Tháng Giêng qua nhanh. Trên triền đê nhìn xuống cánh đồng chạy dọc theo con sông Cầu quê tôi nước chảy lơ thơ, giống như một dải khăn lụa màu thiên thanh được tay cô gái quê nào đó lơ đãng đánh rơi. Dải khăn lụa rộng dài mênh mông hôm qua còn phơ phất trong hội Lim ngọt ngào câu quan họ “người ơi, người ở đừng về”. Một màu xanh non tơ mơn mởn của lúa xuân đương thời mỡ màng, dịu ngọt. Tháng hai qua rồi lại tháng Ba ào đến, một màu xanh ngon ngọt óng ả của thời con gái như hiện lên trong câu ca từ thuở tôi chạy lon ton đã được nghe ngoại đọc: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Ngoại bảo cây lúa được gặp mưa đầu hạ, trên trời có tiếng sấm, nhờ đó nước mưa đem theo chất đạm A môn tưới cho cây lúa vươn lên mơn mởn. Sau này khi đi học môn hóa, thầy giáo ra đề bài: “Em hãy viết công thức hóa học qua câu thơ: Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ nghe ba tiếng sấm phất cờ mà lên”. Bài tập hóa đó tôi còn nhớ đến tận bây giờ.
Màu xanh của lúa xuân như nhuộm cho dòng sông Cầu xanh trong hơn. Màu xanh như hắt lên da trời thêm lóng lánh. Khiến con chim én cứ ngập ngừng giăng mắc lưng trời mây biếc. Trên con đê làng, bên màu lúa xanh ấy, mỗi năm tiễn chân bao chàng trai lên đường. Những năm xa quê, niềm thương nhớ trào dâng, hình ảnh mẹ đội chiếc nón bạc màu, quần đen, áo nâu sồng, chân đi đôi dép lê cũ mèm, cùn vẹt gót, bước thấp, bước cao giữa rì rào tiếng lúa xuân tiễn chân con lên đường đánh giặc, chẳng hẹn ngày về. Nắng xuân đầu buổi sớm, xoá từng chùm, ngàn vạn dảnh lúa xuân rướn mình, thoả thuê thu nhận chuyển hoá thành màu diệp lục để tụ lại từng giọt sữa trong nõn đòng, như những giọt sữa chắt chiu của mẹ từng nuôi con không lớn. Nhìn lúa xuân, tôi chợt nhớ ông bà ta ngày xưa sao tình tứ, thanh lịch là vậy: “Thân em như chẽn lúa đồng/ phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”. Mùi hương của lúa xuân thanh khiết đến kỳ lạ. Nắng ban mai trong lành hoà vào hương lúa, quyện mùi mô hôi của mẹ của cha thành mùi thương nhớ đến nao lòng. Ngày ra trận, văng vẳng bên tai tôi câu thơ của cậu bé Trần Đăng Khoa: “Hạt gạo làng ta/ có nắng tháng bảy/ có mưa tháng ba/ từng giọt mưa sa/ những trưa tháng sáu/ nước như ai nấu/ chết cả cá cờ/ cua ngoi lên bờ/ mẹ em đi cấy… ”.
Giữa chiến hào mà thương mà nhớ mẹ vô cùng. Trong tôi lại hiện về hình ảnh, gió xuân thanh nhẹ lướt, phảng phất chút heo may cuối đông. Cái rét nàng Bân ập đến: “Bầm ra ruộng cấy bầm run/ chân lội dưới bùn tay cấy mạ non/ Mạ non bầm cấy mấy đon/ ruột gan bầm lại thương con mấy lần… ”. Để cho hôm nay bông lúa non cựa mình, từng túi phấn vàng vàng xoè cong nơi đầu hạt. Gío đưa, nắng hửng, hương lúa xuân dậy mùi thơm ngái. Túi phấn cong cong đầy tràn vương lên lá lúa, thoa nhẹ lên đôi má ửng hồng của em. Đôi tay em vơ cỏ, nhẹ nhàng như đang thêu dệt những nốt nhạc xuân giữa rì rào ca hát nơi hương đồng cỏ nội. Đâu đây, tiếng chuông cầu nguyện vọng tới, rung chạm vầng mây đang lơ lửng trôi ngang trời mênh mông. Chợt nghĩ, màu phấn mịn vàng của bông lúa còn ngậm đòng đòng sao hiền từ như ánh mắt âu yếm của mẹ một nắng hai sương. Vành nón ai kia, nghiêng nghiêng bên thảm lúa xanh rờn. Ánh mắt xanh trong, hiền lành quá đỗi như níu kéo một thời ấu thơ về nơi sâu thẳm. Như bay bổng, mơ màng hoà vào cánh cò trắng bay lả bay la. Lớp lớp sóng lăn tăn của dòng sông Cầu cứ mải mê cuốn xoắn vào nhau xô bờ, bồi lên lớp đất mỡ màu cho lúa xuân vưon lên hừng hực.
Rồi đây cây lúa xuân mỗi mùa dâng lên cho làng quê mùi hương tinh khiết bằng những hạt gạo trắng ngần. Mùi hương tinh khiết ấy ngấm vào thịt da nuôi lớn mỗi người. Nắng xuân lại rực lên, hương của lúa xuân càng nồng, dáng ai quyện vào hương lúa xuân buổi sớm. Vĩnh phúc cho ai được huởng huơng lúa xuân…
M.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét