Quê tôi là một ngôi làng nghèo vùng đồng bằng ven biển miền Trung đầy nắng gió, đất đai cằn cỗi, con người khắc khổ. Cuộc sống của dân làng phụ thuộc vào cây lúa và con tôm sú, mà chúng nó lại phụ thuộc vào thiên nhiên. Như mọi người cũng đã biết rồi đấy, đã bao đời nay thiên nhiên đối xử thô bạo như thế nào với đứa con miền Trung, mỗi năm thiên nhiên lại càng thô bạo hơn, dữ dội hơn và cay nghiệt hơn, nào là lũ lụt, mưa bão, hạn hán, sâu bệnh... bao công sức, khó nhọc, dẫu cho người dân có “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” quanh năm vẫn gặ nhiều khó khăn… Thế nên dân làng tôi lần lượt rời quê đi tứ xứ mưu sinh với hy vọng cuối năm có chút đỉnh cho gia đình. Vậy là người già và trẻ em thì đi bán vé số, đàn ông trung niên thì chạy xe ôm, bốc vát hoặc làm “thợ đụng” - ai thuê gì thì làm đấy, còn đàn bà thì đi giúp việc nhà, rửa ly chén ở quán ăn, hoặc buôn bán ve chai… còn đám thanh niên thì lao vào các nhà máy, xí nghiệp ở miền Nam làm công nhân, một số ít thì cố gắng tiếp tục bám lấy con chữ để kiếm cài nghề ổn định với hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn.
Làng tôi bây giờ vắng lặng, yên bình. Tôi xa quê đến nay cũng được 05 năm, khoảng thời gian cũng không phải là dài nhưng cũng không phải là ngắn. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày tôi rời quê vô thành phố để học hành mộng kiếm tương lai tươi sáng. Như bao gia đình ở quê, nhà tôi ba mẹ làm nông, nghèo khó, đông con và tui là thằng út. Hôm tiễn tôi lên xe chỉ có mẹ, vì ba tôi phải đi làm sớm từ lúc gà chưa kịp cất tiếng gáy gọi bình minh. Lúc tôi chuẩn bị lên xe mẹ dúi vào tay tôi thêm mấy đồng còn lại của gia đình để tôi có tiền tiêu vặt, lúc đó tôi nhất quyết không nhận “Mẹ đưa cho con hết, cả nhà mình còn gì để mà chi tiêu”. Mẹ mắng tôi “không cần mày phải lo, chuyện đó để tao và ba mày lo được rồi. Vào đó cố gắng mà học hành, ăn uống đàng hoàng, khi nào rảnh thì gọi điện về cho ba mẹ biết chừng”. Tôi không cần biết sau này tương lai tôi có tươi sáng hay không, nhưng lúc đó lòng tôi buồn hiu hắt, tôi cố gắng kiềm nén những giọt nước mắt muốn trào ra từ khóe mắt trước mặt mẹ, tôi sợ mẹ buồn, tôi không muốn bà thấy con trai của bà yếu đuối, vậy nên khi xe vừa tới là tôi nhảy lên xe luôn, không một lời chào mẹ. Tôi đã khóc suốt đoạn đường dài...
Một năm sau khi ra trường tôi đã tìm một công việc ở cơ quan nhà nước ở thành phố, tuy đồng lương thấp nhưng công việc ổn định. Thời buổi này tìm kiếm công việc khó khăn nên tôi dặn lòng phải cố gắng bám trụ, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, tạo chỗ đứng trong công việc, và hy vọng trời sẽ không phụ lòng người.
Vậy là gần hết một năm, Tết chuẩn bị đến, lòng tôi cảm thấy nôn nao đến lạ. Tôi chưa bao giờ có cái cảm giác chuẩn bị đón Tết lạ như cái Tết năm nay. Bởi lẽ đây là năm đầu tiên tôi thật sự tự lập, có nhiều suy nghĩ về cuộc sống, về gia đình, và công việc. Tôi cảm nhận mình có chút gì đó trưởng thành hơn, trách nhiệm hơn đối với bản thân, gia đình, và công việc mình đang theo đuổi, khác hẳn với lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bây giờ tôi đang ngồi làm việc mà lòng hướng về quê nhà, tôi định bụng Tết năm nay sẽ dành tất cả những đồng lương, thưởng cuối năm của năm đầu tiên đi làm để mua quà và biếu ba mẹ, Tôi hình dung những lời trách mắng nhưng gương mặt toát lên vẻ hạnh phúc của mẹ “thằng này, vẽ chuyện. Để dành tiền đó mà chi tiêu, đưa tao làm gì!”, và ở góc nhà bên bàn nước trà, ba phả từng làng khói thuốc với khuôn mặt suy tư nhưng ánh mắt có chút gì đó rạng ngời.
Phan Thiết, ngày 17 tháng 01năm 2018
P.T.P
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét