Bởi vua hèn nhà Tây Sơn sụp đổ
Cứu bạn xưa Đặng Văn Long cướp tù.
* * *
Nói về vua Tây Sơn là Cảnh Thịnh thua trận liên tiếp nhờ các trung thần xả thân đoạn hậu nên chạy về được tới Thanh Hoá cùng quan trấn thủ Nguyễn Văn Tuyết. Ngày ấy Tuyết tâu với vua Cảnh Thịnh rằng:
- Nay Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng còn đang cố thủ Quy Nhơn, nên Nguyễn Phúc Ánh chưa thể dốc toàn lực đánh ta ở Thanh Hoá. Nhờ vậy thần và Nguyễn Văn Lộc mới cầm cự được…
Tuyết chưa dứt lời xảy quân hớt hải chạy vào báo:
- Tâu bệ hạ, tướng quân Nguyễn Văn Lộc đang giữ mặt bể bỗng lâm bạo bệnh qua đời rồi!
Cảnh Thịnh nghe qua khóc rống lên:
- Bởi tại ta ngu muội nghe lời gian nịnh, hãm hại trung thần khiến trời cao oán hận muốn diệt nhà Tây Sơn ta rồi vậy!
Nguyễn Văn Tuyết thất kinh nói:
- Nguyễn Văn Lộc mất rồi mặt biển không người trấn giữ thì Thanh Hoá sao giữ được? Ta mau bỏ Thanh Hoá đem quân về trấn ải Tam Điệp mới xong!
Tuyết vừa dứt lời quân lại vào báo:
- Thưa tướng quân, tướng giặc là Lê Văn Duyệt đã thả mấy trăm quân của ta bị bắt làm tù binh ra về. Hiện họ đã đến đây xin vào gặp tướng quân.
Cho bọn ấy vào rồi, Nguyễn Văn Tuyết vểnh râu hỏi:
- Vì sao Lê Văn Duyệt lại tha cho các ngươi?
Mấy tên quỳ lạy thưa:
- Lê Văn Duyệt bảo Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng và Bùi Thị Xuân đều đã bị bắt thì chẳng cần giữ bọn tù binh như bọn tôi làm gì nên mới thả cho về.
Vua Cảnh Thịnh nghe vậy khóc rống lên rằng:
- Anh Diệu, chị Xuân ơi! Tướng quân Vũ Văn Dũng ơi! Chính vì ta mà các người phải chết! Ôi! Tây Sơn thập hổ giờ chỉ còn lại Nguyễn Văn Tuyết và Võ Đình Tú mà thôi!
Nguyễn Văn Tuyết liền bảo quân:
- Truyền lệnh ta lập tức lui về giữ ải Tam Điệp.
Lúc lên đường, Tuyết dắt ngựa trao cho vua Cảnh Thịnh rồi nói:
- Đây là ngựa Xích kỳ ngày chạy ngàn dặm không biết mệt. Bệ hạ hãy cưỡi nó chạy trước về Thăng Long bảo Võ Đình Tú lấy quân mười một trấn ở Bắc Hà đem vào giữ mặt biển Biện Sơn. Nếu chậm trễ thần không thể nào giữ được ải Tam Điệp. Nếu mất Tam Điệp là đại cuộc ắt hỏng.
Cảnh Thịnh nghe lời liền lên ngựa ra roi. Quân Tây Sơn đóng ở dọc đường ra Thăng Long thấy vua mình có trăm quân hộ vệ tất tả chạy về xầm xì bàn với nhau rằng:
- Con ngựa Xích kỳ này của tướng quân Nguyễn Văn Tuyết, sao vua ta lại cưỡi chạy về? Hay tướng quân Nguyễn Văn Tuyết đã tử trận rồi. Nếu vậy quân ta sao chống được giặc?
Quân Tây Sơn hoang mang lo lắng truyền nhau như thế!
Vua Cảnh Thịnh vừa đến cổng nam thành Thăng Long, bỗng cổng thành mở, Võ Đình Tú dẫn quân ra khỏi thành. Thấy vua Tú xuống ngựa thi lễ. Cảnh Thịnh hỏi:
- Đình Tú đi đâu đó?
Tú đáp:
- Hạ thần ra thành duyệt binh định đem quân vào tiếp viện cho Nguyễn Văn Tuyết giữ Thanh Hoá.
Cảnh Thịnh vùng khóc rống lên rằng:
- Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân thua binh đều bị bắt. Nguyễn Văn Lộc lại lâm bạo bệnh qua đời. Nguyễn Văn Tuyết bỏ thành Thanh Hoá lui quân về giữ ải Tam Điệp. Võ Đình Tú hãy mau vào giữ cửa biển Biện Sơn. Nếu chậm trễ mất Tam Điệp, Biện Sơn thì vùng đồng bằng Bắc Hà ta không thể đương đầu cùng giặc được.
Quân Tây Sơn đi theo Võ Đình Tú nghe vua Cảnh Thịnh nói xong càng hoảng sợ đưa mắt nhìn nhau. Võ Đình Tú vội bước đến gần Cảnh Thịnh nói nhỏ rằng:
- Việc không nên sợ mà sợ thì thiệt thân. Việc không nên nói mà nói thì hại mạng. Bệ hạ nói ra điều ấy làm quân ta rụng rời kinh sợ thì sao chống giặc được?
Cảnh Thịnh tỉnh ngộ nói:
- Ta thật là khờ khạo, xin tướng quân bỏ qua. Giờ tướng quân liệu thế nào?
Tú đáp:
- Bệ hạ hãy vào thành Thăng Long nghỉ ngơi. Thần phải vào tiếp viện cho Nguyễn Văn Tuyết.
Đoạn Tú quay lại bảo quân:
- Truyền lệnh ta đội ngũ chỉnh tề lập tức xuất quân!
Tả hữu khuyên Tú:
- Trời đã tối tướng quân nên hạ trại nghỉ ngơi ngày mai hãy tiến binh.
Tú bảo:
- Cứu quân như cứu hoả phải đi mau!
Nói xong Tú dẫn đầu quân Tây Sơn thẳng tiến Tam Điệp. Sáng sớm hôm sau hậu quân hớt hải chạy theo Đình Tú báo rằng:
- Quân ta nghe ba tướng Diệu, Dũng, Xuân bị bắt thì hoảng sợ thừa đêm tối trốn gần hết. Quân còn lại chỉ có ngàn người. Xin tướng quân định liệu.
Võ Đình Tú ngửa mặt than:
- Tiên đế năm hai mươi tuổi đã tự lập dựng nghiệp, thân làm đại tướng, biến nguy thành an. Nay con của tiên đế cũng hai mươi tuổi được trao cho cả cơ đồ lại biến bình thành loạn vậy. Ta đi phen này thành bại đã rõ, nhưng phải liều mình đền ơn tiên đế.
Nói xong Tú vẫn cứ tiến quân.
Nhắc lại tướng Gia Miêu là Lê Văn Duyệt và Lê Chất, ngày ấy nghe quân thám mã về báo thành Thanh Hoá bỏ trống. Lê Văn Duyệt bèn bảo Lê Chất và Đặng Trần Thường rằng:
- Nguyễn Văn Lộc chết, giặc Tây Sơn hết tướng nên Nguyễn Văn Tuyết mới bỏ Thanh Hoá về giữ ải Tam Điệp. Đặng Trần Thường mau đem quân hợp cùng Nguyễn Văn Trương rồi dùng thủy binh vào cửa Biện Sơn chặn phía sai ải Tam Điệp. Nguyễn Văn Tuyết cùng đường tất phải xin hàng.
Đặng Trần Thường khen là diệu kế rồi dẫn quân đi ngay. Nguyễn Văn Tuyết giữ ải Tam Điệp nghe quân thám mã về báo:
- Quân Gia Miêu đem thuỷ binh chiếm cửa Biện Sơn rồi đổ bộ quân vây phía Bắc ải Tam Điệp. Xin tướng quân định liệu.
Nguyễn Văn Tuyết giật mình than:
- Vua ta đã chậm mất rồi! Truyền quân canh phòng cẩn mật chờ quân cứu viện.
Phần Võ Đình Tú đem ngàn quân đến núi Linh Sơn cách ải Tam Điệp năm mươi dặm, bỗng nghe một phát pháo lệnh nổ vang, quân Gia Miêu từ hai bên sườn núi bắn tên xuống như mưa. Ngàn quân Tây Sơn bị tên chết hết cả. Đình Tú cầm lá đại kỳ có thêu bốn chữ vung lên đỡ gạt liên hồi, không một mũi tên nào phạm được vào người Tú. Đặng Trần Thường trông thấy hỏi tả hữu:
- Võ Đình Tú cầm lá cờ có thêu chữ gì vậy?
Tả hữu đáp:
- Võ Đình Tú giỏi đánh côn đồng. Ngày trước lúc Nguyễn Huệ lên ngôi có tặng Võ Đình Tú lá cờ thêu bốn chữ “Thiết côn vô địch”. Ấy chính là lá cờ Đình Tú đang dùng để gạt tên đó.
Đặng Trần Thường cười bảo quân:
- Mau tập trung súng mà bắn xem thử thiết côn vô địch có đỡ gạt được không.
Quân Gia Miêu theo lệnh Thường mà làm. Trúng đạn bị thương, Tú hét lên rằng:
- Tiên đế ơi! Đình Tú tôi đi vào chỗ chết để đền ơn tiên đế!
Hét lên rồi lấy côn đồng đập vào đầu mà chết.
Phần Nguyễn Văn Tuyết chờ mãi không thấy quân cứu viện. Tuyết ngửa mặt than:
- Tiên đế ơi! Tuyết tôi nào tiếc thân mình, chỉ tiếc cho công lao dựng nghiệp của tiên đế mà thôi!
Than rồi rút song đao cắt cổ tự vẫn.
* * *
Võ Đình Tú và Nguyễn Văn Tuyết chết rồi, các tướng Gia Miêu là Lê Văn Duyệt, Lê Chất lãnh bộ quân, Nguyễn Văn Trương, Đặng Trần Thường đem thủy binh ồ ạt tiến ra Thăng Long. Quân Tây Sơn nghe hơi kinh hoàng vứt gươm giáo bỏ trốn. Vua Cảnh Thịnh đem gia quyến và mấy người hầu giả làm dân thường chạy trốn. Chạy đến bờ sông Như Nguyệt thì trời đã tối, thuyền bè lại không có để qua sông, em của Cảnh Thịnh là Hoàng đệ Quang Bàn mới mười ba tuổi bảo vua rằng:
- Ta nên vào nhà dân nghỉ tạm, mai hãy tìm đường sang Kinh Bắc. Nhưng trong bất kỳ tình huống nào cũng không được để lộ tông tích.
Vua Cảnh Thịnh nghe lời liền men theo bờ sông tìm đến một ngôi nhà nhỏ. Vua gõ cửa nhà ấy. Cửa mở, một người đàn ông thò đầu ra hỏi:
- Các người là ai? Đang đêm gõ cửa có việc gì?
Cảnh Thịnh đáp:
- Chúng tôi là dân thường chạy loạn đến đây, xin ngủ nhờ một đêm ngày mai sẽ đi.
Người ấy bảo:
- Nhà vua có lệnh, dân trong nước phải có thẻ bài Thiên hạ đại tín, còn không có là kẻ gian. Nếu quý khách không có thẻ bài, thật tình tôi không dám chứa.
Cảnh Thịnh nghe vậy vui vẻ bảo:
- Nhà ngươi thật là một công dân gương mẫu. Ta tuy không có thẻ bài nhưng có vật này làm tin không phải là kẻ gian.
Nói xong Cảnh Thịnh móc trong ngực áo ra một vật giơ cho chủ nhà xem. Chủ nhà ngạc nhiên hỏi:
- Vật này là vật gì?
Cảnh Thịnh đáp:
- Ta là vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn. Đây là ngọc tỷ ấn.
Chủ nhà cười ha hả nói:
- Ta thấy bộ dạng của ngươi cao sang nghi là quan Tây Sơn chạy loạn nên mới mượn chuyện thẻ bài cho ngươi lộ tông tích. Không ngờ lại là vua Tây Sơn. Anh em mau ra bắt nộp chúa Nguyễn ắt là lãnh thưởng lớn.
Tên này vừa dứt lời, từ phía sau nhà mươi ngươi đàn ông lực lưỡng xông ra bắt anh em vua Cảnh Thịnh trói lại. Hoàng đệ Quang Bàn ngửa mặt khóc nói:
- Lúc nãy em đã dặn Hoàng huynh rồi. Sao Hoàng huynh lại nhẹ dạ cả tin thế?
Cảnh Thịnh điềm nhiên đáp:
- Anh em đã cùng đường mạt lộ. Không bị bắt trước cũng bị bắt sau. Sống chết nào có kể chi. Chỉ tiếc cho sự nghiệp của phụ hoàng vì ta mà phải sụp đổ đấy thôi.
Nói xong Cảnh Thịnh tự chui vào cũi cho bọn người ấy khiêng giải đi.
Lê Văn Duyệt vào thành Thăng Long lại bắt được vua tôi Cảnh Thịnh. Duyệt bảo các tướng:
- Các võ tướng Tây Sơn đều đã bị diệt. Bọn quan văn trước lại là tôi thần của nhà Lê sau phò Nguyễn Huệ mà đứng đầu là Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích. Vậy ta nên giải Cảnh Thịnh và gia quyến về Phú Xuân cho vua ta trị tội, rồi xin lệnh người xem phải xử bọn ấy thế nào?
Đặng Trần Thường bước ra nói lớn:
- Việc cỏn con này mà phải xin lệnh, ấy là làm nhọc lòng vua ta vậy. Theo tôi, ta cứ đem bọn ấy ra chém quách rồi báo với Hoàng thượng sau nào có can hệ gì.
Lê Văn Duyệt bàn:
- Không nên! Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích đều là danh sĩ Bắc Hà. Việc đối xử với họ đều có ảnh hưởng đến lòng dân xứ Bắc, ta không được tự tiện.
Đặng Trần Thường cố nài:
- Ta cứ chém bọn tôi thần nhà Lê theo về Tây Sơn. Nếu có gì tôi xin chịu tội trước vua.
Duyệt gạt đi bảo:
- Ta nghe nói lúc trước ông có hiềm với Ngô Thời Nhậm, nay muốn mượn việc nước báo tư thù nên mới một mực đòi chém chăng?
Nghe Duyệt nói đúng thâm ý mình, Đặng Trần Thường hổ thẹn nín thinh. Duyệt quay sang hỏi Lê Chất:
- Vậy ông Chất lãnh binh áp giải vua Tây Sơn về Phú Xuân được chăng?
Chất chối từ rằng:
- Việc này Chất tôi không đảm đương nổi.
Duyệt ngạc nhiên hỏi:
- Cảnh Thịnh bất tài lại ngồi trong tù xa, còn ông lãnh binh mã áp giải, sao bảo là không làm nổi?
Chất cúi đầu đáp:
- Tôi gần đây trong người không khỏe, e đi xa không tiện. Xin tướng quân cử người khác thay cho.
Duyệt cười bảo:
- Vua ta vốn căm thù vua Tây Sơn đến tận xương tuỷ. Ông trước là tướng Tây Sơn về đầu, nên tôi mới bảo ông áp giải vua Tây Sơn về nộp để lập công. Trước là cho vua ta tin tưởng, sau là trả được thù cha. Cơ hội này dù không được khỏe ông cũng cố mà đi mới phải chứ?
Chất đến gần Duyệt nói nhỏ:
- Cám ơn tướng quân thương tình giúp đỡ. Nhưng bắt chúa cũ nộp cho chúa mới thật lòng tôi không nỡ.
Duyệt liền quay sang bảo Nguyễn Văn Trương:
- Ông Trương mau lãnh binh áp giải Cảnh Thịnh về Phú Xuân và xin lệnh vua xem nên xử Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích thế nào?
Nguyễn Văn Trương lãnh lệnh đi ngay.
Lúc áp giải tù, vua Cảnh Thịnh ngồi trong tù xa nói vọng ra với Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Trương:
- Ngựa Xích kỳ không có tội gì, lại là tuấn mã hiếm có trên đời. Các ngươi giữ để dùng đừng giết đi mà uổng.
Lê Văn Duyệt bảo Nguyễn Văn Trương:
- Ngựa Xích kỳ xưa là của chúa Võ Vương về sau bị Nguyễn Văn Tuyết cướp đi. Nay ông nên cưỡi nó về trả cho vua ta, tuỳ người xử sự.
Nguyễn Văn Trương nhảy lên lưng ngựa Xích kỳ toan cưỡi. Chẳng dè ngựa lồng lên hất Trương té nhào xuống đất. Ai đến gần ngựa cũng lồng lên tung vó đá túi bụi. Cảnh Thịnh ngồi trong tù xa nói vọng ra:
- Ai muốn cưỡi nó cứ gọi nó là Phi Mã đại tướng quân, nó khắc sẽ cho lên lưng.
Trương đến gần ngựa nói lớn:
- Phi Mã đại tướng quân! Phi Mã đại tướng quân!
Ngựa Xích kỳ liền cúi đầu ngoan ngoãn cho Trương cưỡi đi. Đi đến ải Tam Điệp ,Trương hỏi Cảnh Thịnh:
- Vì sao gọi Phi Mã đại tướng quân, nó lại cho cưỡi?
Cảnh Thịnh đáp:
- Ngày trước đánh thành Quy Nhơn bác ta là vua Thái Đức đã phong nó chức Phi Mã đại tướng quân.
Trương cười bảo:
- Nay ta gọi nó là Phi Mã đại tướng quân nó lại cho ta cưỡi, còn chủ nó ngồi trong tù xa.
Trương vừa dứt lời, ngựa Xích kỳ đã lồng lên hất Trương xuống đất. Nó phủ phục cạnh một bộ khôi giáp. Trong bộ khôi giáp chỉ còn lại bộ xương. Thấy ngựa Xích kỳ chảy hai hàng nước mắt, Trương giật mình bảo:
- Bên áo giáp có cặp song đao. Vậy xác kia là của Nguyễn Văn Tuyết chăng?
Trương vừa dứt lời ngựa Xích kỳ kêu lên ai oán rồi từ trên đèo cao tung bốn vó nhảy xuống vực sâu mà chết. Ngồi trong tù xa Cảnh Thịnh gạt nước mắt nói:
- Nguyễn Văn Tuyết mới là chủ của nó!
* * *
Nói về quân Nguyễn Gia Miêu đóng tù xa giải Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng và Bùi Thị Xuân từ Nghệ An về Phú Xuân. Năm trăm quân Gia Miêu giáo gươm rầm rộ đưa đoàn tử tù đến địa phận ải Hoành Sơn. Bỗng từ trong núi xông ra một toán vài mươi người. Đi đầu toán quân này là một người bịt mặt xử dụng phương thiên hoạ kích. Hai bên xông vào giáp chiến. Bọn cướp võ nghệ cao cường lại thêm kẻ cầm đầu dũng mãnh một mình đánh cả trăm quân như vào chỗ không người. Thoáng chốc quân Gia Miêu tan vỡ bỏ chạy lên ải Hoành Sơn. Người bịt mặt phá cũi giải thoát cho Diệu, Xuân, Dũng. Ra khỏi cũi, Vũ Văn Dũng hỏi:
- Có phải là tứ sư đệ đó chăng?
Người bịt mặt tháo khăn rồi khóc đáp:
- Đệ chính là Đặng Văn Long đây!
Bốn người ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Dũng lại hỏi:
- Từ ngày đệ bỏ vua mà đi, rồi trú ẩn nơi nào? Sao biết bọn ta bị bắt mà đến cứu?
Văn Long gait lệ đáp:
- Tôi vì bất đắc dĩ mới về chốn non cao núi thẳm. Vẫn nghe việc vua hèn nhu nhược, lòng người ly tán, quân ta bại trận khắp nơi. Nghe các anh chị bị bắt giải về Phú Xuân, tôi quy tụ vài mươi thủ hạ chặn đường giải thoát. Thôi! Chúng ta mau tránh đi kẻo quân ở ải Hoành Sơn kéo xuống thì nguy.
Trần Quang Diệu bái tạ Văn Long rồi nói:
- Vợ chồng tôi ra hàng Phúc Ánh là để cứu mẹ và con đang bị bắt giam ở Phú Xuân. Nếu chúng tôi tẩu thoát ắt mẹ tôi phải chết. Thôi Vũ huynh và Văn Long hãy đi mau. Tôi ở lại chờ địch quân đến bắt.
Văn Dũng, Văn Long không nỡ bỏ di. Bùi Thị Xuân giục:
-Tội tôi chết là đáng lắm còn thương tiếc mà bịn rịn làm chi.
Giọng Đặng Văn Long xót xa:
- Bùi tỷ nữ nhi anh kiệt, một lòng vì nước sao bảo là có tội?
Xuân gạt nước mắt đáp:
- Nếu tôi không tha mạng Phúc Ánh ở Hàm Luông và nghe lời tiên đế giết chú ruột của tôi là Bùi Đắc Tuyên thì nhà Tây Sơn ta làm gì mất nước! Sao bảo là tôi không có tội? Quân từ ải Hoành Sơn đã kéo xuống kìa! Hai người mau đi cho!
Văn Dũng, Văn Long thấy vợ chồng Diệu, Xuân đã quyết không biết làm sao đành tránh mặt vào rừng. Trong chỗ nấp ngó ra thấy Diệu, Xuân ngoan ngoãn để cho quân Gia Miêu bắt giải đi, Dũng ứa nước mắt nói:
- Thương thay Trần huynh, Bùi tỷ! Tận trung chí hiếu như thế là cùng!
Rồi quay sang Long, Dũng hỏi:
- Ngày Tây Sơn dấy nghĩa thầy ta đoán câu sấm Phụ Nguyễn Phục thống, dòng họ Nguyễn khác sẽ thống nhất đất nước, nên mới bảo đại sư huynh ta đổi họ Hồ ra họ Nguyễn. Nay nhà Nguyễn Tây Sơn của ta mất nước, vậy hoá ra câu sấm ấy là sai hay sao?
Đặng Văn Long ưu tư đáp:
- Cơ trời biến hoá khôn lường. Nếu đoán trước được sao bảo là cơ trời! Nay sự đã rõ! Không phải câu sấm không đúng mà là thầy ta đã đoán sai .
Dũng hỏi:
- Vậy thế nào là đúng?
- Theo tôi câu “Phụ Nguyễn Phục thống” là một nhánh phụ của dòng họ Nguyễn sẽ thống nhất sơn hà. Nay Nguyễn Phúc Ánh không phải dòng đích tôn chính thống đã làm nên việc này, thế chẳng phải là câu sấm ấy đã ứng rồi ư ?
Văn Dũng lại hỏi:
- Anh em ta mất nước nhà tan, giờ phải đi về đâu?
Long đáp:
- Ta theo đường thượng đạo về Tây Sơn thượng nương náu với người thượng thì lo gì địch tìm ra tung tích.
Văn Dũng than:
- Giờ chỉ còn cách ấy mà thôi!
Nói rồi Dũng và Long băng rừng vượt núi về Tây Sơn thượng.
(Hết chương 68)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét