(Kính tặng các bạn ở phố khu C- Khu nội trú Bách khoa Đà Nẵng)
Rất nhiều lần theo chân các cô, các bác, các anh và chị em về quê bà nội vào những ngày giỗ chạp, bà bảo làm phận con cháu phải thường xuyên đi về để biết đến tổ tiên và nhận mặt họ hàng ra đường xưng hô cho phải đạo.
Con đường về quê, tôi nhớ ngày ấy là con đường cái quan rộng lắm, nó chạy thẳng đến tận ngã ba sân bay Phù Cát. Bác xà ích đánh chiếc xe thổ mộ chở đầy hàng hóa và người đi chợ, đến chợ Mỹ Yên, thôn Mỹ Đức bác cho xe dừng lại bỏ khách đi chợ và tiếp tục rẽ trái đi thẳng về hướng thôn Thuận Nhứt - xã Bình Thuận - huyện Tây Sơn, đó là nơi chôn nhau cắt rún cuả bà. Sợ tôi còn nhỏ dễ quên bà đã nhiều lần nhắc lại và bảo tôi như thế. Những chuyến đi như thế này, tôi thích nhất là được ngồi gần bác xà ích, thỉnh thoảng bác ấy cho cầm dây cương; giật giật con ngựa như đã hiểu lệnh người chủ. Bác xà ích bảo giật cương là ra lệnh cho ngựa chạy, thả cương là để ngựa đi từ từ thong thả, gò cương là bảo ngựa đứng lại. Thật thú vị.
Chiếc xe tiếp tục đi thêm quãng nữa, hai bên đường nhà vườn họ trồng toàn một loại cây, giống cây cao to, rợp bóng mát như cây xoài, về sau tôi mới biết đó là cây điều cao sản. Riêng thân phận cây khoai mì đã trụ lại nơi đây và đồng hành cùng bà con và là nguồn thu nhập chính trên mảnh đất bạc màu. Điều đó đã hiện rõ từ những dụng cụ xay xát, bàn mài, bàn chà... nhiều thứ đồ gia dụng phổ biến để chế biến khoai mỳ, bằng phương pháp thủ công chất đầy cả góc hè. Thật là vô tình ở miền quê nghèo như Thuận Nhất, Thuận Hạnh của bà lại thành làng có sản phẩm nổi tiếng “bột mì nhứt”.
Ngày mai là đến giờ học làm thủ công ở lớp, tôi loay hoay mãi không biết cách nào để dán những tờ thủ công đầy màu sắc. Ngày ấy không có loại hồ dán công nghiệp nào bán ra thị trường, duy nhất chỉ bán hộp hồ tròn tròn bên trong có bột màu trắng là dán được, nhưng chợ thì ở xa không có cách nào mua kịp. Bà mở trong ngăn chạn cuối cùng, lấy gói bột mà bà đã gói cẩn thận nhiều lớp bằng vó bao xi măng bà cất ở đó khá lâu. Lấy ra một ít và hòa với nước thành một màu trắng đục như sữa, bà bắt lên bếp khuấy đều thứ bột có nước màu trắng đục sền sệch kia, dần chuyển sang màu sáng trong và dẻo hơn như thế là hoàn thành món “hồ dán”. Bà tôi bảo thế.
Mình không nhớ chính xác giá “bột mì nhứt” là bao nhiêu, nhưng tôi biết là bột mì rất rẻ, mua chừng một hai, ba ngàn đồng là cả nhà có thể ăn sáng no cả tuần. Mãi cho đến sau năm 75 đời sinh viên sống tập thể, cuộc sống tem phiếu muôn vàn khó khăn, thời bao cấp thiếu thốn đủ bề. Năm ấy tôi xin mẹ tôi gói bột mì nhứt mà mẹ tôi để dành khá lâu. Gói bột được mẹ cất để dành từ cuối mùa mưa lần về quê bà năm trước, mẹ bảo bột này ngon, hành trang của tôi về trường sau mùa hè năm ấy có thêm món “hồ dán”.
Buổi sáng chủ nhật hôm ấy ở dãy nhà Khu C Trường Bách Khoa Đa Nẵng có món “Bột mì nhứt quậy” mùi mỡ heo phi lên thơm lừng từ cái bếp nhóm tạm sau hè. Chúng tôi năm bảy thằng ở trần trùng trục, ngồi túm tụm xúm quanh chảo bột hồ dán. Mỗi đứa một cái muổng múc hồ dán chấm vào nước muối pha loãng và ăn một cách ngon lành. Có lẽ khi đói bụng quá mình thấy món bột đấy ngon “bá cháy”, nhưng nhiều lúc lại ngán đến phát ghét chỉ vì riêng nó là món ăn nhạt thếch.
Phải nói, hiếm có món ăn nào rẻ tiền mà ngon đến như thế. Sau này đời sống phát triển, món ăn tự nó đòi hỏi nhu cầu cao hơn ở người thưởng thức. Do vậy, món hồ dán phải cầu kỳ hơn: Chén mắm chấm “hồ dán” phải giã thiệt cay, mắm thiệt ngon thì ăn mới sướng. Bình thường thì chỉ cần chén mắm ngon, cay xè là ngon lắm. Muốn ngon hơn chút nữa thì “đầu tư” chén mắm nêm, còn thấy con cá cơm muối nguyên, hai bên hông ánh bạc óng ả nằm trong chén, vắt thêm chút chanh. Dích một cục bột, chấm một chút mắm cay xè hít hà... quá đã.
Chuyện bữa điểm tâm bằng “hồ dán” tôi viết nhằm vào ngày đầu xuân Mậu Tuất. Thực ra món “hồ dán” đối với người dân xứ Nẫu và riêng tôi không xa lạ. Những ngày thiếu thốn đời sinh viên đã đi qua một kỷ niệm khó quên. Tôi vẫn thích cái không khí đầy ắp tiếng nói, tiếng cười, cùng tiếng muổng kêu soàn soạt do cạo miếng cháy, hơn 40 năm tưởng đã rất xa. Khi nhắc đến tôi lại thấy lòng mình như chùng lại.
Ngồi lại với vài người bạn thân, có khi chỉ ngồi chả nói gì, lặng trôi giữa mùi hương xuân ngan ngát và ly rượu mừng năm mới vừa ngọt vừa cay và như chờ mong khoản trời riêng hạnh phúc. Hôm nay món “hồ dán” ở bữa điểm tâm nó đã lạc mất từ lâu.
Xuân Mậu Tuất 2018
T.V
“Bột mì nhứt”, tện gọi loại bột được chế biến từ khoai mì của người Bình Định. Khoai mì làm bột thì đợi đến tháng chạp hoặc ra giêng, củ đã già đi, lúc đó mới nhổ lên mài lấy bột phơi trong ngày nắng.
Món nầy ăn ngon lắm nhất là khi trời mưa. Cảm ơn tác giả đã nhắc lại món ăn ngày xưa mà lâu nầy tôi cũng đã quên rồi.
Trả lờiXóa👍
Trả lờiXóa