹ. Cũng chẳng có thời gian gặp Tấn. Cô bàn với nhóm bạn “bày keo khác”. Trong nhóm một cô bỏ cuộc, lấy chồng giàu, cuộc sống no đủ, điều đó càng khiên Hân nuôi mộng. Cô bạn tóc dài bảo: “Chúng mình trụ được. Trúng quả một lần bằng mẹ bạn trồng hoa cả năm”. Nghe bùi tai. Hân thương mẹ. Mẹ vất vả quá. Quanh năm quần quật, săn sóc, nhưng việc phụ thuộc vào thời tiết. Gặp dịp sương muối, giá rét thì sớm tối lễ mễ ngoài vườn. Cận tết lòng người lúc nào cũng thắc thỏm. Mất mùa hoa là mất tết. Nên phải canh hoa, thắp dòng điện ủ ấm để hoa nở đúng vụ, chờ người rinh về. Không có người đặt mua, mẹ lại phải gánh ra chợ, chở rong ra phố. Cô không muốn mẹ vất vả nữa. Hân trôi trong mê man mơ. Ước mơ ở cao, mà cô không có cánh…
Ở nhà, Tấn vẫn sang giúp bà Khiếu chăm hoa. Lúc nào anh cũng thưa gửi, lễ phép, thích tâm sự với “bác Khiếu”. Tấn luôn giữ một niềm hy vọng. Càng hy vọng thì Hân càng như con bướm, chẳng đậu yên trên một cành hoa nào. Bà Khiếu động viên Tấn: “Con cứ bình tĩnh, để rồi bác lựa lời nói với nó”. Khi bà tìm cách nói với con về Tấn thì Hân đẩy bà ra. Cô lắc đầu. Mẹ để cho con tự quyết. Chuyện yêu đương và kinh doanh kéo cô đi. Trôi vèo. Có lúc còn đẩy cô vào viển vông. Thương mẹ, yêu hoa đấy, nhưng Hân không muốn quay về. Ba năm. Đúng là ba năm quẫy đạp, vùng vẫy, chuyển đến tám thứ kinh doanh, Hân không gặp may, chẳng có duyên, tay trắng hoàn tay trắng. Tiền tài chơi trò ú tim với cô. Cô cũng đã trải qua hai mối tình. À không, ba chứ, cả một người đàn ông có vợ mà cô gặp và trao thân cách đây không lâu. Tất cả dắt nhau vào sương khói, ảo ảnh. Hân thấy cô đơn khủng khiếp. Bè bạn, người tình, người yêu, chuyện kinh doanh, tất thẩy đều khoét vào tâm hồn cô một hố sâu hoắm.
Về với mẹ, không thấy bà ở nhà, cô ra chợ. Mẹ cô vẫn ngồi ở vị trí quen thuộc. Nhỏ bé. Nhẫn nại. Trao hoa cho khách bao giờ mẹ cũng trao cả nụ cười hiền. Cuối đông lùi lũi, hoa vẫn khoe mình trên tay mẹ kìa. Chẳng đâu bình yên như tay mẹ. Mắt cô bỗng ầng ậc nước. Mình đã làm gì để giúp mẹ đâu. Mấy năm qua mình mải mê với khát vọng, mình quên mẹ đã thương mình thế nào. Lòng chùng xuống. Mẹ ơi, con sai rồi. Con sẽ dành tặng mẹ một bó hoa…
***
Vườn mẹ đón Hân trở lại. Cô lại đùa, trốn mẹ như trước. Nụ cười cô lẫn vào nụ cười hoa. Gió lành hiền trải trên từng ô vuông nắng nhẹ. Mẹ à, vậy là tết năm nay sẽ có hai luống violet, hơn hai nghìn cành hồng, hai nghìn cành hoa ly, chưa kể cúc vàng, cúc trắng. Mẹ giỏi thật. Mẹ đã chăm cả vườn hoa, chăm cho các em con.
Bà Khiếu ngừng ngắt hoa, cười. Lâu lắm bà mới thoải mái đến thế. Hoa là con mẹ mà. Phải rồi con gái ạ. Mẹ sẽ không làm được nếu không có anh chàng kỹ sư hàng xóm giúp sức. Hân nóng ran mặt. Có phải Tấn đang đứng bên kia thảm hoa nhìn mình? Tay cô chạm khẽ vào vạt violet tím da diết, cảm như bàn tay đang chạm vào vạt xuân.
N.V.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét